THAM KHẢO MỘT SỐ LUẬT QUAN TRỌNG CỦA HOA KỲ

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Luật về hoạt động ngân hàng 1933.

–           Luật về giao dịch chứng khoán 1934.

–           Luật về hợp đồng trái phiếu 1939.

–           Luật về quỹ đầu tư 1940.

–           Luật chứng khoán 1933.

–           Thủ tục đăng ký.

–           Yêu cầu về nội dung cáo bạch.

–           Hoạt động của ngân hàngđầu tư.

–           Các phương thức bảo lãnh phát hành.

–           Cam kết chắc chắn.

–           Gắng hết sức mình.

–           Bán trọn hoặc hủy bỏ.

–           Quảng cáo dọn đường.

–           Quy định về bán chứng khoán nóng.

–           Hoạt động chui và kiềm giữ.

–           Hoạt động bình ổn giá.

Ngày 29-10-1929 có lẽ là ngày khó quên đối với nền kinh tế thế giới. Đó là ngày “thứ năm đen tối” đánh dấu sự sụp đổ (crash) của thị trường chứng khoán (TTCK) New York kéo theo đại khủng hoảng TTCK và kinh tế toàn cầu.

Những năm kế tiếp thị trường tiếp tục đi xuống và Quốc Hội Mỹ đã tìm ra một số nguyên nhân cơ bản để củng cố lại hoạt động của cơ chế thị trường đặc biệt này. Các biện pháp được đúc kết thành luật mà sau đó hầu hết các TTCK trên thế giới, nhất là các thị trường mới nổi (emerging market) gần đây, đều tham khảo.

Để có một ghi nhận tổng quan chúng ta cùng lượt qua các bộ luật ra đời từ năm 1933 đến 1940 tại Hoa Kỳ.

– Bộ luật chứng khoán 1933 (Securities Act of 1933):

Trong giai đoạn đầu hình thành TTCK, quần chúng là lực lượng đầu tư quan trọng nhất. Tuy nhiên trước thời điểm 1933 – chính xác hơn là trước 1929 – thị trường hầu như chỉ có lên (bull). Mua chứng khoán cách nào cũng có lời, nên chẳng ai cần cảnh giác. Người đầu tư biết rất ít hoặc không biết tí gì về chủ thể phát hành chứng khoán. Họ cũng không hề biết đồng tiền huy động sẽ được sử dụng như thế nào. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây đổ vỡ TTCK. Đạo luật 1933 ra đời nhằm gạn lọc để đưa ra thị trường những hàng hóa chính hiệu và đủ phẩm chất. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phần sau.

-Bộ luật về hoạt động ngân hàng 1933 (banking act – còn gọi là Glass Steagall act):

Sự nhập nhằng trong việc sử dụng tiền ký thác nhằm mục đích tài trợ thương mại để mạo hiểm vào hoạt động chứng khoán là nguyên nhân “dắt dây” làm lây lan sự đổ vỡ. Đạo luật Glass Steagall đặt trọng tâm vào việc tách biệt cơ chế hoạt động ngân hàng thương mại (commercial banking) và ngân hàng đầu tư (investment banking). Đây là bức tường bảo vệ an toàn và hiệu quả cho các nguồn vốn. Theo đó ngân hàng thương mại không được bảo lãnh chứng khoán – ngoại trừ trái phiếu đô thị công cộng – (GO: Municipal General Obligation bond). Ngược lại các ngân hàng đầu tư không được phép mở tài khoản ký thác hoặc cho vay thương mại.

-Bộ luật giao dịch chứng khoán 1934 (The Securities Exchange Act of 1934):

Bộ luật chú trọng chủ yếu vào hoạt động mua bán chứng khoán ở thị trường thứ cấp, nhân sự tham gia trong thị trường này và các hoạt động mua bán gian lận. Ủy ban Chứng khoán (SEC) là cơ quan quản lý chuyên ngành được ra đời từ bộ luật này. Bộ luật được sửa đổi và mở rộng vào năm 1938 nhằm thiết lập các cơ quan tự quản (self – regulatory body) giúp giám sát hoạt động TTCK. Hiệp Hội Quốc Gia Các Nhà Giao Dịch Chứng Khoán (NASD) điều hành thị trường phi tập trung (OTC) được ra đời trong đợt tu chỉnh này.

-Đạo luật về hợp đồng trái phiếu – 1939 (The Trust Indenture Act of 1939):

Mục đích của đạo luật này là nhằm bảo vệ người mua các loại chứng khoán nợ, bao gồm trái phiếu trung hạn (notes), trái phiếu dài hạn (bonds), giấy nợ (debentures) và các sản phẩm tương tự. Để bảo vệ quyền lợi của quần chúng đầu tư, đạo luật cấm các doanh nghiệp không được bán bất cứ chứng khoán nợ của công ty nào nếu không được phát hành thông qua một hợp đồng trái phiếu (trust indenture).

-Đạo luật về quỹ đầu tư 1940 (Công Ty Đầu Tư – The Investment Company Act of 1940):

Đây là đạo luật quy định việc tổ chức điều hành, hoạt động và sử dụng các loại hình quỹ đầu tư tập thể khác nhau. Các quỹ đầu tư là lực lượng vốn quan trọng đầu tư vào TTCK. Việc huy động và đầu tư với lượng tiền khổng lồ được dựa vào một khung luật cụ thể từ đăng ký phát hành cổ phần đến các nghiệp vụ đầu tư giao dịch. Các nghiệp vụ bị hạn chế đối với công ty đầu tư (còn gọi là quỹ đầu tư) gồm: sử dụng tài khoản đòn cân nợ (margin account), bán khống (sell short), tham dự vào các tài khoản liên kết đầu tư hoặc mua bán.

Trong số các đạo luật được nêu trên đây, đặc biệt trong giai đoạn hình thành thị trường, đạo luật về chứng khoán 1933 – phát hành đại chúng – được nhắc đến như là một nguồn tham khảo quan trọng.

Người đầu tư khi mua các chứng khoán mới cần rà xét càng nhiều thông tin càng tốt về chủ thể phát hành nhằm để lượng giá quyết định đầu tư của mình. Các quy định của luật là nhằm khuyến khích sự dễ dàng tiếp cận thông tin về chủ thể phát hành chứng khoán, góp phần vào sự hoàn thiện các TTCK. Điều này thường được đến biết bởi khái niệm về một sự công khai đầy đủ và trung thực.

Luật lệ chi phối các đợt phát hành mới chứng khoán, có tầm quan trọng nhất tại Mỹ, là Luật chứng khoán 1933. Nhiều nước đã dùng luật này để chế định các thủ tục riêng của mình, áp dụng vào việc phát hành chứng khoán mới của họ.

Nội Dung Luật Chứng Khoán 1933:

Luật chứng khoán 1933 được đặt ra nhằm giúp cho người mua các chứng khoán mới phát hành nắm được các thông tin về chủ thể phát hành và ngăn chặn gian lận trong việc bán chứng khoán. Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (Securities Exchange Commission – SEC) là cơ quan trực thuộc Liên bang có trách nhiệm thực thi Bộ Luật. Tuy nhiên, Ủy ban này (SEC) không chuẩn nhận vào giá trị đầu tư của bất kỳ một đợt phát hành nào.

Các chủ thể phát hành phải đăng ký chứng khoán với Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước nếu họ dùng các phương tiện quảng cáo để phát hành liên bang. Thêm vào yêu cầu đăng ký, luật còn buộc người phát hành cung cấp cho những người muốn mua chứng khoán một tài liệu gọi là cáo bạch phát hành (prospectus), bao gồm các thông tin chi tiết về công ty phát hành. Luật chứng khoán 1933 làm cho nguyên tắc công khai và trung thực trở thành bắt buộc.

Ở trang bìa của cáo bạch có ghi một câu thông báo rằng Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước không hề chuẩn nhận về sự đích xác (adequacy) hoặc đúng đắn (accuracy) của thông tin trong một bản cáo bạch. Bất cứ một thông báo nào trái ngược điều vừa nêu được xem là sự vi phạm hình sự. Điều này được biết đến như là “không có chuyện phê chuẩn” của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước. Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước chỉ duyệt xét bản báo cáo đăng ký và bản cáo bạch nhằm xác nhận rằng những thủ tục đó là đầy đủ và phù hợp.

Thủ Tục Đăng Ký:

Ngày mà Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước nhận được bản báo cáo đăng ký được kể là ngày nộp hồ sơ. Tiếp theo đó là một “thời gian nguội lạnh” 20 ngày (cooling off period) nhằm để Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước xem xét thông tin đăng ký. Thông tin phải có trong một bản báo cáo đăng ký gồm:

  1. Một diễn giải về hoạt động kinh doanh của chủ thể phát hành.
  2. Phần vốn nắm giữ của các chức danh cao cấp, thành viên Hội Đồng Quản Trị, các nhà bảo lãnh bao tiêu, và danh sách các cá nhân làm chủ trên 10% tổng số chứng khoán của công ty.
  3. Lý lịch của các chức danh cao cấp và thành viên Hội Đồng Quản Trị.
  4. Cơ cấu vốn (capitalization) của công ty phát hành (huy động qua phát hành cổ phần, trái phiếu).
  5. Việc sử dụng cụ thể của số tiền thu về do huy động.
  6. Các báo cáo tài chính được kiểm toán xác nhận.

Nếu Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước thấy rằng trong giải trình đăng ký có sự thiếu sót cụ thể (như sự bỏ sót hoặc trình bày sai lệch), Uy ban này sẽ phát đi một văn bản về sự thiếu sót (deficiency letter). Văn bản này có tác dụng lùi ngày hiệu lực. Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước cũng có thể phát ra một lệnh ngưng (stop order) có giá trị cấm đợt chào bán của loại chứng khoán đăng ký đó.

Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước không phê chuẩn việc bán chứng khoán hay xác định về giá trị đầu tư của chứng khoán đăng ký, cơ quan này quan tâm đến việc công khai đầy đủ và trung thực tất cả các sự kiện chi tiết của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư tiềm năng biết. Nhà đầu tư, do đó, có thể kiện ra tòa các giới chức cao cấp, thành viên Hội Đồng Quản Trị, các cổ đông sáng lập và các ngân hàng đầu tư (investment bankers) nếu hồ sơ đăng ký có vấn đề.

Trong thời gian chờ đợi 20 ngày, một bản cáo bạch thăm dò (preliminary prospectus) còn gọi là red-herring có thể được chủ thể phát hành chuẩn bị. Cáo bạch này có khung đỏ ngoài bìa nhằm thông tin cho nhà đầu tư tiềm ẩn biết rằng hồ sơ đăng ký đã lập và gởi cho Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước nhưng chưa có hiệu lực .

Bản cáo bạch thăm dò được phát hành nhằm đo lường biểu hiện về sự quan tâm của khách hàng; mặc dù sự quan tâm này chưa có một giá trị ràng buộc nào cả từ phía khách hàng cũng như công ty giao dịch chứng khoán (Broker – Dealer). Trước thời điểm hồ sơ đăng ký có hiệu lực, không được tiến hành bất cứ một sự chào mời nào. Bản cáo bạch viền đỏ không có giá phát hành dứt khoát nào nhưng có thể thông báo mức giá độ chừng. Ví dụ: $17~ $19 cho mỗi cổ phần.

Ngay trước khi phát hành bản cáo bạch hoàn chỉnh, một “buổi họp chuyên sâu” (due diligence meeting) được triệu tập. Mục đích của cuộc họp là để duyệt xét lại toàn bộ các khía cạnh của đợt phát hành dự kiến. Đặc biệt thực hành sự tận tâm đúng mực của chủ thể phát hành và công ty bảo lãnh bao tiêu nhằm thỏa mãn luật lệ của liên bang và tiểu bang. Nếu các bên có liên quan không thực hiện sự tận tụy đầy đủ của mình (due diligene), họ có thể trở thành bị cáo trước tòa của các cổ đông. Trình tự của một đợt phát hành đại chúng có thể được tóm tắt như sau:

Chuẩn Bị Các Giải Trình Và Nội Dung

Các Thủ Tục Đăng Ký

Lập Hồ Sơ Đăng Ký Với Uy Ban Chứng Khoán Nhà Nước

(Thời Gian Chờ Đợi)

Phát Hành Cáo Bạch Thăm Dò.

Phát Hành Cáo Bạch Hoàn Tất.

Yêu Cầu Đối Với Cáo Bạch:

Bản cáo bạch hoàn chỉnh được soạn khi các nội dung đăng ký được thông qua và có hiệu lực. Nội dung của cáo bạch thực chất được rút ra từ báo cáo giải trình đăng ký lên Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước, bao gồm đầy đủ các đặc trưng sau đây:

– Mô tả đợt phát hành – giới thiệu về chứng khoán phát hành.

– Giá phát hành (Public Offering Price – POP), phí bảo lãnh phát hành (underwriting spread).

– Giới thiệu về hoạt động bảo lãnh phát hành.

– Dự trù và thông tin về khả năng can thiệp bình ổn giá.

– Quá trình hoạt động của doanh nghiệp phát hành.

– Các rủi ro mà người mua có thể gặp phải.

– Trình bày về công tác quản trị doanh nghiệp.

– Thông tin cụ thể về tài chính doanh nghiệp.

– Ý kiến pháp lý về việc hình thành công ty cổ phần (corporation)

– Lời chú giải đặc biệt của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước  (disclaimer).

Khách hàng luôn nhận được bản cáo bạch để làm cơ sở cho việc mua cổ phiếu. Nhà bảo lãnh bao tiêu phải cung cấp đầy đủ cả cáo bạch thăm dò lẫn cáo bạch hoàn chỉnh cho tất cả các công ty chứng khoán tham gia trong đợt phát hành.

Hoạt Động Ngân Hàng Đầu Tư:

Một đợt phát hành mới thông thường được bán qua một nhóm các ngân hàng đầu tư được gọi là nhóm bao tiêu hay bảo lãnh (underwriting syndicate). Chức năng hoạt động của ngân hàng đầu tư cực kỳ quan trọng ở chỗ nó làm cái gạch nối giữa chủ thể phát hành và người đầu tư. Mục tiêu của hoạt động ngân hàng đầu tư là huy động vốn cho chủ thể phát hành trong điều kiện thuận lợi nhất. Đôi khi tiền huy động của các đợt phát hành là nguồn vốn mới đối với công ty. Trong lúc đó có đợt phát hành là để tài trợ lại cơ cấu vốn của công ty (điển hình là việc phát hành trái phiếu để hoàn lại tiền trong việc thu hồi các trái phiếu có lãi suất cao).

Khi đóng vai trò nhà bảo lãnh cho đợt phát hành, một ngân hàng đầu tư thường đảm đương rủi ro trong việc mua chứng khoán mới của công ty phát hành và bán ra cho đại chúng. Công ty phát hành sẽ chọn một nhà quản lý cho nhóm (syndicate manager) hoặc một nhóm các ngân hàng đầu tư đồng quản lý (co-managers).

Như đã nói ở trên, các đợt phát hành mới phải được đăng ký với Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước theo luật chứng khoán 1933, khi đợt phát hành mới đã được đăng ký, trách nhiệm đầu tiên của nhà bảo lãnh là tiếp thị cho chứng khoán sẽ phát hành đó.

Nhóm bảo lãnh được trả thù lao bằng sự giảm giá (discount) hoặc chênh lệch (spread) gọi là phí bảo lãnh. Khoản chênh lệch (spread) là sự khác biệt giữa số tiền quần chúng đầu tư phải trả và số tiền công ty cổ phần sẽ nhận được. Chẳng hạn nếu quần chúng trả $20 và công ty phát hành nhận $18 thì chênh lệch bao tiêu là $2. Thỏa thuận giữa các nhà bảo lãnh (agreement among underwriters) chi tiết hóa trách nhiệm của các thành viên nhóm bảo lãnh và số tiền thù lao họ nhận được.

Cùng với các nhà bảo lãnh, một nhóm bán thường được nhà quản lý tổ chức để giúp phân phối chứng khoán, nhóm bán gồm các công ty chứng khoán không chịu trách nhiệm về đợt phát hành, họ bán để kiếm một khoản trong chênh lệch gọi là phí nhượng bán. Thỏa thuận về nhóm bán quy định về trách nhiệm của họ.

Số tiền chênh lệch bảo lãnh (phí bảo lãnh) tùy thuộc vào chất lượng và quy mô của đợt phát hành đại chúng đầu tiên hay là đợt phát hành bổ sung và các điều kiện về thị trường tại thời điểm bán. Nhìn chung, chứng khoán phát hành lần đầu (IPO) thường có mức chênh lệch cao do rủi ro gắn liền trong đợt phân phối đó. Về phát hành chứng khoán nợ, trái phiếu lãi suất thấp có chênh lệch tương đối cao, trong khi đó các nhà phát hành trái phiếu bậc cao (high rate – an toàn cao) cho hưởng phí bao tiêu phát hành nhỏ hơn.

Các Phương Thức Bảo Lãnh Phát Hành:

Thỏa thuận bảo lãnh phát hành hoặc hợp đồng mua giữa ngân hàng đầu tư và công ty phát hành có thể thực hiện theo một số cách khác nhau.

Cam Kết Chắc Chắn (Firm Commitment):

Nếu nhà bảo lãnh đồng ý tiêu thụ toàn bộ chứng khoán phát hành, có nghĩa là tự mua số lượng chứng khoán không tiêu thụ hết, thì họ sẽ chọn loại bảo lãnh “cam kết chắc chắn” (firm commitment). Ngân hàng đầu tư thực hiện đợt phát hành bằng chính tài khoản của mình và chấp nhận rủi ro. Họ đồng ý mua trọn đợt phát hành và chấp nhận giữ cho mình các cổ phần không bán được. Như thế họ đã cam kết chắc chắn với công ty phát hành để lãnh trọn gói trách nhiệm số lượng phát hành, dù họ có thể bán được chứng khoán đó hay không.

Ví dụ : một công ty mong sẽ bán được USD10.000.000 giá trị cổ phần. Nhà bảo lãnh chỉ bán được USD8.000.000. Do đó nhà bảo lãnh phải tự mua hết phần còn lại USD2.000.000.

Gắng Hết Mình (Best Efforts): Trường hợp nhà bảo lãnh đồng ý làm một đại diện cho công ty phát hành, nhưng bày tỏ rằng số cổ phần không bán được sẽ trả về cho công ty phát hành, họ sẽ chọn hình thức phát hành “cố gắng hết mình” (best effort). Khi đó họ sẽ thực hiện việc bán tất cả đợt phát hành bằng một nỗ lực trung thực, nhưng nếu không thể bán hết số chứng khoán, họ sẽ hoàn lại số tồn đọng cho công ty phát hành mà không bị đền bồi nào cả.

Ví dụ: Công ty mong đợi sẽ bán được USD10.000.000 giá trị cổ phần, công ty bảo lãnh chỉ tiêu thụ được USD8.000.000, họ sẽ hoàn trả lại USD2.000.000 cho công ty phát hành.

Bán Trọn Hoặc Hủy Bỏ (All- or- None):   (Được ăn cả – ngã về không) Trong một số trường hợp, một công ty có thể cần huy động một số tiền cụ thể nào đó để thỏa mãn nhu cầu vốn làm ăn, vì họ không thể làm gì được với số vốn huy động ít hơn dự kiến, cho nên họ quy định là phải bán được hết lượng phát hành hoặc sẽ hủy bỏ đợt phát hành đó. Loại bảo lãnh này gọi là “gắng hết sức mình, được cả hoặc không có gì” (Best Efforts All – or – None).

Không giống như “best effort” theo đó có thể chỉ bán một phần, ở đây nhà bảo lãnh cần có khả năng bán hết hoặc không được gì cả. Điều này có nghĩa là nếu toàn bộ đợt phát hành không được bán hết, thì phần đã bán sẽ được hủy bỏ và hoàn tiền lại cho người đăng ký mua.

Một cách khác của thể thức “được trọn hoặc không có gì” là đợt phát hành mà trong đó công ty phát hành yêu cầu một mức nào đó của tiền huy động phải được thực hiện để đợt phát hành được xem là đạt dự kiến. Phương thức này còn gọi là bảo lãnh phát hành tối thiểu – tối đa (Mini – Maxi).

Lấy ví dụ: một công ty có thể nổ lực bán USD20.000.000 giá trị cổ phiếu. Công ty này yêu cầu một mức sàn là 70% của đợt phát hành. Họ phải nhận được ít nhất USD14.000.000, nếu không thì toàn bộ đợt phát hành sẽ bị hủy bỏ.

Quảng Cáo Dọn Đường (Tombstone Advertisement): Nhóm bảo lãnh luôn sắp đặt một quảng cáo gọi là một bố cáo (tombstone) trên một tờ báo tài chánh định kỳ nhằm công bố đợt bán chứng khoán. Tên của giám đốc nhóm bảo lãnh nằm ở đầu danh sách các nhà bảo lãnh. Các công ty khác được liệt kê theo thứ tự ABC với số lượng tham dự phát hành. Các thành viên nhóm bán không ghi tên trên bố cáo. Bố cáo đó còn gồm một điều khoản được chuẩn hóa rằng “đây không phải là một sự chào để bán, hoặc một gợi mở cho một đề nghị mua. Việc chào bán chỉ được thực hiện bằng một cáo bạch”.

Một quảng cáo dọn đường là quảng cáo duy nhất được cho phép đối với một đợt phát hành mới.

Bán Chứng Khoán Nóng (Sales of Hot Issues): Một đợt phát hành nóng (hot issues) là một đợt phát hành cổ phiếu có mức cầu lớn và được đăng ký vượt cung. Nó được mua bán bằng một giá cao hơn tức thì sau khi bán ra.

Các công ty chứng khoán bị cấm hoặc bị hạn chế trong việc bán các chứng khoán nóng đối với tất cả các tài khoản sau đây:

  1. Tài khoản riêng của các công ty giao dịch chứng khoán.
  2. Tài khoản của các chức danh cao cấp, thành viên góp vốn (partners) hoặc nhân viên của các công ty giao dịch chứng khoán hoặc gia đình trực hệ của họ. Gia đình trực hệ bao gồm: chồng vợ, con cái, cha mẹ, liên hệ bên vợ chồng, anh chị em ruột và các trường hợp trực tiếp lệ thuộc khác không bao gồm chú, bác, cậu, mợ, cô, dì.
  3. Các quan chức cao cấp của một ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc một định chế tương tự, bất cứ nhân viên nào liên quan trong bộ phận chứng khoán của định chế đó,… hoặc gia đình trực hệ của họ.

Hoạt Động Chui Và Kèm Giữ (Freeriding and withholding):

Công ty chứng khoán, là thành viên của TTCK, không được từ chối yêu cầu mua của quần chúng để giữ lại chứng khoán cho mình trong một đợt phát hành mới mà họ đang phân phối. Điều này được gọi là hoạt động chui và kèm giữ (Freeriding and withholding). Kèm giữ lại một phần chứng khoán nóng để kiếm lợi cho chính công ty thành viên làm trái với nguyên tắc mua bán ngay thẳng và trung thực. Việc làm này có tác hại tạo sự mất niềm tin của quần chúng vào hoạt động trung thực của các công ty giao dịch chứng khoán, vốn được trao cho ưu thế không phải để thủ lợi cho riêng mình.

Hoạt Động Bình Ổn Giá (Stabilization):

Một số đợt phát hành thiếu sự thích thú đón nhận của các nhà đầu tư như thấy ở một đợt phát hành nóng. Để tránh việc rớt giá ngay lập tức của chứng khoán trong và sau thời gian phân phối, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước cho phép dùng phương pháp bình ổn giá.

Bình ổn là hình thức duy nhất về vận hành nhân tạo giá (manipulation) được Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước cho phép. Hoạt động này cho phép nhà quản lý bao tiêu nêu giá mua chứng khoán (giá chào mua của công ty chứng khoán ở thị trường thứ cấp) ngang hay dưới giá phát hành chút đỉnh.

Ví dụ: một đợt phát hành cổ phiếu mới của công ty ABC, cổ phần thường được phát hành ở mức giá $20 một cổ phần. Nhà quản lý bao tiêu sẽ được phép tham gia một  giá mua để củng cố (stabilization bid) ở mức $20 hay thấp hơn (ví dụ: 197/8) với điều kiện nó không cao hơn bất kỳ giá chào mua độc lập nào trên thị trường. Giá mua củng cố này không được nêu cao hơn giá phát hành $20.

Quá trình bình ổn giá có thể được chấm dứt bất kỳ lúc nào, và ngay khi các lượng cung cầu quyết định được giá thị trường mua bán. Hoạt động này phải được chấm dứt một khi tất cả các cổ phần mới phát hành đã được mua bán hết.

Huy Nam

Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.

 

 

 

 

 

 

Xem thêm bài viết