Cái Chữ tải Đạo đi…

Đăng ngày

Chia sẻ:

Từng có phàn nàn rằng sách vở thời học cũ ưa dùng từ cao xa khó hiểu. Cụ thể, sinh viên ngày nay đọc sách kinh tế tài chánh trước đây (trước 1975) dễ bị vấp khi gặp các thuật ngữ như trương mục, đối chiều biểu, để đương, khảo hướng, v,v… Thế nhưng, lại ít thấy ai đặt vấn đề tại sao lại ‘tài khoản’ mà không trương mục, sao không là chi phiếu mà ‘tờ séc’, sao không là xuất nhập cảng mà là ‘xuất nhập khẩu’, và nhiều trường hợp vay mượn hay tự chế gượng ép khác.

Trong khi đó yêu cầu về độ chuẩn trong truyền thụ kiến thức, để chuyển tải nghiệp vụ, trao đổi thông tin, giao dịch… luôn cần các hệ chữ nghĩa chuyên dùng, vừa cho tiện diễn đạt vừa có thể gói đủ nghĩa. Việc xây dựng, chuẩn hoá, trang bị các đặc ngữ (jargon) và thuật ngữ (terminology) cho từng ngành sẽ là cơ sở gíúp thiết lập môi trường hoạt động và tập quán hành xử chuyên nghiệp. Trước khối lượng thông tin và tri thức đồ sộ phải cần đến sự hỗ trợ kỹ thuật số như hiện nay yêu cầu này càng cấp thiết.

Tuy nhiên, do có sự đòi hỏi độ chín về trình độ và kinh nghiệm thực tiễn, việc thực hiện các ‘bộ ngữ’ riêng trong các chuyên ngành ‘cũ người mới ta’ là không dễ, không thể một sớm một chiều mà được. Do vậy, ngoài các nỗ lực có tính hàn lâm (cân nhắc, biên soạn, chọn lọc. dịch thuật), thiết nghĩ quá trình xây dựng ‘nguồn lực’ này cũng cần huy động và sử dụng lại vốn thuật ngữ đẵ có sẵn trong các tàng thư cũ mà lâu nay vì lý do nào đó đã bị khiếm dụng. Cách làm thể hiện sự tập trung trí tuệ này là khách quan, mặc nhiên xoá bỏ rào cản tâm lý. Bởi dù sao các kho tàng kiến thức trước đây (trước 1975) vẫn là tài sản trí tuệ của đất nước, được chắt lọc và tích tụ qua nghiên cứu và có bề dày thực tế ứng dụng sâu rộng. Điều này có căn cứ lý giải…

Chẳng hạn theo khái niệm dẫn ý trong lãnh vực nghiên cứu, cùng có gốc là ‘approach’ nhưng khảo hướng (một cách dùng cũ) thì không đơn giản chỉ ‘đến gần’ như tiếp cận, mà lắm khi còn là sự lặn sâu lội xa để kiếm tìm lời giải hay sự lý giải về một vấn đề nào đó. Khảo hướng là quá trình lật đi lật lại, là sự lùng sục để một vấn đề được sáng tỏ, và không ít lúc nó đòi ta phải ‘ngược hướng’ nếu muốn có kết quả toàn diện và chắc lý hơn… Như vậy, trong khảo hướng mặc nhiên có ‘tiếp cận’, nhưng với tiếp cận thì không mặc nhiên (hay không đủ sức) chứa khảo hướng. Ở đây không có ý bỏ tiếp cận mà chỉ là thêm khảo hướng, là tăng cường công cụ có sức diễn đạt tốt hơn theo lãnh vực, tùy ngữ cảnh… Thật ra, nhờ có sự đóng góp của khoa tu từ (semantics) và thông đạt học (truyền thông/communications), nhiều thuật ngữ được dùng ngày trước đã có những cân nhắc nhất định. Có thể nêu thêm vài trường hợp dưới đây.

Về yêu cầu gói nghĩa, có thể lấy đối chiếu biểu trong ngành kế toán để minh hoạ. Đây là một tài liệu cơ sở thông tin về hình hài (phần xác) của doanh nghiệp thông qua sự đối chiếu giữa một bên là tài sản và bên kia là nguồn tài trợ. Sự đối chiếu ở đây là một giải trình theo mẫu (biểu): Nó cho thông tin nhanh qua sự so sánh về tình trạng sử dung tài trợ (nợ + vốn riêng) thế nào và việc thực hiện nguổn tài trợ đó thành tài sản để kinh doanh (tích sản) ra sao. Gọi đối chiếu biểu là vậy. Tiếc là thuật ngữ này không còn được lưu dụng. Thay vào đó  là bảng tổng kết tài sản, rồi bảng cân đối tài sản, và nay là bảng cân đối kế toán. Bản thân sự thay đổi như vậy nói lên điều chưa ổn trong cách đặt tên cho ‘bản’ báo cáo tài chánh thuộc loại quan trọng bậc nhất này của doanh nghiệp. Ấy là chưa nói về mặt ngữ âm, cách gọi bảng cân đối tài sản lại ná ná với bảng cân đối tài khoản nên không ít lúc dân kế toán cũng gọi nhầm!

Thuật ngữ cũng có sức mạnh tích hợp (integrate) hay diễn đạt uyển chuyển. Bởi vậy dù ‘tác nghiệp’ ở bối cảnh nào thì nó vẫn là nó, nhưng lại có khả năng diễn đạt tương ứng. Theo yêu cầu này thì cách ta dùng thuật ngữ tài khoản hiện nay có lẽ chưa yên. (Xin được dùng chen ‘account’ ở đoạn kế để  minh hoạ cho dễ hiểu).

Lâu nay cứ gặp account là ta nghĩ ngay tới tài khoản, bất kể trong account ấy có tài hay không có tài. Cách gọi thiên về tiền này gây hiểu nhầm, bị đuối nghĩa, thậm chí không chính xác trong các lãnh vực khác nhau. Nhưng tại sao lại tài khoản? Là do thời kinh tế khép ở ta account chỉ được dùng trong kế toán và ngân hàng. Đó là các lãnh vực nhìn đâu cũng tiền, nên account được hiểu theo cách thực dụng là tài khoản. Cách hiểu này có vẻ chẳng trở ngại chi nếu nó chỉ quanh quẩn trong kế toán và ngân hàng. Nhưng khi tài khoản được sử dụng trong thị trường chứng khoán (TTCK) thì bắt đầu ló vấn đề, do các account ở đây có thể không hay chưa có tiền mà chỉ có chứng khoán. Ngay như cách gọi “cash account” trong TTCK thì cũng đừng vội nghĩ ở đó có tiền, vì các account này chỉ là phương tiện để người đầu tư mua bán chứng khoán bằng tiền mặt (để phân biệt với hoạt động mua bán theo cách vay nợ/margin). Ấy thế mà đôi khi ‘tài khoản’ vẫn còn đất sống trong TTCK, là do người ta có thể liên hệ (dù chỉ gượng ép) chữ ‘tài’ với ‘tài sản’, mà chứng khoán cũng là tài sản… Tuy nhiên, đến khi mạng internet phát triển thì việc gọi “tài khoản internet” đã rõ là không ổn, do trường hợp này chỉ liên quan đến thuê bao hay khách hàng…

Thật ra, suy cho cùng thì cả trong kế toán và ngân hàng account cũng không nhằm biểu hiện tiền hay tài. Đó là một phương tiện (sổ sách) trung gian ghi nhận và theo dỏi diễn biến các tiểu mục tài sản hay tiết mục cần thông tin (ý nghĩa kế toán), hoặc giao dịch với khách hàng, đối tác, hay một đối tượng nào đó (ý nghĩa quan hệ). Nói rõ hơn, đó là các ‘trang’ ghi chép có tính thủ tục, biểu thị thông tin dùng cho các mục đích theo dỏi riêng và được gọi chung là trương mục. Trương mục (chính là account) còn được hiểu theo ngữ cảnh là thân chủ (client) hay khách giao dịch. Đây là cách hiểu và dùng của thế giới chứ không phải suy luận riêng. Như vậy trương mục có tính đại diện triệt để, có sức tải mạnh hơn hẳn tài khoản dù ở bất cứ bối cảnh diễn đạt nào.

Thuật ngữ tựa con ‘chip’ do trí tuệ tạo ra và được sử dụng để truyền đạt trí tuệ. Sự xuề xòa hay tuỳ tiện là không nên. Một luật về bất động sản mà chưa rõ bất động sản là gì trước Quốc hội là chuyện đáng tiếc, mà bất động sản hay địa ốc? Đây là chuyện dài và đã từng có tranh luận. Xin để mỗi người một góc việc cùng ngẫm sẽ hay hơn. Lúc ấy biết đâu các ‘nhà’ báo cũng sẽ đi phỏng vấn người làm báo để rõ hơn ai nhà báo, ai ký giả, ai phóng viên (?).

Huy Nam

 

(TBKTSG, Xuân Bính Tuất 2006)

 

Xem thêm bài viết