Thị trường và nhà đầu cơ: Thử mà không có ‘tôi’…

Đăng ngày

Chia sẻ:

Dù được mệnh danh là cấp cao, thị trường chứng khoán (TTCK) cũng chẳng hơn bất cứ sân chơi nào khác: có tốt, có xấu, có trẻ con và đời thường. Điều nghe lạ và mâu thuẫn lại là sự thật, một thị trường sẽ phát triển tốt nhất khi ở đó vừa có cái thiêng của đạo vừa dung nạp được nhiều cái (tạm cho là) xấu của đời.

Sự biến động khá kịch tính của chỉ số VNindex trong năm 2006 (và trước sau 2006) phần nào nói lên điều đó. Chỉ số này hồi đầu năm 2006 là 307 đã tăng nóng lên 632 ngày 25-4, sau đó rớt sâu xuống 399 ngày 2-8, rồi vọt lên đỉnh mới 809 ngày 20-12 và giảm lại 751 ở phiên cuối cùng 29-12-2006… Gọi là ‘hàn thử biểu’ mà trồi sụt kiểu này thì khó hiểu. Thị trường như cô gái đẹp mà chảnh. Hễ nghiêm thì cô làm nư, còn thoải mái cô lung tung. Lý lẽ học thuật đôi khi vô ích… Điều này lại hấp dẫn nhiều người và họ đang nhào vô. Tuy nhiên, dù đã đứng bên trong hay còn ngoài cửa, ta cũng không nên quên đây là thị trường chứ không phải người đẹp. Thị trường nghiệt ngã với thắng-thua-nóng-lạnh ấy rất cần sự hiểu biết thực thụ. Thật may, cùng với nỗ lực đưa thị trường tiến đến thị trường, sự quan tâm của người đầu tư và giới doanh nghiệp (DN) ngày càng sâu và bài bản hơn. Có lẽ do vậy, trong các dịp trao đổi tại lớp, nhiều ‘sếp’ học viên (CEO, CFO) đã hỏi tôi “ở đó có hay không đầu cơ?”. Và đây chính là câu chuyện…

Đầu cơ chứ còn gì nữa! Có điều ta hiểu đầu cơ thế nào cho phải lẽ thôi. Trước tiên, cần biết người ta bày ra TTCK, cụ thể là thị trường thứ cấp, là để mời mấy ông bà chủ (cổ đông) đến đó chơi. Cách thu xếp này loại trừ khả năng đòi rút vốn khỏi doanh nghiệp, giúp DN trường vốn và yên chuyện làm ăn.. Khi các vị chủ đã ‘đi chỗ khác chơi’ và đã chịu chơi, họ mặc nhiên biến khoản đầu tư của mình thành khoản đầu cơ. Cổ phiếu cứ thế nổi trôi… Người sở hữu có khi quên mất cái gốc cổ đông của mình. Họ quan tâm nhiều hơn đến tư cách khách hàng của các nhà môi giới (brokerage/cty chứng khoán), rộng hơn là TTCK. Thật vậy, về mặt chuyên nghiệp, người làm ăn trên TTCK liên hệ chủ yếu với các công ty chứng khoán, để mua bán  thứ hàng hoá gọi là chứng khoán, chứ ít ai còn nghĩ mình ‘góp vốn’ vào DN.  Tất nhiên không thể nói không có đầu tư (mua giữ dài hạn) ở thị trường thứ cấp, nhưng người làm ăn tại đây đặt kỳ vọng vào chênh lệch giá (đầu cơ) hơn là tạo ra giá trị tăng lên (đầu tư). Theo nguyên lý, càng nhiều người tham gia đầu cơ thì thị trường càng lạc quan, điều này hoá giải cái lo ‘kẹt tiền’, kéo tiếp người chơi đến TTCK. Đầu cơ vậy là cần chứ đâu có xấu. Nhưng để có sự thấu hiểu, và xa hơn để thấy hết lợi ích của đầu cơ, ta sẽ tiếp cận vấn đề theo lý giải kinh tế và thị trường.

Trước tiên, cần biết trong TTCK không có khái niệm cấm đầu cơ. Tuy vậy, không riêng tại Việt Nam mà hầu như ở đâu trên thế giới xưa nay người ta vẫn cứ kiếm chuyện với đầu cơ. Cả nơi đẻ ra lý thuyết và phát triển hoạt động đầu cơ (là Anh và Mỹ) cũng vậy. Đầu cơ không chỉ bị nghĩ xấu chung chung theo nghĩa dân gian, mà còn được chẻ từng miếng nhỏ để phân biệt với đầu tư, lấy đầu cơ làm cái phông phản diện để tôn anh đầu tư lên. Việc này không ngừng gây tranh cãi, làm tốn nhiều giấy mực. Tuy bị phân biệt đối xử như vậy, đầu cơ vẫn có đất sống đàng hoàng. Trong nhiều nền kinh tế, đúng hơn là hoạt động kinh tế, người ta đã trân trọng xướng danh tư cách nhà đầu cơspeculator, đặc biệt là tại các thị trường tài chánh hàng hoá (commodity market). Đây như sự phân vai trong các vở kịch thị trường. Vậy đấy, dù đầu cơ là cần, là không thể thiếu trong nền kinh tế, thì nhà đầu cơ vẫn còn bị phân biệt. Lạ, ta ai cũng cần tiền nhưng cứ cho tiềnbạc, là tệ

Lấy bối cảnh đầu cơ trong thị trường ‘futures’ để minh hoạ. Nhờ tham gia bán trước (short) các hợp đồng được chuẩn hoá theo kỳ hạn (hợp đồng futures), một người nuôi heo có thể cân nhắc chuyện lời lỗ để quyết định có nuôi hay không. Nhưng nếu người nuôi heo lo giá rớt thì người đầu cơ trong thị trường này có thể kỳ vọng ngược lại để đồng thời mua các hợp đồng futures đối ứng. (Đây chỉ là ví dụ đơn giản cho dễ hiểu, vì hoạt động thực sự của thị trường futures rất phức tạp). Ta thấy khi người chăn nuôi muốn quăng rủi ro đi thì đã có anh đầu cơ nhảy vô nhận. Tất nhiên nếu giá lên họ sẽ thắng, có thể thắng to nhưng thua thì cũng dễ bị đậm. Và nếu họ chỉ sống bằng cái nghề phản diện này thì cũng xứng đáng.

Thế nhưng người ta cũng từng ví đầu cơ với đánh bạc. Cách ví này là quá đáng. Tại sao? Vì đầu cơ trong hoạt động thị trường nói chung và TTCK nói riêng có lôgic tầm nhìn chứ không là may rủi như cờ bạc. Trong canh bạc, chính con bạc tạo ra rủi ro, rủi ro chưa có cho tới khi họ ngồi lại đặt tiền và chia bài. Còn trong thị trường, rủi ro đang và luôn có sẵn. Rủi ro biến động giá luôn hiện hữu đồng thời với sự thay đổi thất thường của yếu tố cung cầu. Người chăn nuôi, trồng cà phê… lo giá rớt khi thu hoạch; kẻ chế biến sợ giá nguyên liệu tăng vào cao điểm sản xuất. Khi người nông dân hay giới chế biến (các hedgers) tiến hành phòng thủ bằng các hợp đồng futures, họ sẽ tránh được rủi ro về giá cả. Thế nhưng rủi ro ấy không phải đã bị loại ra khỏi nền kinh tế, mà được chuyển qua giới đầu cơ. Và điều gì là rủi với các ‘hedger’ (nông dân hay người chế biến) có thể sẽ là cơ hội đối với các ‘speculator’. Thị trường do vậy có thể ví như một hạ tầng sang nhượng rủi ro. Và cách nói “high risk high return” lý giải bối cảnh này.

Điều cần lưu ý, nhiều tranh luận về đầu tư hay đầu cơ có thể chỉ là để phân biệt, để phục vụ cho mục đích giáo khoa, chứ không là để bài bác. Chẳng hạn, cho đến nửa sau của thế kỷ hai mươi, ở phương Tây người ta vẫn còn cho rằng mua trái phiếu là đầu tư, mua cổ phiếu là đầu cơ. Tuy nhiên, việc tranh luận này chỉ là để phân biệt bản chất chứ không phải để đánh giá hay chống lại. Bởi theo lý giải của các bậc thầy (như B. Graham và W. Buffett) thì việc mua đi bán lại chứng khoán trên sàn để kiếm ăn ngắn hạn là đầu cơ tất.

Nhìn ở góc rộng, đầu cơ là hoạt động hoá giải cái lo rủi ro cho nền kinh tế. Nói cách khác, nhà đầu cơ nhìn rủi ro qua lăng kính cơ hội, và họ ‘đầu tư vào các cơ hội đó’ (đầu cơ). Họ là những nhà mạo hiểm cam đảm. Nhờ có sự mua bán năng động của họ mà thị trường ổn định và có thanh khoản. Thanh khoản lại là phần hồn không thể thiếu của thị trường. Theo ước tính ở các thị trường futures phát triển, cứ mỗi giao dịch phòng thủ của hedgers (nguồn cung hàng) thì bình quân có đến 20 giao dịch mua đi bán lại của speculators. Số lần mua đi bán lại ở thị trường cổ phiếu thì không thể nào tính được, có thể là vô cực. Tại sao vậy? Vì ở đó chỉ giao dịch ‘hàng cũ’. Bởi, hàng mới (cổ phiếu mới phát hành) không nhiều, nên một cổ phiếu có thể được mua đi bán lại từ đời này sang đời khác. Ngày nay, người ta cũng xem TTCK là một ngành kinh tế, và giới làm ăn ở đó có thể được gọi là nhà đầu tư.

Đầu cơ (speculating) ở đây được hiểu là hoạt động đối trọng cần thiết trong bối cảnh kinh tế tài chánh phức tạp, chứ không phải là đầu cơ tích trữ lũng đoạn (hoarding/cornering). Thủ phạm bị lên án trong hoạt động thị trường nói chung – cả bên ta lẫn bên tây – chính là những kẻ có hành vi hoardingcornering này! Trong thị trường thứ cấp, đầu cơ và đầu tư như hình với bóng, phân định thế nào cho đặng (?!) Trừ phi ta có quy ước không dùng từ “đầu cơ” ở đây, vì ngại nó gợi lên cảm giác “độc hại” chẳng hạn. Nếu không, thì cũng chẳng nên cứ  bắt bẻ “đầu cơ” ở thị trường này làm gì. Vì cơ chế nó cần như vậy. Và nói cho cùng, cũng như ngành y đã biết sử dụng “chất độc” và “virus” để chữa bệnh và phòng bệnh. Mục tiêu quan trọng của thị trường thứ cấp là để tạo thuận lợi cho việc mua đi bán lại, cho nên người đầu tư ở thị trường này đôi khi rất “hờ hững” với công ty. Thật ra, ở TTCK “luật chơi”  có lắm ràng buộc và nhiều điều cấm rất khắt khe!

Cũng có thể vì sự sôi động của TTCK diễn ra tập trung ở thị trường thứ cấp (mua đi bán lại chứng khoán), mà hoạt động ở đây qúa sòng phẳng đến dễ bị “tai tiếng”, lại vừa không phải là nơi trực tiếp cung vốn cho doanh nghiệp, nên đôi lúc người ta đã nặng lời với nó. Thật ra, khi nhà đầu tư càng hào hứng mua bán ở thị trường thứ cấp thì chính lúc đó nền kinh tế nói chung sẽ nhận được lượng tiền bơm vào càng lớn.

Nhân đây, ta hãy xem venturer (venture capital) là ai vậy. Với tiêu chí mạo hiểm tìm cơ hội, có thể xem họ là nhà đầu tư đi đầu cơ hay ngược lại. Thế nên, đừng nghĩ họ sẽ ăn đời ở kiếp với một doanh nghiệp nào. Họ có thể là đối tác chiến lược đấy, có công làm bật lên nhiều tài năng mới, lại hào phóng, nhưng đừng quên họ mong ngày trông đêm để ‘bái bai’ anh. Mục đích của họ là vỗ béo các khoản đầu tư để bán nhanh kiếm lợi và tìm cơ hội khác. Chấm hết! Do có sự sàng lọc cao trong porfolio (danh mục đầu tư) của mình, các venturer thường chỉ chú trọng phát hiện những ‘trai thanh gái tú’ (DN trẻ giỏi mà nghèo) và rất ngại ôm vào những anh ‘to mà ho’. Dù có thể ẩn dưới một số dạng, các quỹ này cũng được xem là những nhà đầu cơ cỡ bự, nên người ta còn gọi đây là ‘risk capital’ (thuật ngữ khác thay cho venture capital).

Có thể nói ‘cảm ơn đầu cơ’ trước sự nhộn nhịp của TTCK Việt Nam năm 2006 (và nhiều năm về sau đó, như năm 2020) để nhận dạng một thực tế đang chín tới (nếu không nói chín muồi). Ngoài việc luật lệ đã rộng rãi với các hình thức đầu tư tài chính (porfolio investment /PI), dư luận xã hội nay cũng đã cởi mở nhiều. Yêu cầu phát triển đồng bộ thị trường tài chính theo lộ trình hội nhập cũng buộc ta có nếp tư duy đồng bộ: Cần xem hoạt động đầu cơ trong TTCK là bình thường, bởi công suất của các TTCK tùy thuộc nhiều vào thứ nhiên liệu hay năng lượng này. Thay vì chống hay dị ứng với speculation, trong TTCK ngưới ta cấm manipulation (động tác giả), và đây mới là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn mới.

Huy Nam,

CV kinh tế và chứng khoán TPHCM

 

Xem thêm bài viết