Phần hồn của thị trường chứng khoán: Thanh khoản

Đăng ngày

Chia sẻ:

Do mục tiêu là cần một thị trường có mua bán tấp nập (có thanh khoản) nên ý kiến ở đây tập trung vào việc khơi dậy lực lượng đầu tư.

Nhìn chung, có ba vấn đề lớn cần quan tâm như sau: Chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư, cụ thể hơn là người ‘chơi’ chứng khoán hay khách giao dịch thứ cấp, và môi trường đầu tư, gồm môi trường doanh nghiệp, môi trường tổ chức phục vụ, trong đó có các hành lang và bối cảnh quản lý. Sự phân chia này là tương đối và chỉ để tiện khảo sát. Trong ba nội dung vừa đề cập, vấn đề thứ nhất (chứng khoán niêm yết) có lẽ không quá khó, vì sự việc có thể hoá giải nhờ ‘sức ép’ của pháp luật và các tác động có tính khuyến khích. Quyết định 528/QĐ-TTg ngày 14-6-2005, đặt gần 180 doanh nghiệp cổ phần hoá vào thế buộc phải chọn lựa là ví dụ. Vấn đề thứ ba (môi trường) tuy khó hơn, do có yếu tố bối cảnh, nhưng vẫn có thể khắc phục bằng các nỗ lực hay biện pháp chủ quan. Khó nhất có lẽ là vấn đề thứ hai, là làm sao kéo nhà đầu tư đến với thị trường.

Tại sao khó? Vì đây là vấn đề liên quan đến niềm tin, liên quan đến khả năng quyết định (hoàn toàn tự do) chơi hay không của đối tượng mà cả thị trường nhắm tới để phục vu. Nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp, ví dụ tại STC, cần được nhận dạng và được hiểu thoáng hơn nghĩa cổ đông hay chủ nợ. Vì họ là thân chủ, là khách hàng, là người chơi chứng khoán. Dù muốn hay không thì quí ông quí bà ‘có tiền’ này cũng là dạng ‘khó tánh’. Thành tố này lại nhất thiết cần được nhân rộng và nuôi dưỡng… Thế thì hãy xem thị trường sẽ làm gì để thu hút khách đầu tư? Đây chính là việc cần xới lên ở vấn đề thứ ba nói ở đoạn trên. Theo đó có ba bối cảnh rất cần được quan tâm.

Thứ nhất là ở các doanh nghiệp cổ phần. Ngoài tiềm năng hiệu quả và triển vọng phát triển, các doanh nghiệp này cần được tổ chức và quản trị tương thích theo quy ước cổ phần. Từ cách hành xử minh bạch trong quan hệ về tài sản và tài chánh, đến sự rõ ràng, tích cực trong chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp theo đuổi… Thứ hai là ở bối cảnh các doanh nghiệp hỗ trợ và dịch vụ, cụ thể là các công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán. Ở đây cần yếu tố ‘hồng chuyên’ thật sự. Khâu này mà ‘lệch tâm’ hay thiếu mẫn cán thì thị trường sẽ ảm đạm ngay. Vì thế mà thị trường đòi họ phải giỏi, tận tụy và trung thực. Thứ ba là ở bối cảnh quản lý nhà nước nói chung. Đây là bối cảnh nền, là chỗ dựa để bối cảnh thứ nhất (doanh nghiệp cổ phần) và bối cảnh thứ hai (tổ chức hỗ trợ) có được tư thế theo yêu cầu. Do vai trò vừa tạo hành lang tổ chức thị trường vừa tạo điều kiện vận động sự tham gia của đại chúng, bối cảnh vĩ mô nhất thiết cần các chủ trương đồng bộ và chính sách nhất quán. Dựa trên ba nội dung vừa nói, việc soi lại môi trường đầu tư đã qua để có giải pháp cải thiện cho tương lai sẽ có ý nghĩa thực chất hơn. Là bởi, sẽ khó phát triển thị trường với các công ty niêm yết chưa thoát ngưỡng ‘nội bộ’, với khâu hỗ trợ còn nặng ‘trung gian’, với một hành lang không đồng bộ, kém nhất quán, gây hoang mang lo ngại (ví dụ văn bản 6680-TC-BĐS-CS ngày 11-10-2004 của Ban Chỉ Đạo 80 TPHCM về sử dụng nhà đất đối với doanh nghiệp cổ phần hoá)…

Nhìn về tương lai, từ năm 2007 sở giao dịch TPHCM sẽ được nâng cấp hiện đại. Nếu hệ thống giao dịch mới cần tối thiểu 100 000 lệnh mỗi phiên để phát huy công suất và để có thể khớp lệnh liên tục, thì vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở việc đưa vài trăm công ty lên niêm yết, mà việc làm sao thu hút được vài ba trăm ngàn nhà đầu tư vãng lai mới là quan trọng. Vài ba trăm ngàn tài khoản không quá lớn, nhưng sẽ không dễ có nếu như tình hình cứ tiếp tục lì lì như thời gian qua (trước 7-2005). Liệu với qui mô dân số gần 80 triệu và lượng tiết kiện ước cả chục tỷ Mỹ kim, với nền kinh tế đang mở ra mạnh mẽ như hiện nay… có sẽ giúp thị trường cải thiện được ‘đầu ra’ này? Hy vọng vậy. 

Bên cạnh vấn đề môi trường đầu tư, thị trường còn cần sự quan tâm rất tập trung – có thể là một chương trình quốc gia – về thông tin và hướng dẫn (chưa cần kiến thức sâu) cho công chúng (và cho cả nền kinh tế) biết rằng đầu tư chứng khoán thực sự là hoạt động ích nước lợi nhà. Phải vừa tạo điều kiện tốt, vừa khẳng định như vậy mới mong thắp sáng lại được lửa đầu tư. Đến 2010, nếu có được 0,5% dân chúng biết ‘chơi’ chứng khoán thì thị trường cũng đã có gần 400 000 khách vãng lai. Tuy nhiên, sự động viên đại chúng như vậy chỉ là một lẽ… Thị trường cần có thêm các nỗ lực tự thân tích cực hơn. Trước tiên, nên xem lại việc hạn chế giao dịch cổ phiếu của cán bộ công nhân viên được mua với giá ưu đãi tại các công ty cổ phần hoá, theo hướng hoặc bỏ hoặc giảm xuống dưới một năm. Tại sao? Vì việc quy định này có vẻ bảo thủ (hạn chế cổ đông ngoài) chứ không đem lại được điều tốt hơn cho doanh nghiệp. Thứ đến, các công ty chứng khoán (và các định chế tài chánh khác) cần mở rộng các nghiệp vụ tư vấn đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, nghiên cứu mở thêm các loại tài khoản đặc biệt thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, kể cả các tài khoản ủy thác giao dịch (dạng discretion, limited discretion, hay advisory account). Ta đã có các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ thì không lý gì lại chậm phát triển các loại tài khoản đặc biệt này. Cả thị trường (nhà quản lý, sở giao dịch, tổ chức thành viên) cũng nên xem xét cải tiến về giao dịch sao cho thuận tiện. Ý này bao gồm nỗ lực ‘phủ sóng phục vụ’ để người dân ở mọi miền đều có thể tham gia và yên tâm chơi chứng khoán. Việc rất nhiều tỉnh thành hiện nay còn ‘mù’ với hoạt động đầu tư chứng khoán có thể là điều đáng trách (?).    

Một thực trạng cần quan tâm khác là các nhà đầu tư  tổ chức. Đây là lực lượng đầu tư hùng mạnh mà bất cứ thị trường nào cũng cần nhắm tới. Thế nhưng, ở ta đến nay (7-2005) các nhà đầu tư dạng này còn quá mỏng, chưa tới 200, lại khá thụ động. Trong khi đó số doanh nghiệp và tổ chức trong nước hiện chí ít cũng phải tới trăm ngàn. Các nhà đầu tư tổ chức mà lãnh đạm với thị trường chứng khoán thì quả thật đáng tiếc.

Nhiều đúc kết rút ra từ các nền kinh tế đi trước cho thấy hoạt động đầu tư chứng khoán thực sự là hấp dẫn. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, do Computer Advisors of Silver Spring, Maryland, tiến hành trong giai đoạn 56 năm từ 1926 đến 1982, thì tổng thu nhập từ đầu tư vào cổ phiếu phổ thông trong giai đoạn được khảo sát cao hơn gấp ba lần chỉ số tăng giá tiêu dùng cùng thời kỳ. Và nếu chia 56 năm ấy thành 47 ‘thời đoạn 10 năm’ nắm giữ (47 possible ten-year holding period) thì số thời đoạn có giá cổ phần phổ thông tăng vượt giá tiêu dùng là 41/47. 

Điều lý thú là cả ta và tây đều đã quen gọi đầu tư chứng khoán là chơi chứng khoán (play, tức invesment). Cách gọi thân mật này thực ra được dùng nhiều hơn ở giao dịch thứ cấp, do nơi đây sôi động và thu hút không hạn chế khách vãng lai. Xem vậy, khi có môi trường tốt thì người ta sẽ quên ăn mất ngủ để rượt đuổi cơ hội, chứ có đâu phải động viên mới chơi… Nhờ có sự ‘ham chơi’ mà thị trường có thanh khoản tốt.

Huy Nam, CV Kinh tế và CK, TP.HCM

  • Trích bài viết đóng góp cho tọa đàm “TTCK Việt Nam – 5 năm hoạt động và phát triển”, TP HCM, 15-7-2005
  • Thoibao Kinh te Saigon 14-7-2005.

 

Xem thêm bài viết