– Vai trò và vị trí của người đầu tư.
– Mục tiêu đầu tư của khách hàng.
– Một số chiến lược đầu tư.
– Kỹ thuật quản lý rủi ro.
Không ít người vẫn còn chưa phân biệt giữa việc tham gia vào công ty và tham gia vào thị trường chứng khoán (TTCK). Khi nói hai hoạt động này khác nhau có người không hình dung được hoặc lẫn lộn. Nhất là tại Việt Nam, Luật CôngTy cho phép phát hành cổ phần thường (không ghi tên) một cách rộng rãi và cho phép các cổ đông mua bán, sang nhượng…
Vị trí và vai trò của người đầu tư:
Trước tiên để không bị ngộ nhận, nói đến thị trường chứng khoán cần được hiểu ngầm đó là TTCK có tổ chức. Vì ngày nay hầu như không còn tồn tại loại TTCK tự phát hoặc tự điều chỉnh.
Chúng ta không bàn sâu về những sự khác biệt. Nhưng để có điều kiện hình dung, quý vị có thể tạm nhận dạng một cách tổng quát rằng, người đầu tư vào công ty khi mua cổ phần họ quan hệ trực tiếp với công ty đó và có tư cách là một cổ đông; nhưng khi đầu tư qua phương tiện TTCK người đầu tư lại quan hệ với các công ty chứng khoán, kể cả mua cổ phần công ty, và nhận được cùng lúc hai tư cách: là cổ đông (shareholder) đối với công ty phát hành cổ phần đó và là khách hàng (customer) đối với công ty môi giới hoặc kinh doanh chứng khoán. Loại đầu tư sau chủ yếu gắn kết với TTCK. Họ bỏ tiền ra đầu tư để đầu cơ vào chứng khoán hơn là hàm ý đầu tư. Vì đầu tư được hiểu theo nghĩa cổ điển là để gầy dựng một cơ đồ. Ngược lại, người đầu tư vào công ty thì nặng đầu tư hơn đầu cơ – nên hiểu cả đầu tư lẫn đầu cơ theo khảo hướng là nhũng hoạt động tích cực.
Chúng ta sẽ thấy người đầu tư ở TTCK thường chỉ “ghé ngang” qua doanh nghiệp để “nhận tiền thưởng” (nếu có lời) hoặc “đóng tiền phạt” (nếu bị thua lỗ). Họ tiếp tay làm cái công việc lăn “quả cầu tuyết” của ai đó đã thả ra – tức đã bỏ vốn ban đầu khi tạo lập doanh nghiệp – các entrepreneurs này giống như những người đã đầu tư vào công ty. Mối quan hệ này là sự vận động chuyển hóa của các tế bào kinh tế trong quá trình tồn tại và phát triển của thực thể công ty, lúc biến mất lúc tái hiện, diễn ra theo một lô gích cộng sinh, tuy phức tạp nhưng chủ yếu dựa vào dòng chảy của thị trường.
Đây cũng chính là lý giải tính tích cực của cơ chế TTCK. Tư cách khách hàng của người đầu tư, do đó, được quan tâm đặc biệt trong TTCK.
Mục tiêu đầu tư của khách hàng:
Trong TTCK, sở dĩ người đầu tư phải thông qua các nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán, ngoài yếu tố kỹ thuật, thông tin và sự an toàn (là những lý do cơ bản), khách hàng gõ cửa các chuyên viên vì họ cho rằng sự hướng dẫn của giới chuyên nghiệp này có giá trị tốt nhất để đạt các mục tiêu về tài chánh của mình. Nhu cầu và mục tiêu của mỗi người đầu tư có khác nhau, do đó kế hoạch tài chánh cũng khác nhau. Các chuyên viên hành nghề trong TTCK sẽ thực hiện một trích ngang để đặc tả về nhân thân và tình hình tài chánh của từng thân chủ đó. Đặc tả này cũng bao gồm các thông tin về trình độ đầu tư của khách hàng và khả năng chấp nhận rủi ro của họ.
Việc phải hiểu rõ khách hàng trước khi thực hiện mọi giao dịch là yêu cầu có tính nguyên tắc trong TTCK. Điều này giúp giới chuyên nghiệp hiểu được bản chất tình trạng của người muốn đầu tư, các mục tiêu mong đợi và kế hoạch tương lai của họ, để đưa ra các đề nghị phù hợp với nhu cầu. Một sự tắc trách, qua loa lấy lệ có thể dẫn đến hậu quả tai hại cho người đầu tư, nhất là những người ít kinh nghiệm, có thể là việc làm mất uy tín thị trường và có thể đưa đến tranh chấp.
Đối với một chuyên viên tận tụy với nghề, trong quá trình điều tra các thông tin cá nhân như vậy, thông thường họ lập ra hai bảng tình trạng tài chánh của khách hàng: một bảng cân đối giá trị tài sản thuần (net worth) gồm tổng tài sản trừ đi tổng nợ (bảng 1) và một bảng báo cáo về thu nhập (income statement). Báo cáo thu nhập thể hiện kết số giữa thu nhập các loại hàng tháng trừ đi tổng chi tiêu tháng đó (bảng 2). Nó cho biết số tiền đóng góp hàng tháng vào tài sản thuần lưu hoạt (liquid net worth). Đây chính là các món tiền khả dụng vào đầu tư chứng khoán. Tình trạng tài chánh sẽ xoay quanh các kết quả này.
Bảng 1
Biểu báo giá trị thuần của Ông/ Bà:………………………………………………….
TÀI SẢN:
Nhà:…………………………………………………………………đ—————————–
Xe: …….……………………………………………………………. —————————–
Tài khoản tiền gởi (vàng gởi)………………………………………—————————–
Các tài khoản tiết kiệm……………………………………………. —————————–
Các loại chứng khoán………………………………………………—————————–
Các tài khoản khác…………………………………………………—————————–
TỔNG CỘNG TÀI SẢN:……………………………………………đ—————————-
TRỪ:
NỢ:
Cầm cố nhà đất…………………………………………………….đ—————————-
Nợ mua góp………………………………….……………………..đ—————————-
Nợ tín dụng………………………………………………………….đ—————————-
Các khoản nợ khác….……………………………………………..đ——————-
Tổng nợ
Giá trị tài sản thuần
Bảng 2
Biểu báo thu nhập cá nhân của Ông/ Bà:………………………………………………….
THU NHẬP HẰNG THÀNG:
Lương:………………………………………………………………đ—————————–
Lợi tức đầu tư:………………………………………………………. —————————–
Thu nhập khác:………………………………………………………—————————–
TỔNG CỘNG THU NHẬP THÁNG:………..……………………đ—————————-
CÁC KHOẢN CHI HÀNG THÁNG:
Thuế:………….…………………………………………………….đ—————————-
Khấu trừ cầm cố, thế chấp:..……………….……………………..đ—————————-
Trả nợ vay:………………………………………………………….đ—————————-
Chi phí ăn, ở, sinh hoạt:.…………………………………………..đ—————————-
Chi phí mua bảo hiểm:……………………………………………..đ—————————-
Chi phí giải trí, đi lại:………………………………………………..đ—————————-
Các chi phí khác:……….…………………………………………..đ—————————-
TỔNG CHI PHÍ THÁNG:…………………………………………..đ—————————-
VỐN KHẢ DĨ HẰNG THÁNG DÀNH CHO TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ:….đ——————
Dựa vào tình hình tài chánh, nhu cầu, thể trạng, tánh khí,… khách hàng sẽ được các chuyên viên phân tích và đề nghị các giải pháp đầu tư đúng đắn và khôn ngoan hơn, giúp khách hàng lựa chọn theo mục tiêu của mình và quyết định. Nếu hiệu lực của cơ chế TTCK thể hiện cao nhất ở khả năng tri hành trung thực và công bình thì phần lớn nằm ở khâu này.
Một số chiến lược đầu tư:
Phương tiện đầu tư trong TTCK là các danh mục đầu tư. Một danh mục đầu tư (portfolio) là tập hợp sở hữu các cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ tương đương tiền mặt, các sản phẩm đầu tư theo gói và nhiều loại hàng hóa đầu tư khác.
Danh mục đầu tư được lập nhằm giúp người đầu tư vừa thực hiện ý đồ phân tán trứng ra nhiều rỗ khác nhau theo ý tưởng phương Tây, vừa giữ được các chiếc đũa nằm chung trong một bó theo tinh thần phương Đông. Tuy nhiên, mục đích thực dụng của nó là để phục vụ cho các kỹ thuật đầu tư. Cho nên người đầu tư cũng nên làm quen với một số chiến lược để có ý niệm tham khảo với các chuyên viên sau này.
Các chiến lược đầu tư tập trung:
Người đầu tư gọi là tập trung khi họ theo đuổi cách đầu tư theo chủ trương tiến công. Họ mua và bán các loại chứng khoán theo cách:
” Chọn loại chứng khoán có hệ số biến động hiệu ứng (coefficient) cao so với bình quân của thị trường.
” Mua chứng khoán bằng đòn bẩy tài chánh (margin).
” Sử dụng các chiến lược về tùy chọn (options).
” Sử dụng các kỹ thuật mua bán song hành (arbitrage).
Các chiến lược đầu tư thế thủ:
Người đầu tư ở thế thủ chấp nhận các khoản lời có thể thấp. Nhưng bù lại, họ ít bị rủi ro hơn và do đó khả năng bảo toàn vốn cao. Người đầu tư sử dụng chiến lược này lập một portfolio với vốn khả dụng chiếm tỉ trọng cao nằm trong trái phiếu, các công cụ tương đương tiền mặt và các loại cổ phần có khả năng “miễn nhiễm” cao vào thời buổi có khủng hoảng, bao gồm các loại cổ phần công ty thuộc lãnh vực tiện ích và nhu yếu.
Các chiến lược đầu tư trung dung:
Thể hiện trong các danh mục đầu tư có ý đồ cân đối hoặc pha trộn giữa các loại chứng khoán phục vụ cho thế công và thủ như trên.
Các kỹ thuật quản lý rủi ro:
Kỹ thuật đầu tư đa dạng:
Một danh mục đầu tư có thể được thiết lập phân tán bởi nhiều cách khác nhau, theo phối hợp dưới đây:
” Theo loại công cụ.
” Theo ngành kinh doanh hoặc kỹ nghệ.
” Theo các công ty thuộc phạm vi một ngành.
” Theo độ dài thời gian đáo hạn.
” Theo đánh giá xếp hạng.
” Theo vùng địa lý.
Kỹ thuật đầu tư trung bình giá phí (cost averaging):
Người đầu tư sử dụng một lượng tiền cố định để mua cổ phần theo một thời gian định sẵn, đối với một hoặc một số cổ phần nào đó. Kỹ thuật này cho phép người đầu tư mua được nhiều cổ phần hơn ở những thời điểm hạ giá tạo khả năng bù trừ và làm giảm giá phí đầu tư trung bình. Trong một thị trường biến động, đầu tư theo cách này cho ta giá trung bình cổ phần được mua luôn thấp hơn giá bình quân trên thị trường.
Kỹ thuật tỉ lệ bất biến (constant ratio plan):
Người đầu tư định ra một tỉ lệ cố định, dựa vào đó chứng khoán được mua và bán theo cách sao cho duy trì portfolio của mình được cân đối giữa chứng khoán vốn và chứng khoán nợ.
Kỹ thuật giá trị bất biến (constant dollar plan):
Thay vì giữ một tỉ lệ nhất định như cách trên, kỹ thuật này duy trì một giá trị cố định bằng tiền tương ứng trong tài khoản của người đầu tư. Mục đích mua bán chứng khoán xoay quanh yêu cầu không làm tăng giảm một số tiền đầu tư vào một danh mục. Kỹ thuật này cho phép người đầu tư thực hiện bán ra khi giá lên và mua vào khi giá hạ, nhưng chỉ đơn giản phục vụ cho việc duy trì hay tái lập một hằng số đầu tư.
Do chủng loại ngành nghề, sự đa dạng của chứng khoán, sự mênh mông và phức tạp của thị trường,… Người đầu tư, nhất là quần chúng, thường có hiểu biết hạn chế, do đó họ khó thành công nếu chỉ “bơi” có một mình.
Trong một môi trường đầu tư hữu hiệu và có chiều hướng chuyên nghiệp, người đầu tư thường chọn cách “ra biển có đôi”, bất kể ở thị trường nào chứ không riêng gì TTCK. Đặc biệt trong TTCK, người đầu tư nên biết là mình có rất nhiều cửa để đi, được săn đón – vì họ cũng là khách hàng – và quan trọng là nhớ đừng “kỹ” quá hoặc chỉ muốn ăn trọn. Bên cạnh những công ty chứng khoán, những nhà tư vấn – môi giới – giao dịch, người đầu tư có thể dự phần vào các công ty đầu tư (investment company) với nhiều hình thức lập quỹ khác nhau, hoặc tham gia hợp thành các câu lạc bộ đầu tư (investment club). Hai loại sau không phải là thành viên của TTCK nhưng là những nhân tố đóng góp đắc lực vào sự thành công của TTCK.
Người đầu tư thông thường có lẽ cũng không cần phải đi học về TTCK chi cho khổ và tốn kém, vì chỉ những ai cần nghiệp vụ đi làm việc hoặc có gắn kết mật thiết đến TTCK mới qua đào tạo. Lại càng không nên quá quan tâm cái chứng chỉ tập huấn mấy ngày vì nó chẳng dùng vào đâu được, nếu có cũng chỉ để giữ cho vui. Bởi vì bất cứ lúc nào muốn vào ra TTCK cũng cần người dắt, những chuyên viên được TTCK phân công luôn “đứng chờ trước cửa”. Việc họ cần là một kiến thức nền (background) cho tốt. Muốn vậy hãy đọc nhiều và thường xuyên các tạp chí kinh tế, cẩm nang, dự các khóa hội thảo hoặc thuyết trình chuyên đề có nội dung súc tích. Và cuối cùng… cần thiết phải hành động chứ đừng có lý thuyết suông, bằng các quyết định đầu tư, dù nhỏ thôi, có thể nhân dịp các công ty đang cổ phần hóa rộng rãi.
Nhưng có một thứ mà bất cứ ai muốn tham gia đầu tư cũng cần có, đó là một cái đầu entrepreneurship – đó chính là khả năng dám nghĩ dám làm.
Huy Nam
Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.