Được xem là người bạn tin cậy của xã hội, khi có điều bất bình hay một nguyện vọng, trước tiên quần chúng có thói quen muốn nhờ đến báo chí. Chẳng hạn khi gặp một sự chèn ép, một thủ tục “hành” chinh hay biết bao điều chưa hợp lý khác, người ta thường “ước gì có một bài lên báo!” hay “sao báo đâu không nói?”. Nhờ báo chí đã sắm tròn vai “trung gian” của mình nên đã tập hợp được sự tín nhiệm. Nhà báo được tôn vinh, gần gũi và được trân trọng là một nghề cao quý trong xã hội.
Nhưng lại đã có một dạo người ta bàn nhiều đến tình tự “dị ứng” nhà báo. Nguồn gốc của tình tự này có thể bắt nguồn từ hai phía : Phía những nhà báo bị lệch “tâm” hoặc chệch khỏi đường ray “vai trò”; và phía nhũng người bị công luận (thể hiện qua báo chí) chạm đến quyền lợi. Quần chúng phản ứng lại những lệch lạc về phạm trù đạo đức và vai trò của phía thiểu số nhà báo kia; đồng thời quần chúng cũng có thể bị tác động hay bị lây lan từ những thành phần phường hội nọ. Sự đan xen chao mờ, hay thậm chí lợi dụng qua lại từ hai phía còn làm cho tình hình xấu thêm chút nữa. Hình ảnh nhà báo bị ảnh hưởng chung là vậy.
Giữa sự tự hào và ray rứt về nghề nghiệp nếu chưa là thực tế thì ít ra cũng đã là một loại tình tự khác đang xuất hiện trong nội bộ giới làm báo. Có thể xem đó là biểu hiện cần thiết và tích cực mà Hội Nhà Báo TP.HCM đã chính thức đặt thành vấn đề, và “Nghề Báo & Nhà Báo” đang liên tục theo đuổi vận động với mục đích gạn đục khơi trong. Mong rằng đó không phải là việc làm kiểu xuân thu nhị kỳ hay kêu gọi chung chung.
Khi đọc mục “suy nghĩ về nghề” trong tập san Nghề Báo & Nhà Báo, tôi nghĩ rằng người đọc sẽ dễ thông cảm hơn với tâm tư của những nhà báo chân chính và yêu nghề. Suy cho cùng, những tiêu chí không vượt quá đời thường mà nghề nào cũng cần, cả trong lao động lẫn cuộc sống. Chẳng hạn, bộc bạch của anh TTT (Thời báo KTSG) hoặc anh VDG (báo CG&DT) cho thấy dù đặc điểm vào nghề hay hoàn cảnh, lãnh vực làm báo có khác nhau ra sao thì cái “tâm” nghề nghiệp cũng hoàn toàn giống nhau. Nếu quần chúng sẽ biết được nhiều hơn về điều đó thì lòng tin yêu nhà báo sẽ lại được củng cố. Tuy nhiên quần chúng cũng cần được nghe những trăn trở để, trước mắt, ít ra không lẫn lộn dăm ba hạt sạn hay bông cỏ với nồi gạo. Do đó mà tâm sự như chị Thu Ba rất có giá trị “dân vận”: “tôi ray rứt khi nhà báo bị nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm” (Nghề Báo&Nhà Báo số 9-1999).
Đã có trường hợp một người chưa bao giờ là nhà báo cả lại phải nếm “quả đắng” nghề báo. Chuyện đó xảy ra trong một chuyến đi bàn hợp đồng thi công một công trình xử lý thải tại Cần Thơ. Một chuyên viên kinh tế, phụ trách về phát triển thị trường và kinh doanh, chỉ vì bị nghi ngờ là nhà báo trà trộn vào nên đã được chủ nhà khéo léo cho ngồi ngoài đường chơi trong suốt chuyến đi!
Mới đây, một hôm tôi ăn sáng và bàn chút việc chuyên môn với anh ĐVT, giám đốc một công ty cổ phần lớn của ngành bưu chính viễn thông, có một chi tiết bên lề rất gần với nội dung bài này xin được kể lại. Do biết lâu nay tôi có viết đều và nhiều cho các báo kinh tế, một cách rất tự nhiên và thật tình, anh T giới thiệu tôi là nhà báo với người bạn đi cùng với anh ấy. Tôi vội vàng đính chính. Thật tình tôi không biết anh T đã nghĩ thế nào khi tôi khăng khăng phản ứng nhanh như vậy. Rất có thể tôi đã làm anh cụt hứng? Nếu đúng vậy thì nhân đây tôi thành thật xin lỗi. Chẳng qua trước cách gọi danh đó tôi chợt nghĩ: Nhà báo, là một thiên chức không phải để cho ai cũng có thể nhận liều…
(Tạp chí Nghề Báo Hội Nhà Báo TPHCM, 1999)