Trong những đợt khủng hoảng gần đây, năm 1997 và hiện nay, ‘hedge fund’ được nhắc đến là các tổ chức đã làm mưa làm gió trên các thị trường tài chánh. Mới đây, vào đầu tháng 4-2009, một nội dung lớn của nghị quyết cuộc họp cấp cao G20 tại Anh đã đặt các tổ chức này vào diện giám sát đặc biệt với yêu cầu phải chấn chỉnh. Vậy ‘hedge fund’ là gì và vì sao nên nỗi?
Thế nào là một hedge fund?
Để trả lời câu hỏi này, ta cần biết qua một số hoạt động đầu tư tài chánh trong cơ chế thị trường. Có rất nhiều thực thể tham gia vào thị trường này nói chung, gồm các ngân hàng, công ty tài chánh, công ty cho thuê tài chánh, công ty bảo hiểm, các loại quỹ và/hoặc công ty đầu tư. Tuy nhiên, trên thị trường đầu tư tài chánh cận đại, hoạt động sôi nổi và tích cực nhất là các ngân hàng đầu tư (investment bankers) và các công ty đầu tư hay quản lý quỹ (investment company hay management company). Các công ty đầu tư này được tổ chức như một doanh nghiệp, quản lý các quỹ đóng (closed-end) hoặc quỹ mở (open-end). Hedge fund là một dạng quỹ mở nhưng có hoạt động không theo chế định của TTCK như các quỹ mở loại chung phần (mutual fund).
Theo định nghĩa của David L. Scott trong cuốn Wall Street Words thì “hedge fund” là một công ty đầu tư mở, đa dạng, rất chuyên sâu, cho phép nhà quản lý sử dụng một số kỹ thuật đầu tư mà các loại quỹ khác thường bị cấm sử dụng. Các kỹ thuật này gồm đầu tư với đòn cân nợ cao (leverage), bán trước (selling short), sử dụng hợp đồng options… Hedge fund hứa hẹn đem lại cho các nhà đầu tư khả năng kiếm tiền vượt trội nhưng rủi ro chực chờ cũng cao hơn mức bình quân thị trường.
Theo một tài liệu tập huấn về thị trường futures do Merryl Lynch phổ biến, thì thuật ngữ “hedge fund” được dùng để chỉ một tổ hợp vốn lớn, được quản lý sinh lợi theo chủ trương đầu cơ vào các loại hợp đồng tương lai (future contracts) khác nhau, các loại chứng khoán, hoặc cả hai. Mặc dù cách giải thích về hedge fund có vẻ ‘hiền’ như vậy, các quỹ này không chỉ tham gia giao dịch hợp đồng futures với tư cách phòng vệ (hedging) hay đầu tư chứng khoán bình thường. Trong thực tế, nhiều quỹ dạng này được xem là làm ăn bằng vốn vay mượn cao, đầu tư theo ức đoán (khuynh hướng đầu cơ – speculative investment), những thứ có thể cho lợi nhiều nhưng rủi ro sẽ rất lớn. Ơ Mỹ, các quỹ này có dưới 99 thành viên, mục đích để né sự quản lý của Uy Ban Chứng Khoán nước này (SEC) và hưởng các miễn trừ theo Bộ Luật Công ty Đầu tư 1940. Theo Luật Công ty Đầu tư 1940. bất cứ công ty đầu tư hay tổ hợp quỹ nào có số lượng tham gia vượt quá 99 thành viên thì phải đăng ký với SEC, và hoạt động đầu tư phải được giới hạn theo các chủ trương đầu tư và các chiến lược giao dịch đã đăng ký và cam kết.
Khoản đầu tư tối thiểu mà các hedge funds đặt ra để thu nạp thành viên có thể là vài trăm ngàn đô la và được xem là chỉ phù hợp với những nhà đầu tư tổ chức hoặc các cá nhân giàu có. Bản thân các quỹ được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp hợp danh hữu hạn (limited partnership), gồm các thành viên thụ động trách nhiệm hữu hạn (limited partner). Chỉ những nhà quản lý quỹ đầu tư mới là thành viên trách nhiệm vô hạn (general partner). Các quỹ này tham gia hầu như đủ “món ăn chơi” trên thị trường tài chánh và TTCK. Thậm chí nhiều tổ chức tài chính ngân hàng còn tạo ra những “đặc sản” siêu đẳng (highly sophisticated products) để thỏa mãn nhu cầu của các nhà điều hành hedge fund.
Vài nét lịch sử hình thành:
Như vậy, dù hedge fund có mang từ “hedge” vẫn được gọi là quỹ đầu cơ. Trong hoạt động tài chánh và đầu tư, từ hedge được sử dụng rộng rãi với ý nghĩa chính là phòng vệ hay phòng thủ. Các nhà sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thường có mối lo giá cả biến động bất lợi vào lúc sản phẩm sẵn sàng để bán (đầu ra) hay tại các thời điểm cần nguyên liêu (đầu vào). Để loại bỏ rủi ro, họ cần hedging (mua hợp đồng phòng vệ) trên thị trường hợp đồng tương lai (commodity futures market). Khi hành động vậy nghĩa là họ muốn chuyển mối lo rủi ro qua kẻ khác. Nhưng đối với nhiều kẻ khác (nhà đầu cơ) thì đó có thể là cơ hội… Nói rõ hơn, những người ‘tốt bụng’ sẵn sàng nhận về mối lo anh quăng ra có thể là người đang ở trong một phân khúc sản xuất kinh doanh khác đang có cái lo ngược lại (anh chăn nuôi lo giá thịt xuống thì chị làm lạp xưởng sợ thịt lên); nhưng đó cũng có thể là các nhà đầu cơ, là những người nhiều tiền cùng lập quỹ để đáp lại những ai muốn ‘hedge’. Các hedge fund đã mượn bối cảnh như vậy để dương lên ngọn cờ của mình.
Quỹ đầu tiên thuộc loại này được thành lập vào năm 1949, do Alfred Winslow Jones đề xướng. Cho đến đầu những năm 2000 số lượng qũy loại này đã lên đến cả ngàn, và theo số liệu tổng hợp của công ty nghiên cứu TASS, số tiền các quỹ đầu cơ quản lý cũng đã ngàn tỉ USD.
Đặc điểm nhận dạng:
Thật ra, không có một định nghĩa thống nhất nào để nhận dạng một hedge fund. Do đó, có ý kiến cho rằng, để tiếp cận hedge fund ta không nên đặt vấn đề chúng tương tự nhau như thế nào mà nên đi tìm sự khác biệt giữa quỹ này với quỹ khác. Thật vậy, các quỹ đầu cơ nhìn chung mà nói, chúng khác nhau nhiều đến độ có thể gây bất ngờ cho người muốn tìm hiểu chúng. Đặc biệt về phương thức hoạt động và cấu trúc vốn. Tuy nhiên, người ta đã tập hợp được một số đặc điểm chung.
Về tổ chức, chúng được cấu trúc theo dạng hợp danh hữu hạn (limited partnership), thông thường được lập ở hải ngoại, điều này một phần là để lách bớt sự chi phối của luật lệ quốc nội. Giới quản lý quỹ được hưởng phí khai thác rất béo bỡ, thường là 20% trên lợi nhuận và 1% trên tổng tài sản hàng năm. Đây có thể là cám dỗ cho các quyết định mạo hiểm, và trái ngược với giới quản lý các quỹ hỗ tương đầu tư (mutual fund) vốn chỉ được hưởng một khoản phí hằng năm thôi. Các quỹ này thường chỉ mở ra cho người giàu có, những người được chào mời các triển vọng thu nhập tuyệt đối hơn là thu nhập tương đối. Điều này cho thấy yếu tố ‘làm ra tiền’ được chú trọng, chứ không phải thực hiện một chỉ số tối ưu. (Trong thị trường chứng khoán thì khác, các nhà quản lý danh mục đầu tư – portfolio manager – rất chú trọng ở kết quả của một chỉ số chung tối ưu được thực hiện cho một portfolio nào đó).
Thành phần tham gia:
Bằng cách yêu cầu các khoản đầu tư ban đầu lớn, các hedge funds thực ra đã cố tình hạn chế người tham gia trong phạm vi những đại gia giàu có mà thôi. Sở dĩ vậy là vì chỉ giới có tiền dư của để thì sức chịu đựng mới cao. Quỹ đầu cơ điền hình của Mỹ chẳng hạn đặt tiêu chuẩn cho một người đầu tư tham gia phải là thành phần “chọn lọc” (accredited). Theo định nghĩa, thành phần được gọi là chọn lọc ở Mỹ là người có tài sản thuần vượt mức 1 triệu USD, hoặc mức thu nhập hàng năm phải trên 200.000 USD trong hai năm liên tục. Ngoài các ‘tiêu chí’ đại loại như vậy, hầu như ít thấy có quy định gì khác với các hedge fund. Cũng cần lưu ý là các hedge fund không phải là các tổ chức thành viên của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán chỉ là một trong nhiều sân chơi của họ.
Lãnh vực hoạt động của các hedge fund:
Công bình mà nói, nhiều hedge fund vẫn theo đuổi các hoạt động đầu tư được xem là phòng thủ, phù hợp với danh xưng ‘hedge’. Các hoạt động hiền lành kiểu này thể hiện đặc trưng ở các giao dịch mua bán song hành (arbitrage). Hoạt động đầu tư này có phương thức chung là tìm kiếm các tài sản có mức giá tạm thời chệch ra ngoài giá trị cơ bản (tỷ giá hối đoái hay giá chứng khoán) rồi bán thứ (hoặc ở đầu) đang cao và mua tương ứng ở trường hợp mà họ cho là đang rẻ. Bằng cách như vậy, về nguyên tắc, các quỹ đầu cơ có thể giúp làm cho thị trường nói chung hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cơ hội kiếm ăn thuần túy mua bán song hành ngày càng ít đi. Hoạt động đầu tư gần như không rủi ro này bản thân đã bị biến tướng dần đồng thời với nhiều hoạt động đầu cơ khác.
Nhìn chung mà nói, các tổ chức hợp danh này ngày nay luôn theo đuổi làm ăn ở ít nhất là hai thị trường, ví dụ thị trường chứng khoán (stocks) và thị trường hợp đồng tương lai (futures). Một số sẵn sàng chơi mạo hiểm cao, nhưng đa số theo một chủ trương đầu tư duy trì độ rủi ro tương đối thấp. Không như các mutual fund, bị cấm bán trước (shortsale), nhiều hedge fund đánh chứng khoán hoặc hàng hoá cả chiều xuống lẫn chiều lên. Họ sử dụng hầu như không hạn chế các công vụ và nghiệp vụ tài chánh tiền tệ, xem đó như những phương tiện để đạt mục tiêu bằng mọi giá.
Nói thẳng ra, hầu hết hedge fund chủ yếu theo đuổi hoạt động đầu cơ (speculation). Nhưng như đã phân tích, về các cơ chế hoạt động tài chánh và đầu tư, điều đó chẳng có gì sai quấy cả, vì thị trường thật sự cần nhà đầu cơ. Bằng cách tham gia vào một bên giao dịch mà người khác né tránh, hành vi này cũng tốt như các nhà sản xuất lo xa và phòng vệ. Hoạt động đầu cơ đã giúp cải thiện khả năng thanh khoản trên nhiều thị trường. Thật vậy, tình trạng bế tắc thanh khoản tại nhiều nơi, đặc biệt là ở Mỹ vào thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chánh năm 1998, một phần là do hậu quả siết chặt tín dụng của các ngân hàng với các hedge fund, là thế ‘thủ cẳng’ của ngân hàng sau một thời gian họ sát cánh với các ‘hung thần’ hedge fund nhưng sau đó thấy không xong…
Sau biến cố LTCM, các hedge fund bị ảnh hưởng về uy tín một cách tệ hại. Thế nhưng, cũng đã có lập luận cho rằng có lẽ người ta đã chóng quên là vào thời buổi hưng thịnh, những “anh chàng bung xung” đó đã từng sắm vai không tồi…
Để hài tội hedge fund, trong một chuyên đề nói về ‘sự rối rắm trên các thị trường tài chánh’ (turmoil in financial market) do tờ The Economist tổng hợp ngày 17-10-1998 có đoạn: Chúng che đậy hoạt động trong vòng bí mật và là tác nhân gây ra các hoạt động giả tạo về giá (manipulation) trên các thị trường, từ Hồng Kông đến Luân Đôn. Nhiều nhà bình luận còn quy kết chúng chẳng là gì nếu không là các tay đầu cơ tham lam, mượn nợ bạo tay để quăng vào các vụ đánh cuộc. Với khối lượng tiền khổng lồ và dễ dãi trong tay, chúng bị chỉ trích đã làm biến dạng các thị trường tài chánh và điều đó đã xảy ra.
Đằng khác, lúc quỹ Tiger bị lỗ gần 2 tỷ USD trong vòng 24 giờ sau khi giá đô la Mỹ bị rớt so với đồng Yen Nhật hồi đầu tháng 10-1998, thì một số nhà kinh doanh tiền tệ đã đổ lỗi “Tiger làm tồi tệ thêm tình hình bởi quỹ này đã bỏ chạy khỏi đồng tiền mà họ đã kiếm lợi”. Các hedge funds cũng bị cho là nguyên nhân làm cho giá trái phiếu dài hạn của Mỹ ( T.bond) vọt lên bất ngờ trước đó. Nhìn chung, những biến động lớn trên các thị trường ngày nay hầu hết được quy kết là do có bàn tay của hedge fund thọc vào hoặc rút ra…
Tuy nhiên, như ý đã dẫn, cho dù nhiều người nghĩ rằng các hedge fund phải chịu tội chính về các rối rắm trên thị trường tài chánh thế giới, thì thật ra không hẳn vậy. Nói rõ hơn, theo nhận định của không ít nhà nghiên cứu và phân tích tài chánh trung dung, có thể nói sự quy kết kia chỉ đúng có một phần, và đó chỉ là phần nổi của vấn đề. Việc các ngân hàng đã hưởng ứng gần như tuyệt đối và nhanh chóng kế hoạch của ông Alan Greenspan “đổ bê tông” 3,6 tỷ USD để gia cố lại móng cho ngôi nhà LTCM khỏi sụp đổ vào những năm cuối thập kỷ ’90 là gì nếu không phải là để cứu chính các ngân hàng. Điều này có thể lý giải vấn đề và đây được xem là ‘phần chìm của tảng băng’ vậy.
Tất cả đều có lý do và cần có cái nhìn toàn diện. Thế nhưng, dù sao thì cũng cần nhận ra một sự thật có vẻ nghịch lý: Nếu hành lang pháp luật và hệ thống kỷ cương đã chặt đối với các định chế gắn với thị trường chứng khoán, thì một số tổ chức tài chánh khác như vẫn còn được thả lỏng. Sau các sự cố nổi cộm trước đây, đặc biệt với tình trạng suy thoái toàn cầu lần này, từng quốc gia đã có những nỗ lực riêng và hợp lực chung để có bước chấn chỉnh các hedge fund. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một lẽ. Quan trọng hơn, thế giới cũng đã kịp nhận ra đâu là ‘tảng băng chìm’… và việc củng cố lại hệ thống ngân hàng nói chung mới là công việc của dài lâu.
Huy Nam