Đích đến là Công ty Quốc gia

Đăng ngày

Chia sẻ:

Sau ‘nhát cắt’ mạnh tay 388*, số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam đã giảm từ 12.000 xuống còn 6.000. Từ 1992, việc cải tổ DNNN tiếp tục được thực hiện theo hướng sắp xếp và cổ phần hóa. Tuy vậy, nếu cổ phần hóa (CPH) ì ạch bao nhiêu thì họat động sắp xếp lại diễn ra ì xèo bấy nhiêu. Hằng chục tổng công ty (Tcty) đã ra đời trong một thời gian ngắn. Không cần hỏi tại sao thì người đương thời có lẽ cũng chẳng khó biết tại sao…

Mô hình Tcty đắc dụng tới nỗi, không chờ kế họach, đợi động viên, các cấp chủ quản đã mau mắn ‘xin’ lập Tcty. Mặt khác, trong khi nhiều DNNN ngại có ‘sếp’ mới (Tcty) thì không ít DNNN khác lại tích cực ‘chạy’ vào các Tcty để được yên! Khác với CPH, bị duyệt tới thẩm định lui, việc lập Tcty thường là được ‘ẵm bồng’. Không chỉ cấp bộ hay tỉnh thành mới mặn với Tcty, nhiều quận huyện cũng tranh thủ gom ‘con’ để lập ‘tổng’ riêng. Tuy nhiên, do mô hình không có cái nền vững, càng về sau trục trặc và yếu kém càng bộc lộ, việc tồn tại của nhiều Tcty bắt đầu bị thử thách. Không ít ‘sếp’ thay vì ‘chủ đạo’ tiếp tục là gánh nặng hay tỏ ra đuối sức trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường. Số liệu năm 2001 cho thấy, nếu DNNN nắm đến 60% tổng tài sản doanh nghiệp (tài sản sản xuất kinh doanh) của nền kinh tế, thì lực lượng này chỉ tạo ra 30% GDP, sử dụng 1,9 triệu lao động trên tổng số 38 triệu lao động cả nước; ghi nhận riêng tại 17 Tcty 91 thì đã có đến 12 Tcty thua lỗ hoặc hòa vốn (TBKTSG 8-11-2001). Kém thuyết phục trước một tòan cảnh kinh tế năng động đang đòi công bằng, năm 2001 Chính phủ đã có đúc kết về Tcty theo hướng ‘khép lại’ để chấn chỉnh. Vậy là sau gần mười năm sắp xếp DNNN vào Tcty, nay đến lượt Tcty ‘bị’ sắp xếp…

Lần này mô hình mẹ-con được giới thiệu. Hiểu đây như giải pháp hay lối thóat thiết nghĩ đều được cả. Vì cũng giống như thời triển khai thí điểm Tcty, từ năm 2001 đến nay (12-2004) rất nhiều DNNN và các Tcty đã lại hồ hởi lên kế họach đổi đời để thành mẹ-con. Sự đón nhận nói chung cũng nồng nhiệt không kém thời nở rộ Tcty, tình nguyện vẫn nhiều. Thế nhưng, ‘xu thế’ này đã bị đặt dấu hỏi lo ngại ngay từ đầu. Đáng nói, trong bối cảnh củng cố và nhiều mẹ-con đang bận rộn tính chuyện ráp lại đó, điều không mong đã đến. Nhiều anh khổng lồ đã ngã bệnh, đang nhuốm bệnh hay được chẩn bệnh… Trong đó có cả những tên tuổi từng vang bóng một thời.

Vẫn thận trọng nhưng cứng rắn xóay vào cái quyết sách, lần này Chính phủ có động thái hành xử khác trước, sẵn sàng ‘chịu đau’ cho yêu cầu lành mạnh. Trong khi công tác thanh tra sàng lọc diễn ra dày hơn, thì việc tiến hành ‘đại phẫu thuật’ (kiểm tóan độc lập) vào 47 doanh nghiệp thuộc 9 Tcty là thông điệp cải cách mạnh nhất xưa nay theo ước lệ minh bạch. Đây có lẽ là bước chuyển quan trọng, báo hiệu giai đọan ‘đâu ra đó’ sẽ được mở ra. Kết luận kém vui, do các công ty kiểm tóan hàng đầu thế giới thực hiện, được Bộ Tài chánh và World Bank công bố ngày 20-10-2004, tái xác nhận nhiều mặt yếu kém của các Tcty. Riêng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình chỉ đạt 7,6% là không sáng sủa, dưới mức cầm cự đối với các doanh nghiệp trưởng thành, còn nếu ‘ngang ngay sổ thẳng’ (tước bỏ ưu đãi) thì sẽ là lỗ nặng.

Khả năng sắm vai và hiệu quả tại các Tcty vậy là không ổn. Sự ‘quá nhiệt tình’ với mẹ-con lại đang là lo ngại khác. Gần đây giới trách nhiệm đã nhắc tới các biểu hiện tiêu cực ẩn trong các ‘đặc khu quá độ’ ấy: trì hõan cải cách, cải trang, né tránh CPH… Vâng, những sự thật ấy không khó thấy, nhưng chúng ta sẽ không đi sâu vào vấn đề ngọn. Việc đi tìm lô-gic tổ chức của mô hình sẽ quan trọng và cần thiết hơn. Vậy tại sao việc thí điểm Tcty ở ta không thành công và mô hình mẹ-con đang bị nghi ngại?

Bỏ qua lý do chủ quan hay ý chí, có lẽ đã có sự nhầm lẫn giữa một thực thể kinh doanh với một thực thể khác trong việc tổ chức các Tcty, Cty mẹ-con, hoặc các tổ chức ‘quá độ’ tương tự (ta gọi chung là công ty ‘sếp’). Nói chung, trong thực tế đã có các thực thể doanh nghiệp (sản xuất, đầu tư hay kinh doanh) không hòan chỉnh. Nếu một thực thể doanh nghiệp (theo lô-gic pháp nhân) luôn cần tính độc lập, yếu tố tổ chức thuần nhất, và khả năng định đọat (khái niệm nhất thể), thì các công ty ‘sếp’ ở ta không được vậy. Tcty và Cty mẹ thực chất hầu như chỉ đóng vai đại diện, được ‘phong hàm’ và không ổn định. Trong khi đó, thành viên lại là các thực thể thâm niên, có ‘mâm riêng’ và tự kiếm ăn, việc gắn với ‘sếp’ chỉ là vì tôn ti sắp đặt… Thật ra, anh nào cũng thích độc lập hay muốn vươn lên làm ‘sếp’, do vậy hầu hết các ‘tổng’ nay đều đã có ‘tổng con’… Khái niệm chủ sở hữu lại không rành mạch. Theo sắp đặt thì Tcty hay Cty mẹ là chủ, nhưng không dễ đụng tới các thành viên. Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc thường căng kéo nhau, không biết ai ‘lớn’ hơn ai, là ‘chủ’ và ‘làm thuê’, hay cả hai đều làm thuê? Hoặc, tiếng là ‘chủ’ nhưng Hội đồng quản trị muốn gì phải lên chủ quản, mà lên đến chủ quản thì  thường là ‘không phải của ai’…

Không độc lập thì không có động lực bền vững; tổ chức không thuần nhất sẽ khó tập hợp sức mạnh, thiếu nhất quán; khả năng định đọat kém sẽ làm cho khâu định hướng mục tiêu hụt hẫng, hiệu quả may rủi… Tcty hay Cty mẹ do không có hay không hội đủ các tố chất tiên quyết của thực thể kinh doanh như vậy nên họat động không hiệu quả, kém thuyết phục. Đã vậy, do nhiệm vụ không rõ ràng (nửa kinh doanh nửa sự nghiệp) nên kế họach mục tiêu khó lượng hóa, kém minh bạch trong kiểm sóat và đánh giá. Điều này đã được kiểm tóan quốc tế đặt vấn đề trong báo cáo 10-2004. Cũng không thiếu những thực trạng tệ hại khác do hết phương chống đỡ và đã bị phanh phui… Cuối cùng thì lợi thế, năng lực doanh nghiệp (gồm nhân lực), và có thể cả uy tín nhà nước bị ảnh hưởng hay tiêu hao.

Thật ra,  lọai công ty ‘sếp’ không mới.  Gần một thế kỷ rưỡi trước, thế giới đã có kinh nghiệm tổ chức một số dạng này, nhưng người ta làm theo bài bản ‘tập đòan’ quyền lợi gắn kết. Cụ thể là các trust (kết dọc), cartel (kết ngang), conglomerate (kết khối) và một ít dạng cải biên khác.

Trust phát triển từ nửa sau thế kỷ 19, với tham vọng ‘bá chủ’ để lọai bỏ cạnh tranh trong một ngành hay lãnh vực. Nhằm kiểm sóat thị trường đối với một sản phẩm, trust kết chặt nhiều công ty cùng ngành thành một (kết dọc từ ‘cây lúa đến ổ bánh mì’). Các công ty (được chọn) khi đã quyết định gia nhập trust sẽ tham gia vào một cơ cấu quyền lực gọi là ‘Hội đồng Trục’ (Board of Trustees) và xem như ‘mất’ mình. Khi đó trust (gồm các công ty con trước kia cạnh tranh nhau) trở nên thuần nhất để thực hiện ước mơ thống lĩnh! Trust đầu tiên tại Mỹ được John D. Rockefeller thành lập năm 1882 trong ngành dầu khí. Ông này cần trust để đổ bê-tông thành quả của mình, vì trước đó 4 năm (1878) vị nhà giàu này đã kiểm sóat 90% kỹ nghệ lọc dầu của Mỹ. Và có lẽ do đã hành động đúng, 17 năm sau (1899) thương hiệu vang bóng một thời là Standard Oil Co. of New Jersey đã ra đời. Tuy nhiên do trust giết chết cạnh tranh, nên từ 1890 luật lệ Mỹ đã liên tục để mắt tới ‘ông kẹ’ này. Đến sau 1911, cuối cùng thì Standard Oil Co. cũng đã bị buộc phải chẻ nhỏ lại.

Gần như cùng thời với trust, cartel xuất hiện đầu tiên ở Đức vào những năm 1870. Không chặt như trust, nhưng cartel là một liên minh thao túng (ngang) cũng bóp nghẹt cạnh tranh không kém. Cartel dùng các biện pháp chốt giá, hạn chế cung, chia thị trường để dễ bề làm mưa làm gió nhằm thao túng, lái thị trường đi theo ý chủ quan, và cuối cùng là thu họach. Nhiều chính phủ, hoặc liên chính phủ, đã từng sử dụng cartel để phục vụ cho nhiều mục đích chiến lược khác nhau. Đây cũng là một dạng ‘phương tiện’ kinh tế được nhiều nhà nước sử dụng trong hoạt động chính trị và quân sự. Đặc biệt, Đức đã tận dụng hiệu lực cartel để tổ chức hậu cần phục vụ cho hai cuộc Thế Chiến (lần thứ I từ 1914-1918 và lần II từ 1939-1945). Tuy nhiên, ở Mỹ họat động cartel được xem là bất hợp pháp.

Chỉ có conglomerate là tương đối dễ được chấp nhận. Việc ‘kết khối’ này chẳng qua là các họat động merger, tức ‘sáp nhập’ mà ta thường nghe. Cách thu xếp này phổ biến vào thập niên 1960, lắng dịu vào thập niên 1970, rồi phát triển lại vào giữa thập niên 1980 với các họat động acquisition (thủ đắc/thâu tóm) tại Mỹ. Gần đây khuynh hướng conglomerate có vẻ lại mạnh lên. Tuy nhiên, luật lệ nhiều nước vẫn luôn canh chừng các anh khổng lồ này để tránh hậu họa độc quyền.

Tuy trust và cartel bị mang tiếng ‘diều hâu’, tổ chức của chúng được xem là khoa học. Do tính thuần và độ tùy thuộc cao, có thể ví trust và cartel như các ‘sinh thể’ chứ không là ‘người máy’. Dù luật lệ thế giới hầu như đã lọai trust và cartel ra khỏi các sân chơi, giá trị tham khảo của chúng vẫn còn đó. Chính conglomerate cũng đã lấy ý tưởng và rút tỉa kinh nghiệm xây dựng thực thể từ các cái nền này. Conglomerate và các lọai biến thể khác, gồm cả keiretsu hoặc chaebol, đều là các tổ chức có sắc thái hậu duệ của trust và cartel. Tuy nhiên, tất cả các ‘anh hai’ này là những cỗ máy kinh doanh (có thể được nhà nước hậu thuẫn) chứ không đơn giản là sự sắp xếp ý chí.

Trở lại ở ta, một khi nền kinh tế đã vận động theo cơ chế thị trường, và khi thị trường càng phát triển, thì quốc doanh bị tụt lại phía sau trong nhiều lãnh vực là thực tế khó tránh. Điều này không cần bàn nhiều nữa và Chính phủ cũng đã thấy trước. Vì vậy, đầu những năm 1990, ý tưởng về các đại công ty hay tập đòan dẫn đạo (khác chủ đạo) đã nhen nhóm; nỗ lực xóa DNNN nhỏ lẻ, nâng tầm nhà nước quản lý, đẩy lùi quốc doanh đại trà, là các ví dụ. Tuy nhiên, có vẻ khâu thực thi sau đó (từ 1992) đã ‘không hiểu ý’ nên chỉ ‘sắp xếp’ đơn giản… Việc này vô tình tạo nơi ẩn náu mới, tâm lý nấn ná lây lan… Hậu quả, sau 12 năm CPH (đến 2004) họat động này chỉ đạt độ 6% tổng giá trị vốn DNNN cả nước, chủ yếu là của tỉnh thành (chiếm 74%). Trong 6% đó (quy ra 100%), 38% là cổ phần nhà nước, 54% phân phối nội bộ, chỉ có chừng 8% được bán ra ngòai là quá nhỏ! Thực trạng CPH khép kín như thế cho thấy một khi chủ trương của Nhà nước đã bị ‘làm khó’ thì dân chúng có muốn hưởng ứng cũng không được!

Yêu cầu là tàu lớn công suất mạnh, nhưng do nặng sắp xếp, nền kinh tế chỉ nhận được ‘liên hợp’ các tàu nhỏ với động lực cũ nên không tạo được sức mạnh mới. Điều này có vẻ luẩn quẩn và khác với mong đợi ban đầu của Chính phủ. Vì ta nhớ lại rằng chủ trương xóa các dạng liên hiệp xí nghiệp và xí nghiệp liên hợp đã có từ trước 1992.

Bên cạnh sự hụt hẫng các điều kiện tiên quyết về tổ chức như đã phân tích, đến nay vấn đề cốt tử ‘chủ DNNN là ai’ vẫn còn chưa rõ. Tại sao vậy? Là vì DNNN nhiều và rộng quá, tập trung đầu mối thì không xuể mà chia thì phân tán, trong khi mọi doanh nghiệp lại đòi bình đẳng và Chính phủ cần công minh. Vậy là lúng túng… Nỗ lực cài ‘chủ’ vào Tcty, hay DNNN nói chung, sở dĩ khó thành công vì ta đã nhầm yếu tố đại diện với chủ sở hữu. Có lẽ không nên quanh co chỗ này nữa, vì chủ sở hữu DNNN cần thiết phải là ‘chính phủ’. Đây là cái gốc quyết định việc tổ chức DNNN, kinh doanh cái gì, bao nhiêu thì vừa (tầm hạn quản trị). Đây là tiền đề để có các đại công ty.

Ngòai việc phải kiểm sóat được doanh nghiệp do mình làm chủ, cần thiết Chính phủ sẽ không cạnh tranh hay gián tiếp tạo phân biệt với các lọai doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cuối cùng thì quản lý nền kinh tế và vai trò đối tác quốc gia mới là thiên chức của Chính phủ. Điều này lý giải tại sao Chính phủ có thể quản lý trơn tru hơn 200.000 doanh nghiệp, hay sẽ là 500.000 như mong đợi, nhưng lại không thể ‘làm chủ’ vài ba ngàn DNNN. Xem vậy nhà nước chỉ nên tổ chức các đại công ty (hay tập đòan) trong một số lãnh vực quốc kế dân sinh hoặc tiên phong dọn đường là phù hợp. Các ‘đại DNNN’ này (có ý kiến không nên quá hai con số) cũng là công cụ ẩn trong một tổng thể quản lý nhà nước và việc ‘làm chủ’ sẽ không còn là vấn đề. Còn lại hãy ‘giao lại’ cho nền kinh tế, vì điều chắc là thương trường sẽ sớm xuất hiện nhiều tập đòan trong các lãnh vực mà nhà nước không có lợi để tham gia. Vận hội mới đang cần những công ty quốc gia tầm cỡ là vậy…

Do chỉ hiện diện trong các lãnh vực then chốt và thiết yếu, công ty quốc gia có thể là doanh nghiệp dẫn đạo nhưng không đóng vai điều tiết hay trực tiếp làm các nhiệm vụ vĩ mô khác của nhà nước. Vì là doanh nghiệp, chúng sẽ được tổ chức quản trị tối ưu theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch. Công ty quốc gia cũng rất cần được hình thành theo tiếp cận ‘dựng mới’, cho dù đó có là sự chọn lọc từ các nền tảng có sẵn.

Huy Nam

(TBKTSG số đặc biệt Tết DL 2005 – 30-12-2004)

 (*) Nghị định 388, Ban hành Qui chế thành lập và giải thể DNNN (20-11-1991)

 

Xem thêm bài viết