Nhắc đến kinh tế thị trường thì hầu như ai cũng muốn biết đôi điều về nền kinh tế Mỹ. Việc này không là suy nghĩ của người Việt Nam hay của riêng một nước nào, mà là tâm lý chung của hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước được xem là rất dị ứng với Mỹ. Hơn thế nữa, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc biết cách lấy Mỹ làm chỗ dựa, không chỉ là về tiềm lực vật chất mà còn ở cách tổ chức làm ăn (học từ gốc) của nền kinh tế số một thế giới này, để tranh thủ phát triển kinh tế cho nước mình là việc cần thiết. Điều này lại không nhất thiết sẽ mang tiếng rập khuôn hoặc bị lệ thuộc, bởi theo lẽ tự nhiên, khi một nước vượt được ngưỡng khó và khá lên họ sẽ chuyển qua cách phát triển chủ động, thường là theo một biến thể mô phỏng, để có nét riêng. Đến lúc thực sự đã mạnh, họ sẽ tiến lên thế so kè, có nghĩa là họ quay lại cạnh tranh với Mỹ! Người Nhật đã nổi tiếng và rất thành công với tinh thần này. Họ say mê lăn xả vào mọi lãnh vực, từ cái cúc áo cho đến chiếc xe hơi… với niềm khát khao ‘muốn hơn Mỹ’, và họ tự hào khi thật sự đã hơn Mỹ về một sản phẩm hay một mặt nào đó…
Thế nhưng, cho dù yêu cầu đặt ra từ lời mở đầu của đoạn trên đây không lớn, chỉ là “đôi điều”, thì vấn đề lại khá lớn. Là vì, để có một ý niệm đúng đôi khi phải cần đến cả kho thông tin hoặc các nghiên cứu có hệ thống và toàn diện. Phần trình bày dưới đây cũng có ý định cung cấp ‘đôi điều’ hiểu biết đó, nhưng chỉ là cái nhìn tổng quát về hoạt động kinh tế xoay quanh bối cảnh doanh nghiệp Mỹ, với các thông tin minh hoạ gốc và ít phân tích rộng hơn về hoạt động kinh tế tài chánh. Tuy là khiêm tốn, đây có thể là nguồn tham khảo thú vị, vì nó (cố ý) diễn đạt các thực tế đan xen với một số đặc trưng có tính nền tảng.
* * *
CÁC ‘ĐỘNG CƠ TỰ HÀNH’
Theo lịch sử và quan điểm phân loại truyền thống, khi nói đến bối cảnh doanh nghiệp người Mỹ thường nêu lên ba loại hình chính của Mỹ là doanh nghiệp đơn danh, doanh nghiệp hợp danh và công ty cổ phần. Trong thực tế, nhìn chung theo độ dài thời gian và ý nghĩa đại diện, thì ba loại hình doanh nghiệp này cũng chính là lực lượng chủ lực đảm nhận hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, kể từ năm 1977 (rõ nhất là từ đầu những năm 1990) ở Mỹ cũng đã xuất hiện thêm loại công ty trách nhiệm hữu hạn gọi là LLC (limited liability company). Nhưng thật ra, LLC cũng chỉ là loại biến thể (hay lai tạo) giữa công ty cổ phần và công ty hợp danh. Sự sinh sau đẻ muộn của loại công ty trách nhiệm hữu hạn cũng là một đặc điểm của kinh tế Mỹ. Tất cả đều có lý do và sẽ được trình bày rõ hơn trong phần nói về LLC. Tuy nhiên, ta cũng cần nhớ rằng trên thế giới những ‘đứa con của pháp luật’ này (các doanh nghiệp, hay tư cách pháp lý hoặc pháp nhân của doanh nghiệp nói chung) nếu có tên giống nhau thì chúng có thể khác nhau ở một số mặt về chế định. Chẳng hạn, cùng được gọi là ‘công ty trách nhiệm hữu hạn’, hay ‘limited company’, nhưng loại LLC của Mỹ thì rất khác với loại TNHH của Việt Nam, và thường cũng không giống với loại tương đương của nhiều nước khác trên thế giới.
Theo thống kê năm 1995, tại Mỹ có 16,4 triệu doanh nghiệp đơn danh (chưa tính loại nông trang, nông trại); 1,6 triệu doanh nghiệp hợp danh, và khoảng 4,3 triệu công ty cổ phần. Tuy lượng công ty cổ phần chiếm không tới 20% tổng số doanh nghiệp tại Mỹ, nhưng người ta ước tính rằng giá trị hàng hóa dịch vụ mà loại hình doanh nghiệp ‘vua’ này đem lại cho nền kinh tế Mỹ là tròm trèm 80%. Sự đóng góp quan trọng như vậy cho thấy tầm hạn và hiệu quả của công ty cổ phần trong một nền kinh tế hiện đại là rất thuyết phục.
Do các đặc điểm ưu việt và vai trò đầu đàn của công ty cổ phần trong nền kinh tế Mỹ (cũng có thể là của nhiều nước khác trên thế giới), các phần nói về doanh nghiệp dưới đây chỉ cung cấp sơ lược ít thông tin cơ bản về doanh nghiệp đơn danh, hợp danh, và LLC, nhưng sẽ dành nhiều thời gian để đi sâu vào thực tế tổ chức và hoạt động của dạng công ty cổ phần. Cũng cần nói thêm, dù trong nội dung trình bày có đề cập (đôi khi khá sâu) các chi tiết về tổ chức và vận hành doanh nghiệp, điều này là để phục vụ cho mục đích minh họa, hoặc để thông tin sâu vào một bối cảnh kinh tế (ở đây là bối cảnh Mỹ), chứ không đơn thuần là để thông tin về cơ chế doanh nghiệp. Dù vậy, cùng với các phần nói về hoạt động tài chánh và đầu tư (được trình bày riêng), tất cả nội dung chuyển tải ở đây ngoài việc cho ta cái nhìn thực tế, còn là nguồn bổ sung kiến thức thiết thực và bổ ích tùy theo cách tiếp nhận.
Doanh nghiệp Đơn danh
Doanh nghiệp đơn danh (sole proprietorship) được hiểu khái quát là doanh nghiệp một chủ. Điển hình (và phổ biến) có thể do một cá nhân hay gia đình làm chủ và điều hành. Người chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân về toàn bộ các khoản nợ do doanh nghiệp tạo ra. Bù lại họ hưởng một mình các khoản lợi doanh nghiệp kiếm được sau khi trừ thuế. Nghĩa vụ hay trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp của người chủ ở đây được xem là vô hạn. Điều này có nghĩa là bất cứ cá nhân hay tổ chức nào là chủ nợ của doanh nghiệp đều có thể dựa vào tài sản riêng (kể cả tiền tiết kiệm hay vật dụng cá nhân) để đòi nợ. Nói là vậy nhưng vẫn có trường hợp được loại trừ, đó là khi có luật phá sản bảo vệ.
Thông thường, khi một cá nhân sở hữu hoặc điều hành doanh nghiệp đơn danh về hưu hay chết, doanh nghiệp ấy có thể được bán cho người khác hoặc đơn giản được đóng cửa sau khi thanh lý nợ, nếu không có sự chuyển giao theo thủ tục thừa kế và/hoặc một sự thu xếp khác thoả đáng cho cả về mặt luật lẫn lệ. Ở Mỹ và nhiều nước khác, nhiều doanh nghiệp bán lẻ thường được tổ chức và hoạt động theo dạng đơn danh. Chủ của những doanh nghiệp này có thể là những người đang làm việc bán thời gian, hay ngay cả toàn thời gian, cho một nơi khác. Một số nông trang có thể là các doanh nghiệp đơn danh, mặc dù ngày nay nhiều nông trang tại Mỹ được các công ty cổ phần sở hữu.
Doanh nghiệp Hợp danh
Doanh nghiệp hợp danh (partnership) cũng tương tự như doanh nghiệp đơn danh, ngoại trừ số lượng người làm chủ là từ hai người trở lên, và họ đồng ý chia sẻ rủi ro và lợi nhuận kiếm được dựa trên một cơ sở tương ứng nào đó được xác lập. Theo luật, các thành viên hợp danh (partners) phải chịu trách nhiệm vô hạn và có thể phải trả nợ thay cho doanh nghiệp bằng chính tài sản và tiền riêng của mình. Tại Mỹ, loại doanh nghiệp hợp danh có số lượng ít nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác. Theo truyền thống về lịch sử hình thành (có thể hiểu là tập quán tổ chức kinh doanh) doanh nghiệp hợp danh được ứng dụng rộng rãi ở một số lãnh vực chuyên ngành như nghề làm luật sư, kiến trúc sư, bác sĩ và nha sĩ. Tuy nhiên, từ thập niên ‘80 và ‘90, số doanh nghiệp hợp danh trong nền kinh tế Mỹ đã phát triển chậm hơn nhiều so với doanh nghiệp đơn danh và công ty cổ phần, nhất là sau khi loại LLC đã trở thành quen thuôc. Đáng nói hơn, ngay cả những ngành nghề một thời được hoạt động chủ yếu theo loại hình hợp danh cũng đã tận dụng các điểm lợi của công ty cổ phần hoặc LLC để tổ chức doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần
Công ty cổ phần (corporation) là loại thực thể có tính pháp nhân được nhà nước công nhận. Cho đến đầu những năm 2000, ở Mỹ có 50 tiểu bang có luật về công ty cổ phần. Khái niệm về thực thể pháp lý (legal entity) hay pháp nhân (legal body) theo luật là sự tách biệt chủ sở hữu của một thực thể (ở đây là các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu trong công ty cổ phần) khỏi ‘sự sống’ (sự tồn tại và phát triển) của thực thể đó. Tại Mỹ, tên của công ty cổ phần thường có từ viết tắt cuối cùng là “Inc.”, từ này được viết đầy đủ là “incorporated” và có nghĩa là doanh nghiệp đã được thành lập theo tư cách pháp nhân độc lập.
Trách nhiệm hữu hạn của công ty cổ phần:
Đặc tính chủ yếu của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn (limited liability). Không như doanh nghiệp đơn danh hay hợp danh, các chủ sở hữu của công ty cổ phần không chịu trách nhiệm cá nhân đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. Điều duy nhất có thể là rủi ro đối với các cổ đông khi đầu tư vào công ty cổ phần là số tiền (hay tài sản) mà họ đã trả để có được quyền sở hữu cổ phần. Các chủ nợ của công ty cổ phần không thể có yêu sách gì đối với các khoản tiền riêng hay tài sản riêng của cổ đông công ty, ngay cả khi công ty lâm vào phá sản. Thay vào đó, công ty cổ phần với tư cách là một ‘con người theo pháp luật’ (thực thể pháp lý tách biệt) sẽ chịu trách nhiệm ‘vô hạn’ về các khoản nợ và nghĩa vụ do mình tạo ra, có quyền tham gia hợp đồng, có thể khởi kiện hay bị kiện. Điều đáng ghi nhận khác là, trong điều kiện bình thường và lành mạnh, pháp nhân ấy không bị hạn chế về tuổi thọ, hoạt động liên tục cho đến khi nào nó còn làm ăn được, có thể là hàng trăm năm hay dài dài…
Khi một cổ đông chết đi, cổ phiếu của họ là một phần tài sản để lại theo luật và sẽ được kế thừa bởi người (hay những người) chủ mới (cổ đông mới sở hữu cổ phiếu cũ). Trường hợp này, công ty vẫn tiếp tục sự nghiệp làm ăn và thường sẽ không có gì thay đổi, ngoại trừ công ty đó thuộc loại nhỏ (là doanh nghiệp nội bộ, được tổ chức và hoạt động bởi một ít cổ đông là những người gần gũi). Nhiều công ty cổ phần lớn của Mỹ có thể có hàng triệu cổ đông, và để tìm được người sở hữu 1% cổ phần của công ty là rất khó. Đặc tính trách nhiệm hữu hạn và có thể hoạt động xuyên thế kỷ làm cho loại hình cổ phần trở thành một cấu trúc doanh nghiệp hấp dẫn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đòi hỏi tổ chức qui mô, tầm hoạt động rộng, cần bổ sung các nguổn vốn lớn và thường xuyên, sẵn sàng mạo hiểm …
Khi một công ty cổ phần mới được thành lập, những người sáng lập cần chuẩn bị một tài liệu gọi là cáo bạch (prospectus). Tài liệu có tính bắt buộc về pháp lý này (cũng cần thiết khi công ty muốn huy động tăng vốn) mô tả hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thực hiện, ai sẽ là các thành viên quản trị và những cổ đông lớn của công ty là ai. Theo lệ thường, những người đứng ra thành lập và góp vốn đầu tiên để từ đó công ty có thể ra đời và hoạt động là những cổ đông sáng lập.
Sự phân lập giữa quyền sở hữu và điều hành công ty cổ phần:
Như đã nói, lợi thế trách nhiệm hữu hạn và khả năng tồn tại vô hạn đã làm cho loại hình công ty cổ phần thắng thế đối với các doanh nghiệp cần qui mô lớn tại Mỹ. Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này cũng có thể đã bộc lộ một nhược điểm đáng kể ngay ở chỗ từng được cho là ưu điểm. Thay vì vừa làm chủ vừa điều hành như doanh nghiệp đơn danh, tại các công ty cổ phần lớn, người quản lý doanh nghiệp thường theo cách thay mặt cổ đông. Cách phân lập giữa nhân sự điều hành với chủ sở hữu doanh nghiệp này có thể dễ tạo ra các xung đột về quyền lợi. Cụ thể, các nhà quản trị doanh nghiệp đang trực tiếp điều hành công ty cổ phần thường có một số ‘bệnh’ có thể nói là khó chữa và không dễ ‘chừa’. Theo đó, các ‘vị’ này thường quan tâm nhiều đến lương bổng của họ, hay đòi hỏi quyền lợi trong quá trình tại chức, dễ dãi tốn kém để có cơ ngơi làm việc và bộ máy phục vụ theo ý mình; họ cũng có thể chú trọng nhiều đến việc điều hành làm ăn tổng thể mà quên hay xao lãng mối quan tâm về quyền lợi của cổ đông…Trong thực tế, tình trạng dễ tạo ra xung đột này có thể biến hoá và tiềm ẩn theo những cách phức tạp, đến mức phải cần đến các luật lệ chế tài hay điều chỉnh.
Về nguyên tắc, các cấp quản trị điều hành cao cấp trong công ty được bổ nhiệm hay bị bãi miễn bởi hội đồng quản trị, là cơ cấu gồm các thành viên là những người đại diện cho quyền lợi của cổ đông. Tuy nhiên, trong thực tế hội đồng quản trị thường gồm những người được cơ cấu sẵn theo một số cách làm chiếu lệ, hoặc thậm chí coi như đã được chọn ngầm theo ‘thế lực’. Các thành viên hội đồng tiếng là được bầu với một đa số phiếu của cổ đông, nhưng hầu như việc đầu phiếu của cổ đông thường chỉ là thủ tục. Một cách mặc nhiên, cổ đông ‘bị buộc phải’ bầu cho những người đã được giới thiệu bởi các thành viên trong hội đồng quản trị đương nhiệm (sắp mãn nhiệm), mà đa số trường hợp lại chính là các thành viên ấy. Cổ đông cũng thường có thể bầu gián tiếp bằng sự ủy quyền (cách làm phổ biến tại các công ty đại chúng) mà thường là ủy quyền tập trung (proxy) cho các thành viên đương nhiệm để bỏ phiếu thay họ. Kết quả như thế nào thì khỏi nói chắc ta cũng đã rõ. Cách thực hành này chẳng riêng gì tại Mỹ mà đã quá phổ biến trên thế giới, và đó đây tại Việt Nam cũng chẳng phải đã khó thấy.
Nói là nói vậy chứ sự thể không phải đã tệ gì. (Nếu không thì công ty cổ phần đã chẳng còn tồn tại chứ đừng nói đang rất phát triển). Cuộc chơi vẫn tiếp tục cuốn hút nhờ hiệu lực tác động điều chỉnh trong một tổng thể vĩ mô mà có lúc người ta diễn đạt là ‘tác động vô hình’. Cụ thể, có ít nhất là hai áp lực mạnh đã thúc ép các nhà quản trị công ty hành động vì quyền lợi của cổ đông.
Thứ nhất là sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp khác tham gia trong cùng thị trường thúc ép bộ sâu quản lý một công ty phải nổ lực tạo ra các quyết định phù hợp nếu họ muốn duy trì lợi thế cạnh tranh và tạo ra cơ hội lợi nhuận cho doanh nghiệp.Thứ hai là áp lực bị thâu tóm. Mối đe dọa hay sự lăm le thâu tóm từ các công ty mạnh hơn luôn chực chờ đâu đó. Nếu công ty mình thiếu những cái đầu bền chí chiến đấu, tỏ ra yếu kém, không biết huy động và sử dụng các nguồn lực để hoạt động làm ăn có hiệu quả thì hãy coi chừng. Tình trạng suy nhược lại luôn đi kèm với nguy cơ bị tấn công. Sự kém thuyết phục về hiệu quả kinh doanh làm cho sức khoẻ công ty xuống dốc, huyết mạch tài chánh trong thân thể doanh nghiệp không còn đủ sức chống đỡ ‘ngoại xâm’, và việc bị các công ty mãnh hổ khác ‘vồ chộp’ (takeover) là điều khó tránh. Khi đã bị thâu tóm bởi một đối thù cạnh tranh thì các lãnh đạo cao cấp của công ty có thể bị thay thế, và đây cũng là lẽ thường. Chính vì lý do sống còn này đã là sức ép vô hình làm cho các nhà lãnh đạo quản trị công ty ‘biết điều’ hơn, và họ thường sẽ (hoặc bị buộc phải) hành động dựa trên tinh thần vì quyền lợi cao nhất cho công ty, cho cổ đông công ty, nếu không muốn nói là để bảo vệ cho chính cái ghế của họ.
Thế nhưng hoạt động thâu tóm có kỷ luật và kỹ thuật theo các bài bản riêng. Các kỹ thuật thâu tóm ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung rất đa dạng, lại tinh vi và phức tạp (xin tìm đọc các cuốn Tài Chánh Chứng Khoán Qua Nhịp Cầu Anh Việt của Huy Nam do Vapec/TBKTSG/NXB Trẻ xuất bản). Trong thực tế, cách thâu tóm thông thường nhất là công ty này tiến hành mua chứng khoán của một công ty khác, hoặc hai công ty tiến hành sáp nhập theo cách thỏa thuận hợp pháp với một cấu trúc quản trị mới. Việc thâu tóm thông qua mua chứng khoán thường được gọi là thâu tóm thù địch (hostile take over). Khi phát hiện có ‘âm mưu’ hoạt động thâu tóm thù địch như vậy thì, vì lẽ sống, công ty bị đe doạ thâu tóm cần phải ra sức “chiến đấu” để duy trì độc lập. Việc thâu tóm thông qua sáp nhập (merger), được gọi phổ biến là thâu tóm thân thiện (friendly take over), diễn ra khi hai công ty cùng ngồi lại thuơng thảo trên cơ sở lơi ích chung sẽ có từ sự kết hợp đôi bên. Vào năm 1996, nền kinh tế Mỹ ghi nhận hơn 556,3 tỷ USD giá trị hoạt động sáp nhập và thâu tóm. Các ví dụ điển hình được nhắc đến nhiều như vụ IBM mua công ty phần mềm Lotus Development Corp, hay Walt Disney mua lại hãng phim Miramax.
Hoạt động thâu tóm đã trở nên phổ biến trong các thập niên cuối thế kỷ 20. Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động này làm cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiệu quả lợi nhuận cao hơn. Kết quả cho được như vậy là tin vui cả cho các cổ đông và giới tiêu dùng. Về lâu về dài, hoạt động thâu tóm cũng có thể giúp bảo vệ người lao động, với lý do đơn giản là khi công ty ăn nên làm ra thì việc làm của họ càng được đảm bảo. Nhưng thoạt tiên, việc thâu tóm lại thường cho kết quả xáo trộn và/hoặc hậu quả mất việc làm. Nhiều lao động bị buộc phải chuyển đổi công việc, bị đòi hỏi phải được đào tạo lại… Trong một số trường hợp họ có thể phải về hưu sớm hơn dự định. Việc giảm lao động ở đây thường được qui trách nhiệm cho doanh nghiệp bị thâu tóm, bắt nguồn từ chỗ đã hoạt động không có hiệu quả. Điều này có thể là do đuối tầm quản trị, khả năng cạnh tranh kém trên thị trường, hoặc do doanh nghiệp đó đã sử dụng lao động và các yếu tố nhập lượng (yếu tố đầu vào) khác để sản xuất hàng hóa và dịch vụ không hiệu quả. Một số trường hợp doanh nghiệp hậu sáp nhập phải giảm biên chế cấp cao và trung do cơ cấu quản trị nhập hai thành một không thể dung nạp hết. Việc phải sắp xếp lại các bộ phận cho hợp lý trong công ty lúc này cũng có thể làm dôi ra một số nhân lực không bố trí được. Cho dù việc sắp xếp này có thể sẽ cho hiệu quả tốt hơn, hậu quả mất việc làm là thực tế có thể nói nhãn tiền. Trong nhiều trường hợp, người lao động bị sa thải và rơi vào tình trạng thất nghiệp trong một thời gian dài.
Công ty cổ phần huy động vốn thế nào?
Mục đích phát hành cổ phần để huy động vốn của một công ty là để khởi đầu hay mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các cổ đông khi mua cổ phần có nghĩa là muốn tham gia hay cung ứng vốn cho một công ty để công ty này sử dụng vào việc làm ăn. Tuy nhiên, hầu hết cổ phiếu được mua bán không phải là cổ phần mới do chính công ty phát hành (các IPOs hay new issues of stock). Thay vào đó, cổ phiếu có thể được mua bán diễn ra giữa các cổ đông (cũ) đang nắm cổ phần của một công ty và người đầu tư đang có nhu cầu mua cổ phiếu đó. Việc bán mua này có thể là toàn bộ hay một phần cổ phần sở hữu và có thể diễn ra trên các thị trường giao dịch chứng khoán thứ cấp (sở giao dịch hay thị trường OTC). Đối với các giao dịch như vừa nói, cổ phiếu được bán là của cá nhân cổ đông cũ chứ không phải của công ty, và người mua dù nhận được tư cách là cổ đông mới của công ty, họ sẽ trả tiền cho cổ đông cũ kia chứ hoàn toàn không đưa tiền vào công ty. Mặt khác, hoạt động kinh tế thông qua việc mua bán chứng khoán này dù có tạo ra ‘lợi nhuận’, lợi nhuận này thường là không hay có ít liên hệ đến kết quả làm ăn của công ty trong cuộc. Điều này là tự nhiên và tưởng đơn giản nhưng đã có một thời (và có thể cho đến nay) không ít người vẫn bị ngộ nhận hay có cách hiểu mơ hồ.
Một công ty cổ phần đang hoạt động có ba chọn lựa để đảm bảo có thêm vốn cho sản xuất kinh doanh. Trước tiên là phát hành cổ phần mới. Xin mở ngoặc chỗ này để lưu ý về cổ phần mới. Cũng thì là cổ phần mới, nhưng việc phát hành huy động vốn bổ sung (additional issue) có ý nghĩa và hoạt động khác với phát hành lần đầu ra đại chúng (IPO). Việc phát hành cổ phần mới được nói ở đây nên được hiểu là phát hành huy động vốn bổ sung. Cách chọn lựa huy động vốn này có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp đối với cổ đông hiện hữu. Do vậy, việc phát hành cổ phiếu mới nhất thiết phải được sự biểu quyết đa số của các cổ đông hiện hữu. Thông thường việc phát hành cổ phiếu mới dễ được cổ đông biểu quyết thông qua. Là bởi, việc mở rộng sản xuất kinh doanh và khả năng thu về lợi nhuận sẽ tạo cho các cổ đông hiện hữu khả năng hưởng lợi từ hiệu ứng giá cổ phiếu tăng lên. Mặt khác cổ tức cũng sẽ tăng lên. Cổ tức là các khoản lợi nhuận được trích trả định kỳ cho cổ đông, là một phần thu nhập (đôi khi quan trọng) của hoạt động đầu tư vào cổ phiếu công ty.
Cách tài trợ vốn hoạt động thứ hai là huy động vốn vay, vay ngân hàng, vay các định chế tài chính khác hoặc vay tư nhân. Để thực hiện phương thức huy động này, cách làm bài bản và “chứng khoán” nhất thường là phát hành trái phiếu. Trái phiếu công ty dù có cơ chế vận hành với những chuẩn mực riêng, về thực chất cũng chỉ là một nghĩa vụ nợ nói chung (là khoản tiền vay mượn có lãi, được luật pháp thừa nhận và bảo vệ, được hoàn trả khi đáo hạn). Nếu một công ty cổ phần ngưng hoạt động, theo luật, công ty ấy phải trả nợ trái phiếu (và các nghĩa vụ khác) trước khi chia tài sản thanh lý cho cổ đông. Điều này có nghĩa là xét về khía cạnh an toàn trong đầu tư thì cổ phiếu có rủi ro cao hơn trái phiếu. Mặt khác, tất cả các trái chủ cùng lắm cũng chỉ được nhận đúng số tiền ghi trên trái phiếu, trong khi cổ đông có thể hưởng nhiều hơn, nếu công ty làm ăn tốt và tài sản được tích tụ có giá trị thặng dư cao.
Cách cuối cùng để công ty có vốn thực hiện các cơ hội đầu tư mới là dùng một phần lợi nhuận để tái đầu tư. Theo cách này thì, sau khi nộp thuế, lợi nhuận vừa được dùng để trả cổ tức cho cổ đông vừa được giữ lại để vận hành và mở rộng hoạt động cho doanh nghiệp. Các khoản lợi nhuận giữ lại như vậy được trích ra từ lợi nhuận tuy vẫn thuộc cổ đông nhưng được công ty tái đầu tư để tận dụng các cơ hội và tăng lợi thế cho công ty. Nếu cuộc làm ăn lạc quan thì phần vốn giữ lại ấy sẽ tăng giá trị, bằng ngược lại nếu công ty làm ăn lỗ lã thì giá trị của khoản ấy có thể bị teo lại. Nói tóm lại nguồn lợi được biến thành vốn và tiếp tục mạo hiểm vào công cuộc làm ăn nên chuyện lời lỗ là hoàn toàn có thể. Khoản lợi nhuận giữ lại ở đây do thuộc về cổ đông nhưng được để lại công ty nên được gọi là vốn riêng (equity). Cũng cần lưu ý, trong công ty cổ phần vốn riêng hay vốn chủ sở hữu (equity) và vốn cổ đông hay vốn góp đủ (paid in hay paid up capital) là hai khái niệm vốn khác nhau.
LLC: Trách nhiệm Hữu hạn kiểu Mỹ
Cũng cùng có nghĩa là ‘trách niệm hữu hạn’ (TNHH), nhưng nếu dân Anh gọi là “Limited Company” (viết tắt là Co., Ltd.) thì ở Mỹ lại dài dòng hơn, là “Limited Liability Company” với thuật ngữ viết tắt quen thuôc là LLC. Nhưng đó chỉ là chuyện chữ nghĩa và cũng chẳng có gì gọi là lạ. Điều đáng ngạc nhiên có lẽ là loại này chỉ mới có ở Mỹ không lâu.
Đặc điểm nổi bật của LLC, theo luật Mỹ, thể hiện rõ nhất ở chỗ đây là một kết hợp có tính lai tạo (hybrid) giữa một số đặc điểm của công ty cổ phần (corporation) và một số đặc điểm công ty hợp danh (partnership). Với sự kết hợp này, LLC vừa có được một số lợi điểm của công ty cổ phần, cụ thể như đặc tính trách nhiệm hữu hạn (cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ khác của công ty trong phạm vi số tiền vốn góp vào công ty), vừa có lợi điểm của một doanh nghiệp hợp danh, theo đó LLC chỉ phải chịu thuế có “một cấp”.
Theo truyền thống, thuế một cấp chỉ được áp dụng trong doanh nghiệp đơn danh và hợp danh; còn thuế hai cấp thì được tính cho những công ty có pháp nhân độc lập, đặc biệt là công ty cổ phần. Như vậy, nếu công ty cổ phần ở Mỹ thông thường phải bị tính thuế hai lần, một lần là thuế thu nhập doanh nghiệp (tính trên lợi nhuận gộp) và một lần là thuế thu nhập cá nhân khi được chia lợi nhuận hay nhận cổ tức, thì đối với công ty LLC thuế thu nhập doanh nghiệp không bị tính. Thay vào đó, tất cả thu nhập mà doanh nghiệp làm ra được mỗi năm sẽ được phân phối thẳng về cho từng thành viên góp vốn theo mức vốn đóng góp; sau đó mỗi thành viên sẽ có nghĩa vụ tự kê khai thuế của mình với cơ quan thuế. Như vậy, LLC đã tránh được tình trạng đánh thuế thu nhập hai lần như của trường hợp công ty cổ phần, hoặc loại TNHH của nhiều nước.
Ta cũng nên biết, loại công ty trách nhiệm hữu hạn truyền thống (gọi chung là limited company) của thế giới đã có từ lâu tại Châu Âu và Châu Mỹ Latinh. Sớm nhất là tại Đức vào năm 1892 với ký danh viết tắt mà ta thường gặp là GmbH (Gesellschaft mit beschrankter Haftung). Sau đó, luật lệ về công ty TNHH được ban hành lần lượt tại Portugal (1901), Panama (1917), Brazil (1919), Chile (1923), France (1925), Turkey (1926), Cuba (1929), Argentina (1932), Uruguay (1933), Mexico (1934), Belgium (1935), Italy và Switzerland (1936), Colombia (1937), Guatemala và Costa Rica (1942), Honduras (1950)…
Ở Mỹ, khái niệm ‘trách nhiệm hữu hạn’ từ lâu đã ẩn trong ‘công ty cổ phần’. Có vẻ như họ xem hai thứ này là một. Nên hễ nhỏ thì gọi là ‘nội bộ’ (privately held) và lớn thì ‘đại chúng’ (publicly held). Mãi đến năm 1977 nước này mới có công ty TNHH đầu tiên, với tên gọi (có vẻ hơi khác một chút) như đã nói là “limited liability company” (LLC). Nhưng sự kiện ‘tham gia thị trường’ của loại công ty trách nhiệm hữu hạn LLC cũng chỉ là chuyện cá biệt tại bang Wyoming. Sự kiện này lúc đó có ý nghĩa là để ‘cứu bồ nhà’ cho một công ty thuôc bang Wyoming đang làm ăn ở nước ngoài, công ty Hamilton Brothers Oil Company, do công ty này đang khai thác dầu tại Panama lúc bấy giờ và đang sử dụng nhiều công ty TNHH theo luật của nước Panama. (Việc này nhằm tránh bất lợi từ sự “khác hệ” về tổ chức công ty giữa Mỹ và Panama). Ngoài Wyoming và do bị bất lợi tương tự như Wyoming, Florida cũng đã sớm có luật về LLC 5 năm sau đó (1982). Riêng các bang khác thì vẫn cứ chần chừ, có lẽ vì LLC lúc bấy giờ xét ra không có gì ưu việt hơn, hay có thể nói còn bị hạn chế hơn, so với loại cổ phần (vốn là loại truyền thống phổ biến tại Mỹ và cũng đã có một số biến thể để chọn lựa khi tổ chức công ty). Tình trạng ‘không mấy quan tâm’ này kéo dài cho đến khoảng đầu những năm 1990, khi vấn đề thuế doanh nghiệp đã được chính quyền liên bang xác nhận thống nhất là sẽ áp dụng theo cơ chế hợp danh (partnership) thì các bang khác mới mạnh dạn ban hành luật về LLC. Và cũng có lẽ vì lúc này ‘limited company’ trên thế giới đã rất phổ biến, và Mỹ cũng chẳng dại gì để cho ‘con cái’ họ ra ngoài làm ăn mà bị thiệt!
Về luật lệ, nhìn chung có năm đặc tính căn bản được nhiều nước áp dụng cho công ty TNHH, đặc biệt đối với LLC, là:
- Trách nhiệm hữu hạn
- Doanh nghiệp phải ghi rõ loại thực thể này là ‘TNHH’ sau tên công ty. (Viết tắt tiếng Anh thông dụng là Co., Ltd.)
- Đây là loại thực thể doanh nghiệp có pháp nhân đầy đủ, có thể đi kiện người khác hoặc thực thể khác và ngược lại. Pháp nhân hay thực thể pháp lý ở đây có tính độc lập với các thành viên góp vốn.
- Đối với LLC, bất cứ thành viên nào cũng có quyền cho hay không cho việc kết nạp thành viên mới. Đây là đặc điểm có tính nguyên tắc của một partnership, gọi là “nguyên tắc hợp danh’ (partnership concept of “delectus personae”).
- Nếu điều lệ không quy định khác thì doanh nghiệp sẽ được giải thể khi có một thành viên bị chết.
Tuy vậy, đặc điểm chi tiết của công ty TNHH giữa các nước (và ngay với các bang ở Mỹ) thường khác nhau, nhất là về vấn đề chuyển nhượng phần hùn, thành viên tối thiểu… Theo đó, nhiều nơi không cho chuyển nhượng và qui định số thành viên ít nhất là hai (nhiều bang ở Mỹ không cho thành lập công ty LLC một thành viên).
HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ VÀ LỢI NHUẬN
Các nhà doanh nghiệp huy động vốn có mục đích là để đầu tư vào các công cuộc làm ăn, nuôi dưỡng doanh nghiệp và kiếm tìm lợi nhuận. Trong quá trình đó họ sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhưng với điều kiện phải được xã hội chấp nhận, người tiêu dùng đón nhận. Vậy nên nhà doanh nghiệp thông thường sẽ làm quyết định triển khai việc làm ăn dựa trên nhu cầu tiêu dùng của xã hội, cụ thể hơn họ phải điều nghiên thị trường mục tiêu. Việc làm các quyết định đầu tư mới, mở rộng quy mô đầu tư, đầu tư để đa dạng hay chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh; cùng với việc chấp nhận rủi ro, đương đầu với cạnh tranh và nhiều thử thách khác, là vai trò chủ yếu của nhà doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Thật không dễ dàng nhưng cũng thật thú vị.
Lợi nhuận là động cơ dẫn dắt các chủ doanh nghiệp huy động các nguồn lực để mạo hiểm vào việc làm ăn. Nhìn chung, họ tiến hành công việc bằng cách thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của mình. Thế nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng người tiêu dùng sẽ “chịu chi” đủ để doanh nghiệp trang trải các chi phí sản xuất kinh doanh. Đó là chưa nói đến nhiều thứ không chắc chắn khác thường ẩn hiện trong môi trường sản xuất kinh doanh. Do vậy doanh nghiệp luôn đứng trước rủi ro cố hữu về khả năng bị mất vốn hoặc chẳng có lời. Đây được xem là thực tế thử thách luôn hiện diện trong mọi hoạt động kinh doanh, bất kể thời nào, việc gì và ở đâu. Tại Mỹ, ngay cả những năm lạc quan nhất đối với hầu hết doanh nghiệp thì cũng đã có đến 70.000 doanh nghiệp thất bại. Vào những năm điều kiện kinh tế kém lạc quan thì số doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường cao hơn, có lúc lên đến con số 100.000 mỗi năm. Ngay cả đối với 500 công ty hàng đầu tại Mỹ cũng vậy, không ít các ‘đại gia’ này vẫn có thể có năm lời năm lỗ. Việc đổ mồ hôi cho nỗ lực cạnh tranh để có được ‘đầu ra’ hiệu quả trên thương trường là vậy, nhưng chưa hết. Doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động và hoạt động hiệu quả, muốn không ngừng phát triển, còn phải ‘biết điều’ với giới tài trợ. Các quý ông bà chủ này gồm cả chủ nợ lẫn cổ đông. Họ là những nhà đầu tư tài chánh.
Về phía các nhà đầu tư tài chánh, khi đưa tiền vào doanh nghiệp thì đồng thời họ cũng đặt ra kỳ vọng lợi nhuận. Do vậy, nếu các khoản lợi mà một công ty đem lại cho họ dưới mức mong đợi, họ sẽ không tiếp tục đầu tư vào công ty ấy nữa. Thay vào đó, họ sẽ chuyển các khoản tiền đầu tư qua các công ty có triển vọng lợi nhuận tốt hơn. Hoặc thay vì đầu tư vào cổ phiếu công ty, họ sẽ đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp. Cũng có thể người ta sẽ chọn một cửa bình an khác, bằng cách đưa ‘khúc ruột’ (tiền dành dụm) của mình vào một trương mục tiết kiệm tại các ngân hàng để có thu nhập (tiền lãi) ổn định định kỳ. Trường hợp môi trường kinh doanh ảm đạm, hoạt động doanh nghiệp xấu đi nhiều, thì khuynh hướng ‘giữ của’ sẽ xuất hiện. Lúc này người ta sẽ sắm quý kim, mua đá quí, hay đầu cơ vào những loại tài sản có giá trị khác nhằm mục đích để bảo toàn hay cất giữ. Hoạt động ‘đầu tư’ chờ thời như vậy thể hiện tình trạng kinh tế co cụm, nhưng không loại trừ đây cũng có thể cũng là một phân khúc đầu tư của những nhà giàu. Nhìn chung mà nói, lãnh vực đầu tư nào càng rủi ro thì (đối với người đầu tư có tham vọng tiến công và nhạy bén) sẽ càng cho cơ hội kiếm tiền nhiều hơn.
Việc tính toán lợi nhuận
Vào cuối thập niên 1990 tổng lợi nhuận thực hiện của các doanh nghiệp Mỹ là khoảng 700 tỷ đô la một năm. Đây là số tiền rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà ta cần biết là lợi nhuận kiếm được ấy so với rủi ro mà các chủ doanh nghiệp phải chịu như thế nào. Ngoài ra, ‘tiếng nói’ của lợi nhuận sẽ chỉ có ý nghĩa và cho nhiều thông tin hơn khi có thêm các phép tính về so sánh giữa nó với các mẫu số đối chiếu khác.
Lợi nhuận của một doanh nghiệp được tính toán dựa trên thu nhập từ hoạt động bán hàng hóa hay dịch vụ. Sau khi trừ tất cả các chi phí về nguyên liệu, lao động, và các chi phí đầu vào khác dùng để sản xuất ra sản phẩm hay dịch vụ, ta có phần còn lại (nếu dương) là lợi nhuận. Để đánh giá số lợi nhuận ấy là cao hay thấp, ta cần phải so sánh số liệu này với một số đo khác về tầm hạn của doanh nghiệp. Điều dễ thấy, một triệu đô la là khoản tiền lời quả thật lớn đối với một doanh nghiệp nhỏ bé, nhưng sẽ chẳng là gì đối với một công ty nào đó to nhất nước Mỹ. Chẳng hạn như đối với người khổng lồ viễn thông AT&T hoặc ông trùm xe hơi GM (General Motors) thì một triệu đô la lợi nhuận có thể chỉ là con tép.
Để xem qui mô và hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp tới đâu, lợi nhuận sẽ được nhìn theo góc độ tương đối (tính bằng phần trăm) khi ta so sánh nó với số liệu cơ sở của một số phương diện khác nhau thuộc doanh nghiệp đó; trong đó có doanh số, nhân viên, vốn chủ sở hữu… Người ta dùng một trong các số đo này, và các phép tính khác tùy theo yêu cầu muốn biết, để đánh giá về thành quả của một công ty. Chẳng hạn, một chuyên gia quan tâm đến hiệu năng (efficiency) sản xuất kinh doanh có thể xem xét lợi nhuận doanh nghiệp theo một bách phân có liên quan đến nhân lực để xác định mức lợi nhuận bình quân của một lao động, hay một nhân tố chọn lọc nào đó, trong doanh nghiệp đã tạo ra được là bao nhiêu.
Các nhà đầu tư tiềm năng và lãnh đạo công ty có thể sẽ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận qua bách phân thực hiện trên vốn chủ sở hữu, bao gồm nguồn vốn góp mua cổ phần (paid-in hay paid-up capital) và nguồn lợi nhuận giữ lại (retained earning, ở Việt Nam bao gồm cả các dạng quỹ trong doanh nghiệp). Về phía các cổ đông và các nhà đầu tư tài chánh tiềm năng, thông tin này cho cái nhìn về thu nhập mong đợi trên khoản đầu tư của họ là gì? Về phía các nhà quản trị điều hành, nó thể hiện năng lực kinh doanh, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn tài chánh được các ông bà chủ giao phó đã tối ưu chưa? Đây chính là chỉ số ROE (return on equity), một số đo về hiệu quả đầu tư rất được chú trọng và khá nhạy cảm, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tài chánh trong công ty cổ phần. Do giới đầu tư tài chánh rất nhạy với chỉ số này, đợt tăng giá chứng khoán theo chiều đứng tại TTCK Việt Nam vào đầu năm 2006 được xem đã bén lửa từ thông tin lạc quan của Merrill Lynch tiên đoán chỉ số ROE của các công ty niêm yết tại thị trường Việt Nam sẽ ở mức 29,8%, là mức cao nhất châu Á. (Trong vòng 4 tháng đầu năm 2006, chỉ số VN-index đã nhảy vọt lên hơn 300 điểm; từ 307,5 cuối năm 2005 tăng lên 632,69 vào ngày 25-4-2006).
Gíam đốc bán hàng trong công ty thì lại muốn biết tỉ suất lợi nhuận trên doanh số bán của công ty thế nào, để họ so sánh thành quả bán hàng của họ với thành quả của các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành hàng. Việc dùng các phương cách ghi nhận khác nhau sẽ cho các số đo phần trăm về hiệu quả có ý nghĩa thông tin khác nhau. Chẳng hạn, môt doanh nghiệp kiếm lợi một năm được 1 triệu USD, với doanh số bán là 20 triệu USD, thì tỉ suất lợi nhuận trên doanh số của họ sẽ là 5%. Nhưng nếu vốn chủ sở hữu công ty đó là 10 triệu USD thì tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sẽ là 10%.
Việc tính toán và đánh giá các tỷ suất hiệu quả với nhau trong cùng một doanh nghiệp ta sẽ có được cái nhìn về các yếu tố tương quan trong doanh nghiệp đó, việc này là cần thiết để phục vụ cho mục đích cải thiện hay điều chỉnh nội tại. Còn khi dùng các tỷ suất ấy cho mục đích so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau ta sẽ có được các thông tin khách quan phục vụ cho việc thẩm định giữa các doanh nghiệp. Người ta (nhất là các nhà quản trị) cũng có thể làm các phép tính dựa trên thực tế và đặt thêm các giả thiết mang tính khả thi để đưa ra các khuyến nghị điều chỉnh hay phục vụ cho quá trình làm quyết định.
Thu nhập trên bán hàng:
Lâu nay, các doanh nghiệp chế tạo ở Mỹ đạt mức lợi nhuận trung bình vào khoảng 5% trên hàng bán. Có thể ví von như là cách kể khổ, nhiều ông bà chủ doanh nghiệp với lợi nhuận nằm trong khoảng này (hay thấp hơn) thường thích “khoe” rằng, họ kiếm ăn cũng chỉ khiêm tốn như mọi người đem tiền đi gởi tiết kiệm đấy thôi, chứ đâu có nhiều nhặn gì. Mức lợi nhuận vừa nêu quả là thấp, lại rủi ro và đầy thử thách, nhất là khi ta so sánh mức này với lãi suất từ các khoản tiết kiệm khá an toàn gởi tại các ngân hàng được chính phủ khuyến khích và bảo đảm. Với mức lợi khiêm tốn trung bình 5% như vừa nói thì có lẽ (trường hợp doanh nghiệp là công ty cổ phần) sẽ có ít cổ đông nào hài lòng với hoạt động đầu tư của mình, vì chỉ cần đề cập thêm yếu tố rủi ro vào sẽ thấy ngay điều không thuyết phục. Nhưng thực tế thì lại khác, mọi người vẫn ‘happy’ đấy chứ! Tại sao vậy? Có điều gì đó ẩn khuất chăng? Vâng, đúng vậy. Nếu con số “5%” là thực tế, thì những lời bàn ta vừa đọc ở đoạn này lại chỉ như trò cút bắt hay một sự đánh đố cho vui thôi…
Cho dù việc các doanh nghiệp chế tạo ở Mỹ có thu nhập bình quân bán hàng khoảng 5% là sự thật, thông tin này chỉ mới cho một góc nhìn không đầy đủ. Thật ra, ta đã ‘bị lừa’ do thiếu cảnh giác khi tiếp nhận số đo về hiệu quả “5%”, (do vậy ta mới nói nó giống như trong trò chơi đố vui). Điều cần lưu ý là tỉ suất 5% được đo trên ‘hàng bán’. Cái mẫu số ‘doanh số hàng bán’ (sales) có thể lớn hơn gấp nhiều lần ‘vốn chủ sở hữu’ (equity), và câu chuyện ‘so bì’ ở đây lại chủ yếu xoay quanh tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), nên ta cần xoáy vào đấy. Như đã trình bày ở trên, nếu doanh số bán hàng lớn hơn 2 lần vốn chủ sở hữu thì ROE sẽ tăng gấp đôi; và trường hợp lớn hơn năm bảy lần có thể là chuyện thường. Tỉ suất lợi nhuận trên doanh số bán hàng lại hàm chứa rất ít rủi ro mà các doanh nghiệp phải chịu. Tại sao vậy? Hãy xem ví dụ sau sẽ rõ. Để cho đơn giản và mở rộng tầm khảo sát, ta lấy hoạt động của một tiệm tạp hoá làm minh hoạ.
Hầu hết các hiệu tạp hóa kiếm lợi bán hàng chỉ từ 1 đến 2 phần trăm, trong khi nhiều doanh nghiệp có hoạt động khác thường có tỉ suất thu nhập bán hàng trung bình điển hình là trên 5%. Thế nhưng bán nhiều hay ít không thực sự làm tăng rủi ro mà các chủ cửa hàng tạp hóa (cũng như hầu hết các hoạt động kinh doanh khác) phải chịu. Mỗi lần cửa hiệu bán đi 100 USD giá trị hàng (thịt hộp chẳng hạn) là xem như họ lời một hay hai đô la (với suất lợi tương đối là 1% hay 2% trên doanh thu). Ngay sau đó họ quay vòng tiền vốn thu được bằng đợt hàng mới để duy trì kinh doanh. Vào cuối niên độ họ có thể đã liên tục quay vòng hàng chục lần như vậy (với doanh số hằng ngàn đôla) nhưng trong thực tế chẳng phải họ đã chịu rủi ro trên tổng doanh số hàng bán ra kia. Rủi ro chỉ có thể xảy ra trên mỗi đợt hàng (số hộp thịt) thực có tại cửa tiệm vào từng thời điểm. Khi một số hộp thịt đã được bán đi, người chủ sẽ mua các hộp thịt mới để bổ sung, và cứ luân chuyển tồn kho như vậy nhiều lần (nhiều đợt) trong năm. Vào cuối năm, tổng kết hàng bán sẽ có giá trị cao và tiền lời theo đó cũng sẽ cao. Nhưng rủi ro thực sự thì rất thấp, chỉ có thể là những phần nhỏ trong các đợt bổ sung hàng luân chuyển.
Nhân nói về hoạt động bán lẻ, ta có thể nhớ lại một thời trước đây nhiều nước (nhất là các nước chậm chuyển đổi sang cơ chế thị trường) đã xem thường hoạt động này. Thực tế tại Việt Nam vào những năm ’80 và ’90 cũng vậy, thế nên đến khi bùng phát tiêu dùng lúc kế cận hội nhập (đầu những năm 2000) ta rất lo sẽ bị thất thế hay thậm chí thua trên sân nhà. Thật ra ngành bán lẻ hàng hóa (grocery industry) trên thế giới từ lâu đã phát triển như một kỹ nghệ, và nói chung được xem là hoạt động kinh doanh tương đối ít rủi ro, nhất là thực phẩm và hàng tiêu dùng, bởi vì thời nào, tình hình kinh tế nào, thì người ta cũng phải ăn, phải mặc.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hoạt động cung ứng sản phẩm hay dịch vụ sẽ có sự khác biệt về rủi ro tùy theo đối tượng mua hàng là cho sản xuất hay nhu cầu tiêu dùng. Chẳng hạn, hoạt động khai thác dầu hay quặng mỏ, hoặc sản xuất phim và hàng thời trang, thì rủi ro sẽ cao hơn nhiều các hoạt động bình thường khác.
Thu nhập trên vốn chủ sở hữu
Những gì cổ đông có thể bị rủi ro – nếu công ty mà họ đầu tư vào bị lỗ lã và phải đóng cửa – sẽ là số tiền mà họ đã giao cho công ty tiến hành hoạt động kinh doanh, gọi chung là vốn chủ sở hữu (equity). Đây là khoản vốn cổ đông trực tiếp đóng góp vào doanh nghiệp (direct payment) khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mới, và khoản tiền được doanh nghiệp giữ lại (trích một phần từ lợi nhuận ròng mỗi năm) để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thay vì đem chia hết cho cổ đông bằng cổ tức, lợi nhuận giữ lại (retained earning) có công dụng nhằm củng cố lợi thế doanh nghiệp, tăng cường tính chủ động cho giới quản trị công ty, trong đó có yêu cầu điều hoà các lợi ích.
Lợi nhuận theo cách hiểu là thu nhập trên vốn chủ sở hữu trong các công ty cổ phần lớn nhỏ tại Mỹ có mức bình quân từ 12 đến 16 phần trăm. Thu nhập này cao hơn nhiều so với gởi tiết kiệm, mua trái phiếu dài hạn của chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp. Như đã nói, điều này chẳng lạ, bởi các cổ đông đầu tư vào cổ phiếu luôn đứng trước rủi ro cao hơn người đi gởi tiết kiệm hay mua trái phiếu. Lý lẽ để lợi suất trung bình của doanh nghiệp cao hơn còn là do có sự thật là các doanh nghiệp dễ bị đứng trước một số năm lợi nhuận không cao hoặc ngay cả bị lỗ, đó là lúc khởi đầu hay thời kỳ suy thoái kinh tế.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần giữ lại một phần lợi nhuận để đảm bảo tính liên tục trong phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận giữ lại này (và cả vốn thực góp vào công ty) phải được sử dụng để tạo ra lợi nhuận cao hơn gởi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu thì mới thuyết phục. Bằng ngược lại, nếu thu nhập từ hoạt động doanh nghiệp tại một ngành cụ thể nào đó kém hơn việc đầu tư vào các công cụ tài chánh ít rủi ro, mà triển vọng tương lai cũng cho thấy không có gì sáng sủa, thì sớm muộn gì người ta cũng sẽ chuyển hướng đầu tư sang ngành khác có lợi hơn.
Theo thời gian, việc gặt hái lợi nhuận cao tại một số doanh nghiệp hay ngành kinh doanh là dấu hiệu thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lãnh vực thị trường đó. Ngược lại là trường hợp lợi nhuận thấp, trước một sản phẩm hay thị trường đang suy tàn, thì người ta sẽ bỏ đi. Đây là lý lẽ căn bản để giải thích sự vận động của thị trường, từ thị trường hàng hoá đến thị trường vốn, sự phản ứng hay tự điều chỉnh của các nguồn lực đầu tư trước các thay đổi về tình hình cầu và cung sản phẩm và dịch vụ. Xưa nay, các bối cảnh thị trường, nói chung, vận động theo những quy luật giống nhau. Bối cảnh một thời của kinh tế Mỹ vào đầu thế kỷ 20 (những năm đầu 1900) cũng vậy. Vào thời ấy, cánh thợ rèn đã đồng loạt bỏ nghề rèn truyền thống để chuyển qua kỹ nghệ sản xuất xe hơi, là ngành lúc bấy giờ đang phất lên ở Mỹ. Đến khoảng cuối thế kỷ 20 (cụ thể là những năm trước sau 1990) một trào lưu kinh tế khác cũng đã cho thực tế các chứng nghiệm có diễn tiến tương tự. Lúc này các hãng sản xuất máy đánh chữ, máy quay ronéo, máy tính cơ… đã chuyển qua làm máy fax, máy vi tính, máy in.. Sự thoái trào của một ngành hoạt động trước trào lưu của một dòng sản phẩm mới (thường là loại thay thế) hiện nay diễn ra dày hơn và thường là trên bình diện kinh tế thế giới, do thế giới ngày càng ‘phẳng’ hơn.
NHU CẦU VỐN,
VẤN ĐỀ TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ
Tại Mỹ và các nền kinh tế thị trường khác, các định chế tài chính (được hiểu gồm cả công ty tài chánh và thị trường tài chánh) đóng vai trò là kênh dẫn để đưa các nguồn tiết kiệm sang hoạt động đầu tư (cung vốn). Thị trường tài chánh, và cả nền kinh tế nói chung, sẽ vận động tốt hơn khi giá trị đồng tiền ổn định, không có lạm phát (inflation) nhanh mà cũng chẳng có giảm phát (deflation) nhiều. Các ngân hàng trung ương (ở Mỹ là Fed) thường được giao phó nhiệm vụ điều hòa lượng cung và lưu hành tiền tệ hợp lý cho nền kinh tế bằng môt số chính sách và biện pháp khác nhau. Mục tiêu chung là duy trì hoạt động đầu tư hiệu quả để phát triển kinh tế.
Đầu tư là hoạt động tối quan trọng để các nền kinh tế có điều kiện phát triển theo thời gian. Nhờ có hoạt động đầu tư mới có nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị và các tư liệu sản xuất khác, để gia tăng sản xuất hàng hóa dịch vụ, để cải thiện điều kiện sống cho dân chúng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi gần đây các tư bản phẩm (capital goods – có thể hiểu như phương tiện sản xuất) được đầu tư vào các công nghệ cao phục vụ cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ mới tinh xảo hơn, với hiệu năng cao hơn do sử dụng ít tài nguyên và lao động hơn.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào tư bản phẩm cũng có cái giá của nó. Là bởi, để có thể thực hiện việc đầu tư này, một số nguồn lực thay vì được dùng để sản xuất ra hàng hóa dịch vụ cho tiêu dùng hôm nay sẽ được dùng để tạo ra tư bản phầm (máy móc, công cụ, phương tiện sản xuất kinh doanh …). Điều này cũng có nghĩa là người dân phải biết tiết kiệm và giảm nhu cầu tiêu dùng hiện thời để đưa tiền vào đầu tư. Thông thường các tổ chức sử dụng nguồn vốn huy động trong dân không nhất thiết sẽ trực tiếp mua các sản phẩm tư bản. Các ngân hàng và định chế tài chánh khác trong nền kinh tế sẽ đóng vai chủ yếu là đưa ra các biện pháp khuyến khích nhằm thu hút tiết kiệm trong dân, sau đó sẽ cho các doanh nghiệp hay người cần vốn vay lại để đầu tư tạo ra nguồn tư bản phẩm.
Lãi suất là cái giá mà người vay phải trả cho số tiền vay mượn (nôm na là phí sử dụng vốn). Các định chế thu hút tiết kiệm phải trả lãi cho người gởi tiền, khi họ đem tiền cho vay lại thì người vay sẽ trả lãi trên các khoản nợ vay. Cũng giống như cơ chế giá cả trong nền kinh tế thị trường, yếu tố cung cầu sẽ quyết định lãi suất. Cầu tiền tệ tùy thuộc vào lượng tiền mà cá nhân và tổ chức cần có để đáp ứng chi phí thường xuyên của họ; tùy thuộc vào mức tiết giảm theo yêu cầu tự vệ từng lúc khi thu nhập của họ bị giảm sút hay chi phí tăng cao; và tùy thuộc việc họ muốn vay bao nhiêu tiền cho hoạt động đầu tư. Cung tiền tệ chủ yếu được kiểm soát bởi các ngân hàng quốc gia. Ở Mỹ là Hệ thống Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System, gọi tắt là FED). Việc điều hòa tăng giảm lượng cung tiền tệ (xem phần nói về FED trong sách này) là nỗ lực nhằm duy trì lượng tiền lưu hành tối ưu trong nền kinh tế. Tiền cung quá mức sẽ dẫn đến lạm phát. Ngược lại cung ít quá sẽ cho kết quả lãi suất cao, đồng tiền trở nên đắt đỏ. Nếu chi phí sử dụng vốn cao thì giới sản xuất sẽ gặp khó khăn, sản xuất trì chậm; nền kinh tế có thể bị suy giảm và thất nghiệp gia tăng.
Nguồn cung và sự khát vốn trong thị trường tài chánh
Các ngân hàng thương mại thực hiện vai trò trung gian vốn rất có ý nghĩa cho nền kinh tế. Nơi đây thu hút và tập hợp các khoản tiết kiệm lớn nhỏ từ khách hàng của mình rồi cho các doanh nghiệp vay lại để khởi sự kinh doanh hay tăng quy mô hoạt động hiện hữu.
Nhằm tận dụng lợi thế chuyên ngành và các lợi ích tiết giảm chi phí (việc tính toán lợi ích kính tế theo qui mô, ý nghĩa economies of scale), doanh nghiệp thường phải tạo dựng các cơ ngơi sản xuất kinh doanh lớn có thể cần hàng trăm triệu đô la. Khi tạo dựng các dự án đầu tư lớn như vậy, các doanh nghiệp trong cuộc thường huy động một lượng vốn cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu mới. Nhưng doanh nghiệp cũng sẽ vay mượn một lượng tiền lớn bổ sung, có thể là mỗi năm, cho các khoản đầu tư này hoặc để duy trì hoạt động của mình. Khi họ tiến hành các hoạt động như vậy mặc nhiên họ đồng thời cạnh tranh với nhà nước, vì các cơ quan nhà nước cũng phải huy động tiền trong xã hội để tài trợ các công trình xây dựng và các chương trình phúc lợi công cộng khác. Chưa hết, khi các doanh nghiệp đi huy động hay vay vốn họ còn cạnh tranh với các hộ gia đình, vì rằng các hộ này cũng cần tiền để tài trợ mua sắm nhà cửa, xe cộ và các hàng hóa, dịch vụ khác.
Hoạt động tiết kiệm đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình cho vay. Vì bất cứ ai trong các đối tượng vừa đề cập trên đây đi vay thì các nhà băng hay các tổ chức cho vay khác đều phải có tiền để cho vay. Tiền này lấy đâu ra? Lại cũng phải từ dân chúng và các tổ chức có tiền nhàn rỗi và sẵn sàng ký thác (gởi) các khoản lớn nhỏ ấy vào ngân hàng, kể cả các trương mục tiết kiệm. Như vậy các khoản tiền nhàn rỗi, hay tạm nhàn rỗi, được đưa vào ngân hàng, đặc biệt với các khoản tiền tiết kiệm, là rất quan trọng. Bởi nếu ai cũng xài sạch tiền kiếm được thì nhà băng cũng sẽ chẳng có tiền đâu để mà cho vay.
Tại Mỹ, trong ba khu vực chủ lực của nền kinh tế – gia đình, doanh nghiệp và nhà nước – chỉ có khu vực gia đình là khu vực có tiết kiệm thuần (net savers). Nói khác đi, nhìn chung các hộ gia đình (gồm các cá nhân trong đó) thực hành tiết kiệm nhiều hơn là đi vay. Ngược lại doanh nghiệp và nhà nước là những người vay thuần (net borrowers). Một ít doanh nghiệp có thể có khoản tiết kiệm nhiều hơn khoản đầu tư vào các toan tính làm ăn. Tuy nhiên, nhìn chung mà nói hầu như tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu (chứ không riêng gì ở Mỹ) có khuynh hướng lao vào đầu tư mạnh hơn hẳn tiết kiệm. Thế cho nên trong thực tế có rất nhiều doanh nghiệp vay vốn để tài trợ đầu tư. Cũng vậy, trong khi chỉ một ít nhà nước đây đó trên thế giới có cách điều hành ngân sách thặng dư thì ở Mỹ, nhìn chung khu vực nhà nước là người vay thuần khổng lồ trong nền kinh tế (chủ trương điều hành ngân sách thâm hụt). Nhà nước vay tiền thông qua việc phát hành trái phiếu các loại.Giống như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu nhà nước là các khoản nợ theo hợp đồng (contractual obligations) mà người vay phải trả khoản vay, cộng với suất lãi cụ thể nào đó, tại một thời điểm định trước. Vào thời điểm 2005-2006 ước tính mỗi ngày Mỹ vay thêm chừng 2 tỉ đô la. Theo thống kê đầu năm 2006 các chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Mỹ nằm ở châu Á, trong đó Trung Quốc (đã soán ngôi Nhật Bản) đứng đầu với khoảng 854 tỉ, kế tiếp là Nhật Bản khoảng 832 tỉ, Đài Loan khoảng 257 tỉ, Hàn Quốc khoảng 217 tỉ (đô la Mỹ)…
Vay và cho vay…
Có mấy lý do để các hộ gia đình tiết kiệm tiền: Trước tiên là nhu cầu phòng thân trước các thời buổi khó khăn, đó có thể là khi các lao động chính tạo ra thu nhập hay các thành viên khác trong nhà bị ốm đau, hoạn nạn, hay tàn tật. Thứ đến, họ cần có tiền dự phòng để trả các khoản chi dùng lớn như mua nhà, mua xe, đi nghỉ xa. Và sau cùng, họ cũng muốn để dành một khoản tiền cho lúc nghỉ hưu; hay để đầu tư sinh lợi khi có dịp. Các ngân hàng và các định chế tài chánh cạnh tranh thu hút các khoản tiền tiết kiệm từ khu vực gia đình bằng các lãi suất khuyến khích và các chiêu thức phục vụ thuyết phục khác. Ngân hàng tập hợp các khoản tiền gởi này lại và đem đi cho vay với lãi suất cao hơn. Khoản chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất trả cho người gởi tiết kiệm là khoản kiếm lợi truyền thống (và chủ yếu) của các ngân hàng.
Lẽ đương nhiên ngân hàng cũng phải thận trọng chọn người, chọn nơi có uy tín để cho vay – dành ưu tiên hay ưu ái đối với những người vay có uy tín, tức khả năng trả nợ tốt, do vậy mới có cách nói văn hoa ‘tín dụng’ (credit). Chính cái phẩm giá uy tín (creditworthiness) của người vay là căn cứ quan trọng giải thích tại sao có chuyện món nợ này được áp lãi suất thấp hơn một món nợ khác.
Các khoản nợ ngắn hạn thường được dành cho các cá nhân hay doanh nghiệp có bề dày lịch sử về thu nhập và việc làm ổn định, là các đối tượng khách vay được xếp loại tin tưởng. Những thân chủ có tài sản thế chấp cũng thuộc danh sách này. Chẳng lạ, vì nếu lỡ họ không trả được nợ đúng hạn thì ngân hàng sẽ có cái để siết. Các món nợ dành cho các đối tượng vừa nói có lãi suất từ tương đối thấp đến thấp nhất. Chẳng hạn, công ty uy tín đầy mình như AT&T của Mỹ sẽ thường được vay với lãi suất cơ bản (prime rate), là loại lãi suất thị trường thấp nhất. ‘Prime rate’ là loại lãi suất làm cơ sở đo lường mức độ cầu vốn ngắn hạn trong thị trường tiền tệ của một nền kinh tế nên được gọi là lãi suất cơ bản – là ‘base rate’.
Các công ty mới thành lập hoặc đang gầy dựng thì thường phải chịu lãi suất ngắn hạn cao hơn do có độ rủi ro cao về khả năng trả nợ đúng hạn. Giới ngân hàng thậm chí còn có mối lo về nguy cơ đóng cửa chạy nợ đối với các thân chủ dạng này. Các loại nợ khác (trung hay dài hạn) còn ẩn chứa rủi ro khó thu hồi nhiều hơn nữa, vì thế các ngân hàng và tổ chức cho vay cũng sẽ áp dụng các mức lãi cao khác nhau. Trường hợp các món nợ để đương (mortgage loans) dù là dài hạn nhưng do được bảo đảm bởi tài sản bọc lót và đã được dọn sẵn thủ tục chuyển quyền sở hữu (nếu con nợ không trả tiền đúng hẹn khi đáo hạn) nên lãi suất áp dụng sẽ thấp hơn. Trường hợp các khoản ứng trước của ngân hàng đối với các chủ thẻ tín dụng thì tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Do ngân hàng đưa tiền ra mà không có tài sản nào đảm bảo nên đương nhiên sẽ bị tính lãi cao hơn các loại có thế chấp. Việc tính lãi cao âu cũng chỉ là cách để bù qua sớt lại nhằm tránh thua lỗ cho ngân hàng trước các rủi ro bị xù nợ!
Nếu một ngân hàng đứng trước quá nhiều các khoản nợ xấu không thu hồi được thì ngân hàng đó có thể sẽ phải ngừng hoạt động. Tình trạng mất khả năng chi trả của ngân hàng (bank failures on depositors) thường có tác động dây chuyền, gây hậu quả khó lường cho cả nền kinh tế một quốc gia. Sự việc sẽ rất tồi tệ nếu có nhiều ngân hàng cùng rơi vào tình huống mất cân đối một lúc. Trường hợp xảy ra tại Mỹ vào những năm trước sau 1930 được xem là tai hoạ tài chánh điển hình vô tiền khoáng hậu thuộc loại này. Tai họạ nhớ đời ấy cũng đã gây ra cơn đại suy thoái toàn cầu sau khi hàng loạt các ngân hàng Mỹ ngã nhào trước biến cố sụp đổ thị trường chứng khoán 1929. Nền kinh tế Mỹ bỗng chốc như đột quỵ và cơn lốc hoảng loạn niềm tin có vẻ chẳng dễ dừng lại và chừa ai: Nó cuốn phăng hàng loạt doanh nghiệp bất kể là tốt hay xấu; còn dân chúng thì điêu đứng do mất trắng hết cả tiền tiết kiệm lẫn việc làm…
Rất may, sự bể bạc của ngân hàng như ở Mỹ thật ra chỉ là những trường hợp hiếm thấy, vì ngân hàng vốn là ngành hoạt động có chủ trương bảo thủ. Như ta biết, chẳng ai để các ‘chiếc máy cái’ này dễ dàng bị mất tiền để bị loại ra khỏi cuộc làm ăn. “Chọn mặt gởi tiền” là một tiêu chí hàng đầu, cổ kim vẫn thế và không thể thiếu trong bất cứ ngân hàng lớn nhỏ nào. Thêm vào đó, ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, các biện pháp an toàn luôn được dự liệu. Cụ thể là việc lập ra định chế phòng vệ cho các tổ chức tài chánh và khách hàng trước các sự cố không may. Tổ chức bảo hiểm Tiền gởi Liên bang Mỹ (FDIC) là ví dụ, tổ chức này bảo đảm trả cho các khoản ký thác tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhà đất (savings and loan) lên đến 100.000 đô la. Ngoài ra, các thanh tra nhà nước còn tiến hành thường xuyên các biện pháp kiểm tra giám sát các ngân hàng và định chế tài chánh khác. Tất cả là để duy trì niềm tin, nhưng không đơn giản vậy. Cụ thể hơn, để đảm bảo những nơi “cất giữ niềm tin” trong nền kinh tế luôn được an toàn, có sự tín nhiệm cao và đáng tín cậy.
Tỷ Lệ Tiết Kiệm Hộ Gia Đình Tại Mỹ
Một vấn đề lớn của nền kinh tế Mỹ vào khoảng cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 là tỷ lệ tiết kiệm từ hộ gia đình có mức thấp so với nhiều quốc gia công nghiệp phát triển khác. Người dân sống tại Mỹ nói chung có mức tiết kiệm từ thu nhập hàng năm của họ ít hơn dân chúng sống tại các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển cao khác như Nhật, Đức, Ý. Thống kê năm 1998 cho thấy các tỷ lệ tiết kiệm trên cơ sở thu nhập gia đình tại một số nước phát triển (từ cao đến thấp) như sau: Bỉ 15,6% – Pháp 13,6% – Nhật 13,6% – Tây Ban Nha 12,1% – Đức 11,8% – Ý 11,4% – Ái Nhĩ Lan (Ireland) 10% – Áo 8% – Na Uy 5,9% – Mỹ 4% – Úc 3,9% – Canada 1,9% – Thụy Điển 0,8%. Có nhiều ý kiến tranh cãi đáng lưu ý chung quanh chuyện tiết kiệm thấp của Mỹ, và một vài nguyên nhân cũng đã được nhắc đến. Theo đó, dân Mỹ có thể đã đơn giản muốn chọn cách hưởng thụ ngay từ thành quả mình làm ra hơn là tiết chế nhu cầu hoặc triễn hạn hưởng thụ (để dành cho lúc về hưu hay khi thất nghiệp chẳng hạn) như dân chúng tại nhiều nước khác có lịch sử về mức sống thấp hơn. Thế nhưng các xem xét khác có lẽ cũng đáng lưu ý và quan trọng không kém. Đó là, có sự khác biệt lớn giữa các nước trong cách xử lý về tiết kiệm, cổ tức, thu nhập từ đầu tư, các chi tiêu cho nhà ở, và các kế hoạch tài chánh cho hưu trí… để làm cơ sở tính thuế và được khuyến khích hỗ trợ. Các sự khác biệt này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định tiết kiệm của người dân. Đây có thể chỉ là thái độ kinh tế vi mô bình thường nhưng không loại trừ là vấn đề khá nhức đầu đối với các bài toán kinh tế vĩ mô.
Chẳng hạn, nhiều nước trên thế giới chủ trương không đánh thuế tiền lãi trên các khoản tiết kiệm và nhiều khoản thu nhập khác, hoặc chỉ tính rất tượng trưng, nhưng tại Mỹ thì cách xử lý sòng phẳng và chi li hơn. Hậu quả là người ta không để dành. Có lẽ do chính tính cách (và một phần từ phản ứng đáp lại) này mà dân Mỹ lâu nay vẫn thường được ‘ngưỡng mộ’ về khoản rộng rãi tiêu xài. Tiêu xài để khuyến khích sản xuất phát triển thì tốt chứ có sao? Nhưng rất tiếc điều vừa nói không phải lúc nào cũng đúng, nhất là trong các điều kiện kinh tế liên lập hay toàn cầu gần đây. Ví dụ, chẳng bao lâu sau khi Trung Quốc được kết nạp vào WTO (10-2001), Mỹ đã la làng chuyện ngập hàng Tàu. Cộng thêm sự phức tạp trong tương quan hối đoái tiền tệ (chính sách đồng nhân dân tệ giá tháp), cán cân thương mại càng về sau càng nghiêng về Trung Quốc (thời điểm 2005-2006 là khoảng trên 100 tỉ USD). Bức xúc, vào năm 2005 Mỹ đã có những phản ứng cứng rắn vì cho rằng người dân của họ đã lấy tiền làm được tại Mỹ để nuôi các doanh nghiệp bên Trung Quốc. Tình trạng này có thể làm cho sản xuất bên trong nước Mỹ bị đình đốn hay chậm đi… Nhân đây ta cũng có thể nhớ lại chuyện tương tự, cũng xoay quanh vấn đề tiết kiệm đầu tư và kinh tế song phương, trước đây Mỹ cũng từng sốt ruột cho rằng ‘người Nhật đã âm thầm mua nước Mỹ’ khi hàng loạt doanh nghiệp Mỹ được thay chủ Nhật (thập niên 1980)…
Tại Úc thuế thu nhập cá nhân cũng có tiếng là khá căng. Trường hợp Úc tuy không ồn ào ra mặt, nhưng nhìn vào kết quả tiết kiệm thấp của người dân như được nêu trên đây ta thấy tình hình có thể đã tiềm ẩn điều không ổn, hay đấy là một sự ‘phản đối’ ngầm (?) Vậy nên, theo thông tin trong những năm gần đây (2004-2005) chính giới Úc cũng đã bắt đầu thấy việc áp dụng thuế thu nhập căng quá là ‘có vấn đề’, đặc biệt là về nguồn nhân lực cho nền kinh tế, và họ có ý định sẽ xem xét lại.
Chính vì những diễn tiến kinh tế theo thời gian có thể không chìu theo ý của các nhà làm chính sách, lâu nay các chính phủ, ở đây đang đề cập là trường hợp của Mỹ, luôn có các sách lược đối phó và điều chỉnh. Ngặt nỗi, do cuộc chơi kinh tế toàn cầu cứ hấp dẫn, các biên cương trở nên không rõ ràng với trào lưu ‘sản xuất bất kể xứ, bán hàng bất cứ đâu’ đã tạo ra các dòng chảy tiền tài phức tạp, nên không dễ nói chuyện đúng sai, lại càng khó lượng định để có chính sách tốt nhất. Sự dịch chuyển về nhân lực, các dòng chảy đầu tư, sự thay đổi có tính phá cách về phương pháp sản xuất (ví dụ outsourcing, khái niệm xuất xứ toàn cầu…) đang tạo ra bối cảnh khó xác định ‘đâu là anh đâu là tôi’, làm cho các phép tính kinh tế (ví dụ GNP hay GDP) trở nên kém chính xác, có thể bị lỗi thời hay ít có giá trị thông tin. Phải tỉnh táo vậy!
Trở lại chính sách thuế (liên quan đến tiết kiệm cho đầu tư), các nhà kinh tế khuyến nghị nhà nước phải hết sức cân nhắc việc có nên ‘tận thu’ hay không, đồng thời cần tiên lượng hậu quả của một chính sách thuế về lâu về dài sẽ như thế nào trước các phản ứng của đối tượng chịu thuế? Vì cần nhớ, trong cuộc chơi toàn cầu, các doanh nghiệp thì luôn tìm nơi có chi phí thấp hơn, còn người làm việc thì luôn tìm đến nơi có thu nhập và điều kiện sống cao hơn…
Một nhân tố khác trực tiếp ảnh hưởng đến mức tiết kiệm gia đình ở Mỹ là hệ thống an sinh xã hội, với hoạt động trợ cấp hưu trí cho hầu hết người già của nhà nước. Về bản chất, quá trình người lao động (lúc đang làm việc) đưa một phần thu nhập của mình vào hệ thống tức là họ đã thực hành tiết kiệm. Tuy nhiên, số tiền ấy trong thực tế không đi vào các trương mục tiết kiệm của những người trực tiếp đóng góp. Thay vào đó, nó được dùng để trả trợ cấp cho những người đã về hưu. Cũng chẳng có hoạt động tiết kiệm gì tích cực được tạo ra (hiểu theo nghĩa hiệu quả tài chánh) từ hệ thống này, ngoại trừ có một thực tế là tổng số tiền đang được đóng vào hệ thống luôn lớn hơn khoản chi trả hiện thời cho dân hưu trí. Trong quá khứ việc nhà nước liên bang thường xuyên dùng các khoản tiền dôi lên từ hệ thống để chi tiêu cho việc khác (chi không đúng mục đích) là một thực tế khác. Có thể nói các khoản trợ cấp hưu trí đã tạo ra tâm lý ỷ lại, làm cho người dân không có thói quen chủ động tiết kiệm phòng thân, chẳng thiết lo xa…
Mức tiết kiệm thấp của dân Mỹ đã tạo ra hai hậu quả đáng kể. Trước tiên, một khi lượng tiết kiệm được hút vào các ngân hàng và định chế tài chánh ít đi thì lãi suất thị trường có thể sẽ cao hơn mức đáng lẽ được áp dụng đối với cả người gởi tiết kiệm lẫn người đi vay. Điều này làm cho chi phí đầu tư vào nhà xưởng, thiết bị và các thứ khác trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ trở nên đắt hơn, tiếp theo nó cho kết quả tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế quốc gia và thu nhập xã hội. Mặt khác, khi lãi suất đồng đô la Mỹ tăng thì sẽ hấp dẫn tiền tiết kiệm và các nguồn đầu tư từ các nước khác đổ vào Mỹ. Sự tác động từ dòng chảy tài chánh này sẽ được bàn tiếp ở đoạn dưới, nhưng nhìn chung mà nói các khoản tiền dễ quá (easy money) lại có thể đã có một số ảnh hưởng kém tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Đây có lẽ cũng là bài học ‘vi vĩ mô’ chung rất đáng được tham khảo.
Huy động tài chánh từ nước ngoài
Nguồn tài chánh từ nước ngoài đổ vào Mỹ đã giúp cho nước này tăng đầu tư vào tư bản sản xuất (capital goods). Nhìn chung là lợi, nhưng quá trình đó hay sau đó điều này cũng tạo ra lắm quan ngại. Chẳng hạn, để đầu tư vào các trương mục tiết kiệm, các trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp tại Mỹ, người nước ngoài cần phải có đô la Mỹ. Việc cần đô la Mỹ nếu diễn ra tập trung sẽ làm cho đồng tiền này tăng giá (so với các đồng tiền khác). Khi đồng đô la Mỹ tăng giá, thì người nước khác mua hàng xuất khẩu từ Mỹ sang nước mình sẽ phải trả cao hơn, tính theo tiền nước đó. (Ví dụ: Một thanh chocolate Mỹ có giá xuất khẩu không đổi là 1USD, nhưng nếu đồng đô la Mỹ tăng từ 6 nhân dân tệ lên 8 nhân dân tệ thì mặc nhiên người Trung Quốc phải mua đắt hơn 2 nhân dân tệ cho cùng một thanh chocolate. Điều này có thể làm cho họ suy nghĩ lại và không ăn chocolate Mỹ nữa). Nói khác đi, khi đồng đô la Mỹ tăng giá thì người nước ngoài (dùng tiền nước họ) mua được ít hàng hóa dịch vụ của Mỹ hơn (so với lúc chưa lên giá), và điều này tác hại đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Mỹ. Sự thực là đầu những năm 1980 tình trạng bất lợi này đã xảy ra và đã làm sụt giảm xuất khẩu Mỹ đột ngột, nhiều công ty sản xuất thiết bị nặng như Caterpillar đã lâm vào tình trạng khó khăn.
Mặt khác, khi đồng đô la Mỹ tăng giá thì sức mua tương đối của nó tăng lên, người Mỹ (sống tại Mỹ) mua hàng nhập khẩu từ nước khác sẽ thấy rẻ hơn là hàng sản xuất tại Mỹ. Khi hàng nhập khẩu tăng lên sẽ kéo theo một sự thâm hụt (hoặc làm giảm mức thặng dư hiện hữu) trong cán cân mậu dịch của Mỹ với nước ngoài, (giả thiết lượng cầu không đổi, hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ giảm xuống đồng thời với hàng nhập khẩu tăng lên).
Lượng đầu tư, nhất là đầu tư tài chánh, từ nước ngoài vào Mỹ còn tác động đến nhiều mặt khác… Điều có thể thấy sớm là cuối cùng thì các khoản tiền đổ vào Mỹ cũng sẽ được thu hồi về nước gốc. Mức độ tác động từ việc rút vốn về như vậy sẽ tùy thuộc loại hình và mục đích sử dụng tiền đầu tư như thế nào. Nếu các khoản tiền ấy được đưa vào các dự án đầu tư làm gia tăng sản lương và thu nhập cho nước Mỹ, thì sự thu hồi có vẻ không có gì ảnh hưởng đến kinh tế nước này. Nhưng nếu không được như vậy thì khó khăn rất dễ xảy ra. Điều có thể là khó khăn và mối quan ngại ở đây là, thay vì sử dụng các nguồn tiền nước ngoài đầu tư vào lãnh vực tư bản sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, không ít khoản tiền ấy có thể chỉ đơn giản để thỏa mãn hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ sinh hoạt, hoặc để chi cho các mục đích phi sản xuất khác ở cả khu vực công và tư. Việc sử dụng tiền huy động như vậy thường không cho ý nghĩa tích cực, không làm tăng sản lượng và về lâu dài có thể làm xấu hơn mức sống người dân.
Suy cho cùng thì đồng tiền cũng như con dao mà chuyện hay dở còn tuỳ việc sử dụng. Vào thời kỳ đầu của lịch sử lập quốc Mỹ, và các giai đoạn hưng vượng sau đó, đa phần các dự án sản xuất của nước này đã được dân Anh, Pháp, và nhiều nước khác tài trợ. Những khoản tài trợ ban đầu ấy nhờ được sử dụng vốn đúng hướng (cho sản xuất kinh doanh) đã giúp nền kinh tế non trẻ của Mỹ tăng trưởng mạnh, nước Mỹ đã vượt lên hàng ngũ những nước giàu nhất thế giới. Việc thu hồi vốn cũng đã diễn ra rất sòng phẳng sau đó nhưng không ảnh hưởng gì đến sức sống của nền kinh tế Mỹ. Ngày nay thì khác, không có gì chắc chắn là các khoản huy động từ nước ngoài (gồm gởi tiết kiệm, mua các loại trái phiếu tại Mỹ) cũng sẽ được đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh tăng thế mạnh và đem lại kết quả như vậy… Điều có thể kết luận, dù được xem là nước giàu mạnh nhất thế giới, Mỹ phần nào đã trở nên kém lợi thế, hay ít ra đang đứng trước thách thức của thực tế tiết kiệm dân cư trong nước thấp.
TIỀN TỆ VÀ BỐI CẢNH
Bối cảnh tiền tệ
Nói một cách tổng quát, tiền tệ là bất cứ phương tiện phổ biến nào được chấp nhận để thanh toán việc mua hàng hóa hay dịch vụ. Theo chiều dài lịch sử kinh tế thế giới, đã có nhiều thứ được chọn dùng làm tiền như vàng, bạc, thuốc lá, gia súc, và các loại lông vũ hay da động vật. Tại Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới hiện nay tiền tệ nằm dưới ba hình thức căn bản là tiền giấy (bills), tiền xu (coins) và tiền ngân phiếu (checks). Trong đó, loại thứ ba (tiền ngân phiếu) là loại tiền ‘phái sinh’ dựa trên các khoản ký thác vào ngân hàng hay các định chế tài chánh khác có cung cấp dịch vụ chi phiếu. Ở các nước phát triển, hầu hết dân chúng, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đều thực hiện việc chi trả bằng chi phiếu (sec). Tuy vậy, đối với nhiều trường hợp trao đổi nhỏ người ta vẫn dùng tiền mặt (tiền giấy hay tiền xu).
Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của các ngành khoa học, đặc biệt là ngành điện tử và tin học, các hoạt động tiền tệ và thanh toán ‘không thấy tiền đâu cả’ đã trở thành chuyện bình thường… Nhưng cần biết rằng việc này thật sự không đơn giản. Để có thể chuyển từ cách hiểu và sử dụng tiền theo truyền thống (theo đó tiền phải là loại cụ thể và sờ được) sang cách hiểu và dùng tiền như ngày nay (theo đó ‘cái gọi là tiền’ hầu như chỉ là lượng tiền được ghi trên chi phiếu hay thể hiện trên các số dư trương mục) là cả một quá trình rất dài và tiến hoá trong khó khăn. Thậm chí cho đến những ngày này thế giới vẫn còn một bộ phận dân cư không hề nhỏ chưa tin (lại càng chưa bao giờ sử dụng) các loại tiền mà họ ‘không sờ được’.
Cũng có thể xem như một khả năng biến hóa linh hoạt… Theo đó, người ta có thể thay đổi loại tiền nắm giữ theo ý thích bằng cách rút tiền trong trương mục ra để có tiền giấy hay tiền xu. Hoặc ngược lại, đem tiền giấy/tiền xu ký thác vào ngân hàng để có tiền ‘vô hình’ bằng ngân phiếu, nói khác đi, người ta có thể dễ dàng chuyển thói quen xài tiền từ cách ‘cân đong đo đếm’ qua động tác ‘ra lệnh’. Do sự thuận tiện của cách xài tiền không dùng ‘tiền’ này, đối với người dân tại các nước phát triển, ngày nay khái niệm tiền đã được quen hiểu là số dư trong trương mục gởi tại ngân hàng. Trong thực tế hầu như các số dư này cũng chẳng bao giờ được đổi sang bạc giấy hay tiền xu cả. Nhờ vậy mà ngân hàng có tiền ‘của riêng họ’ để cho vay gọi là ‘tín dụng’, và từ đó mới có việc ‘tiền đẻ ra tiền’. Các thân chủ trương mục tiền gởi (vãng lai) của các ngân hàng thực hiện việc chi trả với nhau theo cách ra lệnh bằng “bút chi” (viết chi phiếu) và được ngân hàng phục vụ như ý; họ có thể chỉ lấy ra một khoản nhỏ tiền giấy/tiền xu để chi khi cần. Một khi tiền tệ đã được ‘tàng hình’ (không còn đơn thuần ở dạng vật chất) thì lượng tiền lưu hành trong nền kinh tế sẽ tăng lên nhiều lần theo các phép tính M1, M2, M3 về lượng cung hay nguyên tắc tạo ra tiền (xem TTCK, Những Tiếp Cận Cần Thiết Để Tham Gia, Huy Nam, NXB Trẻ 1999).
Thỉnh thoảng, các nhà kinh tế tài chánh cũng gộp luôn cả lượng tiền trong các trương mục tiết kiệm để thực hiện một số phép tính mở rộng về cung tiền tệ. Sở dĩ họ làm được điều này vì nhờ có sự trợ giúp của phương tiện công nghệ thông tin, việc chuyển tiền từ trương mục tiết kiệm sang trương mục tiền gởi là việc dễ dàng và chẳng tốn kém gì. Trong thực tế, các loại thẻ tín dụng ngày nay đã giúp khai thông lượng tiền có kỳ hạn trong các tài khoản tiết kiệm thành tiền vãng lai dùng ngay được, thông qua các kỹ thuật kết nối tinh vi rất thuận lợi cho người sở hữu. Điều này phần nào lý giải về cách tính vừa nêu vậy.
Tiền đẻ ra tiền
Tuy nguyên lý ‘tiền đẻ ra tiền’ không còn lạ, nhưng nếu không phải là dân kinh tế tài chánh, nhiều người có thể sẽ khó hình dung rằng khi ngân hàng thực hiện một khoản cho vay thì khoản nợ đó lại sẽ tạo ra một lượng tiền mới cho nền kinh tế.
Tại sao? Như ta đã biết, các ngân hàng kiếm lời bằng cách dựa trên lượng tiền người gởi vào để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình, cụ thể nhất là những khoản cho vay lấy lãi. Cách “mượn đầu heo nấu cháo” này (lấy tiền của người gởi để cho vay) sở dĩ an toàn là vì hầu như mọi ngày lượng tiền khách hàng tiếp tục ký thác vào ngân hàng thường tương ứng với lượng tiền khách rút ra. Một ngân hàng càng có nhiều thân chủ duy trì tiền ký thác sẽ càng có thể cho vay nhiều hơn để kiếm lợi. Đương nhiên, khi điều này (việc cho vay) xảy ra, ngân hàng trong cuộc sẽ không đơn giản giảm trừ khoản họ đã cho vay vào các trương mục ký thác các loại (cả tiết kiệm và tiền gởi vãng lai).
Nói chung, hoạt động của ‘đầu ra’ là chuyện của ngân hàng, khách vay là vay của ngân hàng, và tiền vay cũng là “tài sản” (có thể xem là tài sản phái sinh – derivative) của ngân hàng. Theo cơ chế trung gian tài chánh và về nguyên tắc, thân chủ của các trương mục ‘đầu vào’ vẫn có tiền trong trương mục như bình thường. Nhìn vào từng vế là vậy… Tuy nhiên, trên thực tế do lúc này có thêm các cá nhân hay doanh nghiệp được ngân hàng cho vay, và đang có “quyền sử dụng” đồng thời lượng tiền trong các trương mục ký thác (đầu vào), nên tổng lượng tiền ‘khả dụng’ trong nền kinh tế đã tăng lên. Quá trình này được gọi là hoạt động tài trợ trên cơ sở tỉ lệ dự trữ (fractional reserve banking). Bởi vì sau khi cho vay nợ, ngân hàng chỉ còn giữ một phần nhỏ trong tổng lượng tiền được ký thác để làm khoản dự trữ. Ngân hàng hoạt động hiệu quả là nhờ ở chính khả năng này. Nhưng đồng thời khi phải đối mặt với tình huống xấu, ngân hàng có thể sẽ lâm vào tình trạng rủi ro mất khả năng thanh toán (không thể trả hết các khoản ký thác kịp thời) nếu họ không thu hồi được các khoản nợ đã cho vay.
Cũng có thể hiểu vấn đề ‘mượn đầu heo nấu cháo’ hay ‘mượn của làng làm lịnh’ nói ở đoạn trên theo một cách khác. Đó là, tiền được tạo ra khi ngân hàng thực hiện việc cho vay là tiền tuy có giá trị sử dụng thực nhưng lại là loại ‘ảo’ hay vô hình, vì tiền đó sẽ biến mất khi món nợ đã được thanh toán.
Tiền tệ và giá trị của tiền tệ
Như đồng tiền nhiều nước khác, lịch sử tiến hoá tiền tệ ở Mỹ cũng đã trải qua một quá trình từ thấp đến cao. Đồng đô la Mỹ một thời được bảo đảm bằng một lượng kim loại quý cụ thể (là vàng hay bạc) với giá trị do nhà nước định. Vào thời kỳ này, người có tiền (USD) có thể hoàn tiền lại cho ngân hàng của nhà nước để lấy vàng hay bạc. Theo thời gian, người ta nhận thấy đồng tiền giấy dễ sử dụng (dễ trao đổi) hơn là vàng thật hay bạc thật, nên dân chúng chuyển dần qua giữ và trao đổi bằng đồng tiền giấy. Xa hơn tiền giấy, họ cũng đã thấy sự tiện dụng của việc xài tiền bằng ngân phiếu. Theo xu thế như vậy, có vẻ như càng về sau người ta không cón xem trọng việc giữ loại tiền nào, mà là giá trị thực hiện từ đó, miễn sao tiền giấy và ngân phiếu được chấp nhận thanh toán và giữ được giá trị theo căn bản quy đổi hàng hóa dịch vụ mà họ có thể mua. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quá trình để có được tư duy này là không đơn giản, việc người ta chịu giữ “tờ giấy” thay cho vàng hay bạc là điều chẳng dễ!
Về phương diện quốc gia và thế giới, cuộc cách mạng tiền tệ nhìn chung vừa tạo ra áp lực vừa có diễn biến lan toả. Rốt cuộc thì hầu hết các nước trên thế giới cũng đã thấy được sự bất tiện và tốn kém để nắm giữ, trao đổi và bảo quản những số lượng lớn là vàng hay bạc. Nhưng đây chỉ mới là chuyện trong phạm vi nội bộ mỗi nước, Lịch sử cho thấy, khi ngoại thương phát triển, các nước đã nhận rõ nhiều khó khăn phức tạp hơn trong việc sử dụng vàng bạc làm tiền, nhất là việc chuyển vàng bạc sang nước khác để thanh toán… Tất cả những khó khăn bất tiện vừa nêu đã khiến các nước đi đến quyết định phải đổi vàng bạc ra tiền giấy trong giao thương quốc tế. Việc thanh toán theo hình thức ‘bút chi’ (ngân phiếu) cũng nhờ đó mà phát triển mạnh.
Một sự kiện có tính cột mốc của thời kỳ chuyển đổi này diễn ra vào năm 1971 khi Mỹ tuyên bố ngưng việc dùng vàng làm căn cứ tính toán giá trị qui đổi đồng đô la Mỹ trong thanh toán quốc tế. Hành động này có tác động chấm dứt thời kỳ “kim bản vị” (gold standard). Kim bản vị là cách gọi xác nhận sự gắn kết giữa đồng đô la (hay bất cứ đồng tiền nào) với số vàng đứng phía sau làm giá trị đảm bảo. Kể từ 1971, không còn sự liên hệ chính thức nào được xác định về giá trị giữa đồng đô la Mỹ và vàng, có nghĩa rằng việc gắn giá trị đồng đô la với số vàng hay các quý kim khác do nhà nước Mỹ nắm giữ không còn nữa. Tình trạng này có thể gọi nôm na gọi là đồng tiền được thả nổi (floating/flexible exchange rate).
Cũng cần biết thêm về sự kiện Mỹ thả nổi đồng tiền năm 1971 này. Theo đó, từ năm 1944 đến 1971 các nước có vai trò chủ lực trong hoạt động mậu dịch thế giới đã tham gia vào một thoả hiệp làm cơ sở để xác định đồng tiền của mỗi nước, gọi là hiệp định Bretton Woods. Theo hiệp định này các nước thành viên thoả thuận ấn định tỷ giá đồng bạc của mình theo đồng đôla Mỹ và đảm bảo bằng vàng. Nhờ vậy, suốt trong thời gian hiệp định có hiệu lực, dao động của tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền ít khi vượt quá 2%. Nhưng sự ổn định này đã bị phá vỡ sau khi Tổng thống Nixon của Mỹ tuyên bố vô hiệu sự ràng buộc giữa đồng tiền các nước với đôla Mỹ và vàng.
Kể từ sau sự kiện ‘rã đám’ 1971, các nước tự đi tìm cách xác định giá trị và bảo vệ riêng cho đồng tiền của mình. Một cách tổng quát, gíá trị thực của đồng đô la Mỹ, cũng như nhiều đồng tiền được thả nổi khác, ngày nay tùy thuộc vào lượng hàng hóa và dịch vụ thực hiện được hay mua được. Sức mua ấy tùy thuộc chủ yếu vào sự tương quan giữa lượng tiền thực tế đang lưu hành (kể cả tiền ký thác vãng lai và trong các trương mục tiết kiệm) và lượng hàng hóa dịch vụ làm ra được mỗi năm tại một nền kinh tế. Nếu lượng tiền lưu hành gia tăng vượt xa lượng hàng hóa dịch vụ làm ra được mỗi năm, hoặc nếu người dân tăng chi tiêu nhanh một cách bất thường, thì kết quả khó tránh sẽ là lạm phát. Lạm phát chủ yếu xảy ra khi giá trung bình hàng hóa và dịch vụ gia tăng. Nói khác đi, đó là sự sụt giảm về giá trị tạo ra được (giá trị mua được) của một đồng tiền…