Hoa sữa cho ý niệm tinh khíết và cảm giác mong manh dễ vỡ… Hoa sữa từng mơn trớn những con đường hẹn hò xưa, gợi nhớ một góc phố tình tứ lãng mạn hay chút hòai niệm tài hoa… Nhắc đến hoa sữa một thời là nhắc đến Hà Nội. Ai chưa đi Hà Nội mà nghe thơ nhạc lý lời về hoa sữa có lẽ cũng đều mong có dịp được nhìn thấy cây hoa này. Nhưng đó chỉ là chuyện của thời còn …quý hiếm.
Không ít đô thị tại miền Trung gần đây đã tranh thủ cho mình những đường phố hoa sữa. Có nơi trồng đại trà cả ngàn cây như tại Quy Nhơn, lấn át những loại cây đường phố truyền thống khác như phượng đỏ, xà cừ, bằng lăng, me, viết… Tại Đà Nẵng, không ít đường phố như đường Nguyễn Văn Linh, đường Lê Duẫn, v.v… đã từng đầy hoa sữa, Hội An cổ kính nhưng ít cây xanh nên hoa sữa cũng đã thâm nhập dễ dàng. Nhờ có thơ và nhạc “lăng xê”, cảm hứng hoa sữa đã bùng lên khá mạnh. Loài cây này nhanh chóng có chỗ đứng trong một số công viên, cơ quan, trường học và thậm chí tại các vườn nhà. Do dễ trồng, ít cần chăm sóc, lại lớn nhanh, hoa sữa cho ‘năng suất’ cao và giúp dễ ‘đạt chỉ tiêu’. Lúc đầu còn ‘quý hiếm’, các vựa kinh doanh cây kiểng cũng đã đưa nó vào để giới thiệu với dân chơi, nhưng chẳng bao lâu thì người ta biết rằng chúng không phải là lọai “kỳ hoa dị thảo”…
Thật vậy, đây là một loài cây thân xốp, họ tạp, phù hợp với yêu cầu che mát nhanh, tạm thời hay dã chiến. Công dụng của chúng có thể gần giống như cây trứng cá hay keo lá tràm nhưng không cứng chắc bằng. Ở Hà Nội, hoa sữa nở vào khoảng sau tháng mười, vào độ thu đông. Các tỉnh miền Trung thì chậm hơn một chút. Nhờ sắc hoa gợi nhớ nên hoa sữa dễ được ca tụng. Nhưng dù có chút sắc, ‘cô gái’ này lại mắc một khuyết điểm không gì bù đắp được về hương: Vào mùa nở rộ, hoa sữa nhả mùi nồng hăng hắc. Nếu trồng tập trung, dân cư tại chỗ hít nhiều và liên tục thì rất khó chịu. Do thời tiết lạnh, ở Hà Nội mức độ mùi tiết ra có thể ít hơn.
Chưa ai xác định được mùi hoa sữa có hại gì cho sức khỏe hay không, nhưng điều đã rõ là chúng ‘làm phiền’ không ít tới môi trường hít thở bình thường của con người. Chính vì vậy mà hồi tháng 11-2003, bà con tại Quy Nhơn từ chỗ dị ứng đã đi đến phản ứng nặng nề với “hương” hoa sữa. Báo hại ngành công viên cây xanh địa phương này phải cấp tốc “khử mùi” bằng cách chặt bỏ và tiến hành thay cây mới. Thay một lúc cả ngàn cây hoa sữa khi chúng đã cao lớn kể ra cũng tiếc. Tuy vậy điều đó không xót bằng sự hụt hẫng về cảnh quan và tình tự thất vọng của thị dân, đây mới là thứ mất nhiều nhưng khó thấy. Việc thay cây khác là đơn giản và nhanh thôi, chỉ có ‘đường phố’ mới dài lâu chịu đựng thiệt thòi: Phải chờ cả chục năm sau mới có bóng mát! Hậu quả ra sao còn tùy cách nhìn nhận, song việc phải trả tiền để có thêm một bài học nữa về cách làm thì đã rõ. Đó lại là bài học mà khi hiểu ra được vấn đề thì đã quá muộn (đã nghiệm thu, hết bảo hành, không còn ai để qui trách nhiệm…) Số tiền có thể không lớn, nhưng nếu ta biết ‘yếu tố chi phí để rút kinh nghiệm’ như vậy luôn được tính theo phép gia số (ngày một đắt hơn) thì không thể xem là nhỏ. Chưa kể thời gian là thứ sẽ vĩnh viễn mất đi! Tuy nhiên, chẳng phải đợi đến khi Quy Nhơn-Bình Định dũng cảm nói hoa sữa “hôi” (Tuổi Trẻ 20-11-2003) và quyết tâm chặt bỏ chúng thì ta mới biết việc này. Người dân Hà Nội có lẽ đã sớm nhận ra điểm yếu kia nên về sau này hầu như họ ít hay không trồng cây này trên các đường phố mới nữa. Vả lại, ai đã có thời gian công tác lâu hoặc có bạn ở Hà Nội mà lại chẳng biết mùi hoa sữa!
Cây đường phố và cây xanh trong thành phố nói chung ngoài yêu cầu bóng mát còn có các yêu cầu xa hơn về môi trường, mỹ quang, an tòan, chắc khỏe khi thâm niên… Có lẽ do vậy nên người ta mới cân nhắc tuyển và trồng loại nào cho phù hợp.
Dáng cây là một chi tiết quan trọng, có thể nói quan trọng hơn là hoa, nhất là cây đường phố. Dáng cây gồm thân và lá. Thân suông cao hay cho tàng thấp là tùy theo điều kiện về không gian và yêu cầu chọn lựa. Nhưng tàng và lá thì luôn cần có dáng đẹp, mềm, tạo vẻ xanh mát. Theo các tiêu chí bình thường như vậy thì các loại cây me, phượng, viết, xà cừ, dầu… hoàn toàn hội đủ, nhưng cây hoa sữa thì không. Hoa sữa có thân xốp mềm, dáng nhánh cứng, lá cũng cứng. Ta có thể thấy một số con đường trồng cây hoa sữa tại miền Trung vào mùa nắng có vẻ hơi xơ xác, lá như khô tái đi, lại thòng xuống những chùm ‘râu’ khô (chỉ lá bị mất nước) cho cảm giác hanh nắng khó chịu. Có vẻ như cây hoa sữa mau xuống sức trong điều kiện nắng gắt (?) Như vậy nó không đảm đương được nhiệm vụ số một đối với cây đường phố là yêu cầu che mát hay bổ sung màu xanh cho mùa nắng. Cây phượng tuy không làm tròn việc này, nhưng bù lại có dáng đẹp, mùa hè nó cho hoa rực rỡ. Có lẽ người ta yêu phượng một phần vì lúc khắc nghiệt nó lại khoe sắc hồng tươi quyến rũ!
Ở Hội An còn có một vài con đường trồng toàn cây bàng. Thơ nhạc cũng nhắc nhiều về ’cây bàng lá đỏ’, nhưng khi lá bàng rụng thì dọn có hơi mệt. Đồng thời, nhìn những cành bàng trụi lá vào một ngày nắng nóng, nói đẹp cũng được mà cho là xấu cũng xong. Có điều, do cây bàng thân thấp tàng rộng, nhánh cứng lá to, nó thích hợp để che mát cho các vùng đất trống hơn là đóng vai cây thành phố. Cũng chính vì cây bàng có đặc điểm hơi “vai u thịt bắp” như vậy, chúng không thể phù hợp với khung cảnh dịu nhẹ của Huế, cho nên thành phố này đã từng phải ‘xét lại’ bàng.
Trở lại cây hoa sữa… Không có lý do gì để ta ghét bỏ cây hoa này, cho dù nó có không thích hợp với các đường phố ở miền Trung. Tuy nhiên, khi nó được chọn để thay cây phượng vĩ trong sân trường thì thật là đáng tiếc. Về thăm trường cũ sau nhiều chục năm xa cách, nhìn ra sân trường thấy đầy cây hoa sữa, một đám ‘học trò già’ bất giác cảm nhận có điều gì đó không ổn và hơi xốn xang… mới hay thiếu phượng. Thiếu phượng, sân trường sẽ không còn thắm khi hè về. Cảm xúc về hoa phượng đỏ, tiếng ve gọi hè và những dòng lưu bút, đã và sẽ gắn liền với mái trường xưa, là những sâu lắng bồi hồi thời đi học. Không ai muốn mất những thứ để gợi nhớ và nuôi dưỡng quyến luyến đó.
Cũng vậy là hoa sữa trên các con đường xưa ở Hà Nội. Có lẽ không ai nghĩ sẽ thay cây gì khác cho những cây hoa sữa đã có tuổi trên đường Nguyễn Du. Đơn giản vì nó đã lắng sâu trong tình cảm của quá nhiều người, cả những ai chưa một lần đến Hà Nội…
Huy Nam