Ngày 19-4-2006, lần thứ hai chì số VN-Index quay trở lại đỉnh 571, đạt 571,16 điểm so với điểm số kỷ lục cũ là 571,04 được ghi vào ngày Thứ Hai 25-6-2001. Đúng như dự đoán, đã có chút giằng co tại ngưỡng tâm lý này với mức tăng rất khiêm tốn là 0,22 điểm, từ 570,94 của phiên trước, tức chưa tới 0,04%; và ngày hôm sau, 20-4-2006, lại sụt lại 1,37 điểm còn 569,79. Tuy vậy, chút ngại ngùng này chẳng lâu, vì chỉ số đã vượt ngưỡng 600 sau hai phiên kế đó…
Chỉ chưa đầy 4 tháng đầu năm 2006 (tính đến 25-4) VN-Index đã tăng hơn 325 điểm, từ 307 đến 632,69, tức khoảng 106%. Đã ‘nóng’ hay chưa thì còn tùy nhận định, nhưng điều không ai có thể phủ nhận tăng như vậy là ngoài mong đợi. Ta có thể lùi lại một chút để nhìn vấn đề qua các diễn biến về chỉ số. Sau khi tăng đến đỉnh 571 vào tháng 6-2001, chỉ số chứng khoán Việt Nam (VN-Index) đã đảo chiều và giảm nhanh xuống dưới mức 300 điểm vào tháng 11-2001. Sau đó là một giai đoạn suy thoái kéo dài đến sốt ruột giữa lúc nền kinh tế tăng trưởng tốt và các doanh nghiệp đang làm ăn khấm khá. Tháng 4-2003 chỉ số này đã rớt xuống 139,64 điểm, là mức thấp nhất. Cùng với đáy thấp này, nhiều chứng khoán cũng đã tụt xuống dưới mệnh giá, trong đó có cả loại ‘blue chip’ chứ không riêng gì các anh xoàng. Thật oái oăm, cái ngày vực thẳm chẳng ai ngờ ấy lại chính là ngày ‘cá tháng Tư ‘, tức Thứ Ba 1-4-2003. Kể từ thời điểm này người trong cuộc đã phải mơ từng nấc phục hồi… Đến tháng 1-2004 VN-Index mới quay lại ngưỡng 200. Và phải cần đến 20 tháng nữa để trở về mức 300, vào ngày Thứ Sáu 14-10-2005. Những người tâm huyết và gắn bó với thị trường đã không dấu được niềm vui trước sự hồi phục này. Họ gọi đây là cú ngược dòng ngoạn mục. Như vậy, tổng thời gian để thị trường tìm lại mình ở mức 300 điểm là gần bốn năm. Sở dĩ tôi chọn chỉ số điểm 300 để dẫn chuyện vì, bên cạnh ý nghĩa cột mốc chuyển giao 2005-2006, chỉ số này đã được thị trường chờ đợi khá lâu và đặt kỳ vọng rất cao. Đây cũng là con số có giá trị đặc biệt dùng để đối chiếu.
Thật vậy, khi dùng chỉ số 300 để đối chiếu (hay đối chứng) ta sẽ thấy thị trường đã có một sự bù trừ khá ngẫu nhiên. Đó là, thời gian thị trường sụt giảm từ mức 571 điểm xuống 300 điểm là khoảng 5 tháng (từ 6-2001 đến 11-2001); và thời gian thị trường tăng từ mức 300 điểm lên 571 điểm (nếu ta trừ đi thời gian nghĩ lễ dài và sự ổn định chỉ số vào các tháng cuối 2005 đầu 2006) thì cũng tròm trèm 5 tháng (từ 10-2005 đến 4-2006). Chẳng có cơ sở gì làm căn cứ cho điều vừa nói cả, cứ cho là vô lý tất, thì cũng có thể đưa ra một kết luận thú vị “như vậy là huề !”. Theo cách lý giải ‘giang hồ’ này thì, việc một thị trường đã từng bị té ngã 271 nấc trong vòng 5 tháng và việc nó vọt lên 271 bậc trong vòng 5 tháng là việc bình thường. Nói khác đi, điều gì cũng có thể xảy ra. Thế nhưng, thay vì đo bằng điểm ta đo bằng phép tương đối phần trăm (có giá trị thông tin hơn) thì sự việc có thể khác. Việc thị trường mất giá từ 571 điểm xuống 300 điểm thể hiện sự mất giá khoảng 47,5%. Trong khi nếu nó tăng từ 300 điểm lên 571 điểm thì mức tăng tương đối này lên tới hơn 90%. Hơn nữa, mức tăng này diễn ra chỉ trong vòng 5 tháng (thực tế còn ngắn hơn), là điều chẳng ai dám mơ chứ đưng nói nghĩ đến hay dự đoán.
Với những điều kiện kinh tế vi-vĩ mô gần giống nhau, nếu xưa người ta không hiểu được tại sao có sự rớt giá cổ phiếu một cách thậm tệ, thì nay có lẽ cũng chẳng ai đưa ra được lời giải thích chắc lý nào trước sự tăng giá quá nhanh trong những tháng đầu năm 2006. Nếu vào thời điểm lạc quan hiện nay (4-2006) có nhiều nhận định được đưa ra để giải thích cho cái ‘nóng’ bất ngờ (với lý do tăng trưởng kinh tế, khả năng gia nhập WTO, triển vọng doanh nghiệp tốt, chủ yếu là xoay quanh yếu tố kỳ vọng…) thì cần biết vào thời điểm khép lại năm 2005, hầu như không ai dám dự đoán năm 2006 chỉ số sẽ đạt 400, chứ đừng nói cao hơn! Cũng chưa ai nói đến một sự bùng nổ đầu tư chứng khoán cả. Bản thân sự bùng nổ vậy là bất ngờ. Điều bất ngờ này nếu có cho sự hoan hĩ thì đồng thời cũng tiềm ẩn ít âu lo. Chút âu lo ở đây là đương nhiên và cần thiết. Sự nếm trải trong quá khứ và kinh nghiệm thị trường thế giới buộc vậy. Tại sao? Lạc quan như 2005 thì mức tăng cả năm cũng chỉ 70,27 điểm, hay 29,62%. Có thể nói mức tăng trên dưới 30% là mức đẹp. Đây cũng là mức khả thi của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam sau hơn năm năm mở cửa lại đã không ‘bình yên’ để hưởng mức tăng lý tưởng này. Nay giả định trong thực tế đang có một sự điều chỉnh diễn ra, và nếu ta lấy mức tăng chỉ số kỳ vọng 30% kia để điều chỉnh bù đắp lại cho toàn thị trường (bù cho cả 5 năm qua), thì chỉ số ước định (tính theo đường thẳng) đến hết năm 2006 cũng sẽ chỉ khoảng trên dưới 500. Vậy có phải chưa hết 4-2006 mà thị trường đã vọt trên 600 là nóng quá? Thực tế thị trường có thể có giai đoạn đột biến, TTCK Thượng Hải đả tăng hơn 700% (từ 100 điểm) trong chưa đầy 3 năm (1990-1993) là ví dụ. Tuy nhiên, đây là trường hợp ít phổ biến và diễn ra trong thời kỳ thị trường mới mở. Tại Việt Nam, cho dù cơn háo hức có được tái lập, thì sự bùng nổ ‘thăng thiên’ như Trung Quốc là điều không dễ. Cần biết, thị trường nay đã có cả sự khôn ngoan lẫn sợ hãi…
Cũng như lần rớt giá sâu hồi 2001, đợt tăng giá đầu năm 2006 cũng đã đặt các nhà chuyên môn và giới điều hành trước sự bối rối khi họ được yêu cầu đưa ra quan điểm hay dự đoán. Nhưng suy cho cùng thì việc thực hiện các ‘số do sức khoẻ’ giữa lúc thể trạng quá buồn hay quá vui đều sẽ khó có sự chính xác. Ví von vừa nói để ám chỉ tánh khí thất thường của ‘ông thị trường’, lúc thâm trầm, khi cao hứng… Chỉ có điều, nếu ‘ông thị trường’ đã hào phóng để ta vượt qua các ngưỡng ‘happy’ 200, 300, 400, 500, 571. 600, (thậm chí có người còn lạc quan cá độ VN-Index sẽ 1000 vào cuối 2006), thì không ít ‘ai đó’ cũng nên tĩnh táo, đặc biệt là giới đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, ít kiến thức, chưa nhiều kinh nghiệm… Vâng, chút tỉnh táo sẽ chẳng bao giờ thừa.
Không khó để chứng minh trong TTCK tất cả mọi người tham gia đều có thể thắng (không có kẻ thua). Nhưng, do là điều kiện lý tưởng, điều này đôi khi bị cho lý thuyết, là lập luận ngụy biện… Do đó, thay vì nói chuyện cao xa, ta hãy nhớ lại những điều rất cơ bản và cụ thể, đặc biệt là đối với người mua bán ngắn kiếm chênh lệch trên sàn. Đó là gì? Là phải luôn tự hỏi mình là ai? Mình muốn gì?… Ẩn trong các câu hỏi ấy là khả năng tài chánh, đặc điểm nhân thân, tính khí, sức chịu đựng, mục tiêu… Sẽ không bao giờ là lý thuyết đối với khả năng biết phân biệt thế nào là kỳ vọng đầu tư, thế nào là kỳ vọng đầu cơ? Từ đó cần biết cách đặt mình (đặt đồng tiền của mình) đúng chỗ. Hai người cùng mua cổ phiếu trên sàn, nhưng nếu người này có mục đích đầu tư thì người kia lại có thể là đầu cơ. Người đầu cơ thắng ngắn, người đầu tư thắng dài, nhiều trường hợp cả hai đều thắng. Tuy nhiên, những ‘gương hy sinh’ (thua lỗ) nơi ‘chiến trường’ ấy cũng không phải ít. Vã lại, cùng đồng hành trên sàn, nếu có người ‘mải mê vô tư’ thì cũng có kẻ đang ‘tỉnh táo dẫn dắt’… Cuộc đọ sức giữa những anh đầu cơ mới cân não! Và theo lý lẽ muôn đời thì phần thua sẽ nghiêng về kẻ yếu.
Thị trường không thể cứ lạc quan, thì âu đây cũng là lời nhắc nhở cho những ai chơi ‘theo đàn’ hay tìm vận may từ cảm giác chứng khoán! Nếu có việc mua bán cổ phiếu mà ‘bất cần biết công ty’ đang diễn ra thì cũng cần biết, rất nhiều cổ phiếu (nhất là loại đã được vét ruột để ‘chẻ đôi chẻ ba’) nay có thể đã như chiếc bánh tráng. Nghĩa là gì? Nghĩa là giá trị đã bị san bằng xuống ngang mệnh giá. (Cách làm này khác với chính thống). Những cổ phiếu này nếu vẫn được ‘kỳ vọng’ thổi căng lên gần chục lần, thì đó là do thị trường muốn vậy. Cuộc chơi có thể đã đến lúc không còn dành cho người yếu tim hay yếu sức, nếu họ biết thêm rằng, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của đa số cổ phiếu nay đã trên 30, nhiều cổ phiếu trên 50, thậm chí là ngót ngét 100. Những con số này lại chẳng hề là thứ vô hồn… Khi giá cổ phiếu thoát ly khỏi doanh nghiệp nghĩa là hệ quy chiếu của yếu tố kỳ vọng đã bị đặt lệch ra ngoài doanh nghiệp. Lúc này các công ty niêm yết có quyền nói “chúng tôi không chịu trách nhiệm”…
Tôi không nghĩ lần này UBCKNN sẽ dùng các biện pháp hành chánh để can thiệp như hồi 2001. (Ngược lại có thể đã có sự mừng thầm vì thị trường đã kéo được người đầu tư trở lại đông hơn, thanh khoản khá hơn). Tuy vậy, nếu các công ty niêm yết có quyền không chịu trách nhiệm, và các công ty chứng khoán có quyền lạc quan… thì giới quản lý thị trường không được như vậy, người đầu tư không nên như vậy.
Dù sao thì có vẻ thị trường đã được xoa dịu, đã được trả lại vị thế xứng đáng từ quá trình hồi phục sau một đêm dài bị cư xử bất công. Tất cả đã diễn ra, và thế là công bình. Vấn đề tiếp theo là sự gìn giữ và biết cách phát huy… ‘Ai’ không biết giữ, ‘người ấy’ có thể nhận về sự thiệt hại. Điều này là việc của chúng ta.
Huy Nam, CV kinh tế và TTCK TPHCM
(Báo Thanh Niên, 30-4-2006)