Tại sao tôi yêu trường cũ?

Đăng ngày

Chia sẻ:

Nói đến trường cũ ta thường liên tưởng đến chuyện nên danh hay thành đạt… Nhưng điều nghe bình thường này lại không phải lúc nào cũng đúng. Vì như vậy là chưa thể đùm gói hết nhiều học trò cũ không được như ‘ta’. Tương tự, nếu có anh A, chị B nào đó thành công mà tên tuổi chỉ gắn vào một trường Z thôi thì e sẽ không công bình với trường X, trường Y, là những nơi các anh chị ấy đã tung tăng…

Lý lẽ chút cho vui vậy… Nhưng cũng là để thấy việc ta tô đậm một cảm xúc vốn bình dị, và đã đẹp sẵn, bằng những gam màu chọn lọc quá có thể làm mất đi chất thực. Thật ra, chuyện nên danh, thành đạt, hay đơn giản chỉ nên người thôi, là những thứ rộng hơn một khoảng sân trường. Một cây cho hoa thơm trái ngọt, ngoài yếu tố đất trời, còn tùy thuộc nhiều điều kiện chăm tưới và ở chính sức sống của nó. Một người thành đạt cũng cần những tố chất giống vậy và hơn vậy: Đó là một chuỗi dài tích tụ, sự gộp lại giữa nhiều trường lớp, là kết quả lắng lọc trong gia đình, ngoài xã hội, là ý chí vươn lên và khát khao hiển đạt.

Mặt khác, nếu ta vun xới (hay nói về) tình yêu trường cũ mà chỉ với màu hồng, chỉ thiên về thành tích, thì có thể lại bỏ sót nhiều tấm lòng. Nhất là vì tình yêu ấy thường có chung sự mộc mạc… Nói tôi yêu trường cũ vì đó là khoảng hồn nhiên tuổi trẻ, là thời vàng son êm đềm chẳng hạn, thì dù không sai nhưng e sẽ không hợp với nhiều ‘tôi’ khác. Đấy không thể là khái quát. Vì không ít học trò có thể đã kém may mắn, không thiếu các tôi đã đến trường trong nhọc nhằn, bất hạnh… Nhưng nay họ vẫn yêu trường cũ đấy thôi, yêu nồng nàn từ chính những đoạn không êm đềm ấy. Chẳng lạ, vì nếu sự nhẹ nhàng có cho ta dấu ấn đẹp, thì cái không bằng phẳng, sự khổ nhọc cơm áo lại dễ cho mình cảm xúc khó quên.

Nghĩ cho sâu vậy để ai cũng có dịp được tắm lại bến sông xưa, cảm nhận gần gụi khi quay về với kỷ niệm học trò. Bởi, cho dù mỗi người có một khung trời, có điều kiện, môi trường, hoàn cảnh, tình cảm riêng, mỗi người có thể có cái này và thiếu hay không có cái khác, nhưng không ai lại không có kỷ niệm. Kỹ niệm trường xưa bạn cũ dù thế nào cũng đẹp. Đẹp vì đó là khoảng đời bình đẳng mà ‘tôi’ nào cũng có, đẹp vì ở đó chỉ có ‘thằng’ chứ không có ‘ông’. Lại vô tư mày tao mỗi khi gặp lại, cho dù bây giờ nhiều thằng đã thành ‘ông’…  Cái đẹp ở đây tuy vậy chỉ mới là phần dễ thấy, phần khuất đậm hơn nhiều là những hồi ức sống ẩn trong mỗi người…

Tình tự trường xưa tuy ẩn sâu nhưng dễ òa ra ở những khoảnh khắc tôi tìm lại. Đó là khi tôi thực sự được thả mình bước đi bước cũ, gặp lại dấu xưa. Đó là lúc tôi về và trường cũng biết có tôi về…  Sẽ là hạnh phúc khó kiếm tìm nếu tôi có thể sống lại khoảng thiếu thời, có thể quay về với nghịch ngợm cũ, có dịp đưa ‘nhà’ mình và các con thăm lại cái giảng đường xưa… Thế nhưng, để làm được điều đơn giản ấy lại không phải dễ. Tại sao ư? Thời gian, công việc, sự xa xôi chỉ là một lẽ. Lẽ khác, làm sao có được tình tự “trò cũ về nhà” thay cho tâm trạng “kháck lạ đến thăm” mới khó.

Vậy cho nên, thật là điều hay, hay cho cả trường lẫn trò, khi nhiều trường cũ cũng đã nhớ đến học trò xưa, chứ không chỉ có học trò cũ nhớ về trường xưa. Những cơ hội đoàn viên nhờ vậy đã diễn ra nhiều, nhưng có thể việc này chưa cho được những góc sâu mong đợi…

Lễ nghi, vui chơi giải trí là cần, nhưng các sinh hoạt ngoài lễ nghi, không ồn ào, để gặp gỡ hàn huyên, lang thang tĩnh lặng, để ôn và nhớ… sẽ cho nhiều lắng đọng. Những dịp ấy nếu ngắn quá, vội vàng quá, có thể làm hụt hẫng tình cảm nhiều trò cũ.

Với những người xa xôi nhiều năm, có khi là nhiều chục năm, vượt cả dặm ngàn với bao ấp ủ để mong có cái chạm tay vào quá khứ, thì việc trở về của họ chẳng khác chuyến hành hương. Vậy thì đừng để họ trống trải sau một buổi liên hoan ngắn ngủi.  Thay vào đó, làm sao để ai cũng có chút bồi hồi, cũng hít thở được chút hương xưa… sẽ là điều được họ mong đợi. Đơn giản vậy mà khó. Khó, nhưng chưa phải là điều gì không làm được. Và đây như lời mở ý ngõ cho những cách làm sáng tạo vậy.

Dịp đoàn viên có thể là những cái mốc 5, 10, 15… hay 50 năm thành lập trường, hoặc những ngày hội trường khác (ví dụ, ở VĐH Đà Lạt xưa kia có Ngày Sinh viên và Ngày Về Trường Mẹ). Nhưng để có sự liên tục, để những học trò cũ gần gũi với thầy trò mới nhiều hơn, việc tổ chức nên đặt ra hoạt động kết nối, tạo sự cảm mến giữa các thế hệ với nhau. Điều này sẽ khó đạt trong một chương trình chỉ theo thứ tự phẳng, mà sẽ dễ có với một kịch bản sâu, là cách làm để ai cũng có thể cảm nhận có mình trong đó. Sự việc do vậy sẽ cần chút công phu…

Một khi đã được vỗ về ở khúc sông xưa, tôi chắc những trò cũ sẽ mở lòng ra và sẵn sàng làm nhiều việc tốt cho trường và cho các đàn em mới. Điều này sẽ diễn ra tự nhiên từ tình tự tôi yêu trường cũ. Tôi yêu trường cũ như vậy không chỉ vì kỷ niệm, mà còn từ tình cảm nẩy nở với những con người mới đang ở đó.

Hạnh phúc, là chút bồi hồi tôi mang theo và ít xa xăm còn đọng lại trên đường tôi về nhà…

 

(*) Nhân kỷ niệm:50 năm Trường Nguyễn Duy Hiệu và 50 năm Đại học Đà Lạt

Xem thêm sách