(Đất nước tôi, thơ, của nữ sĩ Dorothea Mackellar do Dr. Phạm Vũ Thịnh phỏng dịch).
Những vần thơ của nữ văn sĩ Dorothea Mackellar trên đây có khả năng khái quát một thoáng tương phản về hình tượng đáng yêu đối với quê hương của bà. Nhưng nó có thể cũng gần gũi với cảm nhận của ai đã từng đến thăm nước Úc…
Từ trên máy bay nhìn xuống, nước Úc dàn trải một màu nâu bao la. Điều này dễ tạo một cảm giác khắc nghiệt cho khách lần đầu mới đến thăm đất nước rộng hơn 7,6 triệu km2 này – một đất nước bàng bạc những hoài niệm về cái nắng cháy bỏng, về hạn hán và mưa lũ.
Nhưng khi vừa ra khỏi phi trường Melbourne, cảm giác ấy có thể dần dần biến đổi. Trên đường về trung tâm thành phố, ấn tượng trực tiếp đầu tiên mà khách sẽ nhận được lại chính là sự xanh tươi mượt mà của cây cỏ, môi trường trong sạch, nề nếp, với sự chăm chút của con người, thể hiện qua hệ thống đường sá, nhà cửa, sân vườn…
Thành phố – Sân vườn – Cây xanh
Thành phố Melbourne là thủ phủ của bang Victoria, được mệnh danh là “State of garden” (bang của vườn cây). Tất cả các biển số xe đều ghi dòng chữ đó một cách tự hào. Quả thực, ở Victoria đi đâu cũng thấy sân vườn, những mảng cây hoa lá. Khu trung tâm Melbourne với các nhà cao tầng gom lại thành một quần thể không lớn lắm, vươn cao lên trên nền cây xanh. Nhìn từ xa, quang cảnh đó cho những thoáng cảm giác lạ, lúc như bức tranh tuyệt đẹp khi thì có vẻ đối chọi…
Thật ra, không chỉ có Victoria, hầu như tất cả những nơi tôi đi qua đâu đâu cũng nổi bật một màu xanh. Đặc biệt tại Canberra, thành phố có chưa tới 300.000 dân, được xây dựng từ năm 1913 và chính thức là thủ đô liên bang từ 1927, có cái hồn trang nghiêm và bộ mặt vừa thơ mộng vừa quý phái… Ngoài hội hoa tập trung nhiều vào mùa xuân, được tổ chức định kỳ tại các địa phương, chẳng hạn tại Canberra hay Corbett Garden trên đường đi Wollongong, hằng năm chính phủ có phát động một cuộc thi đua chăm sóc vườn tược tại các cơ quan và công sở lớn, đặc biệt là tại các nhà máy.
Ở Úc, phố xá có vẻ như là nơi để hội tụ làm ăn hơn là để ở, nhất là nhu cầu ở có chất lượng mà dân cư ở đây rất chú trọng. Ngay tại những khu sầm uất nhất tại Sydney là Darling Harbour, có vẻ đẹp hoành tráng của biển trời, có vẻ như cũng chỉ để kinh doanh, chỉ dành cho người đến thăm thú hay du khách. Dân nhà giàu ở lưng chừng đồi các dãy núi phía bên kia Harbour View, dọc các con sông lớn, hoặc trên đường về thành phố vệ tinh Manly. Đa số dân chúng ở các khu ngoại ô cách xa trung tâm vài ba chục cây số. Kiến trúc nhà ở phổ biến là các biệt thự trệt nhiều mái, làm bằng vật liệu nhẹ (thường là gỗ), ngói đỏ theo lối Âu. Kiến trúc nhà ở tại một khu hay một vùng cũng còn thể hiện nét riêng theo từng cộng đồng, mang sắc thái “chung sống láng giềng”, đôi khi đồng dạng, chứ không “đá nhau”, nhờ đó có vẻ đẹp hài hoà, trật tự. Nhà tiêu chuẩn phải có sân trước, sân sau. Tại những khu dân cư mới ở các vùng ngoại ô, khuôn viên đất cất nhà theo quy định phải có diện tích tối thiểu từ 600m2. Dưới mức này không được phép xây cất và mua bán.
Mặc dù thổ dân Úc đã sinh sống trên lục địa này hơn 5 ngàn năm, lịch sử lập quốc Úc ngày nay chỉ xác định mốc thành lập từ 1788, khi hạm đội thứ nhất của Anh chở 1.500 người, hầu hết là can phạm đến định cư ở Sydney Cove. Do lịch sử chỉ có bề dày hơn 200 năm, người Úc đang bảo tồn những giá trị xưa, nhất là về kiến trúc rất chặt chẽ. Hầu hết những kiến trúc có độ tuổi bảy chục năm trở lên được bảo vệ, tập trung nhiều nhất là ở Melbourne. Do đó không có gì ngạc nhiên khi thỉnh thoảng ta vẫn thấy nhiều khu phố vừa đơn sơ, vừa thấp nhỏ, vừa chẳng thấy tí gì là cổ so với Việt Nam, vẫn không được phép phá đi để xây lại. Ở trung tâm Sydney do đất hiếm hoi, một số nhà cũ không quan trọng được phép đập xây lại, nhưng nhiều công trình được yêu cầu phải giữ nguyên vẹn hiện trạng của cả mặt tiền nhà cũ. Đây là việc rất khó khăn và tốn kém mà chủ đầu tư phải chấp hành. Thăm Sydney, thỉnh thoảng khách có thể bắt gặp các “bộ mặt già” khá lớn như vậy đứng chỏng chơ với một hệ thống giàn giáo chống đỡ chằng chịt để chờ ráp vào cái “thân” mới sẽ hình thành sau này. Cũng nằm trong ý nghĩa bảo tồn, ở Melbourne tàu điện vẫn còn hoạt động.
Do địa thế – đa số các thành phố Úc xây dựng trên những thế đất đồi núi – cho nên các tòa nhà lớn, nhất là tại Sydney, ngoài phần “chọc trời”, có lẽ phần “chọc đất” cũng đáng chú ý. Nhiều cao ốc có phần ngầm sâu đến năm bảy tầng. Ở trung tâm Sydney, có một khu phố ngầm khá lớn ăn thông nhau qua nhiều con đường, nhiều dãy phố đan xen với sinh hoạt tấp nập không khác gì trên mặt đất.
Chỗ đậu xe: Vẫn là vấn đề nan giải
Ở Úc không có xe điện ngầm. Tại Sydney có monorail trên không tại khu Darling Harbour. Phương tiện giao thông công cộng phổ biến là xe buýt và xe lửa. Mặc dù xe hơi cá nhân tại Úc được xem là phương tiện rất bình thường (hay có thể nói là tối thiểu) trong nhà, nhưng không phải ai lên phố, nhất là đi làm hằng ngày cũng đều sử dụng xe riêng. Chỗ đậu xe là vấn đề nan giải và giá rất đắt. Vào những ngày cuối tuần, leo lên năm bảy tầng lầu (bãi đậu xe phổ biến trên thế giới hiện nay) để tìm một chỗ đậu xe không phải dễ. Nếu đậu xe dọc lề đường có máy tự động bán chỗ và kiểm tra, một giờ cũng mất 2 đô la Úc, nhưng cũng chỉ có một ít đường cho phép đậu. Các “motel” (loại khách sạn có sân đậu xe) nằm tại các ngõ vào thành phố dọc theo các trục lộ huyết mạch, khai thác đặc điểm trên thành lợi thế cho mình (chỗ đậu xe thoải mái) và đạt hiệu suất khai thác phòng khá cao.
Cũng giống như nhiều nước công nghiệp khác, ở Úc khái niệm đường xa luôn được tính bằng giờ xe chạy. Đa số họ sẽ bị ngập ngừng khi ta hỏi bằng kilômét, nhưng họ sẽ chỉ vanh vách nếu được hỏi bằng phút, bằng giờ… Quên thắt dây an toàn khi ngồi trên xe có thể bị phạt đến 150 đô la Úc. Nói đến đường sá cũng cần nói đến cây xăng. Các cây xăng ít thấy ở các khu trung tâm sầm uất, nghe đâu chính phủ không còn cho xây dựng ở nội thành nữa. Hầu như cây xăng nào cũng hoạt động theo lối tự phục vụ, đổ đầy lấy phiếu đến quày trả tiền, quên trả sẽ phiền! Hầu hết các cây xăng đều có cửa hàng tiện lợi (bán đủ thứ thông dụng và cần thiết khi đi đường xa), nhiều nơi còn có cả thức ăn nhanh Mc Donald hoặc KFC (Kentucky Fried Chicken).
Các khu shopping lớn cũng được xây dựng tại các trục đường cửa ngõ ngoại ô thành phố vì có chỗ đậu xe thoải mái. Dân Úc làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, gồm luôn giờ nghỉ trưa, 38 giờ mỗi tuần, nên thời gian mua sắm của họ khá nhiều, nhất là chiều thứ sáu. Hàng hoá thuộc ngành thực phẩm, bánh kẹo, chocolate… thường rẻ hơn Việt Nam, nhiều loại hàng khác đắt hơn, nhất là máy móc và hàng nhập khẩu. Hàng tiêu dùng, nhất là quần áo, dày dép của Trung quốc tràn ngập. Cả những hàng hóa lưu niệm, tưởng là đặc thù của Úc, rất nhiều có xuất xứ là “made in China”. Ơ ngoại ô Sydney có khu bán hàng rất rẻ chỉ nhóm vào các ngày nghỉ, Thứ Bảy và Chủ nhật, là một freemarket (chợ trời), có thể tìm được nhiều loại hàng tốt với giá rất rẻ. Dọc theo các lối đi trong nhiều siêu thị cũng được đặt nhiều giỏ hàng giá “bèo” gọi là “crazy bargains”.
Cộng đồng người Việt: Năng động và chịu khó
Người Úc tự cho mình là một “melting pot” (tạp chủng). Họ có cả hơn trăm nguồn gốc dân tộc khác nhau. Do đó đặc tính dân Úc là hiền hòa, hồn nhiên, vui vẻ, xuề xòa, và có thể nói là ít kỳ thị. “Dân Úc gặp nhau ngoài đường dù lạ họ cũng thường cười chào, nên ta nhớ cười chào lại”, nếu bạn mới tới Úc lần đầu, những người đón khách kỹ lưỡng có thể sẽ nhắc bạn như vậy.
Cộng đồng người Việt tại Úc hiện lớn thứ ba, hay thứ tư (thời điểm 1990) so với các cộng đồng không nói tiếng Anh, sau Ý, Nam Tư và có thể cả Hy lạp. Người Việt tại Úc nổi tiếng học giỏi, chịu khó và thành công. Họ có mặt ở mọi nơi, từ nhà máy đến các cơ quan chính phủ. Ơ các trung tâm sầm uất nhất tại Melbourne, Canberra, Sydney,… đâu đâu cũng đã có các cửa hàng do người Việt làm chủ. Người Việt đã đến và làm sống động nhiều trung tâm.
Ở Melbourne có Footscray, Springvale, Richmond… Nếu là dân Việt Nam mới qua Úc mà được đi thăm những khu có đông người Việt quần cư, nhìn thấy phố xá với bảng hiệu tiếng Việt dọc ngang, dễ thấy trong lòng nao nao khó tả. Sau một thời gian không dài lắm, người Việt đến Úc đã lập được những kỳ tích đầy ấn tượng. Ơ Sydney có Bankstown, Cabramatta… Khu Cabramatta từng là điển hình về sự năng động của người Việt. Cuối những năm 1970, Cabramatta là khu ngoại ô đang xuống dốc của Sydney, nhưng chẳng bao lâu sau khi người Việt đến cư ngụ, nhờ giá nhà lúc đó thấp, họ đã biến nơi đây thành khu “shopping” 7 ngày trong tuần, gây chú ý và hấp dẫn khách du lịch với hàng hóa, dịch vụ rẻ, và là một trong những khu vực đóng thuế cho nhà nước cao nhất Úc.
Nhìn chung, dân Việt tại đây có một mức sống trung bình khá và ổn định. Họ được các đồng nghiệp là người Úc mến phục, khen ngợi. Dù có nhiều hoàn cảnh cá nhân khác nhau, đa số người Việt tại Úc tỏ ra có nhiều tình cảm tốt đẹp với quê nhà, họ đang hướng đến tương lại hòa nhập một cách tích cực. Đối với hầu hết người Việt tại đây, về thăm Việt Nam luôn là sự mong đợi và là niềm hạnh phúc lớn. Nhưng nhiều người cũng thú thật rằng, họ sống ở Úc đã quen rồi nên thích hơn, thấy dễ chịu do nhẹ nhàng hơn.
Nước Úc và người Úc đã để lại trong tôi những cảm nhận đẹp. Dù cách xa Việt Nam đến 9 giờ bay, xuôi về phía nam bán cầu, nhưng đó là nơi dễ gần gũi…
(Báo Đà Nẵng)