THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ PHẢI LÀ CÁI CHỢ ?

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Tìm hiểu về bản chất thị trường chứng khoán.

–           Phương cách và thuộc tính đầu tư trong thị trường chứng khoán.

Để giải thích về thị trường chứng khoán (TTCK) lúc đầu người ta đã mượn ý về cái “chợ” để làm phương tiện chuyển tải. Càng về sau việc sử dụng càng thường xuyên hơn, sự vay mượn đó đã vượt ra khỏi giới hạn ví von. Từ  “chợ” được nước thoát ra ngoài cái nháy nháy, tung hoành. Dân chúng, vốn còn xa lạ với hoạt động thị trường này, cứ thế mà đinh ninh rằng TTCK sẽ hoạt động giống như một cái chợ ở xứ mình.

Sự hình dung TTCK qua hình ảnh đơn giản của cái chợ có thể nói đã gây ngộ nhận đáng tiếc. Vì TTCK thật sự không có và không giống cái chợ nào cả.

Xét về ngôn từ vĩ mô – trên bình diện quốc gia và quốc tế -TTCK (stock market) là một ngành kinh tế hoạt động theo cơ chế cung cầu, có hệ thống quy chuẩn và luận thuyết khoa học riêng. Nó độc lập trong giải quyết nghiệp vụ và liên lập với các hoạt động kinh tế tài chính khác trong nỗ lực vận hành con tàu kinh tế của một quốc gia.  Hiểu theo ý nghĩa này thì không thể đơn giản hóa TTCK thành cái chợ, giống như không thể khái quát thị trường liên ngân hàng (inter-bank market) là cái chợ được. Thị trường và chợ là hai phạm trù kinh tế hoàn toàn khác nhau theo ngôn ngữ hiện đại.

Xét về nguồn gốc thuật ngữ, ngay từ thời điểm xuất phát, ở Âu cũng như Mỹ, để chỉ danh chính cái nơi tập trung giao dịch chứng khoán, người Mỹ gọi là “stock exchange”, người Âu gọi đó là “Bourse”. Hơn thế nữa TTCK hiện đại, với sự hỗ trợ của thành tựu về thông tin và vi xử lý, đã lột xác và nhiều lần hóa kiếp so với hình hài của nó ở thời sơ khai. Sự sôi động ở các TTCK hiện nay là hoạt động của một ngành công nghệ (securities industry) chứ  không còn đơn giản như hoạt động mua bán ở chợ, nhất là hiểu nghĩa theo cái chợ ở ta.

Xét theo cơ chế hoạt động, trên các sàn giao dịch, nơi bị suy diễn là cái “chợ”, tuyệt đối không có người mua kẻ bán thật sự mà chỉ toàn là đại diện các công ty môi giới. Ơ đó cũng chẳng có hàng hóa (chứng khoán). Những người môi giới mua và môi giới bán  đem các “lệnh” ra giao dịch theo sự truyền đạt từ công ty của họ. Hoạt động mua và bán đích thực diễn ra độc lập và ở tận đâu đâu, do các người đầu tư ra lệnh. Đồng thời, bản thân sở giao dịch chứng khoán không thực hiện việc mua bán chứng khoán.

Về phía quần chúng, cho đến nay nhiều người vẫn còn nghĩ rằng người ta có thể đến sở giao dịch, cụ thể hơn là sàn giao dịch, để mua chứng khoán đem về cất giữ hoặc đem cổ phần ra đó bán giống như đi chợ. Chuyện đó không thể xảy ra vì TTCK của Việt Nam chắc chắn sẽ du nhập ngang công nghệ chứng khoán của thế giới. Ngoài ra, các công ty thực hiện cổ phần hóa phát hành chứng khoán mới ra công chúng cũng không thể nào diễn ra trên sàn giao dịch. Đây là vấn đề hoàn toàn kỹ thuật.

Không hề có chuyện “đi chợ” để mua bán chứng khoán. Cho nên các sở giao dịch được tổ chức không phải để cho quần chúng mua bán thuận tiện mà để cho chính bản thân sở giao dịch hoạt động thuận tiện. Nghe nó có vẻ “mất quan điểm”, nhưng đó lại là luận cứ khách quan. Vì sự thuận tiện là do cả hệ thống đem lại cho quần chúng chứ không phải cái sàn giao dịch. Sàn giao dịch chỉ là phương tiện, là “câu lạc bộ” mà các thành viên là các công ty môi giới gặp nhau để làm động tác kết nối hoặc gút lại cái giá đã cho sẵn, hơn là thực hiện hành vi mua bán. Ngày nay, thậm chí không có sàn giao dịch TTCK vẫn có thể hoạt động bình thường. Quần chúng ngồi tại nhà để mua chứng khoán hoặc nếu có đi thì chỉ đến các văn phòng môi giới chứng khoán địa phương là cùng. Ơ ta, có thể sẽ có các văn phòng môi giới tại các tỉnh thành. Các lệnh mua bán được xử lý chủ yếu tại các công ty môi giới, hoặc kinh doanh chứng khoán, theo một trình tự phức tạp, được chuẩn hóa, mà hoạt động tại sàn giao dịch là một công đoạn của họ và chưa hẳn là cuối cùng.

Khái niệm người mua kẻ bán trong TTCK là một khái niệm có tính ước lệ, không tách ra được, vì họ là một. Gọi họ là người đầu tư thì đúng hơn. Không ai mua chứng khoán để cất giữ. Vì như thế TTCK sẽ thất nghiệp. Để giao dịch, họ thuê công ty môi giới quản lý cho họ một cái “shop” danh mục chứng khoán (portfolio) và mở trương mục (account) phục vụ riêng cho công cuộc làm ăn này.

Hoạt động mua bán trong TTCK diễn ra liên tục ngay tại cái “shop” đó, thông qua lệnh mua bán của người đầu tư. Một lệnh có thể chỉ để mua, để bán riêng biệt, hoặc có thể vừa mua vừa bán cùng lúc một lượng chứng khoán hệt nhau như trong chiến lược spread (mua bán song hành). Bản thân các chứng khoán trong portfolio cũng sẽ chẳng nằm yên. Nó được cho vay hoặc đem thế chấp. Và như thế các  “đơn vị hạch toán độc lập” này hoàn toàn không phải là người tiêu dùng hoặc là dân mua sắm trong TTCK!

Khách hàng của các công ty chứng khoán thường có động cơ kiếm lợi hơn là thuần túy tiết kiệm. Do đó mà hành vi đầu tư trong TTCK luôn thấp thoáng kỹ năng đầu cơ. Sự pha trộn này tạo nên một tính chất đặc thù của người đầu tư trong thị trường này, và chính nó là chất men cộng sinh để TTCK có thể hoạt động hiệu quả.

Có lẽ vì thế mà cũng cần nói thêm là người đầu tư trong TTCK đầu tư vào chứng khoán chứ không phải đi mua cổ phần công ty. Nói chung, họ gắn với TTCK hơn là gắn với công ty. Họ có thể bỏ vốn ra hoặc dốc hết hầu bao tiết kiệm để mua bán cái thứ hàng hóa có vẻ như quá trừu tượng: đó là NIỀM TIN. Cả một hệ thống công nghệ chứng khoán, với thành tựu chắt lọc được từ hàng trăm năm, đang nỗ lực không ngừng chỉ để nhằm duy trì có mỗi chữ TÍN đó.

Hoạt động của TTCK bám sát nhịp đập của nền kinh tế. Trong hệ thống đó, các nhà đầu tư công chúng tham gia trực tiếp và mặc nhiên trở thành một đơn vị kinh tế cộng sinh. Toàn bộ guồng máy vận hành theo một trật tự ăn khớp nhau như trong một thực thể thống nhất.

 

 

Huy Nam

Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm bài viết