- Có chứng khoán gần giống như có tiền
- Tiêu chuẩn chứng khoán được lưu hành
- Khả năng quay vòng
- Giá cổ phần thấp
- Chẻ nhỏ mức giá yết
Một thuận lợi cơ bản đối với người đầu tư trong thị trường chứng khoán (TTCK) là khả năng chuyển đổi các loại chứng khoán thành tiền mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Những lo ngại cố hữu về khả năng lưu hoạt có hiệu quả nhất đồng tiền của công chúng nếu chưa được cơ chế công ty hoặc ngân hàng thỏa mãn, thì đã có TTCK bọc lót.
Người đầu tư không sợ bị chôn vốn do họ có thể bán chứng khoán trên các thị trường thứ cấp khi cần tiền hoặc không muốn giữ loại tài sản (chứng khoán) đó nữa. Điều này chẳng những khuyến khích sử dụng hợp lý tiết kiệm mà còn giúp tăng khả năng lưu thông và sinh lợi các nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi.
Người đầu tư không bị cột chặt vào một loại cổ phần hay trái phiếu nào. Khi thấy việc giữ lại không có lợi, họ bán hoặc chuyển qua loại khác. Các kỹ thuật mua bán trong TTCK giúp họ bảo vệ mức lời tối thiểu hoặc khống chế mức lỗ tối đa, kỹ thuật này cũng giúp họ triển hạn các quyết định, có nên mua hay bán, đến một thời điểm khác trong tương lai mà không bỏ lỡ các thời cơ,… Đồng tiền “ký gởi” vào TTCK khôn hơn nhiều so với việc cất giữ vào nơi khác,…
Hai mục đích cơ bản của bất cứ người nào có máu đầu tư hoặc bất cứ ai có tiền muốn sinh lợi là (1) làm sao giữ được giátrị (storing value) và (2) thực hiện được giá trị đó (realizing value). Sự tiện lợi và khả năng tạo thanh khoản nhanh của TTCK làm cho mọi người nhận thấy không cần thiết phải “tồn quỹ” trong két riêng.
Thực tế trong các nền kinh tế có TTCK trên thế giới cho biết hầu như tất cả các công ty và tổ chức đều mượn cơ chế thị trường này để giữ tiền và sinh lợi cho họ. Hầu hết các doanh nghiệp (dù không phải là cổ phần) và tổ chức này đều có “nuôi” các bộ phận chuyên trách chứng khoán hoặc nhà tư vấn làm việc cho họ, vì đây là một loại hoạt động kinh tế thiết thực và hiệu quả không thể bỏ qua. Do tính chất thanh khoản đóng một vai trò quyết định cho sự tồn tại của TTCK, công nghệ chứng khoán đã dành nhiều nỗ lực nhằm tạo ra một thị trường năng động (active).
TIÊU CHUẨN LƯU HÀNH
Tất cả chứng khoán được kiểm tra chất lượng kỹ càng trước khi lưu hành trong bất cứ thị trường thứ cấp nào. Sau khi đã được lưu hành, nó tiếp tục được theo dõi, đánh giá, xếp hạng và chăm sóc tình hình sức khỏe thường xuyên,… Nếu thấy yếu quá và tuột xuống mức quy định thì nó có thể bị loại ra(delist) khỏi một thị trường. Chứng khoán vì thế là các hàng hóa chọn lọc có khả năng mua bán nhanh.
KHẢ NĂNG QUAY VÒNG
Chứng khoán được xem là một tài sản cực kỳ lưu hoạt. Có thể chỉ đứng sau tiền mặt. Người mua bán chứng khoán thường mở một cái “shop danh mục” (portfolio) tại các công ty chứng khoán. Các chứng khoán trong danh mục đó ít khi nằm yên. Nó được huy động cho vay, thế chấp, dùng để thanh toán,… Các nghiệp vụ và kỹ thuật mua bán, ngoài việc cung cấp sự thuận tiện cho người đầu tư, bản thân chúng còn góp phần làm tăng khả năng quay vòng của các chứng khoán cơ sở (underlying stocks). Đây là một hấp dẫn thú vị khi ta có dịp tìm hiểu sâu hơn về các lệnh, các chiến lược đầu tư, các kỹ thuật mua bán,…
Thật là oan ông địa nếu ta đánh giá việc mua bán bằng tài khoản bảo chứng (margin account), bán khống (short sale), hay mua bán các hợp đồng option,… chỉ bằng cái nhìn tiêu cực – Điều này gợi nhớ trước đây ta cũng từng đánh giá thấp hoạt động dịch vụ và gián tiếp vì nó không trực tiếp làm ra của cải vật chất – Chính các nghiệp vụ giao dịch trên đã tạo xung lực gia tăng nhịp độ và duy trì thị trường. Luận thuyết khoa học biện minh cho tư duy kinh tế của TTCK có thể tìm thấy ở đó một phần.
GIÁ CỔ PHẦN THẤP
Ngoại trừ các chứng khoán nợ thường có giá tương đối cao (các trái phiếu ở Mỹ có giá mặt 1.000 USD), các cổ phần công ty luôn được duy trì ở giá thấp. Mục tiêu cốt lõi là để dễ mua bán và đón giá lên. Khi giá đã tăng đến một mức cao tương đối trên thị trường, các công ty thường áp dụng phương thức chiết tách (split) theo một tỉ lệ hợp lý. Ví dụ một cổ phần thường đang có giá 600.000 VNĐ và được xem là cao, sau khi tách 1 thành 4 thì giá sẽ thấp xuống còn 150.000 VNĐ và số cổ phần tăng thêm là 3 cho mỗi cổ phần cũ. Kỹ thuật chiết tách và duy trì giá vừa phải được thực hiện theo các nghiên cứu khả thi và có chiều hướng tích cực. Bên cạnh kỹ thuật duy trì giá giao dịch thấp, TTCK khuyến khích lượng mua bán với các giao dịch lô tròn (round lot), mỗi lô như vậy gồm 100 cổ phần.
CHẺ NHỎ CÁC NẤC SỐ LẺ GIÁ MUA BÁN
Tùy thị trường và tùy loại chứng khoán, để tạo sự nhạy cảm và tăng lượng mua bán, giá chứng khoán được định phần lẻ nhỏ hoặc rất nhỏ và được áp dụng thống nhất. Ở Mỹ các nấc giá số lẻ (increment) giá cổ phần là 1/8. Ví dụ: 100 cổ phần công ty MBI giá yết 163/8 sẽ là $1637,.50 – Các trái phiếu được niêm yết theo % (tỉ lệ phần trăm giá mặt) và nấc số lẻ thay đổi tùy theo loại: trái phiếu công ty là 1/8, trái phiếu chính phủ là 1/32, 1/64 tùy theo loại thị trường – Ví dụ: giá yết 94-18 của trái phiếu kho bạc nhà nước sẽ là9418/32% của $1000 bằng $945,625.
Mục đích của việc chẻ nhỏ các nấc giá và đặt thành quy chuẩn thi hành bắt buộc trong các giao dịch một lần nữa góp phần làm cho thị trường có trật tự, thương lượng dễ dàng,… và đặc biệt để mua bán dễ xảy ra hơn. Tất cả vì một sự linh động cao của thị trường.
TTCK khuyến khích mua bán liên tục các chứng khoán. Đặc điểm này có thể cho ta rút ra một khía cạnh triết lý của thị trường: Đứng trước cùng một điều kiện và cùng một hoàn cảnh, “ma” nó nhập vào anh này bảo “quăng” ra thì đồng thời “con ma” khác nhập vào anh kia và bảo “ôm” vào. Thế là có mua bán. Đến đây ta có thể mạnh dạn nói thêm rằng trong TTCK không một người đầu tư nào không có ý đồ đầu cơ. Từ rất lâu, đầu cơ (speculation) trong TTCK nói riêng và hoạt động tài chánh nói chung không mang ý nghĩa xấu. Chính ý tưởng đầu cơ đã giúp một tay đắc lực tạo thanh khoản cho thị trường. Và sẽ có người lo việc mua bán liên tục như vậy sẽ đẩy giá lên sẽ đẩy giá lên không cơ sở… Hãy hoàn toàn yên tâm:
Thứ nhất, khi thị trường được tổ chức tốt, trong suốt và công khai, sản phẩm trong TTCK cũng sẽ cạnh tranh giống hệt như tình hình kinh doanh thực sự ngoài thị trường của các doanh nghiệp và giá, do đó, sẽ dao động bám sát.
Thứ hai, cơ chế mua bán trong thị trường chứng khoán tạo ra hai khuynh hướng đầu tư có cơ hội kiếm lợi như nhau: đầu tư kiếm lợi giá lên và đầu tư kiếm lợi giá xuống. Hai lực lượng này trong sân chơi luôn luôn hiện diện và giúp quân bình mức giá gần sát với thực tế. Các lời lỗ về đầu tư (capital gain/loss) trong TTCK chủ yếu xoay quanh khả năng tiên đoán này.
Giống như thị trường vàng một thời, một tâm lý mua bán trong TTCK cũng rất “trẻ con”: nhào vô mua khi giá lên và đổ xô bán khi giá xuống. Nhưng thú vị hơn là khi giá đứng yên mà cũng có cửa để kiếm lời, hoặc người ta có thể đón bắt cả khi không biết nó chạy về hướng nào… Cứ thế nó hấp dẫn người tham gia.
TTCK cứ sôi động liên tục liên tục. Việc nhập vào hay thoát ra là hoàn toàn thuộc về sự chọn lựa chủ quan, chẳng sợ kẹt tiền.