Sẽ rất hữu ích nếu ta hiểu việc tách cổ phần một cách đầy đủ và đúng đắn… Tách cổ phần là một kỹ thuật có tính thị trường (có gốc hay có yêu cầu từ thị trường). Kỹ thuật này nhằm đáp ứng yêu cầu về giao dịch, nôm na là nhu cầu thị trường. Hoạt động tách cổ phần không làm thay đổi bản chất cơ cầu tài chính công ty, và về lý thuyết việc này không có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công ty và cổ đông.
Tách cổ phiếu như vậy bắt đầu từ đòi hỏi khách quan, là quyết định ‘đối ngoại’ hơn là một giải pháp kinh tế tài chính nội tại. Nói cách khác, đây như một ‘động tác giả’ được phép làm công khai để một sản phẩm trở nên dễ mua bán. (Có thể liên hệ việc này với cách ghi giá của những ngưới bán dạo trái cây dọc đường khi họ ghi trên bảng: 1/2 ký giá 5000 đồng thay vì 1 ký giá 10.000 đồng). Hiểu theo ý này thì việc tách gộp cổ phiếu nghiêng về hoạt động tiếp thị hơn.
Tuy việc tách cổ phiếu không tạo ra thêm giá trị cho công ty và cổ đông hiện hữu, không làm thay đổi bản chất cơ cầu tài chính, không phải là một hoạt động tài chính doanh nghiệp (hay xuất phát từ động cơ tài chính), hoạt động này vẫn có một ít tác động đến doanh nghiệp và cổ đông.
Chẳng hạn, việc tách cổ phiếu sẽ làm thay đổi lượng cổ phần đã đăng ký theo điều lệ và điều này đặt ra yêu cầu công ty phải chỉnh sửa điều lệ và đăng ký lại. Xin mở ngoặc, đối với công ty cổ phần, khái niệm ‘vốn điều lệ’ không có mấy ý nghĩa, việc đăng ký và quản lý dựa trên số cổ phần lưu hành, quá trình thay đổi và sổ sách kế toán. Về tác động gián tiếp, do việc tách cổ phiếu luôn có mục đích để sản phẩm dễ giao dịch hơn nên điều này có thể đem lại kết quả tích cực. Cụ thể, tính thanh khoản cổ phiếu đó thường tốt hơn, giá có thể tăng lên. Nhưng đây chỉ là một hệ quả không chắc chắn từ ‘sự thay đổi bao bì đóng gói’. Cũng do yếu tố tâm lý, mặc dù giá trị sở hữu trước và sau đợt tách cổ phiếu vẫn vậy, các cổ đông hiện hữu có vẻ cảm thấy mình ‘giàu’ hơn khi lượng cổ phần họ đang nắm giữ tự nhiên tăng lên! Ảo giác này có thể không có mấy ý nghĩa đối với nhiều trường hợp và trong một khoảng thời gian nào đó (xem một số kết quả nghiên cứu ở phần cuối bài này) .
Qua phân tích trên, có thể nói việc tách cổ phiếu không thể là việc làm chủ quan, lại càng không thể tiến hành tùy tiện. Nghĩa là gì? Là sẽ không minh bạch nếu về bản chất cổ phiếu đã được tách mà không có sự điều chỉnh giá giảm xuống tương ứng. Bất cứ cách vận dụng hay kết hợp tương tự nào (theo một danh nghĩa khác) nhưng thực chất là tách cũng được xem là không ‘fair’… Những hoạt động như vậy thiếu hẳn sự phản ánh nhân quả trung thực trong các phép toán kinh tế, có thể tạo ra sự ‘bất công minh’ giữa các cổ phiếu đang giao dịch trên cùng một thị trường. Do là hoạt động đơn thuần có tính ‘động tác’, có thể khẳng định việc tách gộp cổ phiếu là hoạt động luôn cần được các cơ quan quản lý nhà nước (chuyên ngành) quy định và giám sát chặt chẽ. Đồng thời nghiệp vụ này chỉ nên được tiến hành bởi các công ty đã có cổ phiếu niêm yết và đang lưu hành trên thị trường chứng khoán.
Mặc dù thông thường ta chỉ nghe nhắc đến tách cổ phiếu, cách gọi đầy đủ cần là ‘tách-gộp’ cổ phiếu. Đây là một hoạt động gồm hai cách làm ngược nhau, hoặc tách hoặc gộp. Cũng vậy, dù trong tiếng Anh người ta gọi thuật ngữ split là tách, vẫn có cách gọi khác thận trọng hơn cho tách là forward split và gộp là reverse split. Đồng thời, nếu tách là việc làm thường gặp, thì gộp không vì thế mà không có.
Trong thực hành, việc tách cổ phiếu chỉ xảy ra sau một quá trình giá đã tăng quá cao làm cho cổ phiếu đó khó giao dịch. Tách cổ phiếu cho kết quả số cổ phiếu đang lưu hành tăng lên và giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh xuống một tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, mục đích chính của việc tách cổ phiếu lại không phải để có ‘số lượng cổ phiếu tăng lên’ mà chính là để cổ phiếu đó ‘có giá thấp xuống’, để dễ mua bán hơn (gọi cách làm này vì mục đích thị trường là vậy). Do được xem là động tác kỹ thuật, chỉ ‘thay đổi bao bì đóng gói’, tuyệt nhiên không có việc thay đổi giá trị thuần (net worth) tính bằng tiền trong quá trình thực hiện tách cổ phiếu.
Một cổ phiếu được tách ‘một thành bốn’ theo thông lệ quốc tế được viết dưới dạng số (để cho dễ tính toán) là 4:1 (đọc là 4 for 1). Để xác định số cổ phần sau khi tách, ta lấy số cổ phần đang nắm giữ nhân với tỷ lệ này.
Chẳng hạn, một cổ đông đang sở hữu 1000 cổ phần MHN và tỷ lệ tách là 4:1, thì số cổ phần cổ đông đó có sau khi tách là 4000 cổ phần (1000x4/1 = 4000). Giả định giá cổ phần ấy trước khi tách là 60.000 VNĐ thì sau khi tách làm tư giá đó được chỉnh xuống còn 15.000 VNĐ, và giá trị 60.000.000 VNĐ (1000cp x 60.000VNĐ) trước lúc tách sẽ vẫn giữ nguyên sau khi tách (4000cp x 15.000 VNĐ). Quan trọng hơn, mệnh giá cổ phiếu cũng được điều chính (giảm xuống) bằng cách lấy mệnh giá trước khi tách chia cho tỷ lệ tách. Nếu mệnh giá cổ phiếu trước khi tách là 10.000 thì (với tỷ lệ tách 4:1) mệnh giá sau khi tách sẽ là 2.500. Điều này có nghĩa, tổng vốn theo mệnh giá trong sổ sách sẽ không có gì thay đổi sau khi tách.
Có thể lấy minh hoạ trên để kiểm chứng với các cách làm ‘nhái’ thiếu trung thực: Chẳng hạn, một sự ‘lặng lẽ tách’ mà không điều chỉnh giá thì giá trị thuần sẽ thế nào? Nếu cho là tăng lên thì không có cơ sở, là vô lý ngay. Và điều gì có thể là lợi đối với cổ đông hiện hữu thì cũng có thể sẽ là cái bẫy tai hại cho kẻ đến sau do họ không được thông tin trung thực. Việc này lại liên quan đến uy tín của các định chế phục vụ, vốn là nơi xây dựng và bảo vệ niềm tin và tạo ra cơ hội trung thực, công bằng cho thị trường. Tại sao? Vì trên thị trường niêm yết, cổ phiếu A sau khi tách vẫn là cổ phiếu A, không có sự phân biệt về tên niêm yết, mặc dù ‘cái bánh’ A đó sau khi được ‘đóng gói lại’ giá trị bây giờ có thể chỉ còn phân nửa.
Về nguyên tắc, bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc chẻ nhỏ vốn góp trên một cổ phần đều được xem là tách. Người đầu tư lại tin rằng khi hàng đã được yết lên ‘bảng’ thì khâu kiểm phẩm đã lường lọc hết rồi. Chính điều này nói lên tầm quan trọng đối với yêu cầu về những chuẩn mực quản lý thị trường. Như đã nói, thường thì các công ty chỉ quyết định tách cổ phiếu khi giá thị trường đã lên tới một mức quá cao. Tuy nhiên, bao nhiêu là ‘quá cao’ thì còn tùy thị trường, nhưng chỉ trên dưới một trăm ngàn đồng như ở ta thì chưa có gì phải lo cao.
Trường hợp gộp cổ phiếu tuy ít thấy hơn, nhưng vẫn được thực hiện khi giá một cổ phiếu xuống thấp quá. Ví dụ, trường hợp giá một cổ phiếu rớt xuống chỉ còn 7000 VNĐ và công ty quyết định sẽ gộp ‘ba cổ phiếu thành một’ (viết là 1:3, đọc 1 for 3) thì, nếu một cổ đông đang sở hữu 3000 cổ phần của công ty này, sau khi gộp số cổ phần của họ sẽ là 1000 (3000x1/3 = 1000). Tuy số cổ phần giảm xuống, giá trị thuần họ sở hữu không thay đổi: 3000 x 7000 VNĐ = 1000 x 21.000 VND = 21.000.000 VND. Cách điều chỉnh mệnh giá cũng tương tự như trường hợp tách. Trường hợp này mệnh giá sau khi gộp sẽ là 30.000 (nếu mệnh giá cổ phiếu trước khi gộp ba thành một là 10.000 đồng).
Trở lại việc tách cổ phiếu… Do hoạt động tách cổ phiếu chỉ đơn giản là việc ‘cắt nhỏ cái bánh ra’ cho dễ mua bán, giới nghiên cứu chứng khoán thế giới ví von đây là cách ‘tạo ra nhiều giấy hơn chứ không cho thêm tí giá trị nào cả’. Các thị trường đã trưởng thành nay không còn xem (hay ít ra không còn quá tin) đây là ‘lá bùa’ làm giá. Tệ hơn, từ hậu quả giá cổ phiếu bị buộc phải điều chỉnh xuống, các nhà đầu tư thứ cấp (giới đánh ngắn) sẽ có thể có phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn tại Mỹ vào năm 1996, giá cổ phiếu Coca-Cola đã sụt mất 1,25 USD ngay sau thời điểm công bố quyết định tách 2:1.
Các nhà phân tích cũng đã tiến hành các nghiên cứu về tác động của việc tách cổ phiếu trên thị trường. Các kết quả được công bố thường là sự pha trộn và không rõ ràng. Một số nghiên cứu cho rằng giao dịch cổ phiếu càng sát ngày công bô quyết định việc tách cổ phiếu đó sẽ càng có cơ hội kiếm ăn tốt. Các nghiên cứu khác lại nói cơ hội kiếm tiền tốt nhất là vào các ngày liền trước và sau của ngày công bố, nhưng không phải vào ngày có hiệu lực. Một nghiên cứu khác nữa lại cảnh báo nhà đầu tư sẽ chuốc lấy thất bại nếu đầu tư vào cổ phiếu được tách trong vòng một, hai năm kế đó. Tuy kết quả nghiên cứu có hơi bất định, vẫn có một quan điểm chung ở đây là các nhà đầu tư đừng có mà kỳ vọng lớn quá chuyện kiếm lợi từ việc mua cổ phiếu ngay trước hay sau một đợt tách cổ phiếu. Tại sao vậy, là vì khi đợt tách cổ phiếu diễn ra thì các cơ hội kiếm lợi bất thường trên cổ phiếu ấy đã qua đi mất rồi…
Tuy bài này chỉ cố gắng bàn về khía cạnh nghiệp vụ chứ không đi sâu vào vấn đề cụ thể, nhân đây cũng xin kết lại một ý lớn… Việc tách cổ phiếu dù ẩn dưới bất kỳ hình thức nào cũng cần phải tuân thủ các thủ tục và nguyên tắc đồng bộ, mà một nguyên tắc không thể bỏ qua theo đó là phải điều chỉnh giá tương ứng. Các trường hợp áp dụng tùy tiện, cùng với sự thiếu vắng một hành lang quy chuẩn, có thể tiềm ẩn sự lo ngại về một ‘nền đất yếu’. Điều này không có lợi cho nổ lực xây dụng thị trường chuyên nghiệp và hội nhập, nhất là ở chặng đường từ năm thứ sáu đến năm thứ mười.
Bài này được viết vào tháng 7/2006, đăng trên Đầu tư CK, sau một thời gian dài tồn tại nhiều cách thực hành kém thuyết phục. Nhất là việc tăng vốn bằng cách lấy thặng dư chia lại… Bài viết đã có tác dụng chấn chỉnh tích cực.