Nghe có vẻ không bình thường, nhưng đừng vội, vì cách làm ăn đề cập trong bài này khá thân thiện và đàng hoàng chứ không có gì bất chính. Gọi ‘kiếm lợi trên sự bất ổn của người khác’ chỉ là để cho ấn tượng. Trong thực tế người kiếm lợi ở đây cần được hiểu là người ‘tốt bụng’ nhận sự bất ổn thay cho người khác…
Thời buổi lạm phát, một trong những nỗi lo lớn của doanh nghiệp là lãi suất. Đối với các dự án dài ngày thì ngoài gánh nặng lãi suất cao, sự biến động lãi suất cũng đáng ngại không kém. Tại sao? Do việc hoạch định tài chánh sẽ trở nên khó khăn, đôi khi là không thể trong điều kiện bất ổn. Thế nhưng, ngay trong thời buổi kinh tế bình thường (không phải là thời kỳ lạm phát kéo dài), vấn đề biến động lãi suất cũng vẫn thường xảy ra, và các nhà hoạch định vẫn luôn có nhu cầu khoá yếu tố bất ổn này lại… Cho đến nay, có thể nói công cụ tốt nhất được dùng trong kỹ thuật quản trị rủi ro về lãi suất là ‘swap’ (hoán vị).
Để minh hoạ, ta lấy trường hợp một doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất và chế biến hàng gỗ gia dụng, có nhu cầu vay khoản tiền là 50 tỉ đồng, thời hạn trả nợ vay là năm năm. Là chỗ thân tín, doanh nghiệp đến gõ cửa ngân hàng và vay được khoản tiền, nhưng lãi suất cũng chỉ có thể là thả nổi. Ví dụ, vào thời điểm 5-2008, mức này là 18%, tức 1,5 lần lãi suất cơ bản (LSCB); nhưng đến giữa 6-2008, do lãi suất cơ bản tăng lên 14% nên 1,5 lần LSCB sẽ là 21% (14% + 7%). Như vậy rõ là bất ổn. Sự bất ổn này làm cho doanh nghiệp khó dự liệu được phí lãi vay để tính toán hiệu quả dự án, từ lúc xây dựng và trang bị nhà xưởng cho đến khi vận hành sản xuất bán hàng và trả nợ. Nói khác đi, rủi ro lãi suất gây trở ngại cho việc ra quyết định đầu tư. Doanh nghiệp do đó rất cần một lãi suất cố định và khả thi. Giả định lãi suất cố định mà doanh nghiệp có thể chấp nhận (5-2008) là 18%, ta hãy xem doanh nghiệp có thể hoá giải khó khăn bằng cách nào?
Bằng việc sử dụng hợp đồng swap trên khoản tiền sẽ vay cho dự án, doanh nghiệp có thể thương lượng với một nhà kinh doanh tài chính nào đó, ví dụ qũy đầu tư A, để chuyển sự bất ổn của lãi suất thả nổi cho qũy này. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ trả cho Quỹ A lãi suất cố định trên cùng số tiền. Khi đạt được thoả thuận như vậy, doanh nghiệp có thể mạnh dạn tiến hành vay ngân hàng 50 tỉ đồng với lãi suất thả nổi bằng 1,5 lần LSCB. Song song với việc vay vốn ngân hàng, nhờ có thoả thuận swap, doanh nghiệp sẽ đồng thời hoán vị lãi suất với Qũy A dựa trên khoản tiền gốc 50 tỉ đồng, hiệu lực trong 5 năm. Theo đó, mỗi năm doanh nghiệp sẽ trả cho Qũy A lãi suất cố định là 18% trên 50 tỉ và Qũy A sẽ trả cho doanh nghiệp lãi suất thả nổi là 1,5 lần LSCB trên cùng 50 tỉ. (Lãi suất 18% mà doanh nghiệp phải chịu ở đây là rất cao, do bài viết dùng minh họa từ thực trạng lãi suất thị trường biến động xấu vào giữa năm 2008; trong thực tế phương thức swap này có thể được ứng dụng với mức lãi trên dưới 10% trong điều kiện bình thường).
Cần nhận rõ, doanh nghiệp đang có hai nghiã vụ riêng biệt cùng lúc, đó là việc trả lãi vay (thả nổi) cho ngân hàng và việc thanh toán (khoản cố định) theo cam kết swap. Nhưng theo phép truyền, có thể xem Qũy A đã thay doanh nghiệp trả lãi vay (thả nổi) cho ngân hàng. Như vậy là doanh nghiệp đã khử được yếu tố bất ổn trên khoản lãi vay của mình.
Doanh nghiệp → LS cố định 18% → Qũy A
Doanh nghiệp ← 1,5 lần LSCB ← Qũy A
Doanh nghiệp → 1,5 lần LSCB → Ngân hàng
Có thể có câu hỏi tại sao các giao dịch lại vòng vèo, đã ngân hàng lại còn Quỹ A, tại sao không một mối cho gọn?… Là do ngân hàng khi cho vay một khoản tiền lớn vào dự án thì họ chỉ muốn chắc chứ không muốn bất ổn. Doanh nghiệp thì muốn được không bất ổn để tính trước hiệu quả. Chẳng hạn, theo tính toán họ có thể chịu lãi suất 18% để bẫy (leverage) lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lên 30%. Còn Qũy A, họ chấp nhận bất ổn để kiếm lợi thông qua swap. Với họ, rủi ro mà doanh nghiệp muốn tránh là cơ hội để đầu tư (đầu cơ). Do có phán đoán riêng, khi hành động như vậy họ tin rằng có thể chỉ sau một năm lạm phát sẽ được ngăn chặn, và nếu LSCB lùi về càng nhỏ hơn 12% thì họ càng có lợi. Tất nhiên, Qũy A cũng có dự liệu sẽ bị lỗ trong thời gian đầu biến động, nhưng nếu dự đoán đúng thì ba hay hơn ba năm còn lại sẽ là thời gian lời thuần. Theo trải nghiệm từ nhiều hiện thực kinh tế thì điều này chẳng phải viễn vông. Cần biết, với swap lãi suất, không có giao dịch thật trên khoản tiền gốc. Tiền gốc chỉ là vốn khái niệm (notional principal), giao dịch thật là phần tiền lãi cam kết (gọi là plain vanilla swap).
Trường hợp được giới thiệu ở đây chỉ là một góc nhìn đơn giản trong bối cảnh vận động phức tạp của các kỹ thuật tài chánh (financial engineering). Do sự bất ổn có lắm hình nhiều trạng, việc kiếm lợi và các bài toán quản trị rủi ro dựa trên công cụ phái sinh trong thị trường Futures, Options, Swaps… cũng cần lắm công phu.