Bài này được viết sau khi kế hoạch kinh tế 2004 khép lại, trong một bối cảnh khá đặc biệt: lạc quan trong trăn trở. Quả thật, tình hình ‘thực hiện kế hoạch’ 2005 (và chắc không chỉ riêng năm 2005) cũng sẽ có đặc điểm giống như năm 2004. Nhưng do năm 2004 đã để lại những ghi nhận đáng chú ý và cảm nhận ‘ấn tượng’nên sự quan sát hay khảo sát kinh tế cần đặt tại mốc thời gian này để có đối chứng rõ hơn. Ngoài các nhận định kinh tế, bài viết có thể được xem là một ghi nhận có tính giai đoạn. Bài viết được VietnamNet đặt hàng truyền tải liên tiếp 3 kỳ vào dịp Tết Ất Dậu trên VietnamNet và trích đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (VietnamNet ngày 15, 16, 17/2/2005 và TBKTSG 7/4/2005).
Nức lòng thành quả…
Kết quả kinh tế thu đạt trong năm 2004 của Việt Nam được báo chí loan đi khá ấn tượng: Là năm được mùa, bội thu, kỷ lục… Trong khi sự lạc quan và niềm hưng phấn có cho ta chút nghỉ ngơi vào khoảng giao thời giữa năm cũ và năm mới thì cỗ xe kinh tế vẫn cứ thế… cần cù leo dốc. Thời gian này đối với nhiều ‘cái đầu’ còn là dịp nghỉ để nghĩ, là khoảng ‘giữa giờ’ để nhìn lui cho hướng tới. Nếu cần thêm đôi lời ngắn gọn để tiễn biệt năm Giáp Thân (2004) thì đó là một năm đầy kịch tính nhưng kết thúc khá ‘hậu’…
Quả thật, có nhiều con số và sự kiện mà vào thời điểm đầu năm 2004, thậm chí là cho đến Quý 3, ít ai dám nghĩ tới, ví dụ, đầu tư nước ngoài: trên 4tỷ USD, xuất khẩu: 26tỷ USD, tài trợ ODA: 3,4tỷ USD, kiều hối: 3,8tỷ USD… Ngay như du lịch (tưởng sẽ rất khó khăn) cũng đã vượt cái ách cúm gà, với lượng khách ‘in bound’ (du lịch đến Việt Nam) là 2,9 triệu lượt khách, một con số cao nhất xưa nay. Về kinh tế đối ngoại, sự thành công của việc tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu lần thứ năm (ASEM-5) đã cho cái nhìn của quốc tế về Việt Nam thuận lợi hơn, trong đó có việc mở thêm cánh cửa để Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngay như quá trình ‘không mấy bằng phẳng’ trong hợp tác thương mại Việt-Mỹ (BTA), thì kết quả làm ăn của hai ‘đồng minh cũ’ này cũng rất nổi trội. Những con số thực tế cho thấy hiện nay Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (năm 2004 là 4,2tỷ và bằng 25 nước Châu Âu cộng lại); trong khi nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam là 1,2tỷ USD. Một ‘bạn hàng’ như vậy là rất khích lệ. Nhưng số liệu chỉ là một lẽ và thành quả không chỉ là số liệu… Mới đây, bà Charlene Barshefsky (một kiến trúc sư của quá trình xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Mỹ) trong cuộc gặp 200 doanh nhân và sinh viên Việt Nam tại Hà Nội (ngày 18-1-2005) đã nói: “Kết quả thăm dò của Zoghy International, hãng thăm dò ý kiến nổi tiếng của Mỹ, cho thấy 2/3 người Mỹ hài lòng với sự tăng trưởng thương mại Việt Mỹ và ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Đây có thể coi là một sự ủng hộ cao bất thường về thương mại dành cho một quốc gia. Sự ủng hộ dành cho Việt Nam như vậy thậm chí chỉ đứng sau sự ủng hộ của người Mỹ dành cho nước Anh”.
Bối cảnh quan hệ kinh tế và cải thiện đầu tư với nhiều nước khác, đặc biệt là với Nhật, cũng được ghi nhận là tích cực. Việc thu hút nguồn ‘nội lực’ từ nước ngoài (Việt kiều) lại đã cho kết quả khá tốt; cụ thể, Liên doanh Hạlong Bay Group Ltd., ký ngày 26-1-2005, có qui mô vốn đầu tư lên tới 1,5tỳ USD, là một dấu ấn đậm nét, không chỉ ở ý nghĩa kinh tế mà còn là cái gạch nối tình cảm của một hiện thực Việt Nam ‘không thể tách rời’. Thành tựu có thể làm ta nức lòng, nếu kể nữa chắc sẽ còn nữa. Nhưng thành tựu chỉ là cái kết thúc của qúa trình. Một thành tựu ấn tượng và một quá trình thuyết phục là hai khái niệm khác nhau. Ý này rất cần được nhìn nhận rõ và đầy đủ.
Kết quả 2004 cho dù là đáng mừng nhưng không phải ít lo. Tôi nghĩ rằng, rất nhiều người, ở những vị trí lãnh đạo đất nước, tại các doanh nghiệp, đặc biệt là giới nghiên cứu và phân tích kinh tế, vẫn còn lắm ưu tư trăn trở, không phải riêng đối với năm 2004 mà nói chung cho cả một diễn tiến dài trước đó. Và khi nhìn lại đoạn đường đã qua cũng như hướng đến con đường sắp tới, thay vì ta lạc quan suông, những quan sát đánh giá, so sánh rút tỉa trên tinh thần cầu thị để có bước đi chắc hơn, nhanh hơn, là rất cần thiết, vì điều này sẽ cho ích lợi thực sự về lâu về dài. Quá trình nhìn lại để hướng tới đó rất cần một tư duy vĩ mô trong cái nhìn vi mô, đồng thời (và ngược lại) cũng cần một tư duy vi mô trong toàn cảnh vĩ mô. Sự đan quyện trong tư duy như vậy là nên có và nên khuyến khích, vì nó làm tăng ý thức trách nhiệm, cho cái nhìn thấu hơn vào vấn đề, để biết cái gì là thực trạng, điều gì sẽ cần lời giải căn cơ… Điều này lại có ý nghĩa tương tác cho quá trình điều chỉnh và bổ sung liên tục, giúp nền kinh tế có điều kiện phát triển thích ứng, phát triển đuổi theo hay bắt kịp…
Theo lệ thường, cứ hễ ‘kế hoạch hoàn thành’ là ta có chút ít xả hơi… Nền kinh tế thì lại không vậy, nền kinh tế không có khái niệm hoàn thành và không bao giờ có sự nghỉ ngơi. Mặt khác, cho dù cái gánh của năm 2005 (kế hoạch tăng GDP 8,5%) có nặng hơn thì điều này lại không đơn giản sẽ chỉ dừng ở 2005… Không có gì phải bi quan và ta sẽ tự tin lên đường thôi, tuy nhiên, yêu cầu về độ bền và sức mạnh trong phát triển kinh tế vẩn còn đó là bài toán đặt ra cho ‘niên khoá’ mang nhiều ý nghĩa này…
Đặt vấn đề độ bền và sức mạnh cho một cái nền căn cơ là việc của chúng ta. Thật may khi nghĩ về điều này ta không bị bế tắc, vì ta thực sự đang có sẵn một tiềm lực còn thừa công suất: là ‘nội lực’ của hằng triệu con người trong nền kinh tế đang khao khát hiển đạt. Chính đây là sức mạnh đang chờ được khơi lên. Tương tự ‘khoán 10’ hay như bước điều chỉnh nhẹ nhàng ‘ai làm ruộng’ đã cho có cú nhảy vọt sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào khoảng trước sau 1990…
Bối cảnh ‘kinh tế dùng sức’
Mặc dù tăng trưởng liên tục, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy yếu tố bền vững trong phát triển kinh tế nước nhà vẫn chưa rõ ràng. Hay có thể nói, kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua một thời kỳ phát triển tốn nhiều sức. Sự phát triển tốn nhiều sức hay kinh tế dùng sức ở đây diễn đạt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chẳng hạn, việc xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế, gia công, sản phẩm có độ tinh không cao, hàm lượng chất xám ít… sẽ cho hệ quả về giá trị thặng dư thấp, hiệu quả kinh tế kém, chỉ là lấy công hay thậm chí ‘ép’ công làm lời. Ngành dệt may và giày da có thể là minh hoạ rõ nhất, thường dễ được nêu lên nhất mỗi khi ta đề cập đến tình trạng kinh tế này. Tuy vậy, thật ra dệt may và da giày chưa xứng là đại diện. Xét về bản chất tương đồng thì dầu thô, gạo, cao su, cà phê… cũng như rất nhiều khu công nghiệp (hay ngành công nghiệp) cũng đang cho kết quả kinh tế hay hoạt động theo lối ‘dùng sức’. Nhưng đấy cũng mới chỉ là một mảng của bối cảnh…
Phát triển tốn nhiều sức (theo cách hiểu thoát hơn) còn thể hiện từ thực tế vận dụng, sự vận động hay tác động quá tập trung từ nguồn lực nhà nước, phải thúc và đẩy liên tục với nhiều ‘biện pháp’ khác nhau mà nếu ngừng thúc đẩy thì kết quả có thể lập tức bị ảnh hưởng… Nền kinh tế như vậy chưa có được một động cơ tự hành. Quá trình thúc và đẩy đôi khi lại căng thẳng, nhất là vào giai đoạn nước rút (càng về cuối năm), nôm na là phải ‘chạy kế hoạch’. Sự tập trung cho kinh tế là bình thường, nhưng quá tập trung lại có thể ảnh hưởng đến yêu cầu quân bình đối với việc điều hành vĩ mô. Nhiều lãnh vực hay chức năng quan trọng khác (thuộc nhiệm vụ nhà nước) có thể bị xem nhẹ, khó khách quan, không tách bạch… Vấn đề ‘Bộ chủ quản lo cho con mình’ (DNNN) và yêu cầu ‘Bộ quản lý ngành’ theo tiêu chí ‘đồng đều về đối xử’ là một thực trạng kém thuyết phục.
Kinh tế dùng sức còn là sự khai thác thái quá các điều kiện thiên nhiên, thậm chí là môi sinh, để canh tác và làm hạ tầng sản xuất, mà hiệu quả – về vật chất hay lạc phúc cộng đồng nói chung – có thể không bù đắp được các di hại tiềm ẩn. Phản ứng từ dự án ‘Life Resort’ trên Đồi Vọng Cảnh (Sông Hương, Thừa Thiên – Huế) và nhiều thực tế khác là ví dụ về sự lo ngại này. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút đầu tư hay tự đầu tư giữa các địa phương nhỏ lẻ, cách làm kinh tế theo ‘nhiệt tình’, không đủ tầm hay có ít điều kiện chọn lựa (và chọn lọc), cũng dễ cho tình trạng hiệu quả thấp hơn là tổn phí thực nhưng khó thấy vì nhiều lý do, mà nếu tính đúng thì thậm chí đó có thể là hoang phí… Các nhà máy xi măng lò đứng, mía đường, các dự án đánh bắt xa bờ, chế biến tinh bột sắn và phát triển trồng cây khoai mì… thuộc mảng ý này.
Chúng ta thường nhắc đến ‘cái đà’, nhưng thực tế phát triển ‘vất vả’ (hay chật vật) trong nhiều năm qua có thể nói chưa cho cái đà đủ vững nào. Vừa thở phào ‘hoàn thành kế hoạch’ cho năm này thì lại lo ngay ngáy ‘chạy’ cho năm tới. Không có cái đà và chưa có cái nền, việc thực hiện kế hoạch thường giống như ‘ăn đong’, nhất là trong tình hình có nhiều bất trắc khách quan (từ trong nước hay của thế giới). Nội dung thuộc về chất lượng phát triển, bối cảnh và quá trình bất ổn này đã được thừa nhận và nhắc tới tại nhiều diễn đàn.
Hãy lấy năm 2004 để soi xét. Cho dù đây là năm đạt thành tựu đáng mừng, quá trình để có thành tựu đó lại rất phập phồng. Đó là gì? Là vấn đề dịch cúm gà và du lịch, là giá tiêu dùng bứt lên, sự bất ổn ‘lợi hại’ của giá dầu cao (lợi xuất khẩu dầu thô, nhưng hại và bị ảnh hưởng dây chuyền khi nhập xăng dầu thành phẩm). Là đồ gỗ lên ngôi bất ngờ chỉ là nhờ gặp hên (từ việc Trung Quốc bị áp thuế ngành này), là cái rủi con tôm, cái may kiều hối… Chưa nói các nỗi lo nội bộ khác như ‘vấn đề quota’, các trường hợp ‘hạn chế về trình độ’ dẫn đến sự cố làm nghèo nhiều DNNN, tình trạng ‘bộ máy hư hỏng’(*) trong quá trình ‘dùng sức’ (quá trình tham gia ‘thúc đẩy’ ở khu vực hành chánh và trực tiếp điều hành kinh tế)… Mặt khác, các diễn biến phức tạp liên quan đến tình hình thế giới cũng đã làm ta lên ruột: Lò lửa Trung Đông, hệ quả từ việc đồng đô la Mỹ xuống/Euro lên, vàng nóng… là những thứ dễ có ảnh hưởng nội tại đến kết quả tính toán giá trị tổng sản lượng (cả GDP lẫn GNP) của ta.
Đánh giá bất lợi của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) về khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước ta, sụt 17 hạng trong năm 2004, ít nhiều cũng là phản ảnh của thực trạng. Trước những phập phồng mỗi năm mỗi lo như vậy, năm 2005 cũng đã đến với ít tình huống tương tự: Dịch cúm gia cầm lan rộng, giá tiêu dùng hứa hẹn lên cao (hai tháng đầu năm đã là 3,6%, bằng cả năm 2003), dệt may bị thử thách do thế giới (WTO, AFTA, FTA) tháo bỏ hạn ngạch mà Việt Nam còn phải tiếp tục bị đứng ngoài…
Nghiêm túc để nhìn nhận có thể thấy, bên cạnh những ảnh hưởng khách quan, nền kinh tế còn nhiều trì trệ chủ quan chưa được tháo gỡ. Vậy là… nếu người ta lo một thì mình có thể phải lo hai, ba hay hơn. Bởi, cho dù tác động ngoại lai hay khách quan (chuyện ở đâu và thời nào cũng có) là khó tránh, kinh tế một nước vẫn có khả năng phát triển vững nếu có một cái nền tự hành đủ vững. Cái nền tự hành này nằm ở đội ngũ doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đội ngũ doanh nghiệp ở ta lại có sự phân biệt rõ là tư nhân, nhà nước, nước ngoài… gọi là các ‘thành phần kinh tế’, có luật điều chỉnh riêng. Trong khi ‘quốc doanh’ được giao nhiệm vụ chủ đạo, thì quá trình vận động theo quy luật cạnh tranh lâu nay cho thấy thành phần này lại tỏ ra đuối sức. Đã có quá nhiều sự cố và vấn đề, từ những bất minh tai tiếng, phí phạm, tới các bế tắc đưa đến lụi tàn… Nhiều DNNN đang tồn tại thì hiệu quả chỉ là cầm cự, dưới mức lãi ngân hàng; chưa nói lỗ. Kết quả kiểm toán 47 DNNN thuộc 9 tổng công ty (loại có bề dày, nhiều lợi thế) được công bố hồi tháng 10-2004 cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình chỉ là 7,6%. Các công ty cổ phần mà lợi nhuận kiểu này thì chắc đã sóng gió! DNNN lại nắm đến 60% tổng tài sản doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp vào GDP ít hơn 40%.
Về hiệu quả và ý nghĩa đầu tư từ vốn nhà nước, nhận xét mới đây của Bà Phạm Chi Lan (Ban Nghiên cứu cạnh Thủ tướng Chính phủ) cho một góc nhìn sâu hơn: “Đầu tư 1 triệu USD cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể tạo ra 3000 việc làm. Trong khi Chính phủ chi 230 triệu USD xây nhà náy xi măng thì chỉ cho có 700 việc làm. Mặt khác, sản phẩm do nhà náy xi măng đầu tư bằng vốn nhà nước làm ra có chi phí đến 50USD/tấn, so với 12USD/tấn của Chinfon và 17USD/tấn của Holcim”.
Do được khuyến nghị và thực tế nhiều trường hợp đầu tư vốn nhà nước kém hiệu quả, thời gian qua rất nhiều dự án đã bị ách lại, các dự án Giấy Thanh Hóa (1637 tỷ đồng), Giấy Kontum (2400 tỷ đồng)… là các ví dụ. Cho dù không thể phủ nhận nỗ lực cải cách DNNN của Chính phủ, kinh nghiệm thế giới và thực tế ở ta cho thấy, thành tố DNNN khó đảm đương vai trò ‘chủ đạo’ trước các áp lực khách quan trong quá trình tạo lập nề nếp vận động theo cơ chế thị trường, nhất là để đáp ứng các yêu cầu cho quá trình hội nhập. Điều này có thể kiểm chứng qua mức độ xoay chuyển, năng động thích ứng, tổ chức điều hành… là những hạn chế về quản trị hiệu quả; cũng như cung cách hành xử bao cấp, thói quen ỷ lại, dựa dẫm, quan hệ đan xen, chao mờ… là các hạn chế về minh bạch. Thêm nữa, kết quả thực hiện còn tùy vào năng lực và đạo đức cá nhân nên thường may rủi, có ít tính bền. Nhìn từ góc độ quản lý kinh doanh, sự vận hành nặng nề của thành phần DNNN như vậy là một biểu hiện khác của kinh tế dùng sức. Đã vậy, nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam hiện nay lại hầu như chỉ có ‘hai người’ trên sân chơi, là DNNN và đầu tư nước ngoài (xi măng, sắt thép, dầu khí, viễn thông, hàng không, đường sắt…). Đây có thể là mối lo, là điều đáng suy nghĩ… Bởi thực trạng kém hiệu quả của DNNN (hay tình trạng hụt hẫng tài sức) tại những ngành kinh tế nặng ký này đến một lúc có thể là nguy cơ buộc ta phải nhường sân lại cho ‘khách’ chơi với nhau hoặc mặc nhiên tạo lợi thế tuyệt đối cho các đội ‘bạn’. Cả ‘khách’ và ‘bạn’ ở đây đều là nước ngoài !
Bền vững… ‘động cơ tự hành’
Không phủ nhận sự cần thiết của yếu tố quốc doanh, ngược lại nếu thủ đúng vai, hiện diện đúng chỗ, thì thành tố này chẳng những cần thiết mà còn là yếu tố ‘dẫn đạo’ (khái niệm dẫn đạo thay cho chủ đạo). Tuy nhiên, ngoài các phân tích ở phần trước, với bối cảnh ‘đại trà’ (hiện diện không cần thiết trong nhiều bối cảnh thị trường), sự xoay chuyển nặng nề, mơ hồ về yếu tố cốt tử ‘ai là chủ’ (chủ sở hữu DNNN đến nay vẫn được hiểu là toàn dân!), cộng với quá trình dai dẳng sắp tới xếp lui chưa biết lúc nào xong. . . làm cho thành tố này kém thuyết phục.
Đầu tư nước ngoài tuy là một yếu tố giúp phát triển tích cực, cho sức bật cần thiết, đôi khi khá mạnh mẽ, nhưng cần thấy rằng đây là thành tố rất ‘khó tánh’ và chẳng phải họ hào phóng hay vô tư ‘giúp’ ta cái gì… Điều này cũng đúng thôi, vì họ đến đây là để làm ăn kiếm lợi, lại làm ăn xa nhà, đang mạo hiểm vào miền đất lạ, mà nếu rủi ro thì có thể là mất chứ không phải chỉ có “lọt sàng…”. (Nói là nói vậy, thật ra thành tố này luôn được bảo vệ tới hai lần: một là luật pháp của nước đầu tư sở tại với các cam kết quốc tế, và hai là quốc gia mẹ của họ với các cam kết ngoại giao). Như vậy, cũng chẳng khó thấy việc họ làm vì họ và đặt ưu tiên cho đất nước họ và chuyện khi vui tôi ở lúc buồn tôi đi đối với thành tố đầu tư nước ngoài là bình thường. Dù được xem quan trọng, được đánh giá cao, dù ta có muốn (hay đôi khi họ muốn) xem họ như người nhà, thì trước sau gì (hay lúc khác) họ vẫn muốn là khách hơn…
Không xem nhẹ hai ‘ông anh’ đang mạnh hơn kia, tuy nhiên, suy cho cùng thì khu vực kinh tế tư trong nước mới là ‘người ở lại’, sẽ bám chặt và sống chết với nền kinh tế. (Ở đây tôi cố ý gọi là khu vực kinh tế thay cho thành phần kinh tế vì cách nói sau dễ gây phân biệt mà nhiều doanh nhân không thích). Chính khu vực kinh tế tư mới thiệt là ‘người nhà’ của kinh tế thị trường… Và như lẽ sống ngàn đời, khu vực kinh tế này luôn luôn cần mẫn vì mình, cao hơn còn vì quê hương mình, (mà dẫu có ‘thấp’ thì cũng là cho con cho cháu mình). Không hề có ý bảo thủ, chỉ là để nhận dạng rõ hơn một nguồn lực có cường suất vừa lớn vừa bền, ta liên tưởng khu vực kinh tế tư là lực lượng doanh nghiệp có trang bị sẵn động cơ tự hành.
Là người chí khú làm ăn và bám trụ dài lâu với đất nước, khu vực kinh tế tư trong nước khi làm giàu cho mình thì mặc nhiên cũng là làm giàu cho đất nước. Họ càng giàu thì đất nước càng mạnh, doanh nghiệp của họ phát triển nghĩa là đất nước phát triển… Động cơ tự hành của khu vực này hiện hữu tự nhiên, có nhiên liệu và được bôi trơn bằng lợi nhuận; được chắp cánh bằng niềm đam mê doanh nghiệp, tình tự chinh phục và tình yêu quê hương. Tất nhiên, tùy theo thực trạng và khả năng vận dụng, đất nước phát triển không phải từ riêng một ‘thành phần’ nào, nhưng tôi cho rằng năng lượng (hay động lực) toát ra từ khu vực kinh tế tư trong nước trong quá trình hoạt động kinh doanh là vô tư và mạnh nhất. Họ liên tục gầy dựng cho mình, cho con cho cháu mình, với chút hồn nhiên (và tự nhiên) coi việc làm ăn là lẽ sống. Không ít trường hợp họ miệt mài (có thể hiểu là cống hiến) suốt đời cho sự phát triển doanh nghiệp, thậm chí chỉ biết làm chứ không biết hưởng!… Một bối cảnh tập hợp được tinh thần doanh nghiệp như vậy sẽ rất bền bĩ. Đây là khu vực kinh tế có cường độ làm việc và năng suất công việc cao nhất; hiệu quả tích lũy tiếng là ‘của riêng’ nhưng đấy chính là tài sản quốc gia. Cũng cần nói thêm một khía cạnh trung thực từ suy nghĩ mộc mạc ‘mình làm cho mình’, và ý này cũng tải đi một góc tư duy vĩ mô: Nếu các ‘cá nhân’ khu vực tư càng có điều kiện làm giàu thì đất nước sẽ càng được giàu, ngược lại với bối cảnh DNNN, khi một số cá nhân ‘có điều kiện’ càng giàu thì ‘đất nước’ có thể sẽ càng bị nghèo đi.
Tương tự khu vực tư, một ‘nội lực’ khá mạnh và ‘hồn nhiên’ không kém đó là người Việt hải ngoại, mà lượng kiều hối hằng năm họ gởi về chỉ là một phần nhỏ hay phần nổi so với tiềm lực của họ.
Đến đây, việc nhận dạng thế nào là kinh tế dùng sức, thế nào là kinh tế tự hành đã rõ hơn. Sự nhìn nhận và ‘biên chế’ lại lực lượng chủ lực cho nền kinh tế sẽ là tiền đề quyết định tính bền (sustainability) cho phát triển. Một quyết sách nhanh chóng khơi dậy và nâng tầm kinh tế tư nhân cần được tập trung cao và nhất quán. Đây là việc không còn thời gian để chậm, vì ‘lực lượng kinh tế nòng cốt’ này đang ở thế yếu nhất về nhiều mặt (so với DNNN và đầu tư nước ngoài).
Là tương tác nhân quả, nỗ lực tập trung cũng đồng thời cần được tiến hành từ việc đẩy mạnh cải cách DNNN một cách triệt để và nhất quán, chứ không chỉ sắp xếp để mai này lại phải tiếp tục sắp xếp. Đích đến thuyết phục cho kinh tế nhà nước sẽ là phục vụ hạ tầng, dọn đường, khai thác dẫn dạo (không nên là chủ đạo) với các công ty quốc gia xứng tầm. Đặc biệt, DNNN không nên là một ‘thành phần kinh tế để cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác’. Trong một đóng góp cho quá trình chuẩn bị ‘luật doanh nghiệp thống nhất’ (Ban Nghiên Cứu TTgCP/VCCI chủ trì) tôi có đề nghị nên có một danh mục cụ thể cấm những ngành mà DNNN không được kinh doanh (việc mà ta đã áp dụng với các khu vực kinh tế khác), bất kỳ là khi thành lập hay sau khi đi vào hoạt động. Tại sao vậy? Vì DNNN mà đi kinh doanh karaoke hoặc cạnh tranh loạn vào những ngành nghề mà ai cũng làm được (và làm tốt hơn) thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và chức trách của nhà nước.
Quá trình xây dựng khu vực tư và cải cách khu vực DNNN nói ở phần này vừa tạo ra được một bối cảnh kinh tế đồng chuyển vừa làm tăng thiên chức nhà nước. Một khi không phải tốn quá nhiều sức tập trung cho lãnh vực kinh tế, thì nhà nước sẽ rảnh tay hơn cho những lãnh vực quốc kế dân sinh khác, nâng tầm vai trò đối tác quốc gia, và hình ảnh một ‘nhà nước thân thiện’ cũng sẽ dễ là hiện thực…
Tạo ‘sự khác biệt’ qua tiếp cận ‘chất lượng’
Phát triển sản phẩm chất lượng cao là một tiếp cận cũng rất cần được xem xét và chú trọng. Nền kinh tế cần được định hướng thế nào để có khả năng tạo được những sự khác biệt có lợi thế cạnh tranh. Cùng quan điểm này, giáo sư Goarnission Oliver (Đại học UBI của Bỉ) đã gợi ý trong một cuộc trao đổi hồi Quý 3-2004 tại TT Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (VAPEC) rằng “Việt Nam hãy là một Thụy sĩ của Viễn Đông… Hãy quên vấn đề giá đi để chú trọng chất lương hàng hoá…”.
Nhiều khảo sát quốc tế cũng đã có chung nhận định rằng, tay nghề và độ khéo léo của bàn tay Việt có khả năng làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Theo giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) thì “nhiều công ty đa quốc gia sản xuất cho thị trường Việt Nam trong thời gian qua có nhận xét là giới tiêu dùng ở Việt Nam rất khắc khe về phẩm chất, luôn đòi hỏi phải cải tiến chất lượng và kiểu dáng sản phẩm…”. Anh Thọ cũng cho rằng khuynh hướng chuộng chất lượng này dễ làm cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam có sức cạnh tranh cả về giá thành lẫn phẩm chất.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến và nhận định của hai vị giáo sư vừa nêu. Tất nhiên, phẩm chất (và giá thành) sản phẩm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng quan trọng hơn hết, quá trình thử thách để sản phẩm đạt đến hoàn thiện (nhìn từ góc độ xã hội) cần được bắt đầu từ phẩm chất chủ quan của chính con người. Vấn đề ở đây là họ có muốn và/hoặc có đòi như vậy hay không?… Thiết nghĩ, các giá trị chung quanh vấn đề phẩm chất (sự công phu, tinh tế, khéo léo) của người Việt thể hiện trong nếp sống, được gởi gắm vào các sản phẩm hay gói trong phong cách sử dụng và thể hiện, sẽ là đề tài thú vị để các nhà nghiên cứu khám phá và có đúc kết. (Có thể liên hệ đến chén trà hay thanh kiếm của người Nhật, lọ nước hoa của người Pháp, chiếc đồng hồ Thụy sĩ…). Một ý khác cũng đáng được quan tâm, nếu không phải là vấn đề quá ‘cơm gạo’ thì, xét ở nhiều mặt và vì nhiều lý do, có lẽ Việt Nam không nên (hay không thể) là ‘cái xưởng của thế giới’ như Trung Quốc được (về khoa học kỹ thuật, vị thế, lãnh thổ, dân số, thị trường…)
Nền kinh tế lại rất cần có sự phát triển đột phá bất cứ khi nào có thể được. Là vì theo tính toán, cho dù kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng liên tục 8,5%/năm trong 10 năm tới (điều không phải dễ trong điều kiện hiện nay) thì GDP nước ta cũng khó mơ đuổi kịp Thái Lan hiện nay (thời điểm 2004, GDP Thái Lan trên 200 tỷ USD). Đặt lại vấn đề canh tân và chấn hưng kinh tế, có lẽ không người Việt nào lại không mơ ước đến một giai đoạn phát triển thần kỳ như nước Nhật từng có (từ 1955-1973, GDP tăng bình quân 9%/năm, riêng giai đoạn từ 1965~1970 là 12%/năm); hay các thập niên bức phá diệu kỳ của ‘bốn con rồng châu Á’ (các nước NIC, 1970/1980). Có nhiều cơ sở để chúng ta tin vào một vận hội mới. Bởi tiềm lực kinh tế của ta còn rất lớn, nằm trong hằng triệu trái tim doanh nhân hay chuẩn doanh nhân trong nước, đang có mong muốn làm giàu cho chính mình giữa lòng đất nước. Mặt khác, vì kinh tế Việt Nam đang còn ở mức rất thấp, được xem như một vùng trũng của cơ hội…
Hy vọng, song song với nhiệm vụ 2005, trong khi khép lại ‘ngũ niên’ tốt đẹp đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba và đón chào những sự kiện lớn của năm, nền kinh tế sẽ đồng thời nhận được một bước chuyển khẳng định sang giai đoạn phát triển tự hành. Một khi bối cảnh kinh tế có sự đồng chuyển trên các trục động lực (được vận hành bằng ‘năng lượng’ phù hợp) sẽ tạo đà bền vững và mở ra cơ hội cho giai đoạn phát triển vượt thoát. Những khao khát được cống hiến của riêng khu vực kinh tế tư cho sự giàu có của đất nước chắc chắn sẽ là sức bật chủ lực cho giai đoạn phát triển vượt thoát đó. Và điều này như đang đăt hàng cho một chiến lược vĩ mô… Đây có thể là một hoạch định lịch sử cho bước chuyển thế kỷ, là lời hiệu triệu để tập hợp tâm huyết Việt, mở ra một giai đoạn phát triển tự tin trên nền Việt.
Huy Nam, CV Kinh tế TC và TTCK, TPHCM
*Ý này đã được TT Phan Văn Khải dùng trong phát biểu nhân dịp găp gỡ doanh nhân tại TPHCM ngày 14-10-2004
(VietnamNet: vnn.vn/kinhte/2005/02/377367–vnn.vn/kinhte/2005/02/377177– vnn.vn/kinhte/2005/02/377479, ngày 15, 16, 17-2-2005. Thời báo Kinh tế Sài Gòn 7-4-2005)