Mua Bán Nội Gián Và Bức Tường Trung Hoa

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Mua bán nội gián.

–           Học thuyết về bức tườngTrung Hoa

Trong thị trường chứng khoán (TTCK)  sự  công khai thông tin về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp phát hành và các giao dịch mua bán chứng khoán đã trở thành một tập quán bắt buộc. Tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa và giá trị thi hành khi nào nó được thực hiện kèm theo một lẽ công bình.

Sự công bình và trung thực thể hiện ở khả năng các mua bán diễn ra trong bối cảnh sao cho công chúng tham gia đều có cơ hội như nhau về thông tin. Tuy nhiên, thông tin thì có loại phải được “niêm” lại, có loại buộc phải công khai. Những thông tin cần công khai phải được phổ biến đầy đủ và trung thực, theo cách để mọi người đầu tư sẽ có cùng một điều kiện tiếp cận. Trong khi đó các rò rỉ về các thông tin chưa công bố hoặc bị giới hạn sẽ tạo các bất công đáng ngại nhất trong TTCK: Hoạt động mua bán nội gián (insider trading).

Mua Bán Nội Gián:

Những thông tin “phe ta” phục vụ cho mua bán nội gián được gọi ở nhiều cách thức khác nhau như: thông tin bên trong (inside information), thông tin hạn chế (non-public) hoặc thông tin kín (confidential). Dù ẩn danh ở bất cứ dạng nào, những thông tin như thế được khoanh lại trong một phạm vi hẹp và gồm các tin tức không được, chưa được hoặc chưa sẵn sàng để công bố đồng loạt và đại trà ra đại chúng. Những người làm việc trong đó phải quán triệt và tuân thủ những nguyên tắc và luật lệ nghiêm minh.

Người ta có thể đo được các tin tức ẩn lậu được dùng trong một  giao dịch nội gián bằng cách xem xét phương pháp được dùng để công bố thông tin, xác định thời điểm mua bán được thực hiện,… rồi so sánh với thời điểm mà mọi người cũng cùng có thông tin đó. Về nguyên tắc bất cứ ai có trong tay hoặc biết một thông tin chưa được phép công khai mà vẫn quan hệ giao dịch đều bị xem là vi phạm pháp luật về sự làm ăn ngay thẳng.

Hoạt động mua bán dựa vào các thông tin bên trong thường đi kèm các giao dịch không bình thường hoặc có quy mô lớn nhằm để thu lợi bất chính hoặc để tránh một sự thua lỗ nặng.

Năm 1986, TTCK Hoa Kỳ đã đưa ra ánh sáng một vụ mua bán nội gián lớn. Dennis Levine, một chuyên viên phụ trách về liên kết và sáp nhập (merger-and -acquisitions) thuộc công ty Drexel Burnham Lambert, đã sử dụng thông tin nội bộ để thực hiện các giao dịch thu gần 13 triệu USD lợi nhuận, liên tục trong vòng 6 năm. Uy ban chứng khoán Hoa Kỳ có đầy đủ chứng cứ về các vụ mua bán mà Levine thực hiện từ năm 1980. Hoạt động này thông qua các tài khoản bí mật của một chi nhánh ngân hàng Thụy Sĩ đặt tại quần đảo Bahama (một thuộc điạ tự trị của Anh, gần tiểu bang Florida của Mỹ). Một nhân viên của chi nhánh được xác định là đã đảm nhận thực hiện các giao dịch cho Levine bằng các tài khoản mua bán chứng khoán của ngân hàng này đặt tại Mỹ. Levine dính líu vào các mua bán tiêu cực như vậy cả thảy 54 công ty gồm cả cổ phiếu lẫn các hợp đồng về quyền chọn (options).

Một ví dụ khác ngộ nghĩnh hơn. Một bác sỹ chuyên khoa chữa bệnh tâm thần bị truy cứu trách nhiệm vì đã thực hiện mua bán nội gián dựa trên thông tin mà vị bác sỹ ấy có được do một bệnh nhân “không giữ ý tứ” nói ra trong quá trình điều trị.

Các ví dụ cho thấy các đối tượng vi phạm có thể không nhất thiết là người bên trong. Tuy nhiên thông tin thì luôn luôn xuất phát từ nội bộ.

Bức Tường Trung Hoa:

Mua bán nội gián là một hoạt động phi đạo đức và phi pháp. Đó chính là tệ lũng đoạn, thao túng, móc ngoặc, bất công,… làm ô nhiễm thị trường. Đó cũng là nguyên nhân của các rối loạn và sụp đổ trong TTCK. Nguyên nhân chính vẫn là các nhân sự bên trong, mà điều 70, chương 8 của nghị định 48 về chứng khoán và TTCK của Việt Nam gọi chung đó là những “người có liên quan”. Trong TTCK, việc ngăn chặn rò rỉ thông tin không đơn giản dừng lại ở các điều cấm mà còn thể hiện bởi hàng loạt các biện pháp triển khai khác, như công bố các thủ tục giám sát nội bộ một cách cụ thể và bắt buộc, thẩm quyền thanh tra và điều tra của Uy Ban Chứng Khoán Quốc Gia… Đặc biệt, công tác tổ chức các kỹ thuật quản lý, xử lý thông tin nội bộ được giới chức trách nhiệm của TTCK và các công ty chứng khoán chú trọng hàng đầu. Khái niệm về Bức Tường Trung Hoa được phổ biến rộng rãi và áp dụng tích cực trong TTCK là vậy.

Ý tưởng bức tường Trung Hoa được phát triển từ bức rèm ngăn tạm của người Trung Hoa. Thực ra nó giống hệt như các bức mành tre, sáo trúc của Việt Nam đã có từ xa xưa, mà nay ở quê bà con ta vẫn còn đang dùng phổ biến. Ngày nay có tài liệu còn gọi đó là học thuyết về Bức Tường Trung Hoa (Chinese Wall Doctrine). Giá trị khoa học của học thuyết “Bức Tường Trung Hoa” được xây dựng dựa trên cơ sở đơn giản như vậy.

Hãy khảo sát bức rèm tre (có thể ngay của người Việt Nam sử dụng). Từ trong nhà ra đến triều đình, bức rèm này được treo ở nơi trang trọng và để phân biệt một không gian cần bảo vệ. Ví dụ: gian để thờ hoặc mặc định một khu chính điện. Về giá trị ước lệ, công cụ này phân lập những ranh giới có tính chức năng. Nó tôn một không gian lên thành khu vực “dành riêng”, đồng thời lại có tác dụng giới hạn các mảng “đậm lợt” khác nhau, ẩn hiện ý nghĩa tôn ti, nề nếp.

Tuy nhiên, sự bài trí như vậy lại không chia cắt quá đáng phạm vi một không gian, theo đó dễ làm ngột ngạt , mà nó vẫn tạo được cảm giác đó là một thực thể thống nhất và gắn bó. Về giá trị khoa học – quang học, do đặc tính cấu tạo thường là các song thưa 1:1, cộng với hiệu quả về ánh sáng, các bức tường rèm này cho phép thực hiện sự quan sát ở vùng trong ra vùng ngoài và ngăn chặn sự quan sát ngược lại.

Các trang trí hoa văn ở bề mặt còn làm tăng cường hiệu ứng bắt dính tầm mắt dừng lại ở trước bức rèm, không cho người thường nhìn thấu qua chỗ “thiêng”, kẻo bị “quở”!. Hiệu ứng này đồng thời làm khuếch tán sự tập trung và góp phần hạn chế cả khả năng âm thanh bị “lọt” ra ngoài. Học thuyết “Bức Tường Trung Hoa”, theo như cách lý giải vừa nêu, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu hiện thực và lô-gich về nề nếp tổ chức.

Áp dụng trong TTCK, học thuyết Bức Tường Trung Hoa là một khái niệm nói lên các biện pháp có tính công cụ nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin kín giữa các bộ phận trong cùng một công ty. Những bộ phận hoặc chi nhánh của một công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán có điều kiện giao tiếp với các thông tin nội bộ quan trọng – như bộ phận pháp lý, phân bộ trung gian huy động vốn đầu tư và các nhà phân tích chứng khoán khác nhau – không được phổ biến thông tin mà mình có thuộc loại này cho bất cứ ai có thể lấy đó suy diễn để khai thác mua bán kiếm lời hoặc né lỗ. Bức tường tưởng tượng này được thiết lập bắt buộc giữa bộ phận phụ trách trung gian huy động vốn đầu tư – investment banking – và các bộ phận kinh doanh và bán lẻ chứng khoán .

Bức Tường Trung Hoa do vậy là một bức tường ước lệ, được dựng lên bằng các biện pháp quản lý, các quy chế, thủ tục có hiệu lực đủ mạnh như một công cụ nhằm cách ly hướng thông tin theo ý đồ và bảo vệ nguồn thông tin cần giữ kín. Nó luôn được “tuần tra để duy tu” theo một chế độ “chăm sóc đặc biệt”.

Trong những TTCK phát triển, các luật lệ chế định và các phân tích về hành vi mua bán nội gián được đưa ra một cách chi tiết. Đến độ các hành vi mách nước – của các tipper và tippee (người mách nước và người được mách bảo) – hoặc các mối quan hệ, liên hệ công việc,… cũng được mô tả rõ ràng. Tuy nhiên, để phơi sáng đều khắp các “vùng mờ” là công việc hết sức khó khăn và cao cả của sự nghiệp xây dựng một TTCK lành mạnh.

Huy Nam

Chuyên viên Nghiên cứu CK & TTCK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm bài viết