NGHIỆP VỤ GIAO DỊCH VÀ ĐẦU TƯ TRONG TTCK

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Phân loại tài khoản khách hàng.

–           Phương thức giao dịch.

–           Lệnh mua bán – Tìm hiểu một số lệnh.

Đầu tư trong thị trường chứng khoán (TTCK) được thực hiện thông qua hành vi mua và bán các loại chứng khoán. Hoạt động này diễn ra trong một môi trường có thủ tục phức tạp và hầu như khép kín. Khách hàng đầu tư không thể tự mình hành xử việc mua bán một cách đơn lẻ và trực tiếp mà luôn luôn phải thông qua những người môi giới hoặc kinh doanh chứng khoán. Phương cách này có ưu điểm nhằm duy trì yêu cầu chuyên nghiệp của thị trường, giúp khắc phục các hạn chế về thông tin đồng thời làm công tác hướng đạo cho người đầu tư, đảm bảo tính trung thực, an toàn, sự đồng bộ trong vận hành của TTCK.

Ai là khách hàng ?

Người đầu tư trong TTCK sở dĩ được gọi một cách phổ biến là khách hàng chính vì ở chỗ họ luôn luôn phải giao dịch thông qua các công ty chứng khoán, theo đó họ sẽ “sắm” riêng cho mình một tài khoản và hàng hóa mua bán (chứng khoán) được quản trong một danh mục đầu tư. Chủ các tài khoản đó rất đa dạng.

Khách hàng đơn Lẻ:

Khách hàng đơn lẻ có thể là dạng phổ biến và chiếm số lượng lớn trong hoạt động TTCK. Đây là các cá nhân làm chủ tài khoản một mình. Họ tự kiểm soát việc đầu tư, ra lệnh điều chuyển tiền và chứng khoán trong tài khoản và danh mục của mình.

Khách hàng liên kết:

Khách hàng liên kết bao gồm hai hay nhiều người (thường là hai) đứng tên làm chủ một tài khoản liên kết (joint account). Tên của các cá nhân đều được ghi vào tài khoản theo dạng gần giống như  “cộng đồng sở hữu”. Các tài khoản liên kết thường được mở dưới hai nội dung:

  1. Liên kết chung phần: theo đó phần tài sản của thành viên qua đời không được chuyển qua người còn sống.
  2. Liên kết chuyển quyền: quyền lợi của người qua đời đương nhiên được chuyển cho người sống sót.

Khách hàng liên kết mở và điều hành tài khoản đầu tư dựa theo một số thủ tục về biểu mẫu, làm cơ sở cho việc xác định hành vi giao dịch và quyền lợi của các thành viên.

Khách hàng hợp danh:

Khách hàng hợp danh là dạng hùn vốn của hai hoặc nhiều cá nhân để mở một tài khoản và danh mục đầu tư chung (partnership account). Các doanh hữu đầu tư theo dạng này được yêu cầu kết ước trong một thỏa thuận có tính pháp lý đối với việc kiểm soát và giao dịch qua tài khoản. Nếu một doanh hữu qua đời thì hội hữu này lập tức ngưng hoạt động. Tài khoản được phong tỏa và tất cả các giao dịch không có hiệu lực cho đến khi nào tài sản của người quá cố đã được giải quyết ổn thỏa.

Khách hàng công ty:

Đây là lực lượng có thể chiếm tỉ lệ lớn về quy mô vốn đầu tư trong TTCK. Công ty vừa là nguồn cung hàng hóa của TTCK vừa là loại khách hàng rất năng động trong TTCK. Chính sự linh động lúc đóng vai “sản xuất” để cung, lúc khác hay cùng lúc sắm vai cầu này đã hấp dẫn hầu như toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Và chính các doanh nghiệp, chứ không ai khác, là lực lượng mong đợi TTCK nhiều nhất. Rõ ràng việc đầu tư trong TTCK đối với các doanh nghiệp là cách mở thêm một cửa làm ăn, chứ không đơn thuần chỉ tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi tạm thời. Đây là hoạt động được xã hội khuyến khích.

Do đó mà từ nay các công ty mới mở, không nên quên nghiên cứu và ghi thêm vào điều lệ của mình thật rõ chức năng mua bán chứng khoán để khỏi phải mất thì giờ sau này điều chỉnh. Trong các điều lệ như vậy cũng sẽ ghi chức danh nào sẽ là người được đại diện giao dịch cho tài khoản công ty. Ơ các nước có TTCK ổn định, các nghiệp vụ bị hạn chế như tài khoản bảo chứng (margin account) chỉ được giao dịch khi điều lệ công ty cho phép.

Khách hàng hội đoàn:

Khách hội đoàn cũng giống như dạng khách công ty, nhưng có thể được quy định khác đi tùy theo điều kiện luật pháp của mỗi nước, ví dụ chỉ được mua bán các trái phiếu nhà nước, trái phiếu đô thị hoặc công trình… Mục tiêu đầu tư của loại khách hàng này chủ yếu là để bảo toàn vốn.

Khách hàng quản lý quỹ đầu tư:

Thay vì đầu tư trực tiếp, người đầu tư sẽ tham gia theo cách trung gian, dựa vào các quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư nhờ tập hợp được vốn lớn và chuyên nghiệp nên có khả năng đầu tư đa dạng, linh hoạt hoặc tập trung một cách chọn lọc… tuỳ theo loại quỹ và yêu cầu về chiến lược của các công ty đầu tư.

Khách hàng giám hộ:

Những người giám hộ thực hiện hành vi đầu tư chủ yếu là vì lợi ích của người thụ hưởng. Luật pháp sẽ xác định đối tượng được giám hộ, theo đó, sẽ có các đặc tính đầu tư riêng phù hợp với quyền lợi của người thụ hưởng. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là các hoạt động đầu tư theo thế thủ. Hoạt động giám hộ hoặc ủy nhiệm tương đối tế nhị và phức tạp. Do đó, luật lệ quy định về tư cách giám hộ cũng như phạm vi quyền hạn người giám hộ đươc soạn thảo rất cụ thể và chặt chẽ. Ví dụ hoạt động đầu cơ, vay nợ, ủy quyền cho người thứ ba, chia sẻ lợi nhuận,… thường bị cấm.

Giao dịch thế nào ?

Trước tiên, như đã đề cập, giao dịch của khách hàng trong TTCK thực chất là giao dịch với các công ty chứng khoán, cụ thể là các chuyên viên môi giới chứng khoán. (Ơ Mỹ người ta gọi các chuyên viên này tuỳ lúc bằng nhiều tên gọi khác nhau: stock-broker, registered representative hoặc account executive). Một nguyên tắc hành xử đối với các chuyên viên này là phải hiểu rõ thân chủ của mình. Họ có cách để làm sao cho có được sự chắc chắn rằng khách hàng sẽ đồng ý  nhận chứng khoán được mua và trả tiền như đã thỏa thuận. Ngược lại, khi một chuyên viên nhận thực hiện một lệnh bán từ khách hàng, ông ta đảm bảo rằng khách hàng chắc chắn có loại chứng khoán muốn bán , tức đang ở vị thế mua trước (long position), và sẽ giao hàng đúng hạn theo luật.

Người môi giới, tuỳ theo mức độ, có thể chỉ nhận lệnh  giao dịch của khách hàng hoặc cùng lúc cố vấn cho khách hàng. Các lệnh giao dịch sẽ được thị trường chuẩn hóa và được cụ thể các nội dung như:

–           Danh số khách hàng,

–           Danh số chuyên viên mội giới,

–           Danh hiệu chứng khoán (TTCK sẽ duyệt cấp),

–           Số lượng mua bán,

–           Hành động mua hay bán,

–           Giá thi hành,

–           Và một số hướng dẫn thực hiện khác.

Khách hàng chỉ cần đặt lệnh với nhà môi giới. Trình tự mua bán sau đó sẽ được công ty chứng khoán hoàn tất . Một lệnh điển hình sẽ diễn tiến:

  1. Khách đầu tư quan hệ với chuyên viên môi giới để đặt lệnh.
  2. Chuyên viên môi giới viết phiếu lệnh.
  3. Bộ phận điều phối lệnh nhận phiếu và chuyển lệnh đến thị trường để thực hiện.
  4. Thị trường hay sàn giao dịch nhận lệnh để thực hiện và nếu lệnh được đáp ứng sẽ được hồi báo ngược về bộ phận điều phối lệnh của công ty.
  5. Sau đó bộ phận kinh doanh (purchases & sales/P&S) tính toán, ghi chép toàn bộ các giao dịch, lo việc lập chứng từ và thực hành việc xác nhận với khách hàng.
  6. Bộ phận kế toán tài vụ thực hiện công việc giao nhận chứng khoán và tiền.

Những khách đầu tư ở các địa phương sẽ chỉ cần liên hệ với các chi nhánh hoặc đại diện giao dịch cho công ty chứng khoán. Đối với từng giao dịch một, nhà môi giới phải thực hiện chu đáo việc xác nhận giao dịch với khách hàng ngay khi hoặc trước khi hoàn tất giao dịch đó (được hiểu là thời điểm thanh toán và giao nhận theo luật định, ví dụ: ngày giao dịch T+7 – trong vòng 7 ngày kể từ ngày mua bán – chẳng hạn). Việc xác nhận cũng được thực hiện theo một số nội dung đầy đủ và được chuẩn hóa để tránh sự mơ hồ do diễn dịch sai theo chủ quan.

Một số lệnh căn bản:

Lệnh mua bán là thông điệp được chuẩn hóa để giao dịch trong TTCK. Đây là một yếu tố nghiệp vụ đặc thù mà người đầu tư rất cần được biết. Ta sẽ tìm hiểu một số lệnh căn bản.

Lệnh thị:

Tức lệnh mua hoặc bán theo giá thị trường (market order). Lệnh thị được đưa thẳng tới sàn giao dịch để thực hiện ngay theo giá thời điểm ra lệnh, không có một ràng buộc hoặc hạn chế nào. Yếu tố thời gian rất có ý nghĩa với lệnh này, vì vậy hiệu lực về giá cả niêm yết trên thị trường cần được tính toán chính xác và được chuẩn hóa rất cao để thông tin. Tại nhiều thị trường, hiệu lực báo giá có thể tính bằng giây. Do đó các thị trường mới mở có thể có khó khăn khi đáp ứng lệnh này.

Lệnh giới hạn:

Lệnh  giới hạn (limit order) được dùng để thực hiện việc mua hay bán chứng khoán theo một giá mà người đầu tư có mong muốn tốt hơn hoặc sẽ chấp nhận. Cụ thể mua thì ra giá thấp hơn và bán thì cao hơn giá thị trường lúc ra lệnh. Do đó loại lệnh này thường không được thi hành ngay. Việc đi tìm một giá như mong đợi hoặc tốt hơn này nếu các nhà môi giới không thực hiện được thì sẽ được chuyển lại cho các chuyên gia tại sàn giao dịch (specialist) ghi vào sổ theo dõi để thực hiện tiếp sau đó. Lệnh giới hạn có thể có bất lợi khi diễn biến giá thị trường không thể thỏa mãn ý đồ chủ quan của người ra lệnh. Lúc đó, người đầu tư sẽ rơi vào tình huống bị rủi ro do mất cơ hội mua hay bán.

Lệnh chặn trước: 

Lệnh chặn trước (stop order) được lập nhằm để phòng thủ một sự biến động giá bất lợi so với hướng mà nhà đầu tư dự đoán hay mong đợi. Thay vì mua bán theo giá thị trường, người đầu tư chấp nhận thiệt hại chút ít,  nếu tình huống xấu xẩy ra, để khóa đầu bất lợi lại. Khi giá thị trường diễn biến chạm giá chặn (stop price) thì tức khắc lệnh chặn tự động biến thành lệnh thị (để chặn không cho thiệt hại thêm nữa!). Trong lệnh chặn trước để mua, giá chặn mua đưa vào lệnh luôn luôn cao hơn giá thị trường. Trong lệnh chặn trước giá để bán (sell stop order), giá đưa vào lệnh luôn luôn thấp hơn giá thị trường (tại thời điểm đặt lệnh).

Ví dụ lệnh chặn mua: Người đầu tư muốn mua cổ phiếu công ty ABC, giá thị trường loại cổ phần đó hiện đang là 10.000đ, người đầu tư đoán rằng giá sẽ xuống nên trì hoãn mua sau sẽ có lợi hơn. Nhưng để cho an tâm và chắc chắn sẽ mua được, ông ta lập một lệnh chặn mua để phòng trường hợp diễn biến bất trắc làm giá tăng nhanh, lúc đó lệnh chặn mua sẽ đặt ở mức giá 10.100đ chẳng hạn. Lệnh chặn mua được áp dụng phổ biến trong giao dịch bán non (short sale).

Ví dụ lệnh chặn bán: Một người đầu tư đang có cổ phiếu XYZ đã mua với giá 11.000đ/cổ phần. Bây giờ muốn bán vì thấy giá hiện nay trên thị trường ở mức 12.000đ/cổ phần, đã có lời. Tuy nhiên ông ta nghĩ giá  có thể còn tăng nữa nên chưa vội bán. Để yên tâm theo đuổi quyết định “kiếm thêm chút cháo” này, ông sẽ cài một lệnh chặn bán ở mức 11.900đ chẳng hạn. Sau đó dù tình huống xấu có xẩy ra khi giá giảm, ông ta chỉ bị lỗ cơ hội có 100đ/cổ phần, vẫn còn lời nhiều! Trường hợp không sử dụng lệnh chặn bán, rủi ro lỗ lã có thể xảy ra rất lớn khi giá tụt mạnh đột xuất.

Qua trình bày và các ví dụ trên đây, ta thấy các lệnh chặn trước chủ yếu là để phòng ngừa, bảo vệ lời hoặc giảm lỗ. Ngoài ra, còn có lệnh chặn và giới hạn (stop limit order) là dạng kết hợp lệnh chặn và lệnh giới hạn. Thay vì khi giá thị trường chạm giá chặn thì lệnh sẽ tự động thi hành như lệnh thị, thì nó lại được ấn định thêm một giá giới hạn tiếp theo đó. Đây là loại lệnh có điều kiện khả thi kém nên nhiều thị trường cấm sử dụng.

Bên cạnh các lệnh căn bản trên đây, có thể có thêm yếu tố hiệu lực về thời gian thi hành, có tính hướng dẫn bên cạnh. Đồng thời mỗi thị trường, tùy theo điều kiện, có thể quy định loại lệnh cụ thể nào sẽ được phép sử sụng.

Guồng máy của TTCK, bất kể là mới nổi hay đã có bề dày thành tích, cũng phải tuân thủ một tôn chỉ tri hành bắt buộc là công khai và trung thực. Khách hàng trong TTCK dù có vẻ như chỉ được đứng ở các khu vực “cửa ra vào” của thị trường, về nguyên tắc, họ luôn thực hiện việc mua bán một cách thuận tiện nhất, được phục vụ như “thượng đế” (có quyền ngồi tại nhà ra lệnh!), được cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ. Công cuộc đầu tư trong TTCK của họ có thể được các công ty chứng khoán lo tới tận răng! Các ông bà chủ các portfolio có thể yên tâm làm việc khác hoặc ngồi nhà để đọc các báo cáo về tình hình tài khoản và danh mục của mình, cũng như các công khai định kỳ về tình hình sức khỏe của công ty chứng khoán mà mình đang quan hệ,… Tất cả diễn ra trong một trật tự được chuẩn hóa khoa học với một hệ thống vận hành tuy phức tạp nhưng được xem là an toàn và cao cấp nhất.

Nhưng rõ là không có một sự tốt đẹp đương nhiên nào. Trước hết, không thể thiếu vắng  sự tận tụy, chăm chút và nỗ lực…

 

Huy Nam

Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm bài viết