– Cổ phần và cổ phiếu được hiểu như thế nào.
– Giá trị của cổ phần.
– Mệnh giá.
– Giá sổ sách.
– Giá thị trường.
Lúc còn quanh quẩn trong sân doanh nghiệp, cổ phần công ty mang đậm ý nghĩa “phần hùn”. Đối với người sở hữu, đó là thứ tài sản được xem là “kém lưu hoạt “. Khi bước qua ngưỡng cửa thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phần lập tức nhận thêm “chức năng” hàng hóa. Sức khỏe của nó được “tăng lực” thấy rõ như “Mario ăn được nấm…”
Hiểu rõ các giá trị cổ phần, mà cụ thể là cổ phần thường, trong TTCK là điều cần thiết và thú vị đối với những người đầu tư. Bên cạnh đó, vì TTCK Việt Nam sớm muộn gì cũng cần hội nhập, cho nên việc nhận dạng chính xác về các thuật ngữ, cách gọi… ngay từ đầu là điều đáng được quan tâm, tạo sự dễ dàng khi cần nối mạng.
Cổ phần – cổ phiếu
Để có một khái niệm tốt hơn về ý nghĩa của cổ phần và cổ phiếu, ta bàn sơ qua một bối cảnh pháp chế để có thêm những nhận định hữu ích. Nghị định 44/1998/NĐ-CP, ngày 29-6-1998, về cổ phần hóa (CPH) có ghi giá trị một cổ phần là 100.000đ. Trong khi đó, nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11-7- 1998 về chứng khoán và TTCK quy định mệnh giá cổ phiếu là 10.000đ. Như vậy một cổ phần sẽ có 10 cổ phiếu ư? Mới nghe tưởng có mâu thuẫn… bởi vì ta đã ghép hai nghị định lại với nhau theo cách chủ quan.
Thật ra đây là chuyện của hai sân khác nhau: một sân là các công ty (doanh nghiệp) và sân kia là TTCK. Quy định giá cổ phần trong hoạt động CPH vừa nhằm tạo sự dễ dàng cho công tác triển khai thực hiện, vừa tạo điều kiện cho người lao động (trong và ngoài công ty) có điều kiện tham gia làm chủ vào công ty được CPH. Công ty sau khi CPH không phải đương nhiên sẽ bước ngay qua sân TTCK. Nó còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác. Trong đó phải kể, thứ nhất, công ty đó có muốn gia nhập TTCK không, và thứ hai, có thỏa mãn các điều kiện và tiêu chuẩn tham gia vào thị trường này không. Lấy một ví dụ đơn giản để thấy rõ vấn đề hơn. Giả sử sau CPH, giá cổ phần không đứng ở mức 100.000đ – điều này là chắc chắn – mà sẽ tăng lên 200.000đ, hoặc có khi sụt còn 80.000đ, thì làm gì có chuyện phiên ngang?
Vậy cổ phần trong hoạt động CPH có thể hiểu như mới chỉ là “đáp số của một bài tính chia”. CPH dù được tiến hành dưới bất cứ hình thức nào – theo điều 7, chương 1, nghị định 44 – cũng chỉ là công việc tái cấu trúc, không thể lẫn lộn với thủ tục phát hành đại chúng để hội nhập vào TTCK. Đến khi đăng ký phát hành cổ phần ra công chúng để tham gia giao dịch trong TTCK, lúc đó cổ phần sẽ được chiết (split) hoặc được định lại nhằm tạo điều kiện cho nó thực hiện thêm chức năng hàng hóa. Cổ phần trong TTCK được định nghĩa là một đơn vị nhỏ nhất thể hiện cơ cấu sở hữu trong một công ty – share – Đây là đơn vị hàng hóa làm cơ sở cho việc tính toán, thực hiện các giao dịch và nghiệp vụ, đồng thời nó xác lập nền tảng của công ty. Sở hữu cổ phần được xác định thông qua cổ phiếu – stock certificate – hoặc biên nhận của bút toán ghi sổ – book entry – Ngày nay hầu hết các thị trường áp dụng dạng book entry, ai yêu cầu stock certificate thì phải trả tiền. Một cổ phiếu có thể đại diện cho một hoặc một số cổ phần. Trong TTCK, khi diễn đạt thông thường, người ta có thể sử dụng lẫn lộn hoặc thay thế nhau giữa cổ phần và cổ phiếu. Tương tự như tiếng Việt, trong tiếng Anh từ share được dùng để chỉ một cổ phần, còn stock có thể là một cổ phần hoặc những cổ phần.
Cũng cần nói thêm, chứng khoán – security – là thuật ngữ được dùng chung để gọi một đơn vị hàng hóa giao dịch trong TTCK, bao gồm cả trái phiếu. Loại chứng khoán phát hành lần đầu, gọi là new issue, cũng được định danh riêng, vì đây là loại chứng khoán mới, có độ rủi ro cao hơn chứng khoán cũ hay các chứng khoán phát hành bổ sung.
Giá trị của cổ phần
Sở dĩ gọi là giá trị vì rằng kể từ thời điểm hiệu lực của việc phát hành chứng khoán ra công chúng, chứng khoán bị tác động mạnh theo thị trường. Tuy nó là căn cứ sở hữu của công ty nhưng nó không còn là của riêng của công ty. Đồng thời, giá trị gia tăng của nó (hay gia giảm) không thuần một mình công ty định đoạt mà là một sự thể hiện chung của:
– Tình hình sức khỏe của công ty
– Tình hình kinh tế tài chính của toàn cảnh
– Tình hình chính trị, xã hội
– Khả năng hấp dẫn của ngành thuộc loại chứng khoán đó
– Hoạt động cung cầu của TTCK
– Dao động của bản chất gợn sóng hoặc sủi bọt của thị trường.
-…
Khi đầu tư vào chứng khoán vốn, ngoài yếu tố công ty, người ta còn chú ý nhiều đến yếu tố ngành, và tất cả các yếu tố trên đã kết tập lại theo thời gian thành giá trị tăng lên của chứng khoán. Trong đó giá trị vật chất của công ty chỉ đại diện cái hữu hình, đôi khi rất nhỏ. Khoản còn lại, sau một quá trình gia tăng, không nên chỉ được hiểu là vô hình. Nó chỉ vô hình theo nghĩa tương đối tại công ty. Thông qua TTCK người đầu tư đã đem phần gia tăng kia đi thực hiện giá trị vật chất ở chỗ khác, có khi cho chính trong nội bộ ngành mà chứng khoán đó đại diện – cũng có khi người đầu tư đã hưởng xái phần Nhà Nước đã đầu tư, giống như người mua nhà gặp hên lúc quy hoạch hạ tầng đô thị hóa. Tính chung trong xã hội thì giá trị vật chất được gia tăng tương ứng. Người đầu tư thành công trong TTCK đã nhận phần thưởng này – một phần của khoản chênh lệch – không phải để tiêu dùng mà là tiếp tục đầu tư.
Đó là chưa kể đến khả năng bù trừ giữa sự đào thải và nhân tố mới nổi lên. Sự cáo chung của một công ty (có thể là vì sản phẩm lạc hậu,…) thường đồng thời vỗ béo cho một “tài năng mới” (có phát minh thay thế…).
Đặc điểm của chứng khoán vốn, cụ thể là cổ phần thường, thể hiện trên các loại giá trị sau đây:
Mệnh giá:
Mệnh giá (par value) là giá ghi trên cổ phiếu hoặc trái phiếu. Đối với cổ phần ưu đãi và trái phiếu, mệnh giá là giá trị làm căn cứ để trả lãi và hoàn vốn. Nhưng đối với cổ phần thường mệnh giá chỉ là con số để tham khảo không hơn không kém, nó không có tác dụng nào đối với người đầu tư. Ngay trong một đợt phát hành đầu tiên cổ phần thường ra công chúng, giá cũng chỉ được xác định vào thời điểm cuối cùng của quá trình chuẩn bị và duyệt xét. Tại sao vậy? Nếu trong công tác CPH giá chủ yếu là do người bán quyết định – chốt giá trị – thì trong phát hành cổ phiếu ra công chúng, giá là kết quả biểu hiện chào đón của thị trường. Giá này được xác định thông qua kết quả đăng ký của người quan tâm “đặt trước” với người bảo lãnh phát hành, thông qua điều tra, thăm dò và một số yếu tố kỹ thuật đo lường khác mà có. Nếu không thì, hoặc là nó “khó nuốt” trong vòng 90 ngày (dù chỉ là một ít thôi) theo quy định về phát hành chứng khoán – gọi là sticky deal – hoặc là bị hớ giá, làm phát sinh tiêu cực. Một điểm cần lưu ý là trong hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng, lượng cổ phần là con số bị chốt lại. Nếu số lượng được phép phát hành là 1.000.000 cổ phần, thì công ty chỉ được phép phát hành 1.000.000 hoặc ít hơn. Việc “chốt số lượng” này mặc nhiên để mở giá trị.
Do đó việc định một giá cố định, có tính tiêu chuẩn áp đặt cho mệnh giá là điều khó thực hiện. Các cổ phần có thể ghi giá lúc phát hành, cũng gọi là mệnh giá, nhưng khi nó “ra ràng” trên sàn giao dịch, giá này lập tức mất ý nghĩa. Vì lẽ này, ngày nay tại các TTCK đã ổn định, nhiều cổ phần thường (common stock) không còn ghi mệnh giá, gọi là “no par”.
Giá sổ sách:
Giá sổ sách (book value) là kết quả chênh lệch giữa tài sản doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ và chia cho tổng số cổ phần hiện hữu. Đây cũng là một loại giá cổ phần có tính tham khảo để đo lường số tiền mà người chủ một cổ phần thường hy vọng nhận được nếu công ty sẽ bị thanh lý. Đối với dân đã đầu tư vào cổ phần thường, ít ai lại mong đi “hốt của” này. Nhiều trường hợp chẳng còn gì. Người ta ví von nó còn thua bảng xếp hạng quyền của đàn ông ở phương Tây!
Giá thị trường (market value):
Đây là loại giá mà người đầu tư quan tâm. Nó được xác định bởi cung cầu và các phân tích đã nêu ở trên. Không có một mối liên hệ trực tiếp nào giữa giá cổ phần trên thị trường và giá cổ phần theo sổ sách. Mặc dù sự chú ý tập trung vào giá thị trường là chính và đây là biểu hiện nhiệt độ “phức tạp” nhất của TTCK, nó đơn giản là sự thỏa đáng giữa người mua và người bán tại thời điểm.
Khi giá thị trường đã lên một mức được xem là cao hoặc hạ xuống một mức thấp quá, người ta áp dụng kỹ thuật chiết tách (split) hoặc ghép (reverse split) cổ phần. Kỹ thuật này giúp duy trì giá cổ phiếu ở mức hợp lý tạo dễ dàng cho việc mua bán.
Tuy khuynh hướng chung là duy trì giá chứng khoán ở mức thấp, các TTCK lại khuyến khích người đầu tư mua bán bằng lô tròn (round lot). Một lô tròn được xem là thuận tiện giao nhận (good delivery) thường gồm 100 cổ phần.
Quá trình vận động của thị trường đồng thời là quá trình nó nhận được thêm những lý giải khoa học, có thể mặc nhiên hoặc khám phá tình cờ. Nhưng cốt lõi vẫn bắt nguồn từ mâu thuẫn phát sinh và nhu cầu. Theo đó ta có thể hình dung xa hơn một chút sẽ thấy rằng giá trị công ty là “tài sản chung” trong khi giá trị các cổ phần của công ty đó trong TTCK là loại tài sản riêng của người đầu tư. Và quan trọng hơn, cơ chế định đoạt để thực hiện các giá trị đó độc lập nhau.
Chủ các “căn hộ cao ốc” kia có vẻ chú trọng nhiều hơn các không gian riêng mà họ trực tiếp đứng tên và cứ thế mua bán vô tư. Mặc dù người ta đã được các cố vấn khuyến cáo: giá trị các căn hộ ấy có thể trở thành zéro nếu miếng đất ở dưới không còn tồn tại…
Huy Nam
Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.