Về mặt địa lý, miền Trung được xem là nơi có một số bất lợi về thời tiết, chủ yếu là nắng hạn và bão lũ… Có lẽ vì thế mà ít có ai nhắc đến “cơ hội” ở đó? Thật ra thời tiết chẳng đáng tội để suy diễn như vậy. Bởi vì nếu so sánh với nhiều vùng đất khác trên thế giới, chẳng hạn như Đài Loan, thời tiết miền Trung có thấm gì là khắc nghiệt!
Trong khi miền Trung đang cho những dấu hiệu sẽ là vùng có nhiều cơ hội, thì ta hãy nhớ lại rằng trong quá khứ đây là vùng đất từng được xem là “lành” của nhiều tầng lớp, chỗ dừng chân của các vương triều, là cảng đến của nhiều khách viễn dương,… tất cả những thứ đó đã tạo ra và để lại hậu thế những trung tâm thu hút. Vậy tại sao cô gái miền Trung lại phải lận đận một thời với giấc ngủ dài và có vẻ như chưa lọt nhiều vào mắt ai ?
Trước tiên là chiến tranh. Suốt trong thời kỳ chiến tranh hơn 20 năm, miền Trung là vùng đệm giữa hai cực đất nước. Thời đó khi nghĩ về miền Trung, người ta quen hình dung ngay đến một vùng khô cằn lửa đạn. Giữa sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh chết chóc, với một địa lý hẹp bị cho là khó ở, thì việc chọn lựa thường là ra đi… Như vậy thì còn ai dám nghĩ đến cơ hội ở đó. Tuy thế, ta cũng nên nhớ lại lúc đó, một số đô thị lớn của miền Trung vẫn còn là những nơi có sức thu hút người miền trong ra làm ăn và học tập hoặc người miền ngoài vào định cư, trong đó nổi bật như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt. Nhìn chung, mức sống thời đó tại các nơi này hầu như không có sự khác biệt. Không ai nghĩ dân Sài Gòn có đời sống kinh tế và văn hóa cao hơn dân Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Không thấy tâm lý nghèo khó quá đáng,
Cho đến thời bao cấp… Trong khi kinh tế địa phương không thể phát huy theo thế mạnh mà chỉ dựa vào nỗ lực ý chí, các đô thị gần như đã đứng yên hoặc thậm chí phải lùi lại …để đợi nông thôn! Do đặc điểm tình hình, việc ra biển, lên núi, di chuyển tới lui làm ăn đều khó khăn. Vào thời kỳ chật vật này, kinh tế (và cả đời sống xã hội) bị lệ thuộc nặng vào lãnh vực “đệ nhất đẳng” (nông nghiệp). Kinh tế miền Trung cũng không có gì nổi trội hơn nông nghiệp, tuy không đói, nhưng không khá được, vẫn nghèo. Bởi vì, thật ra sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lương thực và các ngành chế biến theo đó, không phải là lợi thế của miền Trung. Những lợi thế so sánh về cung ứng hàng hóa cho nhu cầu nội địa (nội thương) cũng không có hoặc rất kém.
Thêm vào đó, một lần nữa nền kinh tế bao cấp mặc nhận các cực thu hút và chi phối vẫn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Miền Trung là phần đòn gánh ở giữa rất ít “thịt”. Trong thời kỳ này do phải xoay xở với các nhu cầu cơ bản, cùng với một thị trường địa phương hẹp, cho nên kinh tế dịch vụ chậm hoặc không khuyến khích phát triển, nhất là các dịch vụ đáp ứng nhu cầu mức sống cao, như mua sắm, thông tin, y tế, giáo dục, giải trí, thẩm mỹ… Một số đông các “dân cư chọn lọc” tại chỗ, có đầu óc năng động, có tiền và nhu cầu cao hơn lại tìm cách chuyển đi định cư hoặc đến làm việc tại các vùng đất khác có khả năng đáp ứng. Điều này ít nhiều vừa làm sâu sắc, vừa gây ảnh hưởng tiếp tục đến một giai đoạn chuyển tiếp mới khác như được phân tích sau đây.
Giai đoạn chuyển tiếp đó là thời kỳ chuyển đổi và mở cửa phát triển kinh tế. Giai đoạn này bắt đầu vào cuối thập niên 1980, được đánh dấu bằng Luật đầu tư nước ngoài hiệu lực từ năm 1987. Đặc trưng của giai đoạn là kinh tế trong nước cởi mở và khởi sắc hơn nhờ đầu tư nước ngoài (FDI) đưa vốn và kỹ thuật vào. Năm 1990 lại có thêm Luật Công ty, giúp khuyến khích và khơi dậy một lượng vốn không nhỏ trong nước để bổ sung vào quá trình trỗi dậy đó. Nhưng miền Trung lại được hưởng rất ít, thậm chí nhiều nơi gần chục năm đầu không được nhờ gì nhiếu ở quá trình chuyển mình đó. Tại sao vậy?
Trước tiên, theo lẽ thường, động thái của nhiều nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi đều giống nhau: ưu tiên ‘canh tác’ thứ gì dễ ăn, có lợi hấp dẫn, đầu tư nhỏ, hoàn vốn nhanh… Họ chọn những vùng có độ tập trung về tiện ích hạ tầng và nhân lực cao, ngay tại hoặc gần các vùng trọng điểm. Theo đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có lợi thế vượt trội. Tuy vậy, đây chưa hẳn là những miếng “nạc” xét về mặt tầm nhìn và hiệu quả kinh tế. Dù sao ta cũng thông cảm, khi họ mạo hiểm vốn vào một môi trường mới chuyển đổi và xa lạ như Việt Nam, lẽ đương nhiên họ sẽ chọn bước đi và phương án ít rủi ro nhất.
Kế đến, từ hai vùng tập trung vừa kể, nhà đầu tư có thể chọn thêm các vùng phụ cận, thuận tiện đi lại và sử dụng được lợi thế có sẵn. Sự chọn lựa này có lý do quan trọng vì yếu tố ‘hậu cần’. Ví dụ, hạ tầng phục vụ và nguồn nhân lực ở Sài Gòn có thể đảm bảo cho họ yên tâm đầu tư ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, thậm chí Phan Thiết, Nha Trang… Các nơi xa hơn ở miền Trung, như ta đã nói, kinh tế dịch vụ thời đó còn thiếu và kém quá, không đủ lực để bắt và nuôi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Nhiều nơi chưa có các điều kiện và phương tiện phục vụ tốt, hoặc nếu có thì khá đắt đỏ, do lâu lâu mới kiếm được một khách “tây” nên phải thu cao để bù chi phí chờ khách. Từ báo chí, liên lạc thông tin, phương tiện, nhu cầu trao đổi,… đến mua sắm, giải trí, sinh hoạt gia đình đều rất hạn chế. Nói chung không đáp ứng nhu cầu sống cho người nước ngoài đến ở lại làm việc, sinh hoạt và xài tiền! Đó là chưa nói đến yêu cầu về phẩm chất phục vụ và nhân sự lành nghề. Đặc điểm này dễ thấy khi ta để ý chỉ có một số vùng (của miền Trung) nằm trong tầm với (dịch vụ phục vụ) của Sài Gòn hoặc Hà Nội mới tận dụng được một ít thời cơ nhất định.
Trong các giai đoạn có tính bối cảnh trước đây, từ chiến tranh đến thời co cụm và giai đoạn mở cửa, miền Trung còn bị hụt hẫng khá nặng hoạt động xúc tiến và phát triển thị trường. Ngay như việc giao dịch làm ăn với nhau trong phạm vi quốc nội cũng không mấy sáng sủa. Chẳng lạ, khi điều kiện kinh tế chật vật, người dân còn loay hoay với nhu cầu cơm gạo cơ bản, ít di chuyển, ít đi làm ăn xa, hạn chế du ngoạn du lịch… thì dù được xem là vùng đất tiềm tàng tiềm năng, hoạt động kinh tế thương mại tại chỗ cũng khó phát triển. Hướng ra đã không lợi thế, đón về thì không dễ, trong điều kiện thu hút khó và thu nhập đến từ ngoài vùng (inflow) kém như vậy, tình trạng ra đi tìm đất hứa cùng với việc mang tiền tiêu xài nơi khác cứ tiếp diễn. Thực trạng ‘outflow’ này (tài chánh và nguồn lực nói chung đội nón ra đi) làm cho dải đất miền Trung chùng xuống thành niềm thương nỗi nhớ ví như …khúc ruột.
Trên đây là bức tranh kinh tế miền Trung của quá khứ, nay (thời đểm 2000) hoàn cảnh đã thay đổi. Trước hết, có những dấu hiệu lạc quan cho thấy kinh tế đất nước nhìn chung đã sáng lên, thoát khỏi vòng lẩn quẩn với các nhu cầu cơ bản (cái ăn, cái mặc, cái tồn tại). Điều kiện kinh tế tốt hơn thì cơ cấu về nhu cầu của dân chúng sẽ thay đổi và được nâng lên. Môi trường kinh tế cải thiện sẽ khuyến khích đi lại, chẳng những giúp mở rộng địa bàn làm ăn theo hướng vươn xa, mà các hoạt động tiêu dùng (xài tiền) cũng không còn bó hẹp theo “cự ly” như trước nữa. Lúc này, các thế mạnh của miền Trung có điều kiện thức dậy, sánh ngang hoặc có thể vượt hẳn với nhiều vùng khác nếu xét đến lợi thế so sánh của thời đại công nghiệp và dịch vụ. Đó là về du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, khai thác nguyên liệu, công nghệ chế biến, thủy hải sản, công nghệ thông tin, v.v…
Điểm không lợi thế trước đây trong thời kỳ “đệ nhất đẳng” thì bây giờ sẽ là lợi thế. Đất không thể trồng trọt gì được nay là khu công nghiệp, phức hợp dầu khí, nhà máy đóng tàu, thậm chí là khu kinh tế đặc biệt. Dải đất hẹp, ốm o, nay chính là cô gái mảnh khảnh, duyên dáng. Miền Trung với hơn 1.000 cây số bờ biển, với những bãi tắm tuyệt vời tắm được quanh năm, hơn hẳn nhiều nơi trong nước và thế giới, luôn sẽ là vùng làm nao lòng khách thập phương, thu hút họ đến, giữ chân họ ở lâu và quay lại.
Điểm dọc theo duyên hải đó là những thương cảng vang bóng một thời. Lại nữa, lịch sử và cả chiến tranh đã để lại cho miền Trung một kho tàng văn hóa và di sản di tích quý báu, xếp vào loại tài sản quốc gia quốc tế, như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Trường Sơn Tây Nguyên, Tuy Hòa, Bình Định, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, với núi rừng, hang động, biển đảo, các quần thể tôn giáo, sắc tộc, tâm linh… Nhiều nơi ở miền Trung đã từng là chứng nhân, vui có buồn có, của nhiều lượt viễn khách viễn chinh, nay họ có thể sẽ là bạn cố tri của các vùng đất này. Người Pháp, Mỹ, Hoa, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha… có thể có nhiều kỷ niệm và muốn tìm lại dấu tích một thời tại nhiều địa danh xưa. Các ngành văn hóa và du lịch địa phương có thể ‘gợi ý’, xây dựng và chuẩn bị những kế hoạch ý nghĩa khác nhau để chào đón họ.
Công cuộc chấn hưng nói chung, cùng những chính sách điều phối vĩ mô dành cho miền Trung, sự tương tác nhờ xu thế hội nhập, như các hành lang đông tây, cùng với nỗ lực của các cấp địa phương, đã tạo thêm sức mạnh và cơ sở để tin rằng vận hội miền Trung đang là một hiện thực thuyết phục. Hiện thực đó sẽ đậm nét hơn khi ta có thêm đường xuyên Việt thứ hai dọc Trường Sơn, khi Dung Quất đã bơm được thứ nhiên liệu “tốc độ” vào nền kinh tế, người dân ra bắc vào nam không còn phải gian khổ nhiều ngày ngồi xe một khi ‘con đường cái quan’ nối liền cả nước đã phẳng phiu… Ngươi miền Trung đã ra đi làm ăn xa, nay dù thế nào cũng không ai quên ‘khúc ruột’ của mình, sẽ còn là một nguồn lực thu hút châu về…
Khi “gạo” không còn là vấn đề thì ván cờ kinh tế chung có thể đồng thời được sắp lại. Miền Trung sẽ có điều kiện phát huy thế mạnh của mình. Vận hội mới có thể đặt ra nhiều việc còn phải bàn, cả việc làm dịu những băn khoăn như “đằng sau cánh cổng chào và những cái bắt tay sẽ là gì?”. Dẫu sao miền Trung nay đã có cơ sở để lạc quan, cho dù ngày mai sẽ có thêm các cơn mưa dầm, bão lũ. (Lâu nay ta chỉ quen nghe miền Trung bão lụt, thật ra lũ ngập úng miền Tây hoặc lũ quét tại một số vùng cao phương Bắc cũng là nỗi khổ triền miên của bà con tại những vùng đó).
Gần đây ta có thể thấy đã có một sự đi ngược trở ra, vì sự hấp dẫn của những vùng đất mới hơn là thuần mưu sinh. Theo đó nhiều người từ miền Tây đã di trú làm ăn hoặc đi lập nghiệp tại Lâm Đồng, Bình Phước, Daklak… Biết đâu một ngày kia không xa nhiều nơi khác ở miền Trung cũng sẽ được chọn là đất để châu về của nhiều người trong nam ngoài bắc. Như vậy, cơ hội miền Trung hay sẽ còn là cơ hội của ai…
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Xuân Tân Tỵ 2001