KHÍA CẠNH TÍN DỤNG TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Một số đặc trưng.

–           Tín dụng cho đầu tư vị thế mua trước.

–           Tín dụng cho đầu tư vị thế bán trước.

–           Các điều kiện và thủ tục.

Khi thị trường chứng khoán (TTCK) đã trở thành một hiện thực ổn định, hoạt động đầu tư trong định chế này sẽ hiện hình một cách rõ nét theo hướng chuyên nghiệp hóa. Lúc đó TTCK sẽ cung cấp cho khách hàng đầu tư nhiều điều kiện và cơ hội đầu tư hơn. Một trong những phương thức đầu tư khá phổ biến là việc sử dụng tài khoản bảo chứng.

Môt số đặc trưng:

Tài khoản bảo chứng – margin account – căn bản là sự cho phép sử dụng nguyên tắc đòn cân nợ (leverage) trong mua bán chứng khoán. Giống như các ngành khác, đòn cân nợ cho hiệu quả gia tăng nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, ngược lại trong tình huống xấu, rủi ro gánh chịu cũng cao tương ứng.

Trước tiên,  cơ sở pháp lý cần có là quy định của nhà nước về một bách phân bảo chứng tối thiểu, bắt buộc phải đóng vào lúc ban đầu khi tiến hành đầu tư qua tài khoản này. Con số thông dụng hiện nay là 50% trên giá trị mua chứng khoán tại thời điểm mở nghiệp vụ. Điều này có nghĩa là người đầu tư được cấp tín dụng tối đa 50% hoặc ít hơn tùy theo chính sách và khả năng thu xếp của mỗi công ty chứng khoán. Từ “margin” chỉ số tiền mặt tối thiểu khách hàng phải ký thác vào lúc mở loại tài khoản này để mua chứng khoán, được gọi là “tiền bảo chứng”.

Tài khoản bảo chứng chỉ được mở thông qua tên của công ty chứng khoán. Khi chọn cách “cầm đằng cán” như vậy, công ty có điều kiện kiểm soát và tránh được tối đa rủi ro có thể xảy ra cho họ. Đặc điểm bắt buộc này phát xuất từ yêu cầu phải thế chấp lượng chứng khoán tương ứng tại công ty, hoặc cho ngân hàng, trong quá trình người đầu tư vay nợ. Tuy nhiên, trong quá trình mua bán, bất cứ lúc nào tài khoản có kết số cân đối dương thì khách hàng có toàn quyền định đoạt khoản này. Ngược lại, nếu tình hình bất lợi, ví dụ mua chứng khoán xong giá bị rớt nhiều, hoặc sau khi bán non giá tăng lên, thì đến một mức vượt giới hạn an toàn, người đầu tư được yêu cầu đóng bổ sung bảo chứng để duy trì tài khoản – gọi là “margin maintenance call”.

Theo quy định của Mỹ, các biến  động bất lợi làm cho vốn riêng (equity – tiền bảo chứng bị teo lại) thấp hơn 25% giá thị trường của lượng chứng khoán có trong tài khoản đối với vị thế mua trước (long position) và 30% với vị thế bán trước  (short position) thì khách đầu tư sẽ phải đóng chênh lệch bổ sung nếu muốn duy trì tài khoản. Các lệnh gọi đóng tiền như vậy thường có hiệu lực tức thì và nếu không được đáp ứng, công ty chứng khoán được quyền bán thanh lý chứng khoán để thu hồi nợ.

Đối với kỹ thuật bán non (short sale), mức an toàn luôn được định cao hơn là vì độ rủi ro của nghiệp vụ này cao hơn. Trong nghiệp vụ bán non người đầu tư thay vì vay tiền, họ vay chứng khoán. Toàn bộ số tiền thu về, sau khi bán     lượng chứng khoán đó, cộng với tiền bảo chứng theo quy định, phải được ký thác vào tài khoản bảo chứng. Đây là một trong những điều kiện không thể thiếu và được xem là một đặc trưng khi thực hiện nghiệp vụ bán non.

Để minh họa cho dễ hiểu ta xem xét một vài trường hợp cụ thể sau đây. Giả sử  quy định bảo chứng ban đầu là 50%, giới hạn an toàn cho đầu tư ở thế mua trước là 25% và ở thế bán trước là 30%.

Đầu tư vị thế mua trước: Môt người đầu tư mua 100 cổ phần của công ty LO-U, giá 100.000đ/cổ phần bằng tài khoản bảo chứng. Tổng giá trị tài khoản khởi điểm là 10.000.000đ (100×100.000đ). Như vậy ông ta phải ký thác 50% tiền bảo chứng là 5.000.000đ và được cấp tín dụng 5.000.000đ.

Nếu một thời gian sau, giá thị trường tăng 150.000đ/cổ phần, giá trị tài khoản bây giờ là 15.000.000đ, người đầu tư lời 5.000.000đ. Như vậy so với vốn riêng bỏ ra 5.000.000đ, nhờ mượn đòn cân nợ, ông ta đã “bẫy” lợi nhuận lên 100% trên vốn. Trong khi đó, nếu không sử dụng đòn cân nợ thì với số vốn tự có 5.000.000đ chỉ mua được 50 cổ phần lúc ban đầu với giá 100.000đ,  khi giá lên 150.000đ, người đầu tư lời 2.500.000đ (50 x 150.000đ trừ đi 5.000.000đ) hay chỉ đạt 50% trên vốn.

Trường hợp sau khi mở tài khoản mà giá giảm dưới 100.000đ một cổ phần thì rõ là bị lỗ. Vốn riêng của nhà đầu tư lúc này bị teo lại, nhưng người đầu tư không bị buộc phải duy trì cứng nhắc mức bảo chứng 50% như lúc ban đầu.

Để tránh phức tạp, ta loại trừ yếu tố lãi và phí trong nghiệp vụ này từ đây về sau trong tính toán. Nếu giá giảm còn 60.000đ/cổ phần, ta thử xét việc đóng bổ sung tiền bảo chứng để duy trì tài khoản, với giới hạn vốn riêng không được nhỏ hơn 25% giá thị trường, sẽ diễn ra thế nào ? Giới hạn an toàn của vốn riêng theo quy định là : (100×60.000đ)x25% = 1.500.000đ. Vốn riêng thực tế là: (100 x 60.000đ) – 5.000.000đ nợ  = 1.000.000đ.

Vì vốn riêng bây giờ chỉ còn là 1.000.000đ, nhỏ hơn yêu cầu tối thiểu phải là 1.500.000đ, cho nên nếu khách hàng muốn tiếp tục duy trì tài khoản thì buộc phải đóng ngay 500.000đ chênh lệch. Trong thực tê, giá trị của tài khoản được so với thị trường liên tục.

Đầu tư vị thế bán trước: Một khách đầu tư thực hiện bán non 100 cổ phần với giá 70.000đ/cổ phần và giá trị thực hiện được là 7.000.000đ. Toàn bộ số tiền này được gởi vào tài khoản bảo chứng, cộng với tiền bảo chứng đối ứng ban đầu 50% là 3.500.000đ cho ra tổng cộng trị giá bị phong tỏa là 10.500.000đ, tức 150% giá trị thị trường thu nhập bán. Trường hợp này người đầu tư mong cho giá xuống và nếu giá xuống thật, họ sẽ lời –  do mua trả nợ lượng chứng khoán đã vay với giá rẻ hơn. Nhưng đây không phải là mục đích của ta. Vì ta muốn biết giới hạn an toàn của giá trị bảo chứng  nên ta chỉ xét tình huống giá lên.

Ví dụ: sau khi bán non giá sẽ lên 85.000đ một cổ phần, 100 cổ phần là 8.500.000đ. Lỗ đã thấy rõ, nhưng ta thử xem khả năng nhà đầu tư phải đóng bổ sung bảo chứng nhằm duy trì tài khoản ra sao. 30% giá thị trường lúc này là 2.550.000đ, đây là mức thấp nhất mà giá trị bảo chứng ban đầu (vốn riêng) có quyền “teo” lại. Thực tế vốn riêng bây giờ là bao nhiêu ? Ta lấy tổng lượng tiền đã ký thác ban đầu (gồm giá trị bán non cộng với tiền bảo chứng) trừ đi giá trị hiện tại của tài khoản. Cụ thể là 10.500.000đ – 8.500.000đ = 2.000.000đ vốn riêng. Vốn riêng đã tụt xuống quá mức an toàn bảo chứng là 550.000đ. Do đó người đầu tư được yêu cầu đóng phần chênh lệch này ngay lập tức, nếu ông ta không muốn đầu hàng !

Chúng ta đã đơn giản hóa đi khá nhiều vấn đề để tiện hình dung. Thật ra kỹ thuật đầu tư sử dụng tài khoản margin là một phương tiện rất phong phú, có nội dung nghiệp vụ và các quy chuẩn khá phức tạp và  rất chặt chẽ.

Các điều kiện và thủ tục:

Kỹ thuật “mượn đầu heo nấu cháo” này được các nhà đầu tư có chiến lược tiến công sử dụng. Vì là loại có “cảm giác mạnh’ nên được TTCK “chăm sóc” rất kỹ.

Do đặc điểm về khả năng biến động cao, một số loại khách hàng được khuyên không nên sử dụng cách đầu tư này. Đặt biệt, các tài khoản hưu trí cá nhân, tài khoản sử dụng quỹ hưu trí doanh nghiệp và các tài khoản  giám hộ (custodian account) chỉ được mở theo dạng mua bán tiền mặt. Bên cạnh đó các công ty hoặc tổ chức chỉ được mở tài khoản bảo chứng khi điều này có ghi trong điều lệ.

Các loại chứng khoán được sử dụng mua bán trong các tài khoản bảo chứng cũng là các loại chứng khoán được chọn lọc. Đây là những chứng khoán đã đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch và có thể phải được một cơ quan chuyên ngành tối cao của Nhà Nước công nhận hoặc chỉ định. Ơ Mỹ là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (FRB). Một số các loại chứng khoán đặc biệt có thể được miễn các điều kiện chỉ định. Đó có thể là trái phiếu kho bạc nhà nước, các chứng khoán cơ quan nhà nước phát hành, trái phiếu đô thị… Tuy nhiên, mức bảo chứng thường là không được giảm.

Khi mở tài khoản bảo chứng, động tác trước tiên cần thực hiện là một hợp đồng bảo chứng, trong đó chứa đựng các nội dung về:

  1. Các điều kiện của việc cấp tính dụng,
  2. Thỏa thuận về thế chấp chứng khoán có trong tài khoản để được cấp tín dụng và
  3. Đồng ý cho phép công ty chứng khoán có thể sử dụng lượng chứng khoán “nhàn rỗi” trong tài khoản để cho các công ty chứng khoán khác vay (theo lối huy động nội bộ ngành, thường gặp trong nghiệp vụ bán non), riêng điều này không bắt buộc.

Một điểm đáng lưu ý là khi mở tài khoản bảo chứng, mối liên hệ truyền thống giữa khách hàng và công ty chứng khoán có thay đổi. Lúc  này công ty môi giới đóng vai trò chủ nợ của khách hàng, do đó tất cả lượng chứng khoán mua bán theo dạng này đều được đăng ký dưới tên của công ty (street name). Công ty chứng khoán do đó được gọi là “chủ danh nghĩa” (nominal owner), còn khách hàng được xem là người “chủ hưởng lợi” (beneficial owner) của lượng chứng khoán đó.

Tài khoản bảo chứng được xem là phương tiện đem tiện lợi lại cho đôi ba đàng. Người đầu tư có điều kiện gia tăng đầu tư, mượn đòn cân nợ để mong nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên cùng một lượng vốn. Công ty chứng khoán kiếm thu nhập tốt hơn nhờ cho vay và hưởng huê hồng nhiều hơn do lượng mua bán cao hơn. Lượng mua bán tăng cao hơn, tức khả năng taọ thị trường tốt hơn, cho kết quả làm tăng thanh khoản. Yếu tố cuối cùng này mới chính là mục đích của TTCK.

Loại bỏ các tình huống làm ăn nhất thời, những cách xây nhà trên cát, hoặc tình trạng hào phóng kiểu “easy money” mà xưa nay đều có,…một khi người ta đi vay tiền để đầu tư thì đó thường là dấu hiệu tốt lành cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra từ các thị trường trên thế giới cho thấy các “giới hạn” luôn luôn cần phải hiện diện từ cả hai phía : cơ chế  cần  sắm một “hành lang” hữu hiệu và người đầu tư phải có cái “phanh” thật tốt.

 

Huy Nam,

 

Xem thêm bài viết