Là nhịp thở kinh tế, lâu nay báo chí và các phương tiện truyền thông đã có sự chú trọng và thường xuyên cập nhật thông tin các biến động về tỷ giá và lãi suất. Điều này nếu đã đáp ứng mong đợi thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp và người quan tâm thì có lẽ vẫn còn cần chút chăm chút chuyên nghiệp. Điều thường thấy là các nội dung thông tin về tỷ giá và lãi suất đã bị đặt nhầm vào các chỗ không liên quan hay dưới một tít không có tính đại diện. Việc ta gọi là thị trường tiền tệ hay thị trường lãi suất nghe thì chuyên ngành nhưng nội dung thông tin truyền tải ở đó lại có thể còn khoảng cách. Cho dù đó là nguồn riêng hay được cung cấp bởi các tổ chức tài chánh có gốc nước ngoài thì cũng cần lưu ý. Để rõ hơn, có lẽ nên xem lại bản chất các thị trường hay lãnh vực hoạt động đặc thù này có gì.
Thị trường tiền tệ (money market) cần được hiểu theo bản chất chuyên ngành là thị trường mua bán các tài sản ngắn hạn gần như tiền, thông qua các công cụ thanh toán trong giao dịch thương mại và cơ chế giao dịch nóng, liên quan đến nhu cầu ngắn hạn về thanh khoản, thường gắn với hoạt động ngân hàng (nhưng không chỉ với ngân hàng). Đặc điểm giao dịch ở thị trường tiền tệ là giá cả được tính bằng các mức lãi (là suất lãi hay chiết khấu) dựa trên cung cầu tiền tại từng thời điểm trong nền kinh tế. Các ‘giá cả’ này dao động liên tục nên người ta gọi đây là lãi suất thị trường (interest rates). Lãi suất thị trường là ‘tập hợp các mức giá tiêu biếu’ có từ đó, chứ không chỉ có ‘một’ lãi suất duy nhất. Thuật ngữ tiếng Anh luôn ở số nhiều là vậy.
Thị trường tiền tệ hầu như không liên quan gì đến ngoại tệ. Thế giới còn gọi đây là thị trường chứng khoán ngắn hạn. Các tài sản, giấy tờ có giá ngắn hạn được giao dịch ở đây thường là các khoản có giá trị lưu hành dưới một năm. Tại Việt Nam, từ khi có thị trường chứng khoán (giao dịch cổ phiếu và trái phiếu) thị trường tiền tệ đã manh nha hình thành, nhưng có ít hàng hoá giao dịch và chưa sôi động. Có vẻ đây chưa được xem là một kênh đầu tư và giao dịch quen thuộc.
Trở lại việc thông tin trên các mặt báo và phương tiện truyền thông… Nếu nội dung tin (và mục đích đưa tin) chỉ tập trung vào sự chuyển dịch tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng, thuần tuý phản ánh nhu cầu thanh toán (gồm inflows-outflows) và/hoặc đó là biểu hiện hiệu lực điều hoà /điều tiết vĩ mô, thì đây có thể xem là thông tin tỷ giá, cụ thể hơn là tỷ giá đô-la Mỹ và tiền đồng, bởi hầu như không thấy có ngoại tệ nào khác. Việc mua bán đô-la Mỹ là mua bán một đồng tiền cụ thể (currency /một loại hàng hoá), tuy nhiên, do thực tế đơn lẻ, đây chưa phải là thị trường ngoai hối thực thụ. Trường hợp nhầm lẫn gọi đây là “thị trường tiền tệ” sẽ dễ cho cách hiểu xa rời bản chất.
Riêng cách gọi ‘thị trường lãi suất’ của nhiều tờ báo (trong đó có Thời báo KTSG) với các nội dung diễn đạt về lãi suất thì nó lại gần với thị trường tiền tệ hơn. Nhưng chỉ gần thôi chứ chưa phải là, vì thông tin truyền đạt thường thấy ở ta chỉ mới xoáy vào hoạt động ngân hàng, trong khi thị trường tiền tệ (thị trường lãi suất) thì rộng hơn nhiều. Trường hợp này, thay vì ta gọi ‘thị trường lãi suất’, có thể gọi đơn giản và sát thực hơn là lãi suất thị trường cho mục đích thông tin.
Việc đáng nói khác là cách dùng thuật ngữ ‘điểm’ để diễn đạt sự lên xuống của lãi suất. Cần thận trọng, bởi điểm chỉ có thể là điểm phần trăm (percentage point /gọi tắt là point), nó khác với điểm cơ bản (hay điểm phần ngàn /basic points /gọi tắt là bps). Cho nên, nếu có thông tin nói ‘lãi suất giảm 48 điểm’ thì người đọc đừng bối rối hoặc vội tin ngay. Đây như cách ‘nói vậy mà không phải vậy’, bởi thực ra mức giảm đó chỉ là 0,48 điểm hay 48 điểm cơ bản thôi, ví dụ từ 4,25% giảm xuống còn 3,77% chẳng hạn.
Các nội dung trên đây tôi đã phân tích khá sâu trong nhiều bài viết và tác phẩm sách, kể cả bằng tiếng Anh. Bài này tôi chỉ trình bày ngắn gọn cho mục đích diễn đạt của các phương tiện truyền thông.
Huy Nam, Thời báo KTSG, 1-8-2019