Có thể là do máy móc trong cách nghĩ, không ít người đã tỏ ra lo ngại, đôi khi khá gay gắt, trước sự sụt giảm tỷ trọng thành tố dịch vụ trong cơ cấu GDP của TPHCM vào thời đoạn trước sau 2000. Nội dung thường được bàn đến nằm trong một gói vấn đề gọi là ‘chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM’. Đây là vấn đề lớn và không đơn giản, cần được nhìn nhận theo một tiếp cận khách quan và bao quát.
Nếu chỉ quan sát diễn tiến GDP, đơn giản nhìn sự chuyển động của các thành tố trong đó (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), để mà sốt ruột thì e chưa sâu sát. Việc dựa vào đó để kiến giải hay tính chuyện to hơn (như lập kế họach, định hướng chiến lược) sẽ khó thu đạt kết quả mong đợi. Cụ thể, nếu chỉ nhìn tỷ trọng dịch vụ (trong GDP) sụt giảm để cho rằng một bối cảnh kinh tế như vậy là thụt lùi hay kém tích cực, rồi ta ‘ép’ tỷ trọng này tăng lên là cách nghĩ và làm chưa khách quan. Tại sao? Vì thực tế diễn biến có thể đã được điều chỉnh bởi các trào lượng kinh tế có tính thời cơ và quá trình thích ứng. Như vậy, kết quả nếu có ngược với kỳ vọng là chuyện bình thường, có khi lại tốt, theo lý lẽ của khái niệm dự báo (thay vì là ‘chỉ tiêu kế họach’).
Từ năm 2000 đến 2004, GDP TPHCM có mức tăng mỗi năm lần lượt là: 9 – 9,5 – 10,2 – 11,2 và 11,6. Tăng như vậy là tương đối. Nếu ta có thấy một vài địa phương khác có các con số em em như vậy hay ‘đẹp’ hơn thì cũng đừng vội trách đội nhà, vì xuất phát của họ thấp, giá trị tuyệt đối thấp nên so sánh tương đối dễ có chỉ số cao.
Về tỷ trọng dịch vụ trong GDP của TPHCM, nếu lấy mức 50,1% của năm 2004 so với mức 52,6% năm 2000, thì rõ là trong vòng năm năm mức này sụt mất 2,5%. Lùi xa hơn nữa, để so với mức 56,7% của năm 1993, thì sau mười hai năm tỷ trọng này giảm đến 6,6%. Sự sụt giảm xem ‘ghê’ vậy nhưng có lý do và không nên quá ngại. Lý do nào? Ta nhớ lại, sau năm 1993 là thời kỳ tốt đẹp của đầu tư nước ngòai. Thành quả gặt hái từ hằng lọat khu công nghiệp, cùng với lực lượng sản xuất trong nước được mở ra sau Luật Công Ty 1990, giúp lãnh vực sản xuất hàng hóa tăng mạnh. Tương tự từ năm 2000 là sự ra đời của Luật Doanh Nghiệp và Hiệp Định Thương Mại Việt Mỹ… TPHCM với một hạ tầng tiềm tàng và kinh nghiệm sản xuất có sẵn, ngành công nghiệp/xây dựng (CN-XD) ở đây do tận dụng được thời cơ (từ các sự kiện đó) đã tăng trưởng lấn lướt, đã đẩy tỷ trọng GDP dịch vụ xuống thấp hơn ‘so với kế họach’.
Cũng nên biết, các bách phân so sánh tương đối nếu có giảm, điều đó không nhất thiết là sự sụt giảm về tăng trưởng của ngành dịch vụ qua các năm dựa trên giá trị tuyệt đối. Hơn nữa, dịch vụ vẫn là tỷ trọng đứng đầu trong GDP của TPHCM kia mà! Vã lại, vào giai đọan công nghiệp hóa tăng tốc, tỷ trọng GDP công nghiệp nếu có lấn lướt GDP dịch vụ thì cũng chưa là điều đáng ngại, nhất là đối với một Sài Gòn năng động, xoay trở giỏi, là đầu mối sản xuất hàng hóa số một của đất nước…
Điều đáng nói, sự vận động thích nghi để ‘tận dụng thời cơ’ cũng đã diễn tiến tương tự trên phạm vi cả nước, cũng đã làm cho các ‘chỉ tiêu’ quốc gia trở nên lạc hậu… Theo kế họach 5 năm (2001-2005) thì tỷ trọng dịch vụ trong GDP (quốc gia) vào năm 2005 sẽ cao hơn tỷ trọng CN-XD khỏang 2% (dịch vụ 40-41%, CN-XD 38-39%). Tuy nhiên, mới hết 2004 kết quả đã trái ngược: tỷ trọng CN-XD đã cao hơn dịch vụ khỏang 4,45% (cụ thể dịch vụ #37,40% và CN-XD #41,85%). Thực tế là từ năm 1996 đến 2004, tỷ trọng dịch vụ trong GDP cả nước đã giảm liên tục (42,51 – 42,15 – 41,73 – 40,08 – 38,74 – 38,63 – 38,48 – 38,2 – 38,2%), đồng thời tỷ trọng CN-XD cũng tăng liên tục (29,73 – 32,08 –32,49 – 34,49 – 36,73 – 38,13 – 38,49 – 39,95 – 40,1%). Trong giai đọan khởi động để hội nhập theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều này là đáng mừng cho nền kinh tế, vì nó tạo động lực. Trung Quốc cũng vậy, năm 2001 lúc GDP đầu người của họ đạt 910 USD, tỷ trọng công nghiệp trong GDP nước này là #51,1%, dịch vụ #33,7%. Hay như Malaysia năm 2001, lúc GDP đầu người là 3700 USD thì GDP công nghiệp của họ là #49,1, dịch vụ #42,4. Tất cả là để minh chứng việc ta ‘ép’ tỷ trọng dịch vụ trong GDP phải cao lên bằng mọi giá có thể là cách làm sai lầm, ít ra là cho từng giai đọan phát triển.
TPHCM dù được xem là ‘trung tâm’ thì cũng không thể nằm ngòai quá trình trở mình của cả nước, chẳng phải mọi cái đều thuận lợi. Vai trò ‘hạ tầng dịch vụ’ của TPHCM cũng đã được san sẻ dần về các địa phương đầu mối khác. Nhiều dịch vụ xưa chỉ có tại TPHCM hay Hà Nội thì nay đã dãn ra. Quá trình chuyển dịch này vừa tự nhiên vừa có tính cạnh tranh. Gần đây, ngành dịch vụ du lịch nhiều tỉnh thành có thể cũng đã phát triển nhanh hơn TPHCM, điều này dễ hiểu vì TPHCM không có lợi thế về núi, biển hay đất cho resort… Nói vậy không là để xoa dịu hay bằng lòng, vì TPHCM vẫn sẽ là dư địa cho kinh tế dịch vụ… Mặt khác, nếu tỷ trọng GDP dịch vu chưa là vấn đề, thì ‘chất lượng’ các tỷ trọng (của GDP nói chung) đã là vấn đề. Và công tác họach định/triển khai (hiểu như R&D) của TPHCM còn là mối ưu tư khác.
Về công nghiệp, do đất không thỏai mái, sinh họat đắt đỏ, các vấn nạn về đô thị, môi trường, xã hội, sẽ làm cho các lãnh vực công nghiệp thâm dụng lao động, tận dụng công nghệ thiết bị cũ, dựa vào đất, của TPHCM mất dần lợi thế. Nhiều địa phương mới nổi đã và sẽ sắm vai tốt hơn trong nhiều ngành công nghiệp có công nghệ tầm tầm. Nỗ lực lấp đầy khu công nghiệp khắp nước sẽ kéo theo và thúc nhanh quá trình ‘nước về chỗ trũng’. Một trào lưu chuyển dịch lao động ngược (về các địa phương) dự đóan sẽ sớm diễn ra. Điều này làm cho TPHCM có thể gặp khó khăn về lao động, đặc biệt cho các ngành công nghiệp, lọai hãng xưởng mà ở đâu cũng làm được. Nếu công nghiệp TPHCM ‘đứng’ lại như khỏang năm năm qua, không được phát triển chọn lọc, chậm chuyển hướng theo tiếp cận kỹ thuật cao, công nghệ tiên phong, thì vai trò đầu tàu sẽ nhạt dần. Suy cho cùng thì lợi thế công nghiệp của TPHCM về lâu về dài sẽ tùy thuộc vào lọai hay cấp phẩm lao động gắn với những ngành đó. TPHCM cũng cần tính đến khả năng tạo giá trị sản xuất từ bên ngòai địa bàn bằng nhiều hình thức vận dụng linh họat… Động lực chủ như vậy cần được ‘trang bị’ từ đầu nguồn R&D chứ không thể chỉ ở khâu ‘sản phẩm’!
Về dịch vụ, tài chánh là lãnh vực được mong đợi nhiều. Mức đóng góp gần 4% GDP trong năm 2004 tuy khiêm tốn, nhưng nếu xét rộng hơn thì bách phân này có thể chưa là đại diện. Vì nếu ta thống kê được lượng đầu tư tài chánh không nhỏ vào các doanh nghiệp (không qua TTCK) và địa ốc (không qua ngân hàng) thì mức ấy sẽ lớn hơn. Ấy là do cách nhìn nhận hay tính tóan (ví dụ vốn chứng khóan ở ta chỉ tính trên các công ty niêm yết) nên các nguồn đầu tư như vậy có thể đã bị lọt sổ hay đưa nhầm qua thành tố khác. Không phủ nhận nỗ lực của các định chế tài chánh trong thời gian qua, thế nhưng nhiều tiềm năng tại ‘trung tâm’ này còn để ngõ: Chưa thức dậy hết các nguồn tích lũy (các quỹ sự nghiệp…), chưa triệt để hút vào vòng quay lượng tạm nhàn rỗi còn rất lớn (doanh nghiệp và trong dân), chưa tích cực tạo hàng và tập quán giải quyết vốn ngắn hạn để khơi thông thị trường tiền tệ… Nếu TTCK và thị trường tiền tệ còn đợi cơ chế, thì bản thân các định chế tài chánh và ngân hàng tại TPHCM vẫn có thể ngồi lại trong nhiều trường hợp: Làm chỗ dựa cho trái phiếu doanh nghiệp, ‘mạo hiểm’ vào dòng luân chuyển của các công cụ tiền tệ, làm thuê/trông hộ các họat động nghiệp vụ khác… Do không có hạ tầng giao dịch, nhiều ‘thân chủ’ nắm bạc tỷ cổ phiếu công ty có thể vẫn chưa biết đó là chứng khóan! Đây lại là họat động hợp pháp, rất tiềm năng, mà nếu ta làm tốt sẽ giúp kích mạnh đầu tư trực tiếp (chỗ này có thể có tranh luận thú vị). Do chưa khơi thông thị trường, không ít lúc thành tích có thể cũng đã lòng vòng. Ví dụ, qũy đầu tư hay bảo hiểm dùng tiền huy động được (của dân) để gởi tiết kiệm, ngân hàng lấy tiền đó ‘gởi’ vào trái phiếu đô thị… Thế là một nguồn tiền có thể được tính ba lần huy động!… Đấy là ta chỉ mới đề cập đến mảng tài chánh.
Dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, nghệ thuật, giải trí… còn rất tiềm tàng. Mệnh danh là cửa ngõ nhưng Sài Gòn lại chưa thực sự là điểm hẹn giao thương. Hoặc ít ra các hạ tầng giao thương (trung tâm hội nghị, triển lãm hội chợ, trung tâm đấu giá…) tầm quốc tế chưa được chú trọng. Đây chưa là ‘thiên đường’ mua sắm, chưa phải đất lành của y tế chuyên khoa, chưa hội tụ các vườn ươm trí tuệ, lò luyện tài năng, nguồn cung tinh lực, đất dụng võ cho văn hóa nghệ thuật đỉnh cao… Sài Gòn TPHCM được ví như ‘thung lũng nhân tài’, thế nhưng các đại học, viện nghiên cứu ở đây có ít sản phẩm để bán hay bán được. Những định chế này cũng chưa tích cực ‘làm tiền’ các ngành công nghiệp hay doanh nghiệp, quan hệ cung cầu chưa là bức xúc của cả đôi bên… Đây là lý do giải thích tại sao họat động chuyển giao công nghệ, bí quyết (kể cả du nhập) chưa có đất sống. Thêm nữa, nếu phần hồn dịch vụ Sài Gòn cần có một hình hài đô thị xứng hợp tải đi, thì việc ta chậm ‘bước’ qua Thủ Thiêm (cứ cái gì cũng ‘trung tâm’ Quận I) sẽ ít nhiều còn kiềm hãm ngành kinh tế này.
Về nguyên lý vận động kinh tế, một khi phần chất cơ cấu GDP (nói chung) đã được cải thiện tốt thì mặc nhiên tỷ trọng dịch vu trong GDP sẽ tăng cao. Sở trường kinh tế của Sài Gòn TPHCM nhờ đó cũng sẽ được xác lập. Hiệu ứng nhân quả này lại sẽ chỉ diễn ra và được duy trì bền vững khi định hướng thâm dụng kỹ năng và chất xám đã rõ ràng. Tiếp cận như vậy giúp cho cơ cấu kinh tế TPHCM chuyển dịch căn cơ hơn.
Quá trình trăn trở tìm thế đứng trong bối cảnh vận hội mới cũng có thể làm cho vai trò ‘trung tâm’ của Sài Gòn TPHCM trở nên linh họat: Một trung tâm thu hút sẽ đậm dần lên trên cái nền động lực. Ý nghĩa này cũng rất là… dịch vụ.
Huy Nam, CV kinh tế và TTCK TPHCM
(TB Kinh Tế Saigon 14-2-2005)
Tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng 2005 trong GDP đạt xấp xỉ 41%, dịch vụ 38,5%.