“Quân sư” thời kỳ đổi mới

Đăng ngày

Chia sẻ:

(VietNamNet) – Quân sư thời nào cũng có, nhưng thời nay đó là những con người đặc dụng đối với các nhà làm chính sách, nhờ có họ mà quá trình đổi mới của Việt Nam nhanh chóng thẳng tiến

Việt Nam có được những thay đổi như ngày nay là nhờ nỗ lực của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ khó có thể thành công nếu không có các cơ quan tham mưu. Có một lực lượng  góp phần vào những thay đổi này không thể không nhắc đến chính là các chuyên gia kinh tế. Họ được gọi là quân sư của thời kỳ đổi mới bởi lẽ những điều họ tham mưu đều hướng đến mục tiêu đổi mới, xóa bỏ những rào cản, đồng thời tác động vào giới làm luật để khơi dòng chảy mới cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Chân dung các quân sư

Áp lực hội nhập luôn buộc Việt Nam phải liên tục cải cách và đổi mới, cũng chính những áp lực này mà các nhà lãnh đạo phải hình thành những “bộ sậu” hoặc các chuyên gia để ứng phó kịp thời các tình huống. Từ cấp Chính phủ, Bộ ngành đến địa phương, Sở ngành đều có “bộ sậu” của riêng mình.

Đối với Chính phủ, các “bộ sậu” chính là các Bộ và các cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý nhà nước. Những “bộ sậu” thường tham vấn cho Chính phủ các chính sách, chủ trương thay đổi theo từng thời kỳ và giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Ví dụ, để đưa ra sách lược tham gia vào WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), Chính phủ cần tham vấn của các Bộ để có các quyết sách trong đàm phán và thương lượng với từng nước thành viên hoặc nhóm nước thành viên. Đối với mục tiêu này, các quân sư của Chính phủ thường là những Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thương mại, Tài chính, Ngân hàng, Nông nghiệp…

Đó là những quân sư nhà nước. Bên cạnh các chính phủ còn có các quân sư chuyên gia, là những nhà khoa học, nghiên cứu, kinh tế, chuyên môn… không phải là các quan chức tại vị. Lực lượng này được xem là đối trọng với quân sư nhà nước. Nếu quân sư nhà nước tham vấn cho chính phủ thường lấy quyền lợi của cơ quan quản lý nhà nước và cả bộ mình làm trọng tâm thì các quân sư chuyên gia lấy lợi ích của cộng đồng, dân chúng hoặc DN làm nền tảng. Chính mục tiêu đối lập này mà các tham vấn cho chính phủ luôn phản ảnh nhiều gốc độ ảnh hưởng kể cả ngược chiều. Các quân sư chuyên gia hình thành các tổ để tham vấn từng sự vụ cụ thể cho chính phủ. Lấy một nhóm quân sư chuyên gia làm ví dụ, đó là tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Tổ công tác được thành lập trong khi thực thi Luật Doanh nghiệp, được xem là “tâm huyết” của chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế. Nhiệm vụ của tổ công tác này là khơi dòng cho Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống và “phá bỏ” các ràn cản mà các cơ quan quản lý nhà nước cố tình hoặc vô ý dựng lên để làm khó DN.

Một bộ phận bên cạnh Chính phủ có vai trò như quân sư làm “mới” DN là Ban đổi mới và phát triển DN. Cũng là cơ quan quản lý nhà nước nhưng trọng tâm nhiệm vụ của cơ quan này là làm cho DN, đặc biệt là DN nhà nước, mạnh hơn, xóa bỏ cơ chế cũ vốn  nặng nề, làm cản trở sự phát triển của khối DN chủ đạo này

Lợi ích của DN, cộng đồng:

Chuyên gia đổi mới là những người vì lợi ích của DN, cộng đồng và người dân. Họ là những tên tuổi như Đào Duy Quát, Nguyễn Đình Cung, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Huy Nam… là một số chuyên gia không phải là quan chức nhà nước. Tiếng nói của họ là tiếng nói của những người mà họ đại diện.

Cuộc đấu tranh vì sự đổi mới, cải cách hành chính và cải thiện môi trường luật pháp rất vất vả vì đối tượng phải “lật đổ” là những quan điểm cũ kỹ, bảo thủ và độc đoán của  cơ chế quan liêu.

Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, kể lại chuyện Tổ đã bị phản ứng thế nào từ các cơ quan nhà nước khi đề nghị bãi bỏ giấy phép con trong kinh doanh. Đợt 1, Tổ đề nghị bãi bỏ 150 giấy phép con, đã diễn ra khá suôn sẻ bởi công việc này được chuẩn bị khá kỹ, hơn nữa bối cảnh cải cách đang cao trào và đặc biệt là những người liên quan chưa biết mình mất gì.  Khi điều này đi vào thực tiễn, số người xin giấy phép tự nhiên giảm đáng kể, khiến những người liên quan “giựt mình” vì nhận thấy mình mất đi “quyền năng”. Họ phản ứng dữ dội trong các đợt đề nghị tiếp theo và làm mọi chuyện cố giữ lại quyền lực. Họ thậm chí đe dọa cả tính mạng của những “người hùng” đổi mới, khiến họ một phen sợ hãi.

Các chuyên gia đổi mới, phần lớn là những người đã từng làm việc trong các cơ quan hoặc công ty nhà nước vì vậy họ hiểu rõ những khúc mắc của DN, những chểnh mảng của cơ quan nhà nước. Chính họ tạo ra kênh tác động nhanh chóng và hiệu quả làm thay đổi hoặc chỉnh sửa cơ chế bảo thủ. Lại chuyện kể về việc thi hành Luật Doanh nghiệp với qui định công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có quyền thành lập DN. Ông Nguyễn Đình Cung nói rằng qui định tưởng chừng như đơn giản vì ai cũng có thể đáp ứng khi muốn mở DN, ấy vậy mà nó “hành” DN suốt một khoảng thời gian dài. DN xin xỏ, lạy lục rất nhiều cơ quan công quyền khi xin giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận vốn, lý lịch, ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý… tính ra có đến 10 giấy phép con như thế. Nếu không có các chuyên gia đổi mới đề nghị Chính phủ bãi bỏ giấy phép xin – cho này, chắc có lẽ đến bây giờ DN vẫn còn khốn khổ…

Xuất phát từ mong muốn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẵng cho DN, các chuyên gia đổi mới không ngại khó. Ông Huy Nam, một quân sư ở TP.HCM, nói rằng ông đã từng làm việc trong DN nhà nước và ông hiểu rõ một DN phải đương đầu như thế nào đối với cơ chế cũ. “Tất cả những gì chúng tôi làm là vì sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và lợi ích của cộng đồng DN”, ông Nam phát biểu. Không chỉ tham gia tham mưu các chính sách cho Chính phủ, các chuyên gia đổi mới còn hỗ trợ tư vấn cho các DN. Là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông Huy Nam đã hỗ trợ DN thực hiện cải cách trong quản lý tài chính, đồng vốn và cả quản trị DN. Nhiều DN có thể kể tên như Savico, Tổng Công ty Bến Thành, Saigon Postel, Sacom, Savimex… và cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam.

Minh Quang

(VietNamNet) – 00:02‘ 09/02/2005 (GMT+7)

Xem thêm sách