Già thêm một tuổi, “trẻ” lại hai năm…
“Do tôi hay tại ả” là câu chuyện lai rai vào những ngày cuối năm. Nhưng điều gì nhẹ nhàng có thể rút ra từ thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008, hay sớm hơn một chút, đó là trải nghiệm của sự thật. Một sự thật có giá trị đối chứng để tất cả có dịp cùng nhìn lại, chứ không riêng các trường hợp “swimming naked” xuất hiện trong bãi tắm khi thủy triều xuống cạn…
Nhìn lại năm 2008, có lúc chỉ số thị trường HOSE đã sụt giảm đến 70% (VN-Index giảm từ 927,02 điểm hồi đầu năm xuống còn 286,85 điểm ngày 10-12-2008). Chỉ số thị trường HaSTC cũng có diễn biến khít khao như vậy. Nhưng tại sao lại có chuyện do tôi và tại ả? Vì nếu không phải ‘do tôi’, thì không thể nào chỉ chưa đầy sáu tháng đầu năm thị trường đã mất hơn 60% điểm, VN-Index từ 927,02 điểm xuống còn 366,02 điểm vào phiên 20-6-2008. Và nếu không là ‘tại ả’, thì ‘tôi’ dễ gì bị sụt mất hơn 45% chỉ số chỉ trong hơn ba tháng, từ 561,85 điểm ngày 27-8-2008 xuống còn trên dưới 300 vào những ngày cuối năm.
Thật ra, tín hiệu kém lạc quan của thị trường năm 2008 đã có thể dự liệu từ những tháng cuối năm 2007, với những chuyển biến tiêu cực vào giai đoạn này. Điều không ai ngờ là những đợt mất điểm sâu đã diễn ra dai dẳng và có lúc dồn dập. Thị trường bị yếu từ bên trong, chưa kịp hồi phục thì lại bị tiếp cú bồi từ bên ngoài. Để tiện khảo sát, ta có thể chia thị trường năm 2008 ra làm bốn giai đoạn: (1) từ đầu năm đến tháng Ba, (2) từ tháng Ba đến tháng Sáu, (3) từ tháng Sáu đến tháng Chín, và (4) từ tháng Chín đến hết năm. Trong bốn giai đoạn này, chỉ có giai đoạn (3) là lạc quan, ba giai đoạn còn lại là tụt dốc, trong đó có tới hai là do lỗi nội tại. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, việc nhìn lại mình tuy khó nhưng lại luôn là điều cần thiết. Vậy bên trong là gì và như thế nào? Bên trong, thị trường đã bị đẩy lên quá nhanh và cao từ nửa đầu năm 2007. Nếu điều này nay đã dễ được nhìn nhận hơn thì vào thời điểm ấy chẳng dễ. Chứng khoán bị định giá cao đến ‘phi thực’ một phần là từ khâu phát hành và niêm yết, phần khác là do kỳ vọng kiếm lợi ‘phi thường’ của nhà đầu tư.
Sự thật, khi giá cổ phiếu được tính bằng nhiều ‘chấm’ và giá trị được tâng lên trên các giá đỡ kỳ vọng nối tiếp nhau thì cơ sở hiệu quả hay chỗ dựa giá trị của chúng sẽ trở nên mong manh. Các giá đỡ kỳ vọng do vậy sẽ dễ biến thành cái bẫy, sẵn sàng đánh sập sự lạc quan đang nhảy múa trên đó. Các phân tích và cảnh báo khách quan không phải thiếu, nhưng hầu như đã bị bỏ ngoài tai. Vâng, người ta đang hưng phấn mà anh nhào vô khuyên ngăn thì dễ bị cho là “lý thuyết”. Thực ra, từ nửa sau 2007 các biểu hiện sửa sai (correction) đã diễn ra vài lần, và đây chính là phản ứng ‘không đồng thuận’ của thị trường (từ phía nhà đầu tư). Thế nhưng, cùng thời gian này cái trớn phát hành và niêm yết giá cao từ phía doanh nghiệp vẫn như xe mất thắng, chẳng những không dừng mà còn tập trung hơn, do các kế hoạch đã lên sẵn và (nhất là) tâm lý tranh thủ. Trong điều kiện thị trường biếng ăn mà hàng cứ dọn lên nhiều với giá cao thì khó tránh bị dội chợ. Hậu quả là VN-Index phải gánh chịu, bị buộc phải ‘khuyến mãi’ (mất điểm) dài dài. Gánh nặng này tiếp tục chuyển qua năm 2008.
Có thể nói chị Hợi ham vui năm 2007 đã bàn giao cho anh Tí 2008 tờ “bill” phải trả khá nặng. Đã vậy, vừa hết ‘mùng’ thì thông tin về cú cắt 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc, và các biện pháp thắt chặt tiền tệ liều cao khác, đã như đòn bất ngờ giáng xuống thị trường. Bối cảnh kinh tế như vậy khác nào trời mưa đất chịu. Việc ‘hạ sốt’ đại trà nếu có làm cho tình hình lạm phát dịu bớt thì sản xuất kinh doanh cũng chùng xuống nhanh, niềm hưng phấn của nhà đầu tư khó tránh bị nguội lạnh. Mặt khác, khi nước triều rút sâu, các ‘đại gia đầu tư’ nói chung (các tập đoàn hay doanh nghiệp) cũng bị buộc hay tự buộc phải sắm lại áo mão lên bờ. Thị trường bỗng vắng nhiều ‘tay chơi’ lớn, làm cho yếu tố hỗ trợ yếu đi và thanh khoản kém hẳn. Chỉ số VN-Index rớt dài xuống dưới ngưỡng tâm lý 500, còn 496,64 điểm vào ngày 25-3-2008, thiên về nguyên nhân này. Và đây là tình trạng thị trường do tôi giai đoạn một.
Tuy là ảm đạm, đây có thể lại là giờ G được các nhà đầu tư sừng sỏ chờ đợi. Bằng chứng là trườc đó không lâu, một số tổ chức tài chánh lớn đã dịu giọng hơn với TTCK Việt Nam, và đây như bước dọn đường trở lại làm ăn, trong đó có JP Morgan với kế hoạch một tỉ đô-la Mỹ. Tiếc là vào thời điểm kịch tính ấy thị trường lại rơi vào tình trạng kém thanh khoản, do biên độ giá giao dịch tại HOSE bị khép lại chỉ còn ±1. Thị trường bị mất thanh khoản đột ngột nên trống vắng, bảng điện đỏ rực liên tục nhiều tuần, có khi hơn cả tháng… Diễn biến bất thường này kéo dài đến tháng 6 là tình trạng thị trường do tôi giai đoạn hai, và chỉ được khơi thông khi biên độ được mở ra sau đó.
Như được cởi trói, thị trường phục hồi mạnh mẽ, chỉ số tăng gần 54% (tăng 196 điểm) trong vòng hai tháng sau đó. Thế nhưng, cơn bão tài chính toàn cầu đã chẳng chừa ai. Cho dù ‘bão tháng 9’ không trực tiếp đổ bộ nước ta, nó cũng đã quét sạch kết quả phục hồi kia, và kéo VN-Index lùi sâu xuống dưới mức 300 (286,85 điểm ngày 10-12-2008). Hậu quả tại ả ở đoạn thứ tư này vậy là đã rõ. Có điều, lúc này tâm lý ngại sóng ngóng gió lại bao trùm, và đây là điều đáng nói…
Ảnh hưởng suy thoái toàn cầu là điều không còn phải bàn. Tuy nhiên, việc thẩm định và tiên liệu tình huống để có cách ứng phó phù hợp sẽ cần cái nhìn sâu, sự phân giải khách quan và xác thực, tránh võ đoán. Nếu kinh tế thế giới có vấn đề làm chao đảo các ‘hàn thử biểu’, thì ta đừng vội dị ứng với cái hàn thử biểu. Đừng vội qui lỗi công cụ này, nghiệp vụ nọ để mà lo ngại thiếu cơ sở. Tôi bị đứt tay đâu phải tại con dao! Ngại sóng gió mà chậm sắm thuyền học chèo thì khó ra biển… Chứng khoán cũng vậy, thị trường cần thêm hành lang (hành lang chứ không phải tay vịn), thêm công cụ và phương tiện để nhà đầu tư có điều kiện chọn lựa, để họ biết cách mà tự xoay xở và phòng vệ. Cần sớm nghiên cứu ứng dụng các công cụ thiết thực như right, warrant, equity options, các chứng khoán nợ và thu nhập cố định, các nghiệp vụ hỗ trợ như repo, reverse repo, giao dịch bảo chứng. Tình trạng khiếm dụng công cụ và nghiệp vụ đã làm cho thị trường bị thiệt thòi, đơn điệu với diễn biến thái cực: lên đỉnh, xuống đáy. Thiếu kênh dẫn vốn chuyên ngành (margin account), chậm có các lệnh thị và lệnh chặn (market và stop order) thị trường sẽ còn hạn chế thanh khoản, khó phát triển chuyên nghiệp. Ý này cũng gợi mở cho một cơ chế giám quản rõ ràng hơn để khơi nguồn ngoại tệ ‘inflow’.
Mặt khác, thật khó hiểu, trong khi ta lo ‘đứt tay’ với các công cụ và nghiệp vụ chuyên ngành, thì nhiều cách đi ngang làm tắt (phá lệ và trái luật) vẫn cứ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhựt. Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi mà không có giá đổi, hay đổi bằng mệnh giá, là ví dụ. Cách làm ở đây đã như thách thức thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã thua đau và sẽ còn bị rủi ro ‘mua nhầm’ không phải chỉ do lỗi ở họ. Bởi tình huống bối rối “cho mở biên độ ±30%” trong một đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi bằng mệnh giá trong năm 2008 đã và sẽ còn đó lỗi điều hành. Là vì hiệu ứng ‘loãng’ chỉ xảy ra khi chuyển đổi. Cách tăng vốn ‘nắm tóc kéo mình lên’, hay thưởng cho cổ đông từ chính tiền của họ, là các tình huống khác, là chuyện như đùa. Đáng ngạc nhiên là cho tới nay ta vẫn chưa làm rõ việc ‘khai vốn’ (đăng ký) của công ty cổ phần là gì, chưa phân biệt ‘vốn điều lệ’ của công ty cổ phần nó khác với công ty trách nhiệm hữu hạn chỗ nào. Thị trường lại rất cần chuyên nghiệp và minh bạch khi càng nâng qui mô, để sớm thu hút nhà đầu tư thứ một triệu đến với thị trường…
Bước qua 2009, thị trường đã già thêm một tuổi, nhưng chỉ số VN-Index thì lại trẻ đi gần hai năm. Đây cũng là một sự thật ẩn nhiều ý nghĩa. Liệu 2008 đã gánh hết phần nặng cho 2009? Liệu với sự nhẹ gánh khởi đầu, bác Sửu 2009 có sẽ là sự bắt đầu cho một mùa bội thu? Có thể không đơn giản như vậy, vì cơ hội “tính bằng chấm” sẽ khó trở lại nhanh. Nhưng nếu ta đặt kỳ vọng khiêm tốn hơn, bằng ‘phẩy’, thì chẳng có gì xa vời. Mong sao sau cơn mưa trời lại… dịu mát là tốt rồi. Hãy đổi những phép nhân “x lần” thành “0,x lần” thì kỳ vọng sẽ dễ thực và dễ vực hơn…