Một trong những công cụ phổ biến trong thị trường tiền tệ là ‘repo’. Repo là từ viết tắt của thuật ngữ repurchase agreement, là thoả thuận mua lại. Loại ‘sản phẩm tiền tệ’ này nay cũng đã khá quen thuộc với thị trường tài chánh Việt Nam. Thế nhưng, trong thực tế ứng dụng ở ta có vẻ như repo đã bị hiểu ngược thành “reverse-repo”. Để sự hiểu biết được chính xác hơn, ta hãy xem cách vận động của repo thế nào?
Repo (repo xuôi)
Trước tiên repo là một loại hợp đồng ‘mua’ tiền mặt ngắn hạn bằng một tài sản khác. Một ngân hàng (hay tổ chức) đang có chứng khoán (hay tài sản) nhưng thiếu tiền mặt, họ tiến hành ký một hợp động với người có sẵn tiền để ‘bán tạm thời’ một lượng chứng khoán và cam kết sau một thời gian sẽ mua lại lương chứng khoán này với giá cao hơn. Cần lưu ý ở đây tổ chức huy động (công ty tài chính hay ngân hàng) là bên chủ động giao dịch, bằng cách: (1) tìm người để ký hợp đồng bán tạm thời một lượng chứng khoán (hay tài sản) mình đang nắm giữ để có tiền mặt, đồng thời (2) cam kết sẽ mua lại lượng chứng khoán hay tài sản ấy vào một ngày xác định sau đó (là một cách trả lại tiền). Nói cho gọn, đây là hoạt động huy động chứ không phải cho vay.
Giao dịch repo như vậy tạm hiểu như một thoả thuận kép mà (1) nếu xét từ góc độ người có tiền sẽ gồm việc mua đi và bán lại của người này; và (2) nếu xét từ vị thế của bên có tài sản sẽ là việc bán đi và mua lại. Việc mua lại của bên có tài sản (định chế huy động vốn) được xác định trong một thời khoảng nhất định với giá mua lại luôn cao hơn giá đã bán trên cùng tài sản đó. Điểm mấu chốt ở đây là giá mua lại luôn cao hơn giá bán và đây chính là ‘khoản phí sử dụng vốn’ mà bên cần tiền phải chịu.
Về bản chất thực hành trong ngân hàng, repo là hình thức huy động có đảm bảo (collateralized loan) mà tiền lãi huy động (chi phí) là chênh lệch ‘bán đi thấp, mua lại cao’ tài sản thế chấp. Trường hợp này người ta gọi rõ hơn là repo ngân hàng (banking repo), và tiền lãi có thể thương lượng với mức thấp hơn khoản huy động bình thường.
Nhìn từ góc rộng, repo là công cụ ứng dụng rất tuyệt trong hoạt động tài chánh, cả vi mô lẫn vĩ mô. Về mặt vi mô, đây chẳng những là phương tiện huy động vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại, mà còn là phương tiện giúp các công ty chứng khoán có thể ‘xoay’ tiền ngắn hạn. có điều kiện tài chánh để tăng ‘tồn kho’, đặc biệt là với các cổ phiếu hấp dẫn, trái phiếu tốt…. Họ dùng các loại chứng khoán đang nằm trong danh mục, thực hiện nghiệp vụ ‘bán tạm thời’ để tăng cường nguồn vốn kinh doanh.
Về mặt vĩ mô, Ngân hàng Trung ương có thể sử dụng vào hoạt động hiệu chỉnh độ tối ưu (fine tuning) lượng cung tiền tệ trong ngắn hạn. Tổ chức quản lý vĩ mô này sẽ thực hiện biện pháp điều tiết siết chặt (contractionary) tạm thời bằng cách rút bớt tiền lưu hành trong nền kinh tế. Theo cách này, Ngân hàng Trung ương sẽ tiến hành các hợp đồng bán theo phương thức repo những trái phiếu chính phủ (loại đã phát hành và đã được mua lại) với điều kiện hấp dẫn, nhằm mục đích giảm nhanh lượng tiền đang lưu hành trong nền kinh tế. Đây được xem là biện pháp can thiệp nóng. Do là can thiệp nóng, ta thấy biện pháp này hữu hiệu hơn là cách phát hành trái phiếu mới, vốn phức tạp, tốn kém mà hiệu quả thì lại chưa thể đo lường được (về lãi suất, về thời gian đáo hạn…).
Reverse repo (repo ngược)
Ngược với repo là reverse repo, nôm na là hoạt động cho vay tiền của các định chế tài chánh, nhưng theo một phương thức hơi khác thường. Đây chính là hoạt động mà vừa qua các ngân hàng và công ty chứng khoán tại Việt Nam đã thực hiện để tài trơ cho các nhà đầu tư chứng khoán, nhưng ta lại gọi là repo.
Reverse repo viêt đầy đủ là reverse repurchase agreement. Để có cách hiểu tương thích theo hệ thống, và đứng ở góc độ các định chế tài chánh, ta gọi reverse repo trong tiếng Việt là thoả thuận bán lại. Công cụ này có cách giao dịch ngược với ‘thoả thuận mua lại’ (repo/repurchase agreement). Theo đó, thay vì các ngân hàng hay tổ chức tài chánh cần tiền thì ở đây một nhà đầu tư hay khách hàng nào đó đang sở hữu chứng khoán (hay tài sản) và đang cần tiền. Các định chế tài chánh (là công ty tài chánh chứng khoán, ngân hàng) thỏa thuận mua một lượng chứng khoán từ các nhà đầu tư hay khách hàng của mình (thực chất là cung cấp tín dụng cho khách hàng), đồng thời ràng buộc sẽ bán lượng chứng khoán ấy lại cho nhà đầu tư vào một thời điểm nhất định sau đó. Ta hãy xem cách ‘bày trò’ làm ăn kiểu Tây này vận hành như thế nào?
Nói chung, reverse repo là một thương vụ mà các định chế tài chính tiến hành hợp đồng mua ngắn hạn một tài sản từ người bán và (tạm thời) trả cho người đó một khoản tiền. Gọi là trả nhưng thực chất không khác cho vay có rhế chấp trong thời gian hiệu lực của hợp đồng. Sở dĩ ta gọi là thương vụ vì việc này được thực hiện theo hình thức mua bán tài sản (thường là chứng khoán) bằng một hợp đồng trên cơ sở thoả thuận. Hợp đồng reverse repo luôn có điều khoản bán lại, là điều khoản có tính chìa khoá mà bên tài trợ (ngân hàng cho vay) sẽ có sự chủ động khi hết thời hiệu.để thanh lý hợp đồng. Điểm cần lưu ý, do đây được xem là thương vụ, các ‘dealer’ (ngân hàng, công ty tài chính) luôn mua vào giá thấp, bán lại giá cao và các giá này được thoả thuận trước (luôn có lợi cho dealer). Khoản chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua dđược xem như phí sử dụng vốn (lãi vay) của người cần tiền.
Reverse repo theo cách giải thích trên đây đối với các công ty chứng khoán (securities dealer) là một hoạt động tài trợ (tiền mặt) cho khách hàng thông qua hợp đồng ‘mua tạm’ chứng khoán của nhà đầu tư. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây chỉ là cách cho vay với các điều kiện chắc nịch, là cách đem lại lợi đơn lợi kép cho các công ty chứng khoán, nhưng do không thuộc chức năng hoạt động nên không thể gọi thẳng là cho vay mà được lách qua hình thức hợp đồng mua bán reverse repo. Đối với ngân hàng, reverse repo là sản phẩm vừa có sự linh hoạt nghiệp vụ vừa đáp ứng được yêu cầu tài sản bọc lót (thế chấp/collateral). Tiền lãi áp dụng ở đây lại có thể thương lượng và thường nhẹ nhàng hơn cho vay bình thường.
Reverse repo cũng có thể được ứng dụng trong hoạt động điều tiết tiền tệ vĩ mô. Các ngân hàng trung ương có thể sử dụng công cụ này để ‘bơm tiền tạm thời’ vào nền kinh tế theo chủ trương nới lỏng tiền tệ (expansionary policy). Cách làm phổ biến là mua vào các trái phiếu cao cấp (bao gồm trái phiếu chính phủ) trong việc can thiệp bằng biện pháp ‘hoạt động thị trường mở’.
Vậy giữa repo và reverse repo khác nhau thế nào? Hai nghiệp vụ này có điểm khác nhau căn bản là: Đối với giao dịch repo (thoả thuận mua lại) thì ‘dealer’ hay ‘banker’ cần tiền, là cách huy động vốn ngắn hạn. Còn giao dịch reverse repo tương tự như hoạt động cấp tín dụng ngắn hạn cho khách đi vay, là đầu ra của họ. Để cho đơn giản, ta có thể hiểu “repo là repo xuôi” và “reverse repo là repo ngược” vậy.