Bất ngờ Myanmar…

Đăng ngày

Chia sẻ:

Sau khi nối chuyến tại phi trường Suvarnabhumi ở ngoại ô Bangkok, chúng tôi cùng Thái Airways bay thêm độ một giờ nữa rồi đáp xuống phi trường Yangon. Đây là lần đầu tiên tôi đến Myanmar, không phải để đi chơi mà là công việc, nên thú thật tôi chẳng có mấy hăm hở. Bởi những gì tôi được nghe trước đó về xứ sở này sau hơn ba thập niên cô lập và bị cấm vận chỉ toàn là nghèo nàn, lạc hậu.

Thế nhưng ngay trên đoạn đường từ phi trường Yangon về khách sạn Sedona, những suy nghĩ kém sáng sủa, thiếu nhẹ nhàng trong tôi đã chóng mất đi. Thay vào đó là cảm nhận xanh tươi, nề nếp, gọn gàng của một đất nước xinh đẹp, thấp thoáng văn minh qua cái nhìn từ cửa kính xe. Những ngày lưu lại Yangon tôi phát hiện nhiều điều thú vị hơn: Đây là thành phố không xe gắn máy, phương tiện công cộng chủ yếu là xe buýt và xe đưa đón học sinh. Xe hơi cá nhân loại đời mới (gồm taxi) đã gần như quân bình với lượng xe cũ thời khó khăn chưa mở cửa. Cho dù ngày nay họ đã đổi sang di chuyển bên phải như ở Việt Nam, cả xe tay lái thuận và nghịch đều được phép lưu thông. Điều đáng nói là rất hiếm khi nghe tiếng còi xe và cả cảnh sát giao thông cũng ít gặp. Tính cách thân thiện, thật thà và nhiệt tình có thể nhận ra ngay trên đường phố. Đây thật sự là điều bất ngờ với tôi khi liên tưởng đến nhiều thành phố tại quê nhà. Chưa hết, Yangon hầu như không có nhà ống, việc ở chung cư được biết là phổ biến. Không nhà ống và xe gắn máy, trật tự phố xá ở đây có nét ‘tây’ hơn, và lề đường cũng thoáng đãng…    

Qua tiếp xúc tìm hiểu và tham dự vài sự kiện, tôi nhận ra thêm ít điều tuy nhỏ nhưng rất riêng của họ, về con người và cảnh vật. Trong giao tiếp, việc đưa và nhận họ thường dùng hai tay. Về ăn mặc, từ bác tài đến ông bộ trưởng vẫn còn giữ nét riêng với chiếc “longyi” truyền thống (như xàrông). Họ nói tiếng Anh tốt nhưng vẫn nhai trầu bỏm bẻm… Với thiên nhiên, các công trình, di tích ngàn năm ở đây có vẻ đã được chăm chút gìn giữ chứ không bị cái đói nghèo xâm hại như nhiều nơi. Cùng với nguồn tài nguyên phong phú, diện tích rộng (gấp đôi Việt Nam) và một thị trường 60 triệu dân, Myanmar đang được xem là ‘the final frontier’ (biên giới cuối cùng) về cơ hội làm ăn của thế giới. Trong vòng hai năm qua, làn sóng tìm cơ hội tại đây đã làm cho Myanmar trở thành điểm nóng thu hút đầu tư, trong đó có Việt Nam. Các lãnh vực được quan tâm nhiều là bất động sản, viễn thông, hàng tiêu dùng, du lịch, dầu khí…

Nhờ có rừng vàng biển bạc, với khoảng 2.000 km bờ biển và gần 50% diện tích núi rừng có nhiều gỗ quý, trước đây Myanmar được xếp vào xứ sở giàu nhất Đông Nam Á. Ngành dầu khí của họ đã sớm phát triển từ thời thuộc Anh (trước 1948). Về nông lâm, xuất cảng gạo của họ lớn nhất thế giới, kế đến là gỗ với gỗ tếch chiếm 75% thế giới. Đây cũng là xứ sở nổi tiếng về đá quý. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ lún sâu trong trì trệ, do tình trạng quản lý kém, sai lầm và bị cô lập, càng về sau nước này càng suy yếu. Đến năm 1987 Myanmar được xem là một trong các nước kém phát triển và nghèo nhất thế giới. Ngày nay, có thể nói Myanmar thiếu thốn đủ bề, từ dịch vụ, phương tiện đến hàng tiêu dùng. Thăm chợ Bogyoke Aung San, dù thấy hàng hóa có nhiều, nhưng chủ yếu là nhập cảng. Điều thú vị là người dân họ có vẻ thích hàng Việt Nam. Tuy nhiên, cái nghèo khó ở đây lại chính là cơ hội đối với giới kinh doanh và đầu tư.

Do đúng là cơ hội, nên kể từ khi biên giới cuối cùng này mở ra (năm 2010), triển vọng phát triển được giới kinh tế đánh giá là sẽ rất nhanh. Thật vậy, nhìn vào những đoàn người tiếp nối nhau đến đây, và những thay đổi nhanh chóng về phương tiện và giá cả (đắt lên) ở đó, có thể thấy nhu cầu và sự cạnh tranh tìm cơ hội đã thật sự sôi động tại vùng đất màu mỡ này. Nhìn trên lịch hạ cánh tại phi trường Yangon trong ngày tôi bay về Việt Nam, chỉ riêng từ Thái Lan đã có khoảng 24 chuyến bay đến đây.

Cũng có thể hình dung sự nhộn nhịp hội nhập qua một số thông tin gần đây nhất. Đầu năm 2013, là cuộc chạy đua dành quyền khai thác thị trường điện thoại di động nội địa trong 15 năm với 90 tập đoàn viễn thông lớn nhỏ khắp thế giới dự tranh. 12 ‘ông lớn’ đã được chọn vào “short list” (vòng cuối), trong đó có Viettel của Việt Nam, và phần thắng cuối cùng đã thuộc về Qatar Telecom (Ooredoo) và Norwegian Telenor. Theo tạp chí The Economist số đặc biệt về Myanmar (5/2013), trữ lượng dầu khí khai thác tại Myanmar là vào khoảng 50 triệu thùng (barrels) dầu thô và 280 tỷ mét khối khí. Riêng trong tháng 4-2013 có 30 lô dầu khí ngoài khơi đã được gọi thầu. Tuy nhiên, cũng theo tạp chí này việc làm ăn tại Myanmar trong hiện tại được cho là không mấy thuận lợi, vẫn còn sự chần chừ, do luật lệ chưa rõ, hạ tầng nghèo nàn, chất lượng lao động kém, và cả sự bất an từ việc xung đột sắc tộc (Kachin, Chin, Shan). Không chỉ vậy, chính người dân nước này cũng ‘tự phê’ rằng nước họ chỉ mới gia nhập ‘NATO’ thôi, nghĩa là ‘chỉ nói chứ không làm’ (no action, talking only). Điều này thực ra không khó hiểu, bởi đây là vấn đề chung của nhiều nền kinh tế lúc ban đầu mở cửa chứ không riêng gì với Myanmar.

Sự nhộn nhịp sau chủ trương cởi mở còn thể hiện qua các sự kiện có tầm vóc khác. Riêng trong năm 2013 đã có hai sự kiện quốc tế lớn được Myanmar đăng cai tổ chức thành công. Hồi 6-2013 là Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á (WEF in East Asia) tại Thủ đô Naypyitaw, và 12-2013 là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 27 (SEA Games 27). Đây là lần tổ chức SEA Games đặc biệt sau 44 năm gián đoạn, kể từ 1960, diễn ra tại Naypyitaw, Yangon, Mandalay và Ngwesaung Beach.

Du lịch được cho là lãnh vực rất tiềm năng của Myanmar. Nhiều địa danh thu hút sự khám phá có thể làm ta bất ngờ. Cố đô Bagan được người Âu Mỹ xem không kém gì Angkor Wat của Campuchea. Tại đây, có người nói họ đã sửng sờ khi qua một đoạn đường chỉ vài cây số lại có đến 3.000 ngôi chùa và tháp, với kiến trúc công phu, đa dạng, nhiều trăm năm tuổi, ẩn hiện hai bên rừng cây thưa. Chùa vàng Shwedagon nằm trên một ngọn đồi nhỏ tại Yangon, với các bảo tháp được dát vàng có lịch sử 2.500 năm, là nơi không thể bỏ qua của du khách thập phương. Ngay sự non trẻ của Naypyidaw (được mệnh danh là vùng đất của các vị vua), là thủ đô mới của Myanmar từ 2006 thuộc bang Mandalay với nhiều công trình lớn và hiện đại, cũng không kém phần lôi cuốn. Là xứ của chùa xưa, tháp cổ, núi rừng hoang sơ, nơi có nhiều hồ thiên nhiên, công viên, bãi biển… người ta dự đoán không lâu nữa du lịch Myanmar có thể cạnh tranh với Thái Lan, là nước đã đón 21 triệu khách/năm.

Myanmar tuy nghèo nhưng cái nghèo ở đây được xem chỉ là cái khó tạm thời. Bởi lẽ, trong điều kiện nghèo khó như vậy các nền nếp cũ vẫn được gìn giữ tốt, từ bản sắc dân tộc, các giá trị xã hội cốt lõi, đến quy cũ xây dựng và giao thông. Những thứ chưa bị vỡ vụn này là yếu tố cần cho quá trình phục hưng đất nước. Nếu cam kết cởi mở sẽ được duy trì nhất quán, việc tập hợp tối ưu nguồn nhân lực quốc gia sẽ là yếu tố đủ đặt nền móng cho phát triển. Riêng thiện chí tự thân cầu thị và các chuyển biến từ 2010 đến nay không những được người dân trong nước hưởng ứng nhiệt thành mà thế giới cũng đã chào đón và ủng hộ cao. Từ đó, các nhà kinh tế tin rằng khả năng thoát nghèo của đất nước Chùa Vàng này sẽ nhanh và lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư thế giới sẽ mạnh.

Huy Nam

CV Kinh tế TC Chứng khoán TPHCM – Giảng viên PACE – Thành viên Hội đồng Chỉ số HOSE – Trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế VN

Xem thêm bài viết