Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đã để lại nhiều cảm xúc khó quên, với các đặc tả đậm dấu ấn lạc quan, những biểu cảm phấn khích thái cực kiểu ‘bán là thua, mua là thắng’. Cùng với đó là các thông tin giục giã khích động ‘nhà nhà lên sàn’, ‘người người xếp hàng mua chứng khoán’…
Vâng, là thực tế 20 năm có một, TTCK Việt Nam đã lập thêm nhiều cột mốc ấn tượng. Vào thời điểm viết bài này, VN-index đã bám ngưỡng 1200. Tuy chỉ số chưa có đỉnh mới, các ‘đỉnh’ khác không tính bằng ‘điểm’ rất ý nghĩa được mô tả là sức nóng, tốc độ, kỷ lục, bất ngờ… làm nức lòng người quan tâm vốn đã từng thốt lên ‘thôi rồi’ trước một năm đầy khắc nghiệt, nhất là khi VN-Index rớt đáy 650 vào 3/2020.
Những cung bậc thăng hoa…
Vậy điều gì làm nên chuyện? Đó là sức mạnh nội lực với gần 400.000 tài khoản mở mới, chủ yếu là trong nước. Riêng tháng 12/2020 là 63.630. Đây là con số cao nhất 20 năm kể từ ngày mở cửa TTCK Việt Nam. Đáng nói hơn, bước qua tháng 12/2020 khối lượng và giá trị giao dịch đã vọt lên không ngờ, lần lượt là trên dưới 900 triệu lệnh với hơn 15.000 tỷ mỗi phiên. Sang đầu 2021, không ít phiên khớp tại HOSE đã trên 20.000 tỷ, gấp hơn 4 lần Quý 2/2020, nếu tính luôn giao dịch thoả thuận thì cao hơn nhiều.
Về chỉ số, tuy VN-index tăng 15% so với cuối năm 2019 (960,99 ̴ 1103,87) nhưng so với mức đáy 2020 thì tỷ lệ đó là 70% (650 ̴ 1103,87), và nếu tính tới 10 phiên đầu 2021 sẽ là 85%. Đây cũng có thể được xem là một thành tích. Riêng HN-Index mức tăng được xem là kỷ lục ấn tượng, theo đó, so với cuối năm 2019 chỉ số HN-Index 2020 đã tăng hơn 98% và đạt 100,6 điểm (102,51 ̴ 203,12).
Việc tăng mạnh lượng tài khoản và giá trị giao dịch đã kéo theo lượng đặt lệnh tăng đột biến. Tình trạng ‘chen lấn’ trên hệ thống nhận lệnh đã làm cho hạ tầng giao dịch tại HOSE quá tải và thường bị ‘treo’, gây ách tắc giao dịch và có làm phiền giới đầu tư. Tuy đã có phản ứng nhanh và khắc phục tạm thời (nâng lô 10 lên 100), hệ thống sau đó vẫn còn chập chờn với các khối lượng và giá trị giao dịch lớn.
Một đột biến khác góp phần tạo nên cơn sốt chứng khoán 2020 là trong năm đã có tới 11 ngân hàng niêm yết mới, hoặc chuyển sàn. Đó là các mã ACB, LPB, VIB, MSB, SSB, OCB tại HOSE; và BVB, NAB, SGB, PGB, ABB tại HNX hay UpCoM. Đây là các ‘ông lớn’ về vốn hoá và khối lượng, lượng hàng khủng này chẳng những cho nhà đầu tư thêm cơ hội mà sẽ còn ảnh hưởng đến vị thế quy mô và cấu phần ngành toàn thị trường, cụ thể là chỗ đứng trong các rổ danh mục chọn lọc, nhất là với VN30 của HOSE(1).
Đã có nhiều phân tích và lý giải ghi nhận các yếu tố dẫn dắt đưa đến kết quả vừa trình bày. Dễ thấy và được đề cập nhiều là từ dòng vốn dồi dào, về hiệu ứng lượng tiền rẻ dịch chuyển từ ngân hàng sang TTCK do lãi suất xuống thấp. Ngoài ra còn có nguồn bổ sung từ chủ trương nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khoá, đầu tư công, từ hệ quả đô-la Mỹ yếu… Các yếu tố này phổ biến, được đề cập nhiều, nhưng tác động chỉ chừng mực, chưa lột tả hết độ nóng thị trường vừa qua tại Việt Nam.
Sự bùng phát chưa từng thấy (về qui mô và số liệu) của TTCK Việt Nam năm 2020 được xem là đặc thù, trong đó có hai yếu tố hỗ trợ vượt trội cần xoáy sâu: Một là, sự hưng phấn toát lên từ hiệu lực kiểm soát xuất sắc Covid-19 đã giúp thị trường tăng đều từ Quý 2, Quý 3, Quý 4, và bứt lên cuối năm sau 3 đợt ‘diệt giặc’ hiệu quả. Hai là, do kinh tế suy giảm, co cụm, thậm chí đứng lại như du lịch, giải trí, khách sạn, hàng không… làm cho cơ hội đầu tư thu hẹp. Trong điều kiện đó, TTCK như ‘vùng đất hứa’ thu hút một lượng lớn tiền nhàn rỗi, vừa hưởng lợi vừa giúp làm tươi thắp sáng cho bối cảnh kinh tế đặc biệt.
Một chút lo lẩn khuất…
Một năm đầy thiên tai dịch hoạ, với sự hoang man tháo chạy phổ biến hồi đầu năm, nhất là nguồn vốn ngoại, mà thị trường tươi sáng như vậy thì không ai không vui. Thế nhưng, sẽ không có bữa tiệc nào kéo dài mãi, và điều gì diễn ra khi các thực khách đã no và say thường không khó hình dung. Chúng ta lại cần các bữa ăn ngày ngày và thị trường cần có sự nuôi dưỡng dài dài. Tới đây có chăng sẽ cần là chút lo…
Vâng, tôi (và chắc với nhiều người) không bi quan. Nhưng không thể lạc quan suông. Không có cơ sở hô hào tiến lên trong điều kiện ‘súng đạn’ không chắc tay và ‘đội ngũ’ phổ biến là tân binh. Cú rớt thót tim gần 75 điểm trưa 19/1/2021 sau một số phiên đi ngang với tình trạng bán tháo đã như lời cảnh báo.
Thông thường, một thị trường được làm nóng bằng dòng vốn rẻ, lượng tiền nhàn rỗi ngắn, được tiếp sức bởi sự hưng phấn giai đoạn, hẫng hụt các yếu tố nền tảng cơ bản (về hiệu quả, triển vọng, sức khoẻ doanh nghiệp) thì tính bền sẽ dễ bị thử thách, thị trường sẽ có phản ứng sửa sai (correction). Mặt khác, bản thân đồng tiền rẻ (bất kể là do lãi suất thấp hay từ chủ trương nới lỏng) lại thường là nguyên nhân gây lạm phát, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Mối lo ‘bong bóng’ sớm muộn sẽ có khi các số liệu thị trường phản ánh xa rời thực trạng kinh tế, cụ thể là hiệu quả hoạt động kinh tế vi mô.
Cho dù việc chỉ số chứng khoán lên cao xuống thấp có tác động từ yếu tố ngoại lai, nó chủ yếu (và cần thiết) phản ánh và được duy trì bởi yếu tố nền tảng. Sở dĩ chỉ số TTCK được xem là hàn thử biểu vì nó bám theo nhịp đập kinh tế thực. Như vậy, có thể nói gì về VN-index 20 năm qua? Từ đỉnh cao 1170 xuống đáy sâu 235 sau 2 năm; vọt lên 624 điểm sau 8 tháng; ngủ giấc dài đầu ‘6’ suốt gần 8 năm để lập đỉnh mới 1204; và lại rơi đáy 650 hai năm sau đó… Với các ‘đỉnh cao đáy sâu’ bất thường như vậy thì VN-Index chưa thể được xem là hàn thử biểu, chưa là chỗ để ta vội sầu đau hay hoan hỉ, lại càng không nên gọi đó là thành tích. Vậy từ mai, nếu VN-Index có đỏ sàn thì ta hãy bình tĩnh …không xanh mặt.
Thái độ và ứng xử giữ lửa…
Thị trường dù nóng sốt hay trầm lắng thế nào thì sự tỉnh táo và ý thức về các giới hạn sẽ luôn cần. Cần biết một thị trường lành và mạnh được nuôi dưỡng bằng thông tin ‘sạch’. Thông tin sạch có từ nguồn phát uy tín và trách nhiệm. Thông điệp phát đi từ đó được chọn lọc, không tô hồng, phủ xám với ẩn ý khích động (motivate), bất kể đó là hoạt động tư vấn, đưa tin, bình luận, báo cáo, phát biểu hay trả lời báo chí. Nhưng dù ‘rau’ có sạch đến đâu, khi sử dụng ta cũng cần lọc lựa, tiêu hoá tốt, để tránh bị cuốn theo chiều gió. Mặt khác, đừng để cái bẫy ‘kẻ ngu hơn’ (greater fool theory) vốn phổ biến trên TTCK nó sập mình. Với nhà đầu tư mới(2) tôi đề nghị họ nên đầu tư chứ không vội đầu cơ. Đã đầu tư thì không hào phóng, không ‘cảm biến’ theo VN-Index, đừng để phải trả giá đắt với đồng tiền rẻ, tiền nhiều…
Thị trường đang có nhiều thông tin tích cực, đó có thể là kỳ vọng kinh tế hậu đại dịch, là dư địa tiềm ẩn của một ít nhóm cổ phiếu, như loại có vốn hoá trung bình hay các ‘ông lớn’ mới. Cùng với đó là ẩn số trở lại ‘ốc đảo bình yên’ của dòng vốn ngoại, nơi có cấu phần 30% trong rổ MSCI Frontier Market 100. Tuy các yếu tố tiếp trợ cơ hội, các điểm sáng trong tương lai gần có nhiều, nhưng giữa mênh mông hàng hoá, đa dạng chủng loại và chất lượng cách biệt, nhà đầu tư rất dễ rơi vào trạng thái hoa mắt…
Đầu tư nói chung và đâu tư chứng khoán nói riêng, sẽ luôn là cuộc chơi săn lùng cơ hội, cân não chứ không chỉ hên xui. Anh có thể không cần chuyên nghiệp, chị không cần quá giỏi, nhưng ai cũng cần hành động có toan tính, dù đầu tư hay đầu cơ. Hãy mua tài sản, bán giá trị, thủ đắc cơ hội và hiểu biết rủi ro.
Huy Nam, CV Kinh tế Tài chánh Chứng khoán, Chuyên gia độc lập – Thành viên HĐ Chỉ số TTCKVN – Giảng viên PACE – Trọng tài viên TT Trọng tài Quốc tế VN – VIAC.
(1) Nên đọc là ‘hōz’ thay vì ‘hô-zê’
(2) Nên gọi là ‘nhà đầu tư mới’, gọi F0 là khiên cưỡng vì không có mối liên hệ giữa nhà đầu tư F0 và Fn