Có lúc tôi (và nhiều tôi khác) đã tự hỏi ‘cửa khẩu’ là cửa gì, đã ‘cửa’ sao còn ‘khẩu’, và tại sao lại cửa khẩu mà không là cửa biên, biên ải hay quan ải như đã có xa xưa? Hoặc, có ai lý giải được tại sao ta gọi là ‘xuất nhập khẩu’ trong khi hàng hóa xuất đi /nhập về đều diễn ra ở cảng (cảng hàng không, cảng biển)? Tại sao ta không gọi đó là xuất nhập cảng như ông bà mình đã quen gọi từ lâu, đã đồng bộ và tương thích với “import /export” từ khi đất nước có các hoạt động giao thương với Tây phương trong quá khứ. Cũng vậy là cách ta dùng từ ‘thương mại’ và việc chuyển ngữ trong nhiều trường hợp khác.
Nhắc đến thương mại, người ta sẽ liên tưởng ngay đến hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đó là các hoạt động mua bán có hơi hướm ‘tiền trao cháo múc’. Hoạt động thương mại là việc trực tiếp tiến hành trao đổi các giá trị giữa các bên tham gia trên cơ sở quan hệ tiền/hàng. Hoạt động như vậy cần có nơi chốn và/hoặc cơ chế để thực hiện việc kết nối và kết thúc các hành vi của diễn tiến cung cầu. Khi ta gọi một nơi là ‘trung tâm thương mại’ thì nơi đó thường được hình dung là chỗ mua sắm tấp nập, đông đúc người mua kẻ bán trong các cửa hiệu, cửa hàng, siêu thị. Thế nhưng, nếu so lại với cách thế giới gọi, có thể phát hiện một số trường hợp ở ta nói vậy mà không phải vậy…
Điều có thể thấy ngay là trong khi ta gọi là trung tâm thương mại thì thế giới họ gọi là trung tâm mua sắm, là shopping center hay mall. Thương mại dịch sang tiếng Anh là commerce. Nhưng ngược lại, commerce dịch sang tiếng Việt lại không hẳn chỉ là thương mại. Bởi, khi chuyển sang tiếng Việt đôi lúc ta cần dựa theo cách nói và hiểu của người bản xứ để có một ngữ nghĩa ‘mềm’ hơn, hợp hơn. Theo cách hiểu của người bản xứ thì commerce lại có thể là tư, thuộc sở hữu riêng hay tư nhân. Chẳng hạn, với commercial broadcasting, commercial radio hay commercial television, người Anh Mỹ hiểu đó là các kênh truyền thông tư nhân. Commercial ở đây tương tự private và ngược với public, do public television thường là của nhà nước và không thu phí. Có thể xem các kênh truyền hình cáp tại Việt Nam (như SCTV) là commercial television. Bên cạnh sự phân biệt với public, các kênh thông tin commercial kia lại chuyên về quảng cáo, nên commercial còn có nghĩa (và được họ hiểu trực tiếp) là quảng cáo. Ví dụ, khi người ta nói television commercials thì ta nên hiểu đó là các mục quảng cáo trên truyền hình, commercials lúc này không mấy khác ads hay advertisements. Như vậy, nếu không để ý phân biệt, ta rất dễ cào bằng tất cả là ‘thương mại’.
Trong lãnh vực xe cộ, commerce còn có thể được hiểu khác đi một chút. Cụ thể là với commercial vehicle, nếu ngang ngay sổ thẳng nhiều người rất dễ cho đây là ‘phương tiện thương mại’. Nhưng cách chuyển tải quá đơn giản như vậy sẽ dễ bị tối nghĩa, có thể gây nhầm lẫn hoặc không cho người ta hiểu đúng thứ hay loại mà đặc ngữ này muốn tải đi. Do đó, để có sức truyền thụ, ta nên hiểu commercial vehicle là phương tiện chuyên vận hay dòng xe chuyên vận nói chung (khác với dòng du lịch), với commercial bus là loại vận tải người (ở Mỹ là trên 15 chỗ) và commercial truck để vận tải hàng, bất kể là có kinh doanh (thương mại) hay không.
Một trường hợp khác… Chẳng có gốc commerce, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt ta lại gom luôn trade thành ‘thương mại’ để gọi các trade center là trung tâm thương mại. Việc dùng từ thương mại quá dễ dãi, thiếu chọn lọc có thể đã gây ngộ nhận, không diễn đạt đúng ý nghĩa của một công trình hay tổ chức. Nếu ta gọi các cao ốc hay các phức hợp cao tầng mang danh trade center là trung tâm thương mại e sẽ làm hẹp nghĩa hoặc không đặc tả đúng công năng của các nơi này. Việc gọi World Trade Center (WTC) ở Nữu Ước của Mỹ là Trung tâm Thương mại Thế giới đã làm cho nhiều người tưởng nhầm rằng đây là nơi tập trung mua bán như ở thương xá Eden, Crystal Palace (Tam Đa) hoặc Tax của Sài Gòn trước kia. Thật ra không phải vậy, trade nên được hiểu là giao dịch, giao thương, hay mậu dịch tùy ngữ cảnh, và nếu cần chuyển WTC sang tiếng Việt ta nên hiểu sát nghĩa hơn đó là Trung tâm Giao thương Thế giới.
Cũng do đơn giản chuyển trade ra thành thương mại, lâu nay ta gọi WTO (World Trade Organization) là Tổ chức Thương mại Thế giới. Cho dù cách gọi này đã thành nếp, đã vào tàng thư và khó sửa, ai có dịp đi sâu vào nội dung và phân tích kỹ các hoạt động của tổ chức này sẽ thấy cách gọi ‘thương mại’ ở đây là hẹp nghĩa và không phù hợp. Tại sao? Vì WTO có cơ chế bao trùm hầu như tất cả các hoạt động kinh tế, kinh doanh và tài chánh, bao gồm việc chuyển dịch các nguồn lực, tham gia thị trường, hàng rào thuế quan, các khuôn khổ, tập quán làm ăn được thừa nhận, vấn đề minh bạch, sở hữu trí tuệ, v.v… Toàn bộ các nội dung như vậy được chi tiết hóa, có liên quan đến (và để phục vụ cho) quá trình tiến hành các hoạt động kinh tế liên quốc gia giữa các nước thành viên với nhau (mà thương mại chỉ là một mảng) theo nguyên tắc tối huệ quốc (most favoured nation – MFN). WTO do đó nên được gọi là Tổ chức Mậu dịch (hay Giao thương) Thế giới để có tính khái quát cao hơn.
Chữ và nghĩa cần tương hợp là vậy. Vấn đề không chỉ là tranh luận học thuật mà là chuẩn mực cần có để phục vụ cho yêu cầu thông tin chính xác. Vấn đề do đó cũng không dừng lại ở commerce hay trade, việc chuyển ngữ và sử dụng các thuật ngữ hay đặc ngữ du nhập ở ta còn nhiều trường hợp đáng bàn. Ví dụ, ‘official’ và ‘government’ trong ODA (official development assistance) và NGO (non-government organization) nếu được hiểu là ‘viện trợ phát triển chính thức’ và ‘tổ chức phi chính phủ’ là chưa thật chuẩn. Do official còn có nghĩa là chính phủ, government có nghĩa khác là chính trị. Nếu hiểu đúng thì ODA và NGO sẽ có nghĩa tương hợp trong tiếng Việt là viện trợ phát triển (cấp) chính phủ và tổ chức phi chính trị.
Xưa kia (trước 1975), Viện Đại Học Đà Lạt đã đặt tên khoa kinh doanh và khoa học xã hội của mình là Trường Chánh trị Kinh Doanh với tên tiếng Anh đi cùng là “School of Government and Business”. Việc gọi tên như vậy cho thấy độ tương thích của cách dùng từ “government” ở đây có hàm ý khái quát hơn governance (government cũng có gốc govern/governing/là dẫn đạo, lãnh đạo). Mặt khác, trong dịp trao đổi về “semantics” (tu từ học), khi được hỏi vì sao không gọi là “chính” mà lại là “chánh” (?) một vị cựu Khoa trưởng, người gốc Hà Nội và là một thành viên sáng lập Trường CTKD, đã trả lời rằng vấn đề không chỉ là chánh hay chính mà còn là ngữ âm và cách gọi sao cho thuận âm, bởi “doanh” cũng còn có thể được gọi là “dinh”. Vậy, việc chọn tên trường là ‘Chánh trị Kinh doanh’ nghe thuận âm hơn, chứ không lẽ là “Chính trị Kinh dinh”?…