Trước khi là công ty mẹ …

Đăng ngày

Chia sẻ:

Theo ghi nhận hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới trung bình cứ mỗi 5 hoặc 7 người dân thì có một doanh nghiệp. Số trung bình này ở Việt Nam, vào năm 2002, là hơn 1000. Như vậy, với dân số 76 triệu người, nước ta đang còn chỗ cho hàng triệu doanh nghiệp sẽ ra đời… Doanh nghiệp sẽ nhiều gần bằng dân số, lại “sinh tử” (thành lập hay phá sản) dễ như không! Vậy có chăng rồi đây các thực thể đó sẽ trở nên tầm thường, cần gì phải lo xa, trí tuệ chi cho mệt? Quan điểm này là tâm lý khá phổ biến, có thể tạo ra cách hiểu lệch và khả năng làm suy giảm tinh thần doanh nghiệp. Một sự phân tích với lý giải xác định để làm rõ vấn đề quả là cần thiết.

Thứ nhất, dù dân số tại một nước có đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đi nữa, thực tế không đâu dám xem con người là tầm thường. Ngược lại, lẽ sống muôn đời đã khẳng định, con người vừa là vốn quý vừa là đối tượng được tập trung. Điều này cũng cho ta kết luận nhanh rằng nhiều không phải là tầm thường. Sanh ra một con người không đơn giản, dưỡng dục con người đó còn khó hơn bội bội. Sinh thể đó lại cần được tiếp nhận nhiều tinh hoa và tinh túy trong quá trình nó sống bình thường (tồn tại), lúc nó phấn đấu vì sự hiển đạt (phát triển), hay khi cần thử thách để thành danh (khẳng định)… Thật thú vị làm sao, về nguyên lý và thực tế, doanh nghiệp cũng là một thực thể cần được chăm lo y như vậy. Hơn thế nữa, đời sống của doanh nghiệp được xem là vô hạn…

Thứ hai, không có diễm phúc như con người – vốn được xem là do tạo hóa sinh ra, doanh nghiệp là sản phẩm của con người. Vận mệnh tốt xấu mà doanh nghiệp có được tùy thuộc vào con người đã đành, việc sinh tử của nó cũng hoàn toàn do con người định đoạt. Do đó, chưa nói đến sự phát triển và yêu cầu thành danh, quá trình tồn tại của nó thôi đã rất chật vật. Yêu cầu phải cạnh tranh sinh tồn có ngay từ khi doanh nghiệp mới được thành lập, càng gay gắt hơn nếu muốn trưởng thành, hay để bước qua từng nấc thang danh vọng… Cuộc cạnh tranh đó cần sự động não cao và liên tục, sự bền bỉ và tháo vát. Điều này chẳng những đòi hỏi kiến thức hay trí tuệ nói chung, mà còn trông cậy vào khả năng tổ chức, nắm vững và quán xuyến công việc… Trang bị tối thiểu mà thực thể nào cũng cần có là vậy, sự tinh tế trong vận dụng và huy động các nguồn lực, khả năng thích ứng cao, mới là thứ tạo ra các khoảng cách trên đường chạy thị trường. Ở đây bắt đầu xuất hiện sự sàng lọc. Quá trình sàng lọc đó được xem là không có điểm dừng, vì luôn luôn có nhân tố mới gia nhập. Vì vậy mới có sự sôi động, mới có sinh khí kinh doanh. Công ty như một động cơ “vĩnh cửu” không được nghỉ ngơi dừng lại, không được già đi. Mãi mãi phải là chàng thanh niên cần cù, sung sức… cho đến khi nào nó còn sống. Điều gì đã làm cho người ta mê mệt với cuộc làm ăn như vậy? Đó là niềm đam mê doanh nghiệp. Vâng, đây mới chính là chất keo kết dính nhiều đời người vào sự hưng vong của một công ty.

Năng lượng mà công ty nhận được trên đường chạy vượt thời gian đó không gì khác hơn là trí tuệ của con người. Tài trí ấy luôn được bổ sung để thích ứng trong suốt chiều dài sống của nó. Cứ thế, doanh nghiệp nhận được sự đổi mới liên tục để có được thể trạng trẻ mãi không già. Đích đến của doanh nhân cũng vì thế màhầu như luôn di động, luôn được nâng lên hay dời xa ra phiá trước, dù có đạt thành chăng nữa vẫn luôn là chưa tới… Động cơ làm giàu của họ đến một lúc được hoá thành nhu cầu hiển đạt. Cao hơn là sự lưu danh hay tình tự cống hiến để đời, là chân thiện mỹ chinh phục…  Cũng nhờ vậy mà các nền kinh tế phát triển, thế giới phát triển, nhiều công ty đang tồn tại đã trải qua hàng trăm năm. Rất nhiều công ty có lịch sử khởi nghiệp chỉ là “hộ cá thể”, phát triển từ đời cha qua đời con, lớn mạnh sang đời cháu, rồi mở rộng đại chúng (publicly-held corporation) ở đời chắt… Từng đoạn lột xác như vậy các thực thể doanh nghiệp được mặc tiếp theo những “chiếc áo” mới, do hình thái công ty (form of business hay legal entity) cần được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn phát riển. Tất cả được đúc kết thành các mô hình và kinh nghiệm tổ chức công ty. Từ những thành bại trong quá trình chắt lọc “thử và sai” như vậy, khoa học doanh nghiệp đã hình thành rõ nét từ già nửa sau của thế kỷ 20.

Các thực thể doanh nghiệp khi đã phát triển lớn mạnh, muốn mở rộng qui mô và tầm hoạt động, thường được cấu trúc thành bối cảnh mẹ-con. Theo đó, công ty mẹ (holding hay parent company) nắm quyền kiểm soát một hay nhiều công ty khác, bằng cách lập ra hoặc “cho thuê tài sản” tại các đơn vị hoạt động (operating units, cũng là các công ty), hay mua lại cổ phần để sở hữu áp đảo tại một công ty có sẵn. Là “mẹ” nhưng không theo một tôn ti hành chánh trên dưới hay hệ thống nào. Mối quan hệ mẹ-con hiện hữu trên cơ sở hiệu quả, vì quyền lợi, và chỉ tồn tại khi công ty con giỏi làm ăn hay được tiên liệu là sẽ tốt. Không giỏi thì mẹ sẽ bỏ con dễ dàng! Đây lại là cách “cư xử” cần thiết. Công ty mẹ cũng không phải là một loại hình doanh nghiệp gì khác lạ, đó chỉ là một công ty bình thường như bao công ty khác, và cũng như con của nó. Ngay cả “quyền kiểm soát” cũng dựa theo chừng mực luật lệ (vốn luôn có các điều khoản bảo vệ cổ đông nhỏ). Không có vai trò chủ quản, Công ty mẹ được “lên chức” từ nhu cầu làm ăn tự nhiên, chứ không phải “tổ chức” mới có. “Mẹ” là cách gọi hình tượng để phân biệt, để diễn đạt tương quan một bối cảnh động về sở hữu, việc làm ăn của “mẹ” có thể hiểu là kinh doanh vốn. Kinh doanh vốn khác với quản lý vốn! Ta thấy, động cơ hiệu quả luôn là lý giải thuyết phục của bối cảnh, với một chút “quyền lực” có từ quyền sở hữu. Đấy, vẫn là đồng tiền đi liền khúc ruột! Cho nên, nếu mẹ-con mà tổ chức mô phỏng theo kiểu hợp lại khiên cưỡng thì kết quả cũng chỉ là “mô phỏng”. Mẹ nuôi thì sẽ có con nuôi thôi. Lẽ đời chẳng còn lạ, chỉ khi là mẹ ruột–con ruột thì mới có một đan quyện tâm huyết trọn vẹn.

Thế là đã rõ, từ các thực thể nhỏ lẻ cho đến anh khổng lồ, không đâu có thể thiếu vắng sự tận tụy và tài trí tổ chức điều hành. Hơn nữa, tinh thần doanh nghiệpentrepreneurship – ngày nay không chỉ liên hệ đến chuyện làm ăn cụ thể, mà còn là thứ tinh hoa trí tuệ của loài người, được triết lý như là sự nghiệp đáng tôn vinh. Vậy, hãy bắt đầu gầy dựng công ty bằng tinh thần doanh nghiệp để có sự đam mê…

Huy Nam, CV kinh tế và chứng khoán

(2002)

Xem thêm bài viết