Viết theo ‘đặt hàng’ của Đà Nẵng, mối quan tâm không riêng địa phương nào.
Thông thường, cơ chế hoạt động truyền thống của một địa phương (đặc biệt là các địa phương nhỏ lẻ) không hội đủ tố chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu dịch vụ cao làm cầu nối có tính thúc đẩy và hỗ trợ việc phát triển kinh tế. Trong thực tế, ngày càng phát sinh nhiều những yêu cầu mới, đồng thời, do áp lực cạnh tranh việc đi tìm cơ hội, thị trường, tranh thủ vùng nguyên liệu, tìm bạn làm ăn, đi thăm dò một khả năng … đang diễn ra dồn dập. (Thời điểm tham luận là đầu năm 2000). Những yêu cầu phục vụ cho việc đi ra và đón về như vậy tại nhiều tỉnh-thành Miền Trung, cụ thể như Đà Nẵng (hay có thể những vùng khác) như còn đang đợi một tổ chức, đang đặt hàng cho một Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, mô hình IPA (Investment Promotion Agency).
Một trung tâm xúc tiến như vậy có khác nào mảnh đất ươm mầm để cơ hội nẩy nở, tạo điều kiện cụ thể hóa một sự thai nghén, làm hiện thực một ý tưởng kinh tế… Nó chào đón và nuôi dưỡng những nguồn lực mới từ xa nhập vào và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương đi ra. Những việc như vậy còn còn thuộc về lĩnh vực phát triển quan hệ và kết nối. Trung tâm này còn có thể đóng vai trò bổ sung và phát huy những mặt mà hệ thống hành chánh Nhà nước hoặc kinh tế, do khuôn khổ cứng, không làm được hoặc không thể làm tốt hơn. Lấy ví dụ một người chưa có ý định làm ăn hoặc đầu tư cụ thể gì tại địa phương hiện nay, nhưng họ vẫn có thể là đối tác, là khách hàng của trung tâm. Một trung tâm hoạt động hiệu quả sẽ giúp tạo điều kiện cho các thương hiệu và hàng hóa địa phương thâm nhập vào các thị trường mới trong cũng như ngoài nước.
Các doanh nghiệp đơn lẻ thường bị đuối sức trong việc thăm dò cơ hội và tìm kiếm thi trường mới. Thậm chí cho dù bản thân một mình công ty có thể đảm đương việc này, thì cũng cần nên biết rằng chưa chắc đó là cách tiếp cận tốt hơn trường hợp thông qua trung tâm. Điều này có thể được giải thích là do yếu tố chuyên nghiệp, thế mạnh tập trung và uy tín của một thiết chế đã phổ biến và được thừa nhận. Sự thuyết phục về quy mô, tầm hoạt động, thông tin phong phú và kịp thời của một trung tâm xúc tiến được tổ chức chu đáo là một ưu thế khác mà các doanh nghiệp và doanh hữu có thế được hưởng lợi.
Mặt khác, những khách từ phương xa, dạng du lịch tham quan kết hợp tìm kiếm một điều gì đó làm ăn, hoặc ngay cả những người có ý định thâm nhập một vùng hay sẽ triển khai một kế hoạch sản xuất kinh doanh, người ta có khuynh hướng trước tiên đến gõ cửa trung tâm. Vì nó phục vụ đa đối tượng, quan hệ đa phương, hoạt động theo một tiêu chí tiếp trợ trung thực nhất, do đó mà họ tin rằng khả năng giúp đỡ của trung tâm sẽ khách quan hơn những định chế khác, nhất là về phương diện thông tin.
Ngày nay những dạng tổ chức xúc tiến như vậy có thể là một cơ cấu tiện ích cơ bản cho sự phát triển của một địa phương hay một lãnh thổ. Nó không làm thay, cũng không có mục đích cạnh tranh việc của các “chamber” (phòng thương mại). Trong khi chúng ta thường dễ nhận ra hoạt động đối ngoại của nó hơn, thì chính sự thành công và tồn tại của trung tâm là ở chỗ, nó vừa lệ thuộc vừa cải thiện các tố chất kinh tế địa phương mà nó đại diện. Những tác động phản hồi, sự kích thích việc sung dụng nguồn lực tại chỗ và các hoạt động nền móng theo yều cầu nâng cao dần… mà nó tạo ra, do đó, còn có hiệu lực làm phát triển sản phẩm địa phương – gồm cả tạo ra sản phẩm mới, tập hợp lực lượng, cải thiện hình ảnh và tư thế đối tác, tạo và duy trì sinh lực cho doanh nghiệp, làm thay đổi não trạng kinh doanh cũ mòn nhờ các thông tin tương tác…
Các hoạt động khuếch trương có thể “cõng” sản phẩm đi ra các thị trường xa hơn, ngoài khu vực hẹp quanh quẩn ở địa phương hoặc lân cận, mục tiêu là hệ thống các siêu thị và thị trường bán lẻ tại Sàigòn hay Hà Nội chẳng hạn. Chỉ cần đổi chiếc áo cho loại bánh đậu xanh nhân thịt tại Hội An là chúng có thể tự tin đứng chung quanh quầy với các anh chị lịch sự khác. Hay việc tìm hiểu xem bún gạo, cái kẹp tóc cách điệu bằng tre, và nhiều thức khác nữa, có còn chỗ đứng ở các thị trường lớn hay không? Thậm chí nước mắm Nam Ô có vị ngon đặc trưng khác với những loại nước mắm vùng khác hoặc xì dầu Tứ Ký… là những cái tên có thể không cần phải quảng cáo nhiều, chỉ cần có cách giới thiệu, thông tin, cũng đủ bán được hàng. Vậy mà người ở xa, dù vẫn nhớ “mùi” và thèm muốn chết, chưa chắc đã biết chỗ để mua! Kể nữa còn nữa. Không chừng lại có thể kê ra những “tên tuổi lớn” đang còn ngủ quên, bị trùm mền hoặc chỉ bơi lòng vòng đâu đó trong cái ao nhà chật chội ! Đó là chưa nói đến những lĩnh vực tiềm năng mà nhiều người cho rằng “nghe kể thôi cũng mê”: du lịch.
Có thể thông cảm cho những cá nhân, những đơn vị lẻ và nhỏ, có vẻ vẫn còn cam chịu như một định mệnh, phải chòi đạp để tồn tại và phát triển trong một sân chơi quá hẹp. Nếu tự “đi ra” một chuyến không thành, bị một lần đắng chát là có thể thiếu tự tin, thụt ngay, không còn đủ lửa để mà rút kinh nghiệm, nói chi đến chuyện bày keo khác. Nhưng nếu có trung tâm xúc tiến, nhà sản xuất kinh doanh không còn phải “ra biển một mình”. Lúc đó doanh nghiệp có thể thông qua đăng ký và được liên tục giới thiệu, thông tin, tiếp nhận phải hồi. Doanh nghiệp cũng có thể kết hợp với trung tâm để xúc tiến từng chương trình riêng cho mình.
Đối với chính quyền, hoạt động của trung tâm đóng vai trò một tổ chức nhịp cầu, là cái sân sau hỗ trợ việc vận hành kinh tế. Nó làm đầu mối thông tin, lấp các khoảng hở hoặc làm nhẹ các sự chồng mí giữa các cơ quan chuyên ngành, hiệu chỉnh các hệ quả có tính ì của sự phân công theo “chức năng nhiệm vụ”. Đơn giản vì nó chỉ có một, là hiện thực mềm nối kết và cộng sinh với những mãng cứng. Nó có đất sống riêng và nằm ngoài hệ thống chính thức (nhưng luôn là con cưng của một địa phương hay lãnh thổ). Chính vai trò đặc biệt như vậy nó có điều kiện làm nhiều việc ích lợi mà hệ thống chính thức không làm được. Đó là các giao hảo kinh tế, tương trợ kinh tế, xã giao làm ăn, các hoạt động trao đổi dọn đường… Các nước chưa có quan hệ chính thức thường làm ăn với nhau thường bắt đầu và thông qua nhịp cầu của các tổ chức tương tự. Với hoạt động diễn đàn và tiếp trợ, trung tâm có thể đảm nhận các xúc tiến thăm dò, thể nghiệm, đúc kết và tham mưu lại để các chuyên ngành khác triển khai. Một hoạt động như vậy chẳng những sẽ thu về các quả tốt, lại còn giúp ta nhặt được cả những cái sai mà không gây thiệt hại!
Ơ những thành phố lớn hoặc những trung tâm khu vực, trung tâm xúc tiến là nhịp cầu tối ưu để thúc đẩy hoạt động kinh tế diễn ra dồn dập hơn. Tuy nhiên, nên có sự kết hợp vùng, chứ không nên tổ chức manh mún phong trào khi chưa có đủ điều kiện. Tổ chức hữu nghị kinh tế này đón nhận và phục vụ tất cả. Mặtc dù có thể có những dịch vụ có thu, hoạt động chủ yếu của nó dựa vào các nguồn tài trợ. Cần thiết nó có thể thiết lập các đầu mối ở những cửa ngõ chiến lược hoặc nối mạng với nhau. Hoạt động của trung tâm chủ yếu có thể gồm, nhưng không giới hạn, các nội dung sau đây:
- Xúc tiến đầu tư, thương mại.
- Phát triển dự án.
- Trao đổi thông tin, cơ hội.
- Phát triển quan hệ đối tác.
- Khuếch trương bán hàng và xuất khẩu.
- Hoạt động giới thiệu, thâm nhập và kết nối.
- Đầu mối thu xếp, tiếp nhận, triển khai các hoạt động không chính thức về kinh tế, thương mại và hữu nghị kinh tế.
- Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà doanh nghiệp.
- Tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan.
- Các dịch vụ và tiện nghi tiếp trợ cho thuê…
Một trung tâm hoạt động hữu hiệu, ngoài khả năng đánh thức các tiềm năng, còn có thể đóng góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng. Từ nông nghiệp, nguyên liệu, dựa vào sức lao động là chủ yếu, dần dần sang công nghiệp, chế biến và dịch vụ. Thịt bê thui dù ngon và nổi tiếng cách mấy, cũng chỉ ăn được tại chỗ và trong ngày. Nhưng nếu là khô bò, bò rim, thịt bò hộp, viên đóng gói, chế biến sẵn ướp đông để làm beefsteak,… sẽ cho giá trị thu nhập cao hơn. Kết hợp với sự hậu thuẫn của một bệ phóng đủ mạnh, chúng có cơ may đi xa và cạnh tranh vào những thị trường rộng hơn.
Có thể liên tưởng sự cần thiết của một trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư bằng lý giải hơi bắt bẻ ngụ ngôn “hữu xạ tự nhiên hương” như sau: Trong hoạt động kinh tế đua chen ngày nay hữu xạ không chắc gì gặt hái được tự nhiên hương. Ngày trước “xạ” rất hiếm và “không gian còn hoang dại trong lành” nên chúng có thể tỏa hương xa, vì thế người ta biết chỗ mà đi tìm. Còn nay, “xạ” có đầy, mà xạ nào cũng mười phân ngào ngạt, lại tranh nhau dâng sát tới mũi của các “thượng đế” để mong được chọn. Thế nên từ lâu rồi “xạ” phải đổ mồ hôi, nát óc nghĩ ra cách để mời chào, lôi kéo khách để “tiếp thị” cái hương của mình, chứ ít “em” nào còn dám kiên nhẫn để mà “tự nhiên hương”…
Tập quán tiếp cận làm ăn, sự đánh giá, cả ước lệ hành xử trong kinh doanh cũng đã thay đổi. Thiển nghĩ cần nhanh chóng nhận ra vấn đề để xóa đi mặc cảm bị ám ảnh bởi cái vòng luẩn quẩn: do hẹp nên nghèo, vì nghèo nên hẹp. Không đi ra, chậm gieo hạt, không đơn giản sẽ chỉ chậm thu hoạch, mà có thể là chậm đi một vụ mùa bội thu. Trong hoạt động kinh tế, vận hội thì ít ỏi, và cơ hội đã khó tìm, lại rất dễ bị vuột mất…
(Báo Đà Nẵng, 2000)