Là chuyện đã cũ ở ta và quá xưa với thế giới, việc nhìn nhận vai trò và sự cần thiết của định chế chứng khoán trong cơ chế kinh tế thị trường có lẽ không còn cần phải bàn nhiều. Nhưng nếu ta đặt thực trạng ế ẩm, buồn tẻ, mất giá sâu và biếng ăn kéo dài của thị trường này trước kỳ vọng của xã hội và nền kinh tế, thì việc lật đi lật lại vấn đề ở đây lại chẳng cũ.
Khoảng bốn năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) gần như chìm sâu trong bi quan, ngờ vực, bị dị ứng và xa lánh. Điều này có thể hiểu được bằng cái nhìn đời thường, từ những mất mát, thua thiệt của nhà đầu tư, đến thực tế liều lĩnh, thất tín, gian lận phía phục vụ… Có thể liên tưởng ý đời thường ở đây với cảnh nước trong một hồ tắm đang đông vui bỗng dưng xuống cạn. Lúc này sự thật sẽ phơi bày. Ngoài các mảnh ‘xanh đỏ tím vàng’ vui mắt, người ta sẽ chú ý hơn việc có anh nào “got naked” không? Và quả thật đã có những anh chơi liều như vậy. Thế nhưng, cho dù các anh “nhà nghèo” này có vi phạm luật chơi, thì đó cũng chỉ là hiện tượng, chứ cái hồ tắm kia đâu có lỗi gì. Cũng vậy là TTCK, việc ta đánh đồng các hiện tượng không đẹp với bản chất vốn được xem là tốt của định chế này, để mà dị ứng hay xa lánh, lại có thể sẽ gây thiệt cho xã hội (môi trường đầu tư đại chúng) và hại cho nền kinh tế (kênh dẫn vốn quan trọng).
Là hạ tầng thiết yếu của cơ chế thị trường, TTCK (đầy đủ hơn là ngành kinh tế chứng khoán) có khả năng vận động và nối kết các nguồn tiền trầm tích trong xã hội để chuyển thành nguồn tài chánh kinh tế. Sự thật là hoạt động xã hội hóa đầu tư chỉ thực sự diễn ra khi có TTCK. TTCK đã giúp nền kinh tế có sức sống, nhà nước và doanh nghiệp giải được bài toán vốn một cách căn cơ, giá trị doanh nghiệp được xác lập… Trước khi có TTCK, doanh nghiệp, nhất là loại cổ phần ở ta không phát triển, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ít khả thi, trái phiếu chính phủ ế ẩm…
Thiếu TTCK, hoặc có mà nguội lạnh, thị trường tiền tệ thiếu điểm tựa để cộng sinh, hệ thống lãi suất thị trường do đó kém tác dụng, hoạt động điều tiết vĩ mô thông qua bộ lãi suất chủ đạo mờ nhạt hoặc bị hành chánh hóa, các công cụ cho thu nhập cố định (fixed income) không có đất sống. Tương tự là các thị trường hậu duệ như futures, options, swaps, có tài sản cơ sở là hàng hóa (commodities /gồm vàng) vốn rất cần cho hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp (hoạt động hedging) không thể phát huy.
Tuy chưa thấy nhắc đến, thiết nghĩ TTCK sẽ rất cần cho tiến trình tái cấu trúc ba lãnh vực kinh tế quan trọng đang diễn ra. Việc cấu trúc lại đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước sẽ không đơn thuần là tái bố trí, chỉ thay đổi mô hình, sắp xếp lại hay cắt tỉa bằng phép cộng, trừ, mà sẽ cần nguồn tài trợ bổ sung /thay thế (đầu tư công /doanh nghiệp nhà nước), để khơi thông /súc lọc (nợ xấu) nhằm giúp đem lại sinh lực mới. Lấy đâu ra nguồn tài chánh này? Nếu là từ nội lực, việc tập trung cho một TTCK hiệu quả, cởi mở hơn, để hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, cần là chọn lựa ưu tiên. Việc “cầu viện ngoại lực” nên là nước đi sau cùng.
Ta đã quá thuộc câu “khó vạn lần dân liệu cũng xong” nhưng ý niệm này đi vào cuộc sống còn quá ít. Những thứ dân liệu tốt thì hoặc nhà nước đã ‘chủ đạo’ hoặc bị rào cản bởi trăm thứ khó: luật không rõ, lệ lan tràn, khó đoán chính sách, nặng nhẹ đối xử, lúc cho khi cấm, thủ tục nhiêu khê, chủ quan cảm tính, hành chánh thị trường… Nguồn lực to lớn trong dân do đó co cụm. Co cụm tiêu dùng thôi nền kinh tế đã bất lợi, huống là co cụm làm ăn. Sự hụt hẫng niềm tin, khó hoạch định, làm hạn chế các toan tính lâu dài và bài bản. Khuynh hướng phi vụ, giai đoạn, ăn xổi ở thì trở nên phổ biến. Việc ẩn náu vào nhà đất, vàng và ngoại tệ đã là lựa chọn của số đông. Huyết mạch tài chánh trong nền kinh tế do vậy bị thuyên tắc. Đáng tiếc là TTCK đã khơi lên được nguồn lực quan trọng này, nhưng không bao lâu lại chìm trong bế tắc. Lỗi lại không thể chỉ đổ cho suy thoái thế giới mà cần được ghi nhận từ nội tại.
Ghi nhận trước tiên là độ trong sáng của doanh nghiệp đại chúng còn chao mờ. Ít nơi nào doanh nghiệp huy động vốn công chúng lại có thể lấy ngay cục tiền to “trăm tỉ” như ở Việt Nam. Thế giới người ta chỉ gọi từng đợt (called-up) theo tiến độ và yêu cầu sử dụng. Vì vậy mà trước đây ở ta từng có hội chứng bội thực do to tiền. To tiền để đi gởi tiết kiệm đã sai, trường hợp đánh quả địa ốc, chứng khoán, mạo hiểm đa ngành, sân trước sân sau… đáng sợ hơn. Có anh đã đổ bệnh chết lâm sàng do no quá mới oái oăm. Niềm tin nhà đầu tư suýt bị ‘nốc ao’ ngay hiệp một là vậy!
Tiêu chí đại chúng là vấn đề khác. Do không có hoạt động IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đi cùng với quy định có tính ngưỡng khi doanh nghiệp từ nội bộ bước qua đại chúng, nhiều nhà đầu tư có thể đã bị “sập bẫy đại chúng” khi nắm cổ phần ở một doanh nghiệp gọi là đại chúng nhưng lại do vài ba ông lớn cùng cánh thâu tóm và chi phối hoạt động. Nếu lợi nhuận (và lợi ích) của các “chính chủ” lớn không nằm tại doanh nghiệp, các “chính chủ” nhỏ lẻ sẽ khó mà chờ lợi lộc. Chính vì thế mà trên thế giới, để bảo vệ quyền lợi cho khách đầu tư (ở đây tôi cố ý phân biệt khách đầu tư tài chánh với các nhà đầu tư trực tiếp), việc huy động vốn đại chúng lần đầu (IPO) cần luôn đi cùng với yêu cầu niêm yết và điều kiện giao dịch thứ cấp. Đồng thời, luật lệ của họ cũng có cách hóa giải mâu thuẫn lợi ích khi một công ty có cơ cấu sở hữu chi phối bởi các cổ đông cùng cánh.
Về phía phục vụ, yêu cầu quan trọng cho một thị trường cấp cao là tính bài bản, chuyên nghiệp /chuyên sâu và trí tuệ. Thế nhưng ít có đâu như ở ta, một broker có thể “thông thạo” đến cả ngàn loại chứng khoán để tư vấn cho khách hàng. Chuyện hên xui là của khách. Các hoạt động môi giới, tư vấn phát hành, tự doanh là các lãnh vực rất dễ gây xung đột lại không có ‘tường riêng’, nên chuyện thuận tay mặt bắt tay trái tài khoản của khách và của mình là khó tránh. Thật đáng tiếc, một số đầu mối được công chúng đầu tư gởi gắm niềm tin lại đã bất minh, nhám tay…
Người ta cũng có thể thất vọng với các anh quản lý quỹ. Không phải chỉ là chuyện “10 tháng đầu 2012 có đến mười công ty quản lý quỹ bị xử phạt” mà là hiệu quả đầu tư của các quỹ. Quỹ đầu tư được tin là chuyên nghiệp, phí cao ngất ngưỡng, nhưng nếu kết quả lại kém hơn một cá nhân tầm tầm thì đáng thất vọng. Các tân binh như quỹ mở, quỹ ETF (exchange-traded fund /nên hiểu là quỹ mô phỏng thị trường) do vậy e sẽ gặp khó. Đã vậy, thị trường cũng chậm nhận được các biện pháp /giải pháp khắc phục /tháo gỡ hiệu nghiệm. Khâu R&D (nghiên cứu và triển khai) có vẻ yếu ớt. Sự chậm chạp, thận trọng quá, hoặc lúng túng trong một số tình huống, cũng đã ít nhiều làm mất lửa thị trường. Rất may, tất cả những gì vừa nêu chỉ là điều bất ưng và đều có thể sửa được. Vả lại, cũng như chuyện cái hồ bơi, dù được canh giữ, thay nước, sát trùng… nhưng do người tắm không phải là tiên (tiên thật) nên nước trong hồ cũng chỉ có thể sạch tương đối…
Tuy đặt vấn đề là công và tội, thật ra bài này tôi chỉ muốn nói đến công. Những gam màu xám dù có được nêu lên chỉ là sự tả thực cần thiết, do không quen chỉ nói tốt, tô hồng. Đó không là tội mà là điều xót. Và ai tâm huyết chắc cũng xót, cũng mong đất nước có một TTCK hữu hiệu xứng tầm quốc gia. Việc xây dựng một TTCK hữu hiệu lại rất cần có sự góp sức từ các bộ ngành, cần nhận được sự quan tâm đầy đủ từ cấp cao hơn, thay vì chỉ khu trú trong một bộ.
Thời báo KTSG, 2013