Trong một chương trình bình luận truyền đi trên truyền hình về kết quả giao dịch chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán TPHCM, lúc chỉ số VN-index đảo chiều từ ngưỡng 550 điểm xuống dưới 450 điểm, đã có nhận định đại ý “trái với nhiều dự đoán, mức hỗ trợ với VN-index 500 đã trở thành mức kháng cự”. Nói như vậy chẳng khác nói liều.
Tương tự, không ít bài viết đã gọi các thời điểm chỉ số đổi chiều sau thời gian giảm mạnh là “thị trường tăng do đã chạm đáy kháng cự”. Người ‘ngoại đạo’ đọc dễ nghĩ kháng cự ở đây là “vùng lên”. Họ có thể không biết đấy chỉ là cách diễn đạt cảm tính, là nói ngược. Cách gọi là ‘đáy kháng cự’ hay nói rằng ‘mức hỗ trợ đã trở thành mức kháng cự’ là cách đưa tin dùng ngôn từ cho có vẻ chứng khoán nhưng thực ra người viết đã không hiểu về các thuật ngữ chứng khoán này. Trong thị trường chứng khoán, khái niệm kháng cự (resistance) hay hỗ trợ (support) là để diễn đạt riêng cho các mức giá đỉnh và đáy (các level) mà ở đó đã xuất hiện sự thử thách hay giằng co giữa hai đầu mua bán. Kháng cự nằm ở mức đỉnh và hỗ trợ chỉ mức đáy. Biết khái niệm tối thiểu này thì việc mô tả thị trường sẽ chuẩn hơn, và khi thị trường được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ đồng nhất thì việc thông tin và tiếp nhận thông tin sẽ rõ ràng và chính xác.
Cùng với thực tế thị trường chứng khoán phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây, hầu như báo nào cũng có chuyên trang chứng khoán. Thông tin về thị trường chứng khoán ngày càng trở nên thiết thực trong đời sống kinh tế và điều này làm cho nhu cầu nhân sự viết về đề tài này tăng mạnh. Để đáp ứng, cách phổ biến thường là vừa học vừa làm. Nhiều báo đã sử dụng nhân sự mảng kinh tế, tài chính, ngân hàng… để choàng qua viết chứng khoán. Số khác không nhỏ là mới vào nghề, ở trường báo chí ra, được tuyển dụng trôi nổi… Độ chuyên sâu do đó khó tránh khỏi hạn chế. Ngay cả các cây viết kinh tế, tài chính hay ngân hàng chuyển qua viết về chứng khoán, nếu chưa nắm vững mà vội dấn sâu vào các nội dung nặng ký như phân tích chứng khoán hay bình luận thị trường thì cũng rất dễ bị lỗi.
Những lỗi kỹ thuật hay do hạn chế về chuyên sâu như trường hợp được nêu ở đầu bài viết này là khá phổ biến. Người đọc có thể hiểu sai lệch nếu có cách thông tin rằng cổ tức 20% của cổ phiếu công ty A là hấp dẫn hơn mức 15% của công ty B. Hoặc công ty X có vốn điều lệ 100 tỉ đồng thì to hơn công ty Y có vốn điều lệ 50 tỉ. Điều lạ là hầu như phóng viên nào cũng dùng thuật ngữ “blue chip” để chỉ các công ty lớn vốn, nhưng lại không để ý trên thị trường nhiều người có thể đã trắng tay vì những ‘blue chip’ hiểu theo kiểu này. Việc ‘khóc cười’ đơn giản (các thái cực lạc quan hay bi quan) theo những trạng thái thị trường là điều thường thấy khác. Bằng những ngôn từ tình cảm quá nặng, một thông điệp có thể bị truyền đi thiên lệch. Thiếu vắng yếu tố khách quan, thông tin có thể bị bọc đường hay phơi ra toàn chất đắng. Ví dụ, vào giai đoạn thị trường tăng cao hồi đầu 2007 thì điệp khúc ‘qui luật’ ưa được dùng, đến giữa năm 2008 khi thị trường xuống sâu thì ta lại dễ gặp các bi từ mô tả ‘sập’ hay ‘tháo chạy’…
Có thể nêu nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn, phóng viên viết về thị trường chứng khoán có lẽ nay chẳng còn ai lạ với thuật ngữ điều chỉnh (correction). Thế nhưng có thể họ chỉ mới biết có một nửa vấn đề để mô tả tình trạng thị trường điều chỉnh là diễn tiến giá đảo chiều sau một thời gian tăng cao. Ít ai biết điều ngược lại: tình trạng giá lên sau một thời gian suy giảm thì cũng là điều chỉnh. Cũng do cách hiểu chưa tới nơi tới chốn, thuật ngữ IPO ở ta lại được dùng quá tự do. Cứ phát hành chứng khoán là IPO, kiểu nào cũng IPO… Việc không hiểu thấu đáo về IPO đã từng tạo ra các nhầm lẫn lớn về cách làm, gây tranh cãi đáng tiếc và làm cho môi trường vận động kém hội nhập.
Có thể nói thuật ngữ trong thị trường chứng khoán nói chung (bao gồm các thị trường đồng dạng như ‘futures’ và ‘options’) là khó, nếu không muốn nói là rất khó. Vì chúng thường gói theo nhiều ngữ cảnh và/hoặc nghiệp vụ phức tạp. Nhưng đây là khía cạnh chuyên môn chuyên ngành không thể nói sâu hơn trong một bài viết. Ở đây chỉ muốn nói thêm, nếu chúng ta truyền đạt không khéo (không chuẩn hay không tương thích) thì chẳng những thông tin bị kém giá trị mà còn có thể sẽ vô tình lôi công luận ngã theo những chiều lệch lạc. Ví dụ, đầu cơ hàng nhu yếu (như gạo hay sữa) có thể xấu, nhưng đầu cơ chứng khoán thì đã không xấu lại rất cần. Hoặc, việc ta gọi là bán khống chung chung (thay vì nên gọi là bán trước và có sự phân biệt) có thể tạo ra cách hiểu nhầm hay thậm chí oan cho thuật ngữ ‘short’, vốn nghiêm túc trong nhiều ngữ cảnh thị trường. Nhẹ nhàng hơn, cho tới nay nhiều báo đài vẫn gọi SEC (Securities and Exchange Commission) của Mỹ là “Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái”. Ở Mỹ làm gì có ủy ban này! Thật ra đây là Ủy ban Chứng khoán, hoặc gọi đầy đủ là Ủy ban Chứng khoán và Thị trường Chứng khoán (exchange ở đây được hiểu khái quát là thị trường giao dịch hay sở giao dịch, chứ không phải hối đoái).
Thông tin về chứng khoán và thị trường chứng khoán chạm đến vấn đề niềm tin, có thể liên quan đến số phận và quyền lợi của nhiều người, nhiều doanh nghiệp và tổ chức. Khác với các thông tin phổ thông để đọc cho biết, cho vui, phân khúc thông tin này cần sự cẩn trọng và yêu cầu chính xác cao. Thông tin cần trung thực, tránh trộn lẫn chủ quan hay để cảm xúc chi phối. Do đó, người viết cần trang bị kiến thức càng sâu càng tốt, tối thiểu cần có kiến thức cơ bản. Nhưng gì thì gì, việc phải tuân thủ nguyên tắc trung thực và khách quan là điều không thể thiếu. Nếu chưa thật thấu hiểu vấn đề hay sự việc thì tốt nhất nên cậy vào tư vấn. Kỹ hơn, nếu không không chuyên thì tốt nhất đừng đi sâu vào phân tích hay bình luận. Vì sự thật là những bài viết chỉ có thông tin sự kiện và diễn tiến một cách trung thực sẽ tốt hơn các bài có thêm phân tích hay bình phẩm mà cảm tính. Xin nêu thêm chuyện sau để minh họa. Vừa qua, lúc giá xăng trong nước giảm 1.000 đồng, và việc này trùng với một phiên chứng khoán tăng mạnh, nhiều báo đã đăng tít lớn rằng ‘chứng khoán tăng nhở xăng giảm’! Khiên cưỡng quá, mong manh quá. Là vì, chỉ cần nhớ lại khoảng một tháng trước đó (giữa tháng 7, 2008) khi giá xăng tăng một lúc 4.000 đồng thì VN-Index vẫn tăng đều chứ có giảm đâu?!. Vậy là thiếu lý giải.
Không thể phủ nhận thời gian qua nhiều anh em đã tự thân nỗ lực để có nhiều bài viết tốt hơn. Nhưng yêu cầu về kiến thức chuyên ngành và sự cẩn trọng chuyên nghiệp thì vẫn còn đó và luôn ở phía trước. Do vậy, đối với những tờ báo lớn, các báo kinh tế hoặc chuyên ngành, thay vì chỉ cậy chuyên gia qua ‘alô’ như lâu nay, để có những trang chứng khoán tốt việc hợp đồng để có chuyên gia bên cạnh là điều nên nghĩ đến.