Việt kiều và khoảng cách thông tin còn lại

Đăng ngày

Chia sẻ:

Khác với năm mười năm trước, bà con Việt kiều về thăm quê trong vài năm gần đây có thể đã bị lúng túng không biết phải mang thứ gì về để làm quà cho người thân hay bạn bè. Nhiều thứ “quý hiếm” một thời đã nhanh chóng được thị trường trong nước thỏa mãn, vừa phong phú vừa rẻ… Tất nhiên không phải tất cả, nhưng đa số hàng tiêu dùng là vậy. Chừng mực nào đó, hành lý mang ra thường lại nhiều hơn lúc mang về !

Cũng khác với những năm trước đây, lúc mà cơ cấu hàng làm quà, hàng mang đi, chủ yếu gồm những thứ để nhâm nhi, có gốc nguyên liệu là chùm ruột, me, cóc, gừng…. hoặc sang hơn có hàng thủ công mỹ nghệ. Bây giờ cơ cấu ấy là quần áo, giày dép, sản phẩm thời trang, băng nhạc, hàng công nghệ… Có người mua vài hộp kem đánh răng hay một món thông dụng gì đó “made in Viet Nam” mang về xài hoặc để biếu xén. Chẳng là, năm 2000 đã điểm thêm một khích lệ hội nhập cho Việt Nam: Số người đến thăm đất nước tràn ngập ánh nắng và nụ cười này lần đầu tiên vượt lên con số hai triệu. Trong đó, đáng chú ý là du lịch mua sắm đã hình thành như một khuynh hướng mới.

Mục đích về quê của bà con Việt kiều cũng đã khác xưa: Về để thăm, để hỏi chuyện làm ăn nhiều hơn là về để giúp ngặt giúp nghèo. Đã thế, không ít trường hợp họ còn được thân nhân trong nước tài trợ một phần hay tất cả chi phí, gồm cả vé máy bay! Đa số nói rằng họ chờ đến nao lòng để sống lại những ngày Tết ở quê nhà, để tìm chút mùi hương cũ, cảnh xưa. Do vậy mà có người tỏ ra tiếc vì không còn chợ hoa Nguyễn Huệ hay chợ Tết Bến Thành. Nhưng bù lại có nhiều đổi thay khác mà ai cũng phải “trầm trồ”, chẳng hạn kênh Nhiêu Lộc, các tuyến đường thênh thang mới mở … Nhiều gia đình có ý đưa con cái về còn là để các em không lạ với quê hương. Nhìn chung, cảm nhận lạc quan, sự cởi mở, đã kéo gần lại tình cảm người trong kẻ ngoài, tạo nên sự sum họp hạnh phúc, bớt đi những phiền muộn bất đắc chí, những than vãn, hay kể khổ một thời …

Dù thời gian cuối năm khá chật vật, tôi đã ba lần đưa vài thân hữu đi thăm các khu công nghiệp tại Bình Dương và Đồng Nai. Khi các anh chị mục kích sự đổi thay lớn tại khu Sóng Thần và Long Bình, họ đã bật ra những dự tính quay về làm ăn. Và rồi họ “truy” tôi đủ thứ, hỏi tôi nhiều điều…đã quá xưa, đa số còn nặng tư duy của năm mười năm trước. Họ đâu biết chỉ cần đem so sáu tháng cuối năm với sáu tháng đầu năm 2000 thôi cũng đã khác xa. Tất nhiên, môi trường chưa tốt như xứ họ đang định cư. Nhưng nhiều người lại không tin là ở trong nước, nay chỉ cần vài ngày, thậm chí một ngày, là có thể làm xong thủ tục lập một doanh nghiệp, kể cả cho đẩu tư nước ngoài. Họ không tin là chính họ cũng có thể đứng tên làm chủ doanh nghiệp, mua cổ phần các công ty đang cổ phần hoá, và có thể đi kiện bất cứ ai nhũng nhiễu chuyện làm ăn chính đáng của họ… Họ băn khoăn “khi làm được và khá lên thì có sao không?” Thế mới hay họ nhận được thông tin chính thức ít quá. Người nhà hoặc bạn bè thì không phải ai cũng sẵn sàng hoặc có điều kiện để giúp họ hiểu một cách đầy đủ. Bởi vậy mà trong một câu chuyện, một người bạn mới về cho biết, họ nhờ người cháu trong nhà đi đăng ký tạm trú và đã tốn 25 đô la. Nghe vậy, anh bạn Việt kiều đi cùng nói ngay là đã nhờ anh ruột của mình đi đăng ký và đâu có tốn đồng nào! Có phải vì thông tin ra ngoài còn quá ít và chưa được chú trọng? Thế cho nên hôm 28 Tết, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại cho chương trình Việtnam Ngày nay, một phóng viên của đài BBC (cũng là Việt kiều) cứ hỏi đi hỏi lại tôi tại sao TTCK Việt Nam lại không mở ra cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia niêm yết? Tôi trả lời rằng không hẵn vậy đâu, rồi phải thông tin và giải thích rất nhiều họ mới hiểu “à ra là vậy”. Có lẽ cần sớm đặt ưu tiên cho cả chủ trương lẫn phương pháp thông tin ra quốc ngoại, vì quyền lợi quốc gia, yêu cầu hội nhập, và ý nghĩa tình cảm.

Về sau này, những lúc chào tạm biệt bạn, tôi thường tặng vài số báo mới để họ mang đi, nhất là báo kinh tế. Những thứ này coi vậy mà “có giá”. Có người như phát hiện thêm một chút mới lạ vào những giờ cuối của chuyến thăm quê nhà, họ thích thú lắm. Lần này có bạn hỏi xin thêm báo tiếng Anh. May mà tôi có sẵn một vài tờ  Saigon Times Daily và Weekly, Vietnam Investment Review và Vietnam Economic Times.

Tại phi trường, những cuộc chia tay nay đã không còn nhiều nước mắt như trước nữa. Thay vào đó ta dễ gặp những nụ cười tin yêu, chút gửi gắm, những câu trao đổi nhanh: nhớ e-mail nha , hoặc see you soon.

(Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Tân Niên 2001; Báo Bình Dương, Đà Nẵng)

Xem thêm sách