Quê hương hơn một…

Đăng ngày

Chia sẻ:

Tôi đang ở trong lòng đất nước… Tôi được sinh ra tại một nơi, lớn lên đi học, đi làm vài nơi, và có thể về già tại nơi khác. Đời người trôi dạt vậy nên có lắm quê. Thế nhưng, nếu quê cha, quê mẹ, quê nhà đã thấm vào máu thịt, thì xưa nay ta lại như vô tình với quê mình, với cái quê đã cưu mang mình. Sống gần trọn đời tại một nơi thì đó có thể vẫn chỉ là đất khách, chưa ai nhận nơi ấy là quê cả…

Đùm anh như con, bọc anh như ruột thịt, thế mà anh cứ hồ mơ ‘viễn xứ’… Đất khách trách anh đấy! Cho dù quê có là gốc, việc ta gọi nơi đùm bọc mình là đất khách hay quê người là không công bình. Gởi thân, đặt phận, rồi sinh con đẻ cái ở đó, sao ít ra ta không gọi nơi ấy là ‘quê con’ nghe cho có tình? Mà quê đâu hẳn đã là gốc, bởi nếu không vậy thì sao nhiều lúc ta còn gọi là ‘quê gốc’? Tuy vậy, cứ cho quê là gốc và mỗi người chỉ một quê, thì một đời người dọc ngang đất nước lại có thể có nhiều đất khách. Đất khách không là quê, nhưng lẽ nào đó không lại quê hương? Quê hương cả đấy chứ. Vậy sao ít khi nghe anh nói yêu cái ‘đất khách’ ấy, mà lại thường thao thức ‘quê hương’. Quê hương buồn anh đấy! Quê hương đâu chỉ một, quê hương đâu chỉ là cái nôi bồng bế tuổi thơ anh… Quê hương hơn một. Quê hương hơn một nhưng không là hai… Từ quê đến quê hương như vậy có thể sẽ ‘lắm chuyện’, hờn giận không chừng. Nhưng biết đâu những ‘lời qua tiếng lại’ ấy sẽ là dịp để ta ‘ngộ’ quê hương và yêu quê mình, để tôi tìm thấy ta trong quê hương hơn một…

Theo khái niệm thông thường, là nếp nghĩ hay lý lời của thơ nhạc, thì quê hương được xem là quê nhà. Đó là nơi ta sinh ra, là đồng quê, lũy tre, khói lam chiều hay con diều biếc… Quê hương như vậy gần với những hòai niệm của lớp già, là cố hương. Đó có vẻ là những thứ của người lớn nhớ lại hay vẽ ra, rồi bắt con cháu của mình, kể cả các em được sinh ra và lớn lên ở phố, cũng phải có khái niệm giống vậy. Và cứ vậy, ta chẳng cần biết thực ra quê hương không nhất thiết chỉ là cái gì đó rất quê, hay phải thơ mộng, mà đó có thể là nhọc nhằn, trăn trở… Người Úc đã khoe quê hương mình là ‘cháy nắng, hiểm trở, hạn hán, mưa lũ, cuồng nộ’(*), tòan là khắc nghiệt, và họ đã quảng bá thông điệp này ra thế giới. Tiếc là ở ta rất ít (hay chưa) thấy có các khái quát bay bổng về quê hương Việt Nam để các em, từ đồng bằng đến phố thị, khi đọc lên hay ngân nga sẽ có cùng cảm nhận và hình tượng đúng về đất nước mình.  

Đất nước thì ở đâu mà chẳng quê hương… Ai cũng nói vậy, nhưng rồi những khuôn thước xưa và quan niệm hành chánh nay tiếp tục làm cho quê hương bị nhỏ hẹp trong mỗi người. Tuy vậy, quê hương theo khái quát xưa, là làng thôn hay rộng hơn là miền đất, chỉ là ước lệ về một không gian để vỗ về kỷ niệm. Tình yêu hay tấm lòng dành cho quê hương do đó dễ vô tư. Những rung cảm qua niềm thương nỗi nhớ hoặc chút tự hào hướng về quê nhà như vậy là hồn nhiên và đáng quý. Quê hương ấy tồn tại tự nhiên, không đóng khung hay bị phân ranh, không gói con người ta thành các gói nhỏ ‘địa phương’. Nay thì hơi khác… Không ít lúc ta khiên cưỡng lồng quê hương trong các địa giới hành chánh. Quê hương ‘biên chế’ theo các không gian ‘chỉ là để cho tiện quản lý’ ấy không ổn định. Tình yêu quê hương do vậy dễ bị ‘cuốn theo chiều gió’ nếu cứ thế mà ta dời đổi theo. Tình yêu ấy nếu phát triển quá đáng dễ biến thành ước muốn ‘thể hiện’, làm ta rơi vào cục bộ mà không hay! Trong môi trường quyền lực, tình tự quê hương đóng khung còn có thể dẫn đến các hành xử thiên lệch, thiếu khách quan… Nghĩa đất tình quê trong các điều kiện như vậy sẽ kém dần ý nghĩa.

Mặt khác, nếu địa giới hành chánh bị lẫn lộn với địa dư kinh tế (hai khái niệm này khác nhau), và/hoặc một quan niệm thái quá về ‘sức mạnh kinh tế địa phương’, có thể tạo tâm lý tự lập, cát cứ… Các tranh thủ phi kinh tế, sự cạnh tranh giữa các không gian kinh tế hẹp, chẳng những gây phí phạm mà còn có thể triệt tiêu lợi thế của nhau, thậm chí hại nhau. Điều này làm cho các nguồn lực hay lợi thế kinh tế theo địa dư kém phát huy. Cảng biển miền Trung và việc khai thác sông Đồng Nai là các ví dụ. Hoặc, việc xúc tiến đầu tư do mạnh ai nấy làm nên khách đến đâu chỉ được biết đó. Chuyện kế bên là của kế bên… Hiện ta có tới 64 cái kế bên như vậy! Đáng nói, thứ sản phẩm chủ lực mà nơi nào cũng có ‘thế mạnh’ để chào mời lại thường chỉ là… đất. Thử so sánh với Trung Quốc để ngẫm ta ‘to’ cỡ nào. Trung Quốc với 1,3 tỷ dân nhưng chỉ có 36 tỉnh, còn Việt Nam chừng hơn 80 triệu dân lại có đến 64 tỉnh thành! Thời ‘internet’ mà tỉnh còn ‘lẻ’ quá thì e chưa thuyết phục. Đã vậy, cuộc rượt đuổi cái ‘anh có tôi có’ giữa những đầu mối kinh tế ấy đã để lại những ‘đích đến’ cười ra nước mắt. Ngòai sự thảm hại của nhiều ‘ngành công nghiệp tỉnh’, thông tin về việc tranh thủ ‘nắn’ đường Trường Sơn ‘quẹo’ vô tỉnh mình cho thấy cái tâm có thể đã hại cái tầm!

Địa giới hành chánh không là quê hương mà chỉ là địa phương. Biết vậy, nhưng nhiều nơi vẫn cứ dựa vào đó để cổ xúy tự hào. Tự hào mà đi cặp với địa phương thì ôi thôi dễ ghét, vì sẽ lạm phát những ‘cái rốn’. Tình cảm tự hào là tốt, nhưng thái quá có thể làm cho ta khó gần người và người cũng khó gần ta. Sự tự hào như vậy lại dễ bị tổn thương hay hụt hẫng khi không gian hành chánh thay đổi. Chẳng hạn, Quảng Nam xưa là miền đất từ Hải Vân đến Dốc Sỏi, và tình đồng hương cũng trải dài như vậy. Nay, miền đất này đã ‘bị’ tách thành các tỉnh nhỏ thì lẽ nào vì cái ‘hộ khẩu’ mà người dân ở đó sẽ hết đồng hương?

Chẳng khác niềm đau nỗi xót, thực tế hễ cứ chia tách tỉnh là có ngay việc phân biệt quê này quê nọ. Và điều này còn có thể đã làm cho nhiều người mất ngủ trước các đợt ‘bố trí’. Chuyện vừa nói không còn lạ và đã di căn vào lắm ngõ ngách… Nhưng đó là việc khác và sẽ chưa là điều gì buồn xót đối với nhiều tấm lòng nếu không có việc tách hội đồng hương. Đồng hương, sao lại tách? Tình đồng hương chứ sao ‘tình tỉnh’?! Thế đấy, một quan niệm quê hương hẹp, nói chung, có thể làm tổn thương tình quê hương đích thực. Quê và quê hương, không tách rời và đừng bỏ sót.

Sống quê mình, yêu quê hương, nhớ quê nhà… Quê nhà quyện trong quê hương, trong quê hương có quê mình… Quê hương rộng hơn nơi tôi nhớ và ‘nhiều’ hơn nơi tôi sống. Quê hương hơn một là quê hương để mở lòng… Để tôi không vô tình với nơi cưu mang tôi, với nơi tôi sẽ đến trên đất nước này. Đó là nơi để ta yêu chứ không chỉ nhớ.

Huy Nam, CV kinh tế và TTCK TP.HCM

TBKTSG, Xuân At Dậu 2005

Tác phẩm đoạt Giải nhất Giải Báo Chí TPHCM 2005

Được in lại trong cuốn Ẩn Số Động Lực Trong Phát Triển Kinh Tế (NXB Thanh Niên, 2007) và cuốn Hai Mươi Bốn Giờ Một Phút (TBKTSG-NXB Trẻ, 2010)

(*)

Tôi yêu quê hương cháy nắng

Những cánh đồng bằng phẳng bao la

Những núi non hiểm trở tự ngàn xưa

Những mưa lũ, những ngày hạn hán

Những chân trời kéo dài vô tận

Những biển xanh ngà ngọc xanh tươi

Vẻ yêu kiều, cả những cơn cuồng nộ của quê hương

Yêu biết mấy dãi đất nâu rộng lớn

(‘Đất nước tôi’, nữ sĩ Dorothea Mackellar, do Dr. Phạm Vũ Thịnh phỏng dịch)

Nguyên bản:

I love a sunburnt country

A land of sweeping plains,

Of rugged mountain ranges

Of droughts and flooding rains.

I love her far horizons

I love her jewel-seas,

Her beauty and her terror

The wide brown land for me.

(My Country, Dorothea Mackellar)

 

Xem thêm bài viết

  • Người cha thầm lặng…

    Tôi định viết về ông đôi lần, nhưng thôi, do nghĩ đây là chuyện riêng tư....

  • Việt kiều Mỹ… gốc Hoa

    Cơ sở của người bạn ấy ở San Gabriel, Orange County, bình thường có hơn chục...

  • Nước Đức như và không như tôi nghĩ…

    https://plo.vn/nuoc-duc-nhu-va-khong-nhu-toi-nghi-post323047.html https://www.tintucvietduc.net/cong-dong/nguoi-viet-o-duc/24898-nuoc-duc-nhu-va-khong-nhu-toi-nghi.html Dù có thời gian dài tiếp xúc và làm việc nhiều với người Đức,...