VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MÔI GIỚI VÀ KINH DOANH CHỨNG KHOÁN

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Những nhà môi giới.

–           Những nhà kinh doanh chứng khoán.

Tất cả cổ phần, trái phiếu và các sản phẩm khác sau khi được phát hành trong thị trường chứng khoán được gọi chung là chứng khoán (securities – hoặc security để gọi riêng một chứng khoán nào đó). Chứng khoán đang được lưu hành trên thị trường không thuần là thứ tài sản lưu giữ mà chủ yếu là phương tiện kinh doanh (đầu tư) của hàng triệu con người. Khi lưu chuyển các sản phẩm đặc biệt (có tính hàng hóa) này, quần chúng (người đầu tư) thường không tự làm được do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân nổi cộm và bao trùm nhất là sự thiếu thông tin và các điều kiện đảm bảo an toàn…

Để thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán, người đầu tư có thể liên hệ với công ty chứng khoán có chức năng quản lý danh mục đầu tư của khách hàng và mở riêng cho mình một danh mục ở đó. Thông thường, để giảm rủi ro, mỗi danh mục được giao dịch cho nhiều loại chứng khoán khác nhau (portfolio). Đảm nhận việc mua bán trực tiếp cho người đầu tư trong thị trường chứng khoán là các nhà môi giới (Broker) và/hoặc các nhà kinh doanh chứng khoán (Dealer). Hầu hết các công ty hoạt động kinh doanh chứng khoán đều đồng thời có nghiệp vụ môi giới.

Những Người Môi Giới:

Hoạt động môi giới chủ yếu xoay quanh việc thu xếp mua bán cho khách hàng và hưởng một khoản huê hồng. Tùy theo vị trí công tác và tính chất dịch vụ, vai  trò của người môi giới và khoản thù lao họ nhận được sẽ khác nhau. Có môi giới địa phương, môi giới trên sàn,… Môi giới chỉ thuần túy thi hành lệnh hưởng bù đắp ít hơn môi giới có kèm tư vấn … Phẩm chất và đạo đức của các chuyên viên môi giới là mối quan tâm hàng đầu của các công ty chứng khoán nói riêng và công nghệ chứng khoán nói chung. George Riles, một quan chức của công ty Merrill Lynch, đã phát biểu : “Khi chọn mặt gởi vàng, cần tìm một người môi giới có thành tích sạch, được nhiều người tin cậy (great referrals) và công việc ổn định. Thêm nữa, tốt hơn người đó không quá thiên về nghiệp vụ giao dịch, thay vào đó, họ quan tâm đến tiêu chuẩn và mục đích của bạn hơn, để sẵn sàng nhận ra rằng một giao dịch hiệu quả nhất có thể chính là không có giao dịch nào cả”.

Người môi giới không mua bán chứng khoán bằng tài khoản riêng của chính mình, họ đơn giản làm cái gạch nối giữa người mua và người bán để thực hiện một thương vụ. Nhưng công việc của họ là những hoạt động phức tạp và đòi hỏi tiêu chuẩn, tốc độ và nỗ lực rất cao. Họ được nhìn nhận và tôn trọng như một chuyên gia chứ không phải một “tay cò”. Một số nhà quan sát và nghiên cứu tin rằng người môi giới sẽ cung cấp cho quần chúng đầu tư các ý kiến không thiên vị về một chứng khoán nào đó bởi lẽ họ không hoặc rất ít dan díu quyền lợi vào giao dịch mà họ đứng trung gian.

Những người kinh doanh (tự doanh):

Một công ty được gọi là kinh doanh chứng khoán (Dealer hoặc Broker-Dealer) khi họ đóng vai  trò là chủ lượng chứng khoán giao dịch. Họ có thể thực hiện một lệnh mua của khách hàng bằng cách bán ra chứng khoán tự có cùng loại. Tương tự, khi có một lệnh bán họ có thể mua chứng khoán đó để tồn kho hoặc làm giá lại để bán cho người khác ngay sau đó. Hoạt động mua bán loại này đôi khi gọi là position trading (giao dịch có vị thế). Gọi là đang có vị thế trong một chứng khoán  nào đó cũng có nghĩa là đang làm chủ hay kiểm soát lượng chứng khoán đó. Giao dịch vị thế được xác đinh rõ trong TTCK nhằm phân định rành mạch với các hoạt động mua bán khác.

Khi bán chứng khoán lưu kho cho khách hàng, nhà kinh doanh nhận cả vốn lẫn lời do động tác kê giá lên (markup) thay vì nhận huê hồng. Khi mua (thi hành lệnh bán) của khách hàng, dựa vào giá thời điểm, họ cắt một khoản (markdown) để có giá thu vào thấp hơn, đó là khoản lời cho phép.

Như đã đề cập ở trên, hầu hết các công ty chứng khoán ngày nay vừa đảm nhận môi giới, vừa kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, hoạt động nghiệp vụ của hai loại này luôn giữ độc lập và tách bạch. Để minh họa, ta có thể xem xét một công ty kinh doanh chứng khoán thi hành một lệnh (filling an order) cho khách hàng của họ như thế nào. Ví dụ khi nhận được một lệnh mua của khách, họ có thể xử lý bằng một trong các cách dưới đây :

–           Là broker, họ có thể hành động như đại diện của khách hàng bằng cách đi tìm một người bán loại chứng khoán mà khách hàng  yêu cầu và thu xếp việc trao đổi.

–           Là dealer, họ có thể mua chứng khoán đó từ các nhà làm giá (market maker – là các nhà dealer khác – hoặc specialist – có tư cách làm giá), kê giá lên, rồi bán lại cho các khách hàng đã đặt lệnh.

–           Các dealer (hoặc specialist – chuyên gia trên sàn) thường có các chứng khoán tồn kho, họ cũng có thể dùng lượng chứng khoán đó để bán  cho khách hàng.

Hoạt động kinh doanh chứng khoán tự doanh được thực hiện thông qua hành vi mua hay bán bằng tài khoản và vốn của chính công ty chứng khoán. Hoạt động này có thể có rủi ro. Trong khi đó, hoạt động môi giới thì khác, cứ có giao dịch là có tiền và càng mua bán nhiều thì broker càng “khỏe”.

Nghiệp vụ môi giới và kinh doanh chứng khoán dù được tồn tại song song nhưng không bao giờ được sử dụng trong cùng một giao dịch. Chẳng hạn, một công ty không thể làm giá một cổ phiếu vừa bằng khoản kê giá lên vừa cộng thêm một khoản huê hồng để giao chứng khoán đó cho khách hàng.

Chúng ta vừa lược qua những nguyên tắc thực hành căn bản và có tính chất đặc trưng, tiêu biểu. Trên thực tế, để hoàn tất một giao dịch, nhân sự đảm nhận và các khâu chuyên trách trong TTCK phải thực hiện một loạt các nghiệp vụ vừa chuyên môn vừa phức tạp. Ví dụ, nhận và viết lệnh, truyền lệnh và dò tìm thị trường, mua bán hoặc đấu giá, xác nhận mua bán, giao hàng, thanh toán, chuyển quyền sở hữu,… Chức năng hoạt động của các loại broker, các loại dealer, các specialist (của sàn giao dịch) cũng được khuôn định rõ ràng. Cơ chế mua bán, theo đó, cũng khác nhau.

Thị trường chứng khoán vận động trong môi trường tập hợp kiến thức đa ngành. Tại các thị trường phát triển, bản thân dung lượng sản phẩm và các nghiệp vụ trong đó đã quá phong phú, cả rộng lẫn sâu… Do đó trong công nghệ chứng khoán sự tiêu chuẩn hoá, chuyên môn hóa và phân công xuất hiện rất sớm và đạt mức độ cao.

Bản thân các nhà chuyên nghiệp hoạt động trong TTCK cũng chỉ thông thạo một cái “làng nhỏ” trong thế giới bao la. Họ phải nối mạng lại với nhau để thỏa mãn nhanh chóng lệnh của một “thượng đế” khi có yêu cầu bất chợt đưa ngài ấy đến một góc trời nào đó. Các “thượng đế” đó có thể biết một vài nơi nổi tiếng, biết một ít để ra lệnh cho oai, chứ thật ra, muốn cụ thể đi đâu, về đâu, khi nào … thì có lẽ họ chịu thua. Chuyện đó để cho các “em nó” lo. Đây là một lý giải thuyết phục về sự hiện diện ngay từ đầu các broker, dealer hoặc adviser trong TTCK.

 

 

Huy Nam

Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.

 

 

 

Xem thêm bài viết