– Khái niệm về cung tiền tệ.
– Tiền tệ được tạo ra như thế nào ?
– Hoạt động trung gian tài chánh – intermediation.
– Hoạt động phi trung gian tài chánh – disintermediation.
Dù hiệu lực có vẻ như nằm trong khuôn khổ quốc gia, tiền tệ là yếu tố cực kỳ nhạy cảm, ảnh hưởng huyết mạch đến một nền kinh tế, tác động liên lập khu vực và toàn cầu. Hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập đều hoạch định cho mình một chính sách tiền tệ tinh tế và linh hoạt sử dụng như công cụ điều hành vĩ mô.
Về cơ bản, cho đến ngày nay, công dụng của tiền tệ hầu như không có gì khác với ý nghĩa cổ điển: đó là đơn vị đo lường giá trị hàng hóa và dịch vụ, là phương tiện trung gian trao đổi trong các giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm “tiền” (money) đã thoát ra xa biểu trưng bằng vật chất của “đồng tiền” (currency) trong quá trình nó đóng vai trò thanh toán, nhất là đặc tính ước lệ.
Các nỗ lực nhằm kiểm soát việc cung tiền tệ và tín dụng của các quốc gia, xoay quanh khối lượng tiền tệ đang lưu thông, không ngoài mục đích duy trì một cơ cấu kinh tế ổn định và phát triển, chống lại các thái cực biến động bất lợi. Nhưng đó không thể chỉ là chuyện của nhà nước, vì một lý do đơn giản là nó “đi liền với khúc ruột” của mọi người. Một sự lĩnh hội kiến thức tối thiểu về lãnh vực này sẽ chẳng bao giờ thừa.
Khái niệm về cung tiền tệ:
Khi nói đến tiền tệ, cần hiểu rằng ngoài lượng tiền mặt sờ được bằng tay còn bao gồm tất cả các phương tiện thanh toán thay thế đồng tiền và đã được bảo chứng. Khối lượng “money” tính theo cách này sẽ lớn hơn nhiều lần khối lượng “currency” do nhà nước phát hành.
Lượng cung tiền bao gồm nhiều thành tố gộp lại và được đo lường thành các khối lượng từ nhỏ đến lớn theo cách cộng dồn. Người ta xếp các khối lượng này dựa vào khả năng lưu hoạt của chúng đến đâu, ký hiệu bằng M1, M2 (bao gồm M1), M3 (bao gồm M2) và L (bao gồm M3). Trong đó M1 là khối lượng tiền tệ đang lưu thông nhỏ nhất nhưng có đặc tính lưu hoạt tức thì, giống như tiền nằm trong két, từ M2 trở đi có thêm những khối lượng kém lưu hoạt hơn. Ta có thể hình dung các khối lượng này tạo nên một kim tự tháp mà L là cả khối kim tự tháp đó.
Để giảm độ phức tạp, chúng ta không phân tích sâu mục này. Nhưng để có một khái niệm cơ bản tối thiểu, cần xem xét M1 nó gồm thứ gì? Đây là sự đo lường được thực hiện rất chặt chẽ đối với cung tiền tệ trong phạm vi một quốc gia, liên quan chủ yếu đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. M1 bao gồm đồng tiền mặt, các khoản ký thác vãng lai, kết số các tài khoản dùng chi phiếu, ngân phiếu thanh toán, thẻ tín dụng và tất cả các phương tiện thay tiền mặt. Các nhà quan sát tài chánh theo dõi sít sao định lượng này. Bởi vì đây là căn cứ xác định sự can thiệp vĩ mô trong quá khứ và tương lai.
Tiền tệ được tạo ra như thế nào? Theo cách đo lường của lượng tiền tệ M1 thì tiền bao gồm đồng tiền mặt (currency) và tất cả các phương tiện thanh toán tương đương không dùng tiền mặt, mà chủ yếu gồm các lượng cân đối ký thác khả dụng (Tài khoản tiền gởi – checking account balances). Theo đó, tiền tệ được tạo ra bởi nguồn đồng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước in ra và phát hành, cộng với lượng ngân phiếu và chi phiếu do hệ thống ngân hàng thương mại phát hành. Các ngân hàng này kiếm lợi bằng thu hút ký thác (các kiều) rồi cho vay với lãi suất cao hơn. hoạt động này gọi là “intermediation” – tạm dịch là “hoạt động trung gian tài chánh”.
Để đảm bảo an toàn về nghiệp vụ và khả năng chi trả, ngân hàng Nhà nước luôn đòi hỏi các ngân hàng thương mại giữ lại một khoản dự trữ bắt buộc. Tùy theo loại ký thác, bách phân dự trữ sẽ được ấn định khác nhau, cao nhất là các tài khoản vãng lai.
Sau khi đáp ứng yêu cầu về dự trữ, ngân hàng sẽ tìm cách cho vay số còn lại. Số tiền do những người đi vay để chi dùng cuối cùng cũng sẽ được ký thác vào một ngân hàng khác. Quá trình này lại tiếp diễn khi tiền cứ thế được ký thác từ ngân hàng này đến ngân hàng nọ, tạo ra một hiệu lực gia tăng bội số. Để minh họa về hiệu lực bội số này, chúng ta có thể xem ví dụ dưới đây.
Chẳng hạn, yêu cầu dự trữ của ngân hàng Nhà nước đối với tài khoản tiền gởi là 10%. Một số tiền ký thác 10.000.000 đồng gởi vào ngân hàng thương mại X sẽ phải có số dự trữ là 1.000.000 đồng. Như thế, ngân hàng này có thể sử dụng 9.000.000 đồng còn lại để cho vay. Giả sử hệ thống ngân hàng đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế, và giả định người vay đi mua một chiếc máy điều hòa nhiệt độ, số tiền 9.000.000 đồng cuối cùng lại được chuyển vào tài khoản của nhà buôn máy điều hòa tại ngân hàng Y. Đến lượt ngân hàng Y sẽ dùng 90% tiền ký thác này để cho vay, tức 8.100.000 đồng. Và cứ thế tiếp tục, các số tiền bé dần của 90% “quyền sử dụng” đó được ném trở lại vào hệ thống, tạo ra một dòng tiền “vô hình” mới.
Khi đo lường M1, ta tổng hợp các số tiền cân đối khả dụng trong hệ thống. Theo cách tính toán đang đề cập thì với số tiền ký thác ban đầu là 10.000.000 đồng sẽ có khả năng tạo ra một tổng lượng các số tiền ký thác lên đến 100.000.000 đồng. Cụ thể như sau:
Như vậy, với yêu cầu đảm bảo dự trữ là 10%, muốn biết lượng tiền tệ khả dĩ quay vòng trong nền kinh tế ta lấy số tiền ký thác khởi điểm nhân với thừa số là 10. Để tìm thừa số nhân trong trường hợp này ta lấy 100% chia cho bách phân quy định dự trữ (100% : 10% = 10). Vậy nếu bách phân dự trữ yêu cầu là 5% thì thừa số sẽ là 20; lượng tiền được bơm vào nền kinh tế của 10.000.000 đồng lúc đó sẽ nâng lượng lưu hành khả hoạt lên đến 200.000.000 đồng.
Khảo sát trên cho ta những rút tỉa và quan sát thú vị. Trước hết là tính hiệu quả của những định chế tài chánh như ngân hàng sẽ xác định khả năng thu hút đồng tiền vào hệ thống tới đâu. Điều này không thể một mình ngành ngân hàng làm xuể mà còn lệ thuộc vào trình độ xã hội, tính đồng bộ của cấu trúc kinh tế… Lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế, do đó, sẽ có quy mô khác nhau.
Mặt khác, sự “cạnh tranh” của các định chế đầu tư hấp dẫn khác cũng có khả năng chuyển hướng dòng ký thác, khả năng “tạo ra tiền” (tính cả M2 và M3…) của các ngân hàng do đó sẽ giảm đi. Ví dụ đơn giản, một quỹ đầu tư nào đó đang hút vốn với mức lãi 16%, trong khi tiền gởi ngân hàng chỉ có 10%, theo lẽ thường thì người ta sẽ cân nhắc rút tiền ngân hàng ra để đầu tư vào quỹ kia. Hoạt động chuyên môn gọi đây là “disintermediation”, tạm dịch là hoạt động “phi trung gian tài chánh”. Các quỹ đầu tư tập thể (mutual fund) ngày nay là định chế thuyết phục đang cạnh tranh một cách tế nhị với định chế ngân hàng. Nhưng người có tiền còn có nhiều cơ hội khác, đồng thời các đinh chế ‘cạnh tranh’ khác cũng có các hoạt động thu hút khác…
Và vì tiền tệ chủ yếu được tạo ra bởi hệ thống ngân hàng thương mại và lượng tiền lưu hành có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế, các nhà nước, thông qua Ngân hàng Trung ương, có thể dùng nhiều công cụ điều tiết, như quy định về dự trữ, mức cho vay, chiết khấu…
Như ta đã phân tích, chỉ riêng sự tăng giảm về yêu cầu dự trữ đối với tài khoản vãng lai từ 10% xuống còn 5%, hoặc ngược lại, sẽ tạo ra một khả năng chênh lệch lưu hành lợi hại. Tương tự, sự dịch chuyển từ hoạt động tài chánh – intermediation – sang hoạt động đầu tư khác – disintermediation – vừa thuộc về các xu hướng của nền kinh tế, vừa do ảnh hưởng của các chính sách vĩ mô. Bài toán phát triển xoay quanh các khả năng vận động này.
Trong khi những chính sách siết chặt (tight) hay nới lỏng tiền tệ (ease money/ deregulation) luôn là vũ khí hữu hiệu được các quốc gia sử dụng để điều hòa nền kinh tế, thì bản thân chúng lại là một loại kiến thức nền tảng để người đầu tư biết đường mà đi. Những biểu hiện nhân quả từ đó có thể cho người này phần thưởng, người kia thua thiệt. Nhưng chính sự hiểu biết sẽ giúp cho người ta sử dụng hợp lý đồng tiền để đạt các mục đích sinh lợi tối ưu. Trình độ đầu tư xoay quanh các khả năng này. Tất nhiên không chỉ riêng lãnh vực tiền tệ. Tuy nhiên, tiền tệ là yếu tố số một mà các nhà kinh tế đương đại khuyên mọi người nên có hiểu biết càng sâu càng tốt. Người đầu tư trên thị trường chứng khoán càng cần tinh thông hơn yêu cầu này.
Để thấy được sự cần thiết này, chúng ta có thể ghi nhận một số ý niệm thuộc bản chất. Thứ nhất, giống như hàng hoá, tiền tệ có giá thay đổi. Thứ hai, cần biết rằng nếu tiền bị giữ bất động càng lâu thì giá trị tương lai nó (time value of money – TVM) thường hay rất dễ bị “teo” lại. Thứ ba, khi đồng tiền giảm giá trị, bản thân nó có thể tạo ra một loại thu nhập – gọi là “monetary gain”. Khả năng này, dễ thấy nhất, xẩy ra khi người ta trả nợ lúc có lạm phát cao (*). Và có thể còn nhiều ý khác nữa… Chúng có giá trị nhắc nhở ta nên sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan.
Nếu trong thị trường chứng khoán, các nhà tư vấn thường khuyên quý khách hàng của họ đừng có “marry a stock” – mua chứng khoán cất làm của – thì có lẽ chúng ta cũng chớ có “marry money” làm gì. Vì tiền tệ thực chất không phải là thứ để cất giữ. Từ marry ở đây thật là ý nhị. Tiết kiệm, do vậy, không phải là cách cất tiền chỗ kín, chưa nói, nếu tiết kiệm không đúng ta dễ rơi vào trạng thái vô tình góp phần tiêu diệt các khả năng kinh tế nẩy mầm…
Huy Nam
(*) Inflation allows borrowers to pay lenders back with money worth less than when it was originally borrowed, which benefit borrowers.