– Tự biết mình.
– Nhu cầu nào mua loại đó.
– Các rủi ro trong đầu tư chứng khoán.
Có lẽ cần phải nói thật sớm rằng khi mua cổ phần công ty hoặc tại thị trường chứng khoán (TTCK) là ta đã bỏ vốn ra làm ăn chứ không phải bỏ ống hay gởi tiết kiệm. Chuyện tưởng đơn giản như thế mà hiện nay – và biết đâu sẽ còn lâu nữa – làm nhiều công ty đã cổ phần hóa đang phải nhức đầu …
Bối cảnh có thể là những người lao động, tay làm hàm nhai, ki cóp những đồng bạc dành dụm khó khăn đi mua cổ phần công ty. Cũng có thể đó là những người khá hơn, chỉ vì suy nghĩ quá đơn giản nên đã đinh ninh rằng sở hữu công ty rồi là bảnh lắm, cứ “tới kỳ là có bánh mì”,… Nhưng có trường hợp đã tới mấy kỳ mà chẳng thấy “bánh mì”! Công ty vừa cổ phần hóa xong thì khủng hoảng khu vực ập đến. Kết quả cân đối âm, đành phải cắn vào đuôi mà tồn tại, lấy lời đâu để mà chia ? Bức bách quá quý vị ấy đi bán cổ phần. Lại gặp ê chề : chấp nhận bán lỗ cũng không phải dễ tìm được người mua. Thế là tàn một giấc mơ ? … Chưa chắc. Hãy đợi đấy…
Tự biết mình:
Nếu ta tạm quên TTCK – hoặc giả sử cơ chế thị trường này còn lâu mới thành hiện thực – thì hành động mua cổ phần chẳng khác nào một quyết định hùn hạp kinh doanh. Do đó phải tính tới yếu tố lời ăn lỗ chịu. Liệu cơm gắp mắm hoặc lượng sức mình là điều cần thiết. Mua cổ phần là tham gia vào loại hình hoạt động kinh tế thứ ba của thị trường – Loại thứ nhất là tư doanh (sole proprietorship); loại thứ hai là hợp danh (partnership) và loại thứ ba là công ty hợp vốn (corporation). Đó là một loại hình làm ăn dài hơi và đầy biến động, có khi bất trắc không chừng. Quyền định đoạt của người tham gia sau khi bỏ đồng vốn vào đó có khi chỉ còn một phần triệu hay nhỏ hơn. Điều này gần đồng nghĩa với khả năng bị lệ thuộc hay mất quyền tự chủ – cho đến khi nào chưa có một TTCK hữu hiệu.
Tự biết mình là khả năng nhận ra được mong đợi riêng của một cá nhân khi đặt mình vào cuộc chơi đó. Do vậy mà sẽ chẳng quá đáng nếu có thể nói mua cổ phần công ty là để mong khấm khá hơn chứ không phải để kiếm sống. Vậy thì mình là ai? Làm buổi sáng đong gạo buổi chiều, nuôi con nhỏ mẹ già, chuẩn bị cho một chương trình đại học, sắp lập gia đình, xây nhà, về hưu,… nay mai sẽ cần một khoản tiền nhất định, thì hãy cân nhắc trước khi mua cổ phần. Ngoại trừ trường hợp được ưu đãi cấp không, việc giảm giá vài chục phần trăm cũng đừng nên vội, đừng vội… Đôi khi hỏng chuyện ngay ở chỗ tiếc của rẻ này. Việc mua hàng giảm giá đó có thể chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ vì do ta bị cuốn vào chứ không phải do một quá trình tính toán và quyết định.
Nhu cầu nào mua loại đó.
Tiền đầu tư vào cổ phần phải là tiền dư của để. Đó là món tiền cần thiết phải được quản lý một cách hiệu quả để kiếm cửa sinh lời. Lượng tiền này không dùng cho các nhu cầu sinh sống cơ bản và cũng không nằm trong kế hoạch sử dụng ngắn hạn. Thể trạng tâm lý vững vàng và một khả năng nhận thức tối thiểu về kinh tế là những yêu cầu cần thiết. Bởi vì không thể có chuyện “hổng biết đâu… bắt đền” khi có một sự trì trệ hoặc thậm chí mất trắng xảy ra. Nếu ta không được như vậy thì tốt nhất nên chọn một cách đầu tư khác dựa vào thế thủ – từ vừa vừa cho tới gần như chắc cú – đó là mua cổ phần ưu đãi, mua trái phiếu nhà nước, trái phiếu đô thị, trái phiếu công ty hoặc gởi tiết kiệm.
Cách đầu tư sau an toàn hơn, bảo đảm tới kỳ là có lãi để chi dùng và định được thời gian lấy vốn ra. (Ngoại trừ cổ phần ưu đãi thì không được vì đây là dạng đã dấn thân vào sân chơi nhưng còn “thủ cẳng”, không chịu thắng thua mà chỉ muốn “lấy xâu”). Ơ đây quy luật thị trường thể hiện rất rõ, rủi ro ít nhận được lợi ít và ngược lại. Rủi ro (risk) trong đầu tư không nên được hiểu theo nghĩa “liều” thông thường, mà phải được quan niệm là sự suy tính xa hoặc, dễ hiểu hơn, đó chính là sự mạo hiểm.
Riêng trong TTCK, một nguyên tắc hành xử bắt buộc, mà các thành viên chuyên nghiệp phải tuân thủ, đó là phải điều tra thật kỹ lưỡng tình trạng nhân thân, tình hình tài chánh, nhu cầu của người đầu tư trước khi mở tài khoản cho họ mua chứng khoán. Nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán nào không trưng ra được bằng chứng là mình đã thực hành tận tụy thủ tục này sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Thuộc bài rủi ro:
Gọi là đầu tư nghĩa là đã chơi trò chơi trí tuệ. Nhưng thói thường, khi say sưa nghĩ đến chiến thắng người ta dễ rơi vào trạng thái mất cảnh giác. Họ quên rằng tài thao lược của họ, hoặc ngay cả của các chuyên gia cố vấn cho họ, có thể bị “vô hiệu” bất cứ lúc nào tại hàng chục cửa ải, và nếu bất phước có ông kẹ rủi ro xuất hiện thì chí nguy. Do đó mà đừng quên nghĩ đến những thực tế phũ phàng, để thay vì “ngẫm lại mà đau” ta chấp nhận nó như là một “thú đau thương”. Tốt hơn hết người đầu tư cần nằm lòng càng nhiều rủi ro sau đây càng tốt:
Rủi ro lạm phát : Trước tiên là khả năng kiếm lời không đuổi kịp sự mất giá của đồng tiền đã bỏ ra đầu tư. Và khi sức mua của đồng bạc giảm sút do giá tiêu dùng tăng sẽ kéo theo lãi suất tăng. Tác động của lạm phát lên cổ phần và cổ phiếu, theo đó, thể hiện ở nhiều chừng mực khác nhau và rất phức tạp. Khái quát có thể nên biết rằng các trái phiếu càng dài hạn càng bị mất giá nhiều hơn loại ngắn hạn, các cổ phần thuộc về các công ty tiện ích có thể bất lợi vì không dễ tăng giá, cổ phần ưu đãi bị mất giá nhiều so với cổ phần thường…
Rủi ro bị cụt vốn: Nhà đầu tư – đặc biệt là trong TTCK- có thể bị mất một phần hoặc toàn bộ vốn đã bỏ ra do tiên đoán trật, hoặc do những hoàn cảnh bất lợi ập đến từ bên ngoài chứ không phải vì sức khỏe công ty. Ví dụ một ảnh hưởng tâm lý xa lánh, tẩy chay đối với một sản phẩm hay ngành sản xuất, sự thay đổi tập quán tiêu dùng,…
Rủi ro do chọn nhầm đối tượng: Người ta vẫn có thể bị lầm lẫn trước một quyết định tồi, ngay cả khi mọi thứ đã bày công khai ra trước mắt. Sự chủ quan hoặc hời hợt có thể cũng xui khiến ta làm sai mong đợi. Đó là lúc người đầu tư quyết định khi mua phải một loại chứng khoán không sinh lợi hoặc thậm chí lỗ.
Rủi ro do bất phùng thời: Mua hoặc bán cổ phần hoặc chứng khoán sai thời điểm cũng được xem là một rủi ro vì nó có thể dẫn đến lỗ lã hoặc bị hớ giá mất ăn. Bán quá bèo hoặc mua quá cao ngay ở các ngưỡng biến động có khi là một thiệt hại đáng kể.
Rủi ro về lãi suất: Người ta còn gọi đây là rủi ro mất khả năng tái đầu tư. Loại rủi ro này thường xẩy ra đối với người đầu tư vào chứng khoán có thu nhập đều đặn, do họ không thể dùng tiền lãi hoặc tiền gốc để mua lại loại chứng khoán cùng mức cũ. Khi lãi suất thị trường tăng, giá thị trường của các chứng khoán có thu nhập ổn định sẽ giảm. Các trái phiếu dài hạn và cổ phiếu ưu đãi bị rủi ro cao nhất do bị mất giá. Ngược lại các chứng khoán ngắn hạn, do sẽ được đáo hạn trong một thời gian ngắn, khả năng tái tạo nhanh, nên không bị ảnh hưởng nhiều so với biến động của lãi suất. Cổ phần thường cũng sẽ có biến động mặc dù mối liên hệ không có gì là rõ ràng.
Rủi ro do biến động thị trường (market risk): Là do áp lực của thị trường – TTCK – làm cho giá trị đầu tư bị biến động xấu, bị sụt giảm một phần. Rủi ro này gây thiệt hại nhiều với các loại chứng khoán có độ biến động (ví dụ hệ số biến động beta của Mỹ) cao hơn trung bình, và thấp nhất đối với các loại chứng khoán ổn định, ví dụ trái phiếu kho bạc Nhà Nước. Tuy nhiên các rủi ro do biến động không gây tác hại đáng kể đối với những người đầu tư có ý định cầm giữ lâu dài.
Rủi ro về tài chánh: Đây là rủi ro trực tiếp và đôi khi thảm hại do công ty phát hành làm ăn thất bại hoặc phá sản, đe dọa người đầu tư thiệt hại một phần hoặc mất trọn số tiền đã bỏ ra mua chứng khoán.
Rủi ro về khả năng thanh khoản: Khi người đầu tư muốn bán một lượng chứng khoán đang sở hữu, không phải ông ta luôn luôn có thể thực hiện theo một thời điểm như ý mình. Đối với các chứng khoán có thị trường lạnh nhạt dễ gây khó khăn cho người đầu tư khi họ muốn thanh lý vị thế của mình. Hiện tượng “dội chợ” này được xem là một rủi ro vì muốn thanh lý có khi phải chịu một khoản giảm giá đáng kể.
Rủi ro pháp chế: Sự thay đổi của luật pháp hiện hành có thể tác động xấu đến một số hoạt động đầu tư đang tồn tại. Sự thay đổi về chính sách của chính phủ cũng có thể là rủi ro của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây lại chính là công cụ điều hành vĩ mô của Nhà nước.
Ngoài ra còn phải kể đến loại rủi ro do ảnh hưởng dây chuyền hoặc lây lan, ví dụ như các cơn trào khủng hoảng. Một sự kém hiệu quả của bộ máy và thị trường cũng có thể gây nên thiệt hại cho người đầu tư.
Một thực tế có tính đúc kết là mua cổ phiếu của công ty vào thời điểm TTCK chuẩn bị ra đời thường rất dễ thắng. Bởi vì trong giai đoạn này chứng khoán ít, trong khi lượng cầu chứng khoán sẽ gia tăng liên tục trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên người mua phải đủ sức cầm cự trong một thời gian có thể dài. Những biến động bất lợi đoản kỳ chưa phải là chiều hướng xác quyết của một loại cổ phiếu nào đó. Như ta đã phân tích loại rủi ro do chọn sai thời điểm – ví dụ cần tiền bán quá sớm – có thể gây thiệt hại đáng kể. Vậy ta tạm mượn “niệm khúc” của dân “xòe” để ví von minh họa: “cờ bạc ăn về sáng” là vậy.
Một đặc điểm khác cũng cần nêu để người mua chứng khoán tham khảo, đó là mua cổ phiếu mà chỉ nghĩ tới cổ tức cao thấp thôi thì chưa phải là dân chơi! Làm chủ ai lại đi đòi hưởng “lương”! Cổ tức chẳng qua chỉ là một dạng “sinh họat phí”. Phần thưởng do đầu tư mang lại nằm chủ yếu ở giá trị gia tăng. Nhưng khoản này lại không thể nào có sớm được trong vài ba năm đầu đối với doanh nghiệp mới được tạo lập hoặc tái cấu trúc.
Cũng cần xác định bản lĩnh cho một chuyến về không hoặc may mắn hơn chỉ vớt vát “đủ trả tiền xe”. Chữ “ngờ” thật khó học , cho nên mới luôn có kẻ khóc người cười. Chẳng hạn vụ bò điên làm ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt bò bên Anh điêu đứng, những tay kếch xù nhanh chóng bị mất trắng, thì ngược lại, một số ông chủ cà tàng nuôi đà điểu có thể bỗng chốc lên hương, đơn giản từ một nhận định có tính tình thế đăng trên báo: thịt đà điểu thay thịt bò!
Mua cổ phần là một hoạt động đầu tư trực tiếp. Đó là kết quả của một chuỗi tìm hiểu, cân nhắc và suy tính, gồm cả động tác sờ lại túi mình. Không nên quyết định như đi mua trứng cút. Ai muốn “cho khỏe” thì đi gởi tiết kiệm. Hoặc có máu đầu tư mà ghét suy nghĩ “rắc rối quá” thì nên nhờ đến các nhà phân tích và cố vấn đầu tư. Và hãy thử, ngay trong các đợt cổ phần hóa rầm rộ, quý vị tham khảo xem sẽ quyết định thế nào để có dịp sử dụng những đồng tiền còn ướt mồ hôi của mình một cách hiệu quả nhất.
Huy Nam,
Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.