TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Đăng ngày

Chia sẻ:

–           Những băn khoăn có thể có.

–           Các yếu tố nền tảng cho hoạt động và tồn tại của thị trường.

Để tìm hiểu về  thị trường chứng khoán (TTCK) người ta có nhiều cách tiếp cận. Bài viết dưới đây cung cấp một cách tiếp cận khác: mượn những ưu tư xa gần để đặt cơ sở cho niềm tin vào cơ chế thị trường hấp dẫn này.

Hãy bắt đầu bằng một sự liên tưởng. Giả định ta chưa có ngành hàng không và chưa một lần bước chân lên máy bay. Trong khi ta thừa sức hiểu rằng đó là một ngành vận tải cao cấp nhất cần thiết cho mọi ngành kinh tế và đem lại lợi ích cho mọi người. Ta cũng đã hiểu rõ rằng hầu hết các nước trên thế giới đều có hàng không và nền kinh tế của họ đã cất cánh thông qua phương tiện này. Các nền kinh tế đó và dân chúng họ đang sử dụng và thừa hưởng một ân huệ lâu đời của nhân loại: Hôm nay ăn tối ở Sài Gòn, sáng mai uống cà phê ở Paris,… cảm nhận này thật là thú vị.

Nhưng ở vào thời điểm chuẩn bị “rước nó về” thì một tình tự băn khoăn lại xuất hiện. Người trách nhiệm thì lo vì nó phức tạp, cao cấp quá không kiểm soát được, lo nhân sự vận hành, lo trục trặc, … chưa nói đến các tai nạn thảm khốc đã từng xẩy ra ở xứ  người. Người sử dụng thì ớn ngồi trong cái buồng thuốc nổ ấy tít trên thinh không… Sự tưởng tượng, lo xa, nhất là về các sự cố là chuyện bình thường trong giai đoạn khởi đầu du nhập. Nó sẽ còn đó mãi cho đến khi chưa có các chuyến bay, và rồi lặng lẽ mất đi một khi các phi trường trở nên nhộn nhịp…

Chúng ta vừa mượn một hiện thực đã được kiểm chứng để bàn về một hiện thực khác đang được triển khai và có cảm nhận tương tự: Thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán (TTCK) đã có hàng trăm năm rồi ở Âu Mỹ và xuất hiện còn sớm hơn cả máy bay rất lâu.

Nhưng tại sao trong khi các ngành khác được triển khai nhanh và ngày nay nước nào cũng có thì TTCK lại chưa “phủ sóng” toàn cầu, hoặc được triển khai rất chậm ? Có thể nêu một số lý do tham khảo có tính nhận định và so sánh để làm cơ sở hiểu đúng về nó hơn.

Thứ nhất, TTCK chỉ có thể hoạt động và tồn tại trong cơ chế thị trường. Trong đó chỉ cho phép một vài tác động “bằng tay” có tính kỹ thuật để can thiệp vào thị trường khi thật cần thiết. Ví dụ kỹ thuật bình ổn giá (stabilizing), tạm ngừng giao dịch (market halt) với các điều kiện hết sức hạn chế, mà bản thân thị trường có thể vận dụng. Còn tất cả là do cung cầu quyết định. Đây là một đặc thù rất cơ bản và “ắt có” của TTCK. Không thể khác được và không thể có một can thiệp “hành chánh” nào vào cơ chế giá của thị trường này. Có thể nói TTCK là loại thị trường cao cấp và nhạy cảm nhất trong cơ chế thị trường. Do đó mà trong TTCK, một cấm kỵ bao trùm là sự vận hành nhân tạo giá (manipulation).

Sự can thiệp của nhà nước, nếu có, được thực hiện thông qua các chính sách điều tiết vĩ mô, chủ yếu là qua sự nới lỏng hay thu hẹp chính sách tiền tệ hoặc thông qua một hành lang pháp lý rõ ràng.

Thứ hai, TTCK chỉ có thể hoạt động hữu hiệu trong một thị trường đã có các điều kiện phát triển tương đối. Các ngành khác có thể chỉ cần điều kiện hạ tầng vật chất là đủ. Riêng TTCK, các điều kiện về kinh tế và xã hội lại rất có ý nghĩa. Đây là thị trường tồn tại trên niềm tin, do đó rất nhạy cảm và dễ có những phản ứng lây lan.

Về cơ cấu kinh tế, nó khó có thể phát huy tốt trong một thị trường mà quốc doanh còn chi phối, cộng với nông nghiệp áp đảo. Về xã hội và môi trường kinh doanh nó có thể bị hạn chế do một số nếp cũ không phải dễ bỏ, đồng thời cũng có thể bị cầm chừng cho đến khi một nề nếp mới được thiết lập. Đó có thể là lề lối cảm tính, bao che, tệ hối lộ, sự không quen với công khai… Cũng có thể là các giá trị có tính truyền thống hoặc quan điểm. Ví dụ như khái niệm “làm chủ công ty” sẽ bị đảo lộn hoặc một số giao dịch chỉ dành cho nhà giàu, kể cả trong hoạt động cổ phần hóa, như trong kỹ thuật bán riêng (private placement) hoặc giao dịch ở thị trường thứ ba (thị trường mua bán theo block)…

Rất nhiều nước chưa hoặc chỉ mới có TTCK là do những hạn chế (thứ hai) này, kể cả các nước không nằm trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây.

Thứ ba, TTCK là một công cụ để phát triển, để tăng tốc, là phương tiện điều hành vĩ mô bậc cao của kinh tế thị trường… chứ không phải là một công cụ có tính hạ tầng, một cái mốt thời đại hoặc phương tiện để duy trì phục vụ, quản lý… như các ngành khác. TTCK không phải là “nhu yếu phẩm”. Nó như một chất bổ tăng lực vô song cho nền kinh tế thị trường. Chính công cụ và vai  trò được xác định như vậy, TTCK chỉ hiện diện trong nền kinh tế theo sự chọn lựa của tiến trình, chứ không phải là cơ cấu “biên chế” thiết yếu như ngân hàng. Một nền kinh tế có thể không có TTCK. Nhưng, như thế, hoạt động kinh tế tại đó dễ bị chai lì, chậm phát triển hoặc đơn điệu…

Thứ tư, TTCK ngày nay là một công nghệ rất phức tạp và có thể nói là “tế nhị”. Quá trình xây dựng và hoàn thiện hàng trăm năm đã tạo nên một hệ thống lý thuyết, nghiệp vụ và quy chuẩn… tinh tế và đồ sộ. Hệ thống đó ngày càng bồi đắp bằng các giải pháp và công thức đầu tư khoa học và thuận tiện – ví dụ công trình của Black & Scholes (Nobel kinh tế -1997) dùng trong kỹ thuật mua bán ở thị trường options và futures hiện nay – TTCK còn xây dựng cho mình một chuẩn mực giá trị và đạo đức riêng và được khái quát toàn cầu thành các nguyên tắc hành xử và luật lệ làm nền cho kỹ thuật vận hành, không ngừng nỗ lực kiến tạo môt môi trường sạch…

Nói chung TTCK đã trở thành trí tuệ của nhân loại, đã có sẵn, đã được thử thách và tồn tại. Người đi sau cần phải học và theo. Đồng thời việc tổ chức tùy mức độ cần phải bắt kịp chứ không nên áp dụng kiểu “thử và sai” (trial and error). TTCK chỉ tồn tại và phát triển có điều kiện và việc xây dựng TTCK cần một cái nền tối thiểu: sự công khai thông tin và tính “trong suốt” của doanh nghiệp. Coi vậy mà không đơn giản. Để làm được điều này cần sự tập trung của cả xã hội và điều đó phải trở thành tập quán bình đẳng. Nếu không thì ắt sẽ có chuyện “ai công khai người đó lỗ”. Nhưng không công khai thì chẳng ai tin mà tham gia vào cuộc chơi. Điều đó có thể hiểu là sẽ không có một TTCK đúng nghĩa.

Về nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và thông tin hiện đại… dù cấp thiết, thật ra không đáng lo bằng những thứ kia, vì ta có thể tự trang bị hoặc hợp đồng du nhập.

Tới đây chúng ta có thể nói rằng TTCK chẳng có cái gì mới hết. Nhưng quả thật nó còn quá xa lạ đối với dân chúng và đời sống kinh tế Việt Nam. Nhu cầu tìm hiểu của dân chúng về cơ chế thị trường chuyên sâu này cho chúng ta thêm một chút băn khoăn.

Trong giai đoạn phôi thai, công chúng ở vào thế “cho gì nhận nấy, không dám cãi”. Do đó việc phổ biến kiến thức cần sự chính xác. Một sự thận trọng là cần thiết khi viết, khi đăng báo,… Điều chắc chắn là không ai dám viết về TTCK mà không biết nghiệp vụ. Nhưng có thể có những người  dịch nhưng lại không quen với ngôn ngữ hoặc không hiểu nghiệp vụ về TTCK thì có thể gây sai lệch và khó hiểu.Thuật ngữ trong TTCK không thuần chỉ lồng trong khung cảnh mà rất nhiều là các quy chuẩn và nghiệp vụ.

Lại có nhiều bài viết về TTCK quá đơn giản, quá ngắn gọn về các nghiệp vụ rất chuyên môn. Ví dụ các nghiệp vụ margin hay option… mà diễn đạt trong phạm vi vài trăm từ thì không tài nào chuyển tải được một khái niệm tối thiểu.

Thêm vào đó các tin tức về kinh tế tài chính quốc tế hiện nay hầu hết có liên quan đến TTCK – gồm cả thị trường hợp đồng futures. Nội dung các thông tin loại này phức tạp hơn. Bởi thế mà một bình luận có thể bị “liệt vị” như chơi ! Ví dụ trước đây có tin khi đồng Yen sụt giá ở Nhật thì ở Mỹ lãi suất trái phiếu kho bạc nhà nước thời hạn 30 năm giảm từ 5,778% xuống còn 5,660%. Không phải ai cũng hiểu thấu đáo hiện tượng này để có một nhận định đúng mực về tình hình. Ngoài mục đích đưa tin, theo tôi, người viết nên giới hạn truyền cho người đọc những gì mình không nắm vững.

Bài toán về vốn cho doanh nghiệp ở xứ mình và các kịch bản “vận dụng” của ngân hàng trong quá khứ đã cho chúng ta nhiều bài học đắng. Nhiều tình huống xoay xở trong bế tắc. Doanh nghiệp có quá ít sự lựa chọn. Và chính cái áo của cơ chế làm hạn chế sự lớn mạnh hoặc phát triển của doanh nghiệp cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Còn dân chúng có tiền tiết kiệm hoặc tiền nhàn rỗi thì sao ? Cất giữ hoặc mua vàng: xưa rồi –  gởi tiết kiệm: hẻo quá hoặc lệ thuộc vào kỳ hạn – chuyển thành ngoại tệ: bấp bênh – mua trái phiếu, cổ phần: còn ngờ ngợ băn khoăn… Số tiền theo dự đoán, năm 1997, còn “tạm trú” trong túi dân là khoảng tương đương với 8 tỷ USD. Con số này theo tôi, có thể là chưa đủ nếu kể đến các của cải cất giữ bằng những loại tài sản kém hoạt động khác. Như vậy, những người có tiền có vẻ như họ đang đợi một kênh đầu tư sinh động và an toàn mới.

Đó là chưa nói đến các nhu cầu huy động vốn của chính phủ và chính quyền địa phương cho các công trình tiện ích. Hoặc có thể là sự tìm kiếm một công cụ điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả nhất…

Tất cả các mong đợi trên chắc chắn sẽ được TTCK trả lời thuyết phục.

Chưa có hoạt động kinh tế nào “sung sướng” như TTCK: cung cầu có sẵn, công nghệ và kinh nghiệm (của thế giới) có sẵn. Có cả sự chín muồi của xu thế và sự đón nhận xem ra rất “độ lượng” và hứa hẹn hợp tác của các định chế khác trong nền kinh tế như thông tin, ngân hàng, bảo hiểm,… Có được thế mạnh đó là nhờ TTCK thực sự là một ngành kinh tế độc lập và có quy luật phát triển riêng. Chẳng những nó không cạnh tranh với các ngành anh em của nó mà còn liên lập với các ngành đó một cách “hòa bình”, cùng tồn tại và phát triển. Ngược lại bản thân các ngành khác không thể nào làm thay được việc của nó. Chính vì vậy mà lịch sử cho thấy không một ngành nào có khả năng đồng hóa hoặc “cải biên” TTCK thành một bộ phận của mình, kể cả ngân hàng.

Nói cho hết ý như thế để cho chúng ta có thể an tâm rằng việc còn lại phần lớn thuộc về chủ quan. Nhưng trong những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt thì đây lại chính là gánh nặng cho những người đang vật lộn trực tiếp với nó.

Nhìn chung, các tai biến của TTCK từ cổ chí kim có thể vẫn tiếp tục làm cho chúng ta băn khoăn. Nhưng cũng giống như hàng không, khi chưa có phương tiện nào tốt bằng và hiệu quả nhanh hơn, thì nào, hãy chuẩn bị hành trang để đáp kịp chuyến bay thời đại.

 

 

Huy Nam

Chuyên viên nghiên cứu CK và TTCK.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm bài viết