Công ty cổ phần,
Huy động vốn cho mục tiêu phát triển

Đăng ngày

Chia sẻ:

Đứng trước một nhu cầu vốn để phát triển, doanh nghiệp nói chung có một số cách chọn lựa khác nhau tùy theo điều kiện và quan điểm sử dụng tài chánh của mỗi nơi.

Nếu doanh nghiệp đã có một lợi nhuận vững vàng thì việc sử dụng phương sách tái đầu tư có thể được tính tới. Để tái đầu tư, những người chủ hoặc quản lý công ty phải trả dứt chi phí mỗi năm của công ty. Sau đó, thay vì đem chia hết lợi nhuận còn lại, họ rót khoản tiền đó  –  gọi là lợi nhuận không chia (retained earnings) – vào hoạt động phát triển doanh nghiệp. Chẳng hạn, để mua sắm thiết bị mới, mở rộng cơ ngơi, hay tăng cường nhân sự,…

Hoặc đóng vai như một cá nhân (ở đây là pháp nhân), công ty cũng có thể tìm vốn bằng cách đi vay ngân hàng. Một khoản vay ngân hàng có thể giúp hỗ trợ công ty tăng trưởng trong một thời gian ngắn, nhưng đến một ngày nhất định công ty phải có nghĩa vụ trả nợ – cộng với một khoản tiền lãi để trang trải giá phí vay mượn. Bên cạnh đó, các ngân hàng luôn đặt mức giới hạn đối với lượng tiền mà họ sẵn sàng cho vay, căn cứ vào đánh giá của họ về khả năng công ty đứng vay sẽ trả được món nợ đó tới đâu. Do vậy mà công ty cũng chỉ có thể cậy vào tiền vay ngân hàng trong chừng mực nhỏ nào đó thôi.

Để tài trợ cho hướng làm ăn lâu dài, công ty có thể xoay sang cách vay nợ khác – bằng việc phát hành trái phiếu (bonds). Trái phiếu là hình thức làm bằng chứng cho lời hứa sẽ trả nợ, người Mỹ và Au Tây thường gọi là I.O.U (I owe you – tôi nợ ngài). Các công ty phát hành trái phiếu để “bán” cho những người đầu tư. Đây là loại “sản phẩm” chỉ có thể triển khai tốt trong môi trường tài chánh tiền tệ phát triển, và có thể mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán, dựa vào biến động của lãi suất thị trường. Sau một khoảng thời gian định trước – có khi lâu tới 30 năm – trái phiếu sẽ “chín”, tức đáo hạn (mature), lúc đó công ty sẽ trả lại cho từng chủ nợ (hay người cầm trái phiếu) đúng số tiền đã hứa ban đầu. Và đương nhiên trong suốt thời gian hiệu lực của sự vay mượn đó, công ty phải trả tiền lãi định kỳ theo kết ước đã ghi trên trái phiếu cho người đầu tư nắm trái phiếu đó.

Cách chọn lựa huy động vốn thứ tư là bán đi một phần quyền sở hữu công ty cho công chúng, được gọi là bán cổ phần. Đây chính là phương cách khơi dậy và thu hút các khoản tiền mặt khổng lồ để có thể được đưa vào sử dụng cho nhiều mục đích phát triển. Ví dụ năm 1994 khi công ty Plantronics, một công ty chế tạo điện thoại đeo đầu kỹ thuật cao hàng đầu của Mỹ, phát hành cổ phần đại chúng (going public) có 3 triệu cổ phần đã được bán ra để huy động 37,5 triệu USD. Plantronics dùng khoản tiền huy động đó để “súc nợ”, nghĩa là sử dụng vốn cổ phần thay cho khoản vay bằng trái phiếu lúc đó đang là gánh nặng phí và làm hạn chế sự phát triển công ty.

Hay như ở ta, vào Quý 4 năm 2000, Công ty Bêtông 620-Châu Thới đã thực hiện cổ phần hoá, huy động thêm một lượng vốn mới bằng với tổng giá trị tài sản hiện có để đầu tư phát triển. Sacom cổ phần hoá tăng vốn hồi năm 1998 là một trường hợp tương tự. Xin lưu ý là cả hai công ty vừa nêu đã bán đi khoảng 50% “quyền sở hữu” công ty cho quần chúng để huy động tăng vốn, chứ không phải là bán “tài sản” công ty. Vì hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.

Mục đích để cơ cấu lại tài chánh công ty chỉ là trường hợp đăc biệt, các công ty thường sử dụng vốn huy động theo cổ phần cho nhiều mục đích khác nhau, như xây dựng nhà xưởng, trang bị mở rộng, nghiên cứu sản phẩm mới …Nhưng dù công ty sử dụng tiền huy động theo cách nào đi nữa thì mục tiêu phát hành đại chúng vẫn luôn cần giống nhau – tiền đó phải giúp công ty phát triển thuyết phục và vững vàng, cho sản phẩm và thị trường tốt hơn, tăng giá trị và thu nhập, đóng góp cho nền kinh tế nói chung phát triển, và các ý nghĩa xã hội khác.

Để giúp cho tiến trình  hội nhập vốn đại chúng tốt đẹp, các công ty khi muốn huy động vốn rộng rãi thường cần thuê một ngân hàng đầu tư (investment banking firm) lo liệu. Ngân hàng chuyên nghiệp này sẽ lượng giá công ty, giúp định giá cổ phần, họ sắm vai trung gian giữa người phát hành chứng khoán (cổ phần) và quần chúng đầu tư. Đây là khâu quan trọng, vừa đòi hỏi các phẩm chất chuyên nghiệp, vừa đảm nhận vai trò “đệm” (chỗ chịu) cần thiết cho hoạt động phát hành đại chúng.

Chứng khoán công ty lúc được phát hành lần đầu thì được gọi là “chứng khoán bán ra đại chúng” (IPO – initial public offering), loại này được giao dịch trong thị trường sơ cấp (primary market). Sau đó, khi người đầu tư bán lại các IPO này cho những nhà đầu tư chứng khoán khác thì, về bản chất, giao dịch đó gọi là giao dịch thứ cấp, và bối cảnh mua bán đó được gọi là thị trường thứ cấp (secondary hay trading market). Sở Giao Dịch Chứng Khoán New York (NYSE), Trung Tâm Giao Dịch Chứng Khoán TPHCM hay Hà Nội chẳng hạn là các thị trường thứ cấp.

Bằng cách huy động vốn thông qua phát hành đại chúng, công ty đã chuyển thể từ  dạng sở hữu riêng của một số ít cá nhân (nội bộ/privately held company) sang dạng công ty cổ phần đại chúng (public corporation). Công ty đại chúng được sở hữu tập thể bởi một tập hợp rất rộng các cổ đông, và là đất của các nhà đầu tư tài chánh (portfolio investors). Ở ta đã có khuynh hướng gọi quá trình này là xã hội hóa đầu tư. Chính đây là điều làm cho tiến trình trở nên thuyết phục: Công ty tồn tại cùng công chúng, còn công chúng thì sung sướng móc hầu bao ra để tham gia vào cuộc chơi kinh tế.

Hoạt động cổ phần hóa, thực thi Luật Doanh Nghiệp và triển khai TTCK đã và đang diễn ra tại Việt Nam về căn bản cũng giống vậy. Riêng hoạt động TTCK nói chung được khái quát, cụ thể hóa và triển khai bằng một hệ thống các quy chuẩn và kỹ thuật, theo nguyên lý vận hành đồng bộ. Vì vậy mà trên thế giới, khả năng hợp nhất hay liên kết đã được nhắc đến nhiều, xu thế hội nhập đã là chuyện thời sự ngay từ những ngày đầu bước sang Thiên Niên Kỷ Thứ Ba.

Huy Nam

Xem thêm sách