Trong ngành tài chánh nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng, khi nhắc đến “option” người ta thường nghĩ đến chuyện “trình độ”. Điều này hoàn toàn đúng. Trước hết, vì đây là một nghiệp vụ có kỹ thuật vận hành rất chuyên sâu và kế đến “option” được sử dụng trong lĩnh vực tài chánh và đầu tư như một công cụ vừa để kiếm lợi vừa để quản lý rủi ro. Vì độ phức tạp và yêu cầu chưa cần thiết phải đào sâu, chúng ta sẽ có cách tiếp cận sao cho dễ hiểu hơn.
Lấy ví dụ, do yêu cầu sẽ chuyển vào lập nghiệp và sinh sống tại Sài gòn, bạn đi tiền trạm để thu xếp trước và tìm được một căn nhà vừa ý mới xây giá 500.000.000đ. Tuy nhiên, bạn chưa thể quyết định ngay vì “bà xếp” còn đang ở Hà nội cùng con cái và giải quyết các tồn đọng. Lo ngại người khác có thể mua căn nhà “tìm mãi mới có” này trước khi vợ mình bay vào để “duyệt”, bạn đề nghị với người bán giữ nó lại độc quyền trong vòng 15 ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng mua hay không. Để có được đặc quyền này bạn đồng ý trả 2.000.000đ cho người bán.
Chuyện trên đây trong quan hệ dân sự và làm ăn có lẽ đã có từ lâu và nhiều. Đây chính xác là hoạt động “option”. Trong vòng 15 ngày tới bạn có thể thực hành quyền được mua căn nhà với giá 500.000.000đ như đã thỏa thuận. Ngược lại nếu bạn làm thinh thì vào ngày thứ 16 bạn sẽ không còn đặc quyền và mất luôn 2.000.000đ.
Để tránh phức tạp, nên hiểu “option” đơn giản chỉ là sự tùy chọn. Sự tùy chọn thì giống như một khả năng quyết định còn để mở đó, có giá trị trong một thời hạn nhất định, đối với một lượng hàng hóa hoặc tài sản làm cơ sở cụ thể (underlying asset). Muốn có sự tùy chọn đó ta phải trả một khoản tiền đặc quyền (premium). Người mua sẽ có quyền (right) tùy chọn. Có người mua thì ắt cần người bán. Người bán option nhận về số tiền mà người mua trả, đồng thời có nghĩa vụ (obligation) phải chìu theo ý người mua nếu người mua thực hành quyền quyết định dựa trên tài sản là cơ sở đã thỏa thuận.
Có hai loại tùy chọn căn bản, tùy chọn hướng lên (call option) và tùy chọn hướng xuống (put option). Sở hữu một tùy chọn hướng lên đem lại cho người chủ đó quyền mua một tài sản, ở mức giá đã định, trong một khoảng thời gian quy ước. Sở hữu một tùy chọn hướng xuống cho người chủ có quyền bán một tài sản ở mức giá đã định hiệu lực trong thời gian cho sẵn. Hoạt động tùy chọn như vậy luôn hiện diện bên mua và bên bán trong cùng một giao dịch. Trong TTCK, tài sản làm cơ sở cho hoạt động tùy chọn phổ biến nhất là cổ phần công ty.
Trong trường hợp tùy chọn hướng lên, người mua chưa có cổ phần nhưng tin rằng giá sẽ lên trong tương lai nhiều hơn phí tổn mua nên sẽ có lời. Người bán thì nghĩ ngược lại, họ tin giá sẽ xuống nên đồng ý bán cho người mua cái quyền tùy chọn để mong hết hạn hợp đồng nếu giá đứng hoặc xuống, sẽ bỏ túi số tiền người mua đã trả cho cái quyền đó và bỏ cuộc. Tuy nhiên, nếu giá lên thật và người mua muốn thực hành quyền mua lượng cổ phần với giá như đã thỏa thuận ban đầu (thấp hơn), người bán hợp đồng tùy chọn có nghĩa vụ phải chấp hành. Việc mua và bán cổ phần lúc đó được thực hiện cụ thể bằng cách trả tiền và giao hàng.
Trường hợp hợp đồng tùy chọn hướng xuống có khác hơn. Người mua đang có hoặc xem như đang có cổ phần và tin rằng giá sẽ xuống. Khi họ mua hợp đồng tùy chọn giá xuống họ đã chốt được giá bán. Nhưng người bán thì nghĩ giá sẽ lên. Nếu giá lên thật (hoặc đứng yên) người bán bỏ túi số tiền người mua đã trả sau khi hết hạn hợp đồng. Còn nếu giá xuống, cả khi bằng zéro chăng nữa, người mua có quyền thực hiện bán cổ phần, theo giá đã định ban đầu. Đây là điển hình sự thành công về bảo vệ giá hoặc đầu cơ của người mua.
Chúng ta nên phân biệt hành động mua hay bán hợp đồng là để chỉ sự mua hay bán cái quyền tùy chọn thôi. Theo đó, người mua trả tiền để được có cái quyền và người bán vì nhận tiền nên phải có nghĩa vụ. Phân biệt này có lợi vì nó tránh lẫn lộn với việc mua hay bán tài sản thật sau đó khi người mua hợp đồng thực hành (exercise) quyền của mình.
Tại sao gọi là tùy chọn ? Tùy chọn (option) là khả năng tùy ý lựa chọn của người mua. Khả năng này được xem như một món hàng mua bán được. Trong mọi trường hợp, người thủ đắc tùy chọn ở thế chủ động dẫn dắt, thể hiện qua quyền hành xử theo ý mình trong giao dịch. Họ có thể:
– Thực hành ý đồ chủ quan của mình nếu thấy lợi,
– Bỏ qua nếu không có lợi,
– Hoặc nếu có thị trường họ sẽ bán quyền này lại cho người khác.
Một người mua hợp đồng tùy chọn hướng xuống cho 100 cổ phần ABC, giá mỗi cổ phần là 150.000đ, thời hạn đến hết 20-12, với tiền đặc quyền là 2.000đ cho một cổ phần. Nếu trong thời gian này giá cổ phần đó rớt xuống còn 145.000đ/cổ phần, ông ta có thể bán 100 cổ phần đã hợp đồng với giá 150.000đ/cổ phần. Nhưng không có gì bắt buộc ông ta phải làm như vậy. Nếu thấy rằng số tiền lời không đáng kể và/hoặc cổ phần đó có dấu hiệu sắp lên giá mạnh trở lại ông ta sẽ chọn cách bỏ qua cho hết hạn hợp đồng.
Người bán hợp đồng thì không thong thả như vậy. Họ luôn ở thế bị động, hoặc lệ thuộc vào thị trường hoặc phải theo quyết định của người mua. Trong khi người mua chỉ cần trả đủ số tiền giữ đặc quyền lúc ký hợp đồng là xong chuyện, thì người bán hợp đồng có trách nhiệm nặng hơn. Nếu bán một hợp đồng tùy chọn hướng lên chẳng hạn, họ luôn ở trong tư thế phải chuẩn bị giao hàng trong suốt thời gian hiệu lực. Điều này có nghĩa là người bán cần có một lượng tài chánh đủ mạnh để sẵn sàng làm nhiệm vụ hoặc phải giữ sẵn hàng để giao.
Trong quá khứ, một thời gian dài option được mua bán theo lối tự phát. Ngay cả ở Mỹ, thị trường mua bán option có tổ chức cũng chỉ mới có từ 1973. Trước đó các công ty kinh doanh chứng khoán đảm nhận việc mua bán option cho khách hàng thông qua thị trường phi tập trung (OTC) và hoạt động được mô tả là khá “bát nháo”. Khi thị trường có tổ chức ra đời, cùng với sự phát triển công thức định giá option (OPM) của Fischer Black và Myron Scholes (Nobel kinh tế 1997), thị trường option đã phát huy được tính tích cực, bổ sung một công cụ đầu tư phòng ngừa và bảo vệ hữu hiệu cho hoạt động đầu tư nói chung và trong TTCK nói riêng. Hoạt động chủ lực của thị trường option có tổ chức nhờ nhiều ở tính tháo vát của các công ty (hay tổ chức) thanh lý hợp đồng option (options clearing corporation – OCC). Hoạt động tùy chọn theo đó được tiêu chuẩn hóa. OCC phát hành chính thức các option cho người bán và kẻ mua. Đồng thời, với sự đảm bảo toàn bộ việc thực hiện hoàn tất các hợp đồng, OCC mặc nhiên trở thành người bán hợp đồng đối với tất cả các người mua.
Trong bất cứ hợp đồng tùy chọn nào, dù là tự phát, cũng đều có các thành tố giống nhau.
- Tài sản làm cơ sở, ví dụ một lượng 100 cổ phần;
- Thời gian hiệu lực, để xác định quyền và nghĩa vụ;
- Giá thực hiện, giá chốt (strike price) thỏa thuận lúc mua hay bán hợp đồng, chẳng hạn trong ví dụ mua nhà trên là 500.000.000đ;
- Hình thức của tùy chọn, hướng lên hay hướng xuống;
- Tiền đặc quyền, đây chính là giá của sự tùy chọn mà người mua option phải trả cho người bán.
Các chứng khoán dùng làm cơ sở trong các hợp đồng option thường là các loại được xếp hạng cao ở các TTCK và được đánh giá lại liên tục để xác định đủ tiêu chuẩn. Nếu không duy trì được các yêu cầu cơ bản chúng sẽ bị loại ngay. Chẳng hạn ở Mỹ, chứng khoán cơ sở phải có lượng cổ phần nằm ngoài công chúng trên 7.000.000 cổ phần, số cổ đông phải trên 2.000, lượng mua bán trên thị trường trong vòng 12 tháng gần nhất tối thiểu 2.400.000 cổ phần, giá cổ phần không được xuống thấp hơn US$7.5 trong vòng ba tháng trước đó, và một số các yêu cầu về kỹ thuật khác. Ngoài cổ phần ra còn có các hợp đồng option về chỉ số, ngoại tệ mạnh và các trái phiếu nhà nước… Các hợp đồng giao dịch option thường được chuẩn hóa về số lượng, ví dụ mỗi hợp đồng ở Mỹ là 100 cổ phần.
Rất dễ bị hiểu lầm là một kiểu bài bạc, thật ra option là một phương tiện đầu tư, đồng thời là một công cụ để phòng ngừa, bảo vệ rất hữu hiệu và khoa học.
Cụ thể, người mua hợp đồng hướng lên (call buyer) thường có mục đích :
- Kiếm lợi khi giá lên, vì giá phí đầu tư ít (chỉ trả phí mua đặc quyền) nên hiệu quả đòn cân tài chánh cao.
- Do hiệu lực tùy chọn, người đầu tư có thể trì hoãn một quyết định mua chứng khoán, đến một thời điểm cho tới cận ngày hết hạn hợp đồng, hoặc có thể không mua.
- Do chỉ phải trả chi phí mua đặc quyền không cao, người đầu tư cùng lúc có thể đa dạng đầu tư bằng cách nắm giữ nhiều loại chứng khoán khác nhau, mà nếu không có option, muốn được vậy họ phải bỏ ra số tiền rất lớn.
Người bán hợp đồng giá lên (call writer) thì :
- Hy vọng kiếm lợi nếu giá đứng hoặc xuống.
- Có khả năng gia tăng lợi nhuận, vì có sẵn chứng khoán khi bán hợp đồng họ đã chốt được giá bán chứng khoán sao cho có lợi rồi, nếu giá đứng ở mức đã chốt họ có lợi thêm nữa.
- Như vừa đề cập, người đầu tư do chủ động được giá chứng khoán có lời rồi nên khi bán hợp đồng là họ đã thực hiện khóa giá bán chứng khoán cơ sở để kiếm thêm hoặc chủ động về chiến lược.
Việc sử dụng hợp đồng hướng xuống cũng có các mục tiêu rõ ràng. Người mua hướng xuống (put buyer) do có ý đồ đầu cơ giá xuống cho nên giá càng rớt họ càng lời và nếu giá tiệm cận với zéro thì họ sẽ có lợi tối đa. Ngoài ra người mua còn dùng cách này để trì hoãn bán chứng khoán cơ sở đến một thời điểm khả dĩ có lợi nhất họ mới hành động. Người bán hợp đồng hướng xuống (put writer) hưởng lợi trọn phí mua đặc quyền khi giá không xuống hoặc lên. Ngoài ra người bán do chủ động chốt giá mua chứng khoán cơ sở khi ký hợp đồng (thường luôn luôn thấp hơn giá thị trường tại thời điểm ) nên họ sẽ mua được chứng khoán rẻ hơn giá hiện hành.
Dù đã cố gắng lắm, trên đây cũng chỉ là một giới thiệu dài dòng về hoạt động của hợp đồng tùy chọn. Nghiệp vụ và các chiến lược tùy chọn còn rất dài và phức tạp, ai cần tới đâu thì nghiên cứu tới đó. Ngay như trong cách gọi cũng nên được chuẩn hóa cao độ dựa theo các biệt ngữ (jargon) đòi hỏi ta phải nằm lòng. Nhân đây, tưởng cũng cần bàn một chút về cách gọi của ta để tham khảo. Từ trước đến nay thuật ngữ call và put được dịch theo đặc tính nghiệp vụ ra thành “chiều lên” và “chiều xuống” hoặc “chọn mua” và “chọn bán”. Tại sao chúng ta lại quanh co mà không dùng ngay nghĩa tương đương tiếng Việt cũng có: call option có thể dịch là “tùy chọn gọi” và put option là “tùy chọn đặt”.
Tuy nhiên, để không bỏ lỡ một tài sản trí tuệ của nhân loại, nên xác định rằng “option” ngày nay có thể được xem như là một chuyên đề kinh tế ứng dụng nói chung, mặc dù nó được xây dựng ban đầu từ cơ sở là các TTCK, và kế đó ở thị trường hợp đồng tương lai (futures).
Qua phân tích trên đây và hàng loạt chiến lược đặc thù của nó, nếu để ý một chút ta dễ thấy tính chất “trùm sò” mà bản thân hoạt động này cống hiến: đó là thứ công cụ vừa để đầu tư thu lợi, kiếm chác thêm, vừa để phòng ngừa, bảo vệ hoặc ngăn chặn rủi ro !
Tuy nhiên hãy cảnh giác. Nghiệp vụ này được “chăm sóc đặc biệt” trong TTCK với cảnh báo : khu vực không dành cho người yếu tim hoặc phụ nữ có thai !
Huy Nam
Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.